Thursday, April 25, 2024

Việt Nam: Tin đồn Trần Bắc Hà sẽ bị bắt, thị trường vốn một ngày mất $2 tỉ

HÀ NỘI (NV) – Ông Vương Đình Huệ, một trong các Phó Thủ tướng của Việt Nam vừa kêu gọi giới đầu tư “bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào sự công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ của chính phủ”.

Hôm 9 tháng 8, giá các loại cổ phiếu tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, Việt Nam đồng loạt giảm sâu. Tuy dùng nhiều cách khác nhau để diễn đạt sự kiện này (đỏ lửa, đỏ rực, ngụp lặn trong màu đỏ,…) nhưng tựu chung, các cơ quan truyền thông Việt Nam đều tỏ ra ái ngại cho tương lai của thị trường vốn ở Việt Nam. Chỉ trong ngày 9 tháng 8, VN-Index (chỉ số chứng khoán Việt Nam) giảm 18 điểm, giá trị của thị trường vốn giảm khoảng $2 tỉ. Không có cơ quan truyền thông nào tin rằng thị trường chứng khoán, Việt Nam sẽ sớm hồi phục.

Vào lúc này, giá trị cổ phiếu và trái phiếu giao dịch trên thị trường vốn của Việt Nam tương đương 80% GDP, trong đó giá trị cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tương đương 57% GDP, lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán chiếm 23% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Trong tin về sự kiện thị trường chứng khoán Việt Nam nghiêng ngả, đa số cơ quan truyền thông nhận định lý do là vì tin đồn ông Trần Bắc Hà sẽ bị bắt vì có trách nhiệm liên đới đến những sai phạm của ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) và ông Trầm Bê (từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín).

Ông Hà, 61 tuổi, từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong bốn năm (2003 đến 2007), rồi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV trong tám năm (2011 đến 2016). Tuy chỉ là một viên chức điều hành một ngân hàng hoạt động bằng vốn của nhà nước nhưng cả giới thạo tin lẫn những doanh nhân thuộc loại có máu mặt ở Việt Nam cùng cho rằng, tại Việt Nam, ông Hà là “Phó