Friday, April 19, 2024

Cưỡng chế đất ở Bình Phước, dân và công an cùng đổ máu

BÌNH PHƯỚC (NV) – Vừa có thêm một vụ kháng cự cưỡng chế dẫn tới đổ máu tại tỉnh Bình Phước, và công an bắt giữ bảy người ngụ tại xã Long Bình, huyện Phú Riềng, vì “chống người thi hành công vụ.”

Bảy người bị bắt giữ đều là đàn ông, trong độ tuổi từ 25 đến 46, và cũng là thân nhân của bà Lý Thanh Luân, 50 tuổi, người được xác định là đối tượng bị cưỡng chế thi hành một bản án được tuyên từ năm 2010.

Theo tờ Tuổi Trẻ, bà Luân từng vay của ông Phạm Tiến Sáng một khoản tiền. Vì bà Luân không trả nợ nên ông Sáng kiện bà ra tòa án huyện Phú Riềng. Bà không phủ nhận chuyện vay mượn và vẫn khẳng định sẽ trả cả vốn lẫn lãi nên tòa không xử mà chỉ làm thủ tục hòa giải. Quyết định công nhận thỏa thuận giữa hai bên (có giá trị như một bản án) xác định bà Luân phải trả cho ông Sáng 50.2 triệu đồng.

Có một điểm đáng chú ý mà tờ Tuổi Trẻ không tìm hiểu và chưa cho biết tại sao bà Luân thừa nhận và khẳng định hứa trả nợ nhưng Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Riềng lại tổ chức đấu giá vườn điều có diện tích 4,500 mét vuông của bà Luân để thu… 50.2 triệu trả cho ông Sáng (?).

Tờ Tuổi Trẻ chỉ cho biết vụ đấu giá diễn ra cách nay hai năm một cách suôn sẻ nhưng cũng chưa rõ vườn điều của bà Luân đã được ai mua và mua với giá bao nhiêu (?).

Bởi vì bà Luân không chịu bàn giao vườn điều cho người trúng đấu giá nên ngày 15 Tháng Chín, các lực lượng hữu trách huyện Phú Riềng tổ chức cưỡng chế, tịch thu vườn điều, giao cho người mua đấu giá. Cả bà Luân lẫn thân nhân cùng kháng cự vụ cưỡng chế này.

Tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng, lực lượng công an tháp tùng các viên chức thi hành án “đã dùng súng, dùi cui điện trấn áp thân nhân của gia đình bị cưỡng chế và bị chống trả quyết liệt khiến xung đột bị đẩy đến đỉnh.”

“Do bị công an dùng dùi cui điện dí vào người nên Dũng Văn Hai (29 tuổi) đã dùng dao nhọn đâm thủng bụng Thượng Úy Lê Xuân Mạnh (32 tuổi) làm việc tại công an huyện Phú Riềng. Trước hành vi quá manh động, một chiến sĩ công an đã dùng súng bắn vào người Dũng Văn Quang (31 tuổi, không phải là người đâm ông Mạnh), đồng thời ra đòn trấn áp với những người còn lại.”

“Sau khi bị đâm thủng bụng, Thượng Úy Mạnh được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, thương tích không ảnh hưởng đến tính mạng. Còn Dũng Văn Quang cũng được người thân đưa đi cấp cứu.”

Thứ Bảy vừa qua, “cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Phước quyết định tạm giữ bảy đối tượng để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ. Trong bảy người này có cả ông Dũng Văn Quang, người bị công an bắn trọng thương.”

Khác với trước, cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện các dự án đã được phê duyệt hoặc cưỡng chế thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật đã không còn suôn sẻ nữa. Càng ngày, những vụ cưỡng chế có đổ máu càng nhiều. Cũng vì vậy, bản án dành cho những người bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” càng nặng nề, trong nhiều trường hợp không phải là thực thi công lý mà chỉ nhằm “răn đe.”

Chẳng hạn, bất chấp phản ứng của cả công chúng, báo giới, luật sư, kể cả thẩm phán, trong đó có cả cựu thẩm phán Tòa Án Tối Cao, hồi Tháng Ba vừa qua, khi xử phúc thẩm vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn “chống người thi hành công vụ,” tòa án tỉnh Long An vẫn phạt thiếu niên này 30 tháng tù.

