Tuesday, April 23, 2024

Chân dung người sắp làm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Hôm Thứ Năm, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu 13-2, đề cử ông Antonio Guterres, cựu cao ủy trưởng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và là cựu thủ tướng Bồ Ðào Nha, làm tổng thư ký, thay thế ông Ban Ki-moon, người sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.

Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, bao gồm 193 quốc gia thành viên, sẽ chính thức bỏ phiếu có chấp nhận đề cử của Hội Ðồng Bảo An hay không, vào những ngày tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng, ông Guterres sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào, sau khi được Hội Ðồng Bảo An đề cử, nhất là ông không bị năm quốc gia thành viên thường trực, bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, và Trung Quốc, bỏ phiếu chống.

Ông Antonio Guterres, 67 tuổi, sinh quán Lisbon, Bồ Ðào Nha. Ông tốt nghiệp đại học tại viện cao đẳng kỹ thuật Lisbon, ngành vật lý và kỹ sư điện năm 1971. Tuy nhiên, ông chỉ làm nghề chuyên môn và giáo sư phụ giảng trong ba năm rồi chuyển hẳn sang hoạt động chính trị.

Ông từng là tổng thư ký đảng Xã Hội Bồ Ðào Nha, chủ tịch Phong Trào Xã Hội Quốc Tế. Năm 1995 đảng Xã Hội thắng cuộc tổng tuyển cử và ông Guterres giữ chức vụ thủ tướng trong hơn sáu năm (28 Tháng Mười, 1995 đến 6 Tháng Tư, 2002), rồi chủ tịch Hội Ðồng Liên Âu (Tháng Giêng đến Tháng Bảy, 2000).

Tháng Năm, 2005, ông Guterres được bầu làm cao ủy trưởng UNHCR, tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới. Cho đến khi ông mãn nhiệm cuối năm 2015, cơ quan này có hơn 10,000 nhân viên làm việc ở 126 quốc gia, trợ giúp cho 60 triệu dân tị nạn, di tản trong nước vì chiến tranh, cùng với người hồi hương cũng như dân vô tổ quốc. Ở vai trò lãnh đạo, ông đã cải tổ sâu rộng tổ chức, cắt giảm chi phí hành chánh nhân viên và UNHCR có khả năng đáp ứng công tác cứu trợ khẩn cấp vào giai đoạn khủng hoảng di dân nặng nề nhất kể từ sau Thế Chiến 2.

Trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo UNHCR, ông Gutterres phải đối phó với tình trạng khủng hoảng di dân ở Trung Ðông, nội chiến Syria, cùng những xung đột và rối loạn xã hội ở nhiều nước Châu Phi.

Theo dự trù, từ đầu năm 2017, ông Guterres sẽ đảm nhiệm chức vụ ngoại giao phức tạp nhất thế giới và người ta kỳ vọng ông có thể là “một nhà trung gian quốc tế” xuất sắc, như lời mô tả về vai trò này của cố Tổng Thống Franklin D. Roosevelt.

Với vai trò từng lãnh đạo chính phủ Bồ Ðào Nha, và có nhiều quan hệ trong Liên Âu, ông Antonio Guterres có thể có khả năng và sự cương quyết hơn, nhất là khi phải dàn xếp với các hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An có quyền phủ quyết và cản trở những nghị quyết quan trọng.

Người ta coi ông Antonio Guterres có tác phong của chiến lược gia hơn là một người điều hành các công việc hành chính. Do đó, với tình trạng Ban Thư Ký Liên Hiệp Quốc với 40,000 viên chức và thường bị phê phán là hoạt động nặng nề chậm chạp và hành chánh quan liêu, cần phải được cải cách, có lẽ ông Guterres không trực tiếp giải quyết mà sẽ tìm được người có hiệu quả để trao phó nhiệm vụ này.

Bà Samantha Powers, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bày tỏ ngạc nhiên về việc Hội Ðồng Bảo An dễ dàng bỏ phiếu đề cử ông Guterres trong hoàn cảnh đầy rẫy những vấn đề phức tạp của thế giới như vậy.

Một phần lý do có thể là vì tín nhiệm chung đối với ông qua thời gian lãnh đạo UNHCR.

Bà Kathy Calvin, chủ tịch kiêm tổng giám đốc UN Foundation, tổ chức phi chính phủ hoạt động trợ lực cho Liên Hiệp Quốc, ca ngợi thành tích của ông Guterres trong công tác cứu trợ nhân đạo. Bà đã làm việc với UNHCR năm 2009 khi ông Guterres đề xuất sáng kiến và nỗ lực thực hiện dự án cung cấp mùng chống muỗi cho các trại tị nan, tránh khỏi sự lây lan bệnh sốt rét.

Trong lịch sử 70 năm của Liên Hiệp Quốc, chức vụ tổng thư ký chưa bao giờ do những chính trị gia nổi tiếng hàng đầu trên thế giới đảm nhận. Ông Guterres là cựu lãnh đạo quốc gia đầu tiên được đề cử vào chức vụ này, nhưng quá trình làm thủ tướng Bồ Ðào Nha hay cao ủy trưởng UNHCR của ông không hẳn là nhân vật chiếm tin tức quốc tế hàng đầu.

Bây giờ ông sẽ bước vào vũng nước xoáy của những cuộc xung đột khu vực không bao giờ dứt, sự gia tăng hoạt động khủng bố, bế tắc của cuộc nội chiến Syria kéo dài, ngăn cách sâu xa giữa Nga với Tây Phương và khó khăn quốc tế trước con số di dân khổng lồ.

MỚI CẬP NHẬT