Friday, March 29, 2024

Mỹ sắp tuần tra Biển Đông, cần Trung Quốc giúp đối phó Bắc Hàn

WASHINGTON, DC (NV) – “Tình hình khu vực Á Châu-Thái Bình Dương phức tạp nên Mỹ cần sự tiếp tay của Trung Quốc để giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn cảnh cáo Bắc Kinh lấn át trên Biển Đông.”

Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nói như vậy khi ông ra điều trần tại Thượng Viện hôm Thứ Tư, 26 Tháng Tư.

Ông cho hay các cuộc tuần tra “tự do hải hành” sắp được Hải Quân Mỹ thực hiện trên Biển Đông, và ông kêu gọi các nước khác cũng hành động như vậy.

Hồi tháng trước, người ta thấy đội tàu đặc nhiệm với hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đi qua Biển Đông, tới Singapore rồi sang Úc tập trận, sau đó đi tới khu vực biển giữa Nhật và Đài Loan tập trận với Hải Quân Nhật.

Trong cuộc điều trần tại Quốc Hội, ông Harris tố cáo Trung Quốc là “hung hăng” và cho rằng Bắc Kinh có vẻ “không tôn trọng các thỏa hiệp quốc tế mà họ từng ký kết.”

Hồi Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền theo các vạch nối lại hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và vẫn cả quyết chủ quyền “Lưỡi Bò” là “lợi ích cốt lõi” của họ dù họ từng ký vào Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).

Hai năm qua, Trung Quốc gấp rút bồi đắp bảy bãi đá ngầm thành bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Họ cũng cơi nới, mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Cả hai khu vực này được Bắc Kinh trang bị tối tân, biến thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển. Theo ông Harris, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành các kế hoạch kiểm soát Biển Đông.

“Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông là một thực tế,” Đô Đốc Harris nói trong cuộc điều trần.

Theo ông, không những Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo mà con biến chúng thành các căn cứ quân sự dù lãnh tụ nước họ từng tuyên bố cam kết không quân sự hóa khu vực. Trang bị cho các đảo nhân tạo ở Trường Sa là các hỏa tiễn tầm xa, các nhà chứa máy bay, tòa tháp radar, và doanh trại quân đội.

Tuy Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, ông Harris cho hay lực lượng Hoa Kỳ sẽ có những hoạt động để đẩy lùi các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cũng khuyến khích các đối tác trong khu vực nên làm như Mỹ.

Đối với các nước đang có tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan, ông Harris nói: “Chúng ta cần khuyến khích họ chống lại Trung Quốc và chúng ta cần hậu thuẫn cho họ ở những lãnh vực chúng ta có thể làm, đặc biệt đối với những nước là đồng minh của chúng ta.”

Thủ đô Bắc Hàn thiếu xăng trầm trọng

Trong khi chống lại các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, Washington lại cần Bắc Kinh hợp tác để đối phó với Bắc Hàn. Ông Harris cho rằng các chương trình thử nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn là các mối đe dọa đang cần thế giới đối phó khẩn cấp.

“Tuần này, Bắc Hàn đe dọa sẽ tấn công bằng nguyên tử đến nước Úc, đây là điều nhắc nhở mạnh mẽ cho cả cộng đồng quốc tế biết là hỏa tiễn của họ chĩa về đủ mọi hướng,” ông Harris nói. “Với mỗi một lần thử bom hay hỏa tiễn, Bắc Hàn lại tiến đến gần hơn mục đích đánh phủ đầu đến các thành phố Mỹ.”

Vì bản chất khẩn cấp của vấn đề Bắc Hàn, ông cho hay, “chúng ta tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng kinh tế để ngăn chặn Bắc Hàn tiếp tục thử võ khí nguyên tử. Trong khi các phản ứng từ Bắc Kinh (áp lực Bắc Hàn) đáng khuyến khích và hoan nghênh, sự kiện vẫn còn nguyên là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một nước Bắc Hàn như hiện nay.”

Một số nhà phân tích thời sự từng tỏ ý lo ngại, khi Mỹ đề nghị Trung Quốc áp lực Bắc Hàn, có thể Washington sẽ nhượng bộ Bắc Kinh tại Biển Đông với hệ quả gây thiệt hại cho các nước nhỏ tranh chấp biển đảo với họ.(TN)

MỚI CẬP NHẬT