Vào ngày 14 Tháng Tư, 2014, gia đình Tuấn, ngụ tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, và hàng xóm đã liều chết kháng cự việc cưỡng chế thu hồi đất để bảo vệ nhà, đất của họ.

Trong khi chính quyền giải thích, việc tổ chức cưỡng chế là nhằm có mặt bằng để xây dựng đê bao quanh sông Vàm Cỏ Tây, dân chúng trong vùng tố cáo, mục tiêu chính của việc giải tỏa nhà, thu hồi đất là nhằm lấy đất xây dựng trung tâm thương mại.

Những người bị giải tỏa nhà, thu hồi đất, chỉ được bồi thường 300,000 đồng một mét vuông, nhưng khi mua đất tái định cư bên cạnh khu vực bị giải tỏa, họ phải trả 25 triệu đồng cho một mét vuông đất. Cũng vì vậy, năm 2013 tại Thạnh An từng xảy ra xung đột giữa những người bị thu hồi đất với lực lượng cưỡng chế.

Trong lần cưỡng chế thứ hai vào Tháng Tư, 2014, do bị lực lượng cưỡng chế bao vây với xe ủi mở đường, gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn và hàng xóm đã tự đốt nhà, kích nổ bình ga, tạt acid vào những viên chức tham gia cưỡng chế.

Công an tỉnh Long An thông báo, sự kháng cự của các nạn nhân đã làm 20 viên chức bị thương và bắt giữ 11 người, trong đó có cả ông ngoại, cha, mẹ, chú, cậu của Tuấn. Những người này bị khởi tố một trong hai hoặc cả hai tội “chống người thi hành công vụ” và “cố ý gây thương tích.”

Họ đã bị tòa án huyện Thạnh Hóa đưa ra xử sơ thẩm hồi Tháng Chín, 2015 và tòa án tỉnh Long An đưa ra xử phúc thẩm hồi Tháng Mười Một sau đó. Tất cả đều bị phạt tù. Ông Nguyễn Trung Can, cha của Tuấn, bị phạt ba năm tù. Bà Mai Thị Kim Hương, mẹ của Tuấn, bị phạt ba năm sáu tháng tù. Hai vụ xử sơ thẩm và phúc thẩm đều hạn chế người dự xử. Cả 11 người đều không có luật sư vì họ không có tiền để trả luật sư phí.

Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng bị bắt nhưng bị điều tra, truy tố và xét xử riêng với cáo buộc đã trực tiếp tạt acid vào Trung Tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an xã Thạnh Phú.

Cả dân chúng, báo giới lẫn chín luật sư tình nguyện bào chữa cho Tuấn đều tỏ ra bất bình khi hệ thống tư pháp tỉnh Long An tìm mọi cách để nhốt cho bằng được một thiếu niên, bị coi là phạm tội lúc mới 14 tuổi. Ví dụ điểm mấu chốt để công an đề nghị truy tố, viện kiểm sát đề nghị phạt tù và tòa án huyện phạt Tuấn bốn năm sáu tháng tù là tỉ lệ thương tật mà Tuấn đã gây ra cho ông Thủy khi tạt acid vào ông này là 35%.

Tuy nhiên, các luật sư đã chứng minh rằng cáo buộc đó thiếu tin cậy. Giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện Chợ Rẫy cấp cho ông Thủy khi cấp cứu cho ông này ghi nhận, tỉ lệ thương tích vào lúc cấp cứu cho ông ta chỉ có 16%. Sau đó, Trung Tâm Giám Định Pháp Y của Sở Y Tế tỉnh Long An “giám định lại” và nâng tỷ lệ thương tật lên 35% mà không mô tả thương tật, không xác định diện tích các vết phỏng, không chụp ảnh lưu hồ sơ để minh họa cho kết luận giám định.

Các luật sư cũng phản đối việc tòa án không triệu tập Giám định viên và “nạn nhân” là ông Thủy để đối chất, nhưng không ăn thua.

Gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn có bốn người. Ngoài việc mất nhà, mất đất, gia đình này có ba người đang ở tù. Chỉ có một bé gái 11 tuổi tự do nhưng không có nơi nương tựa. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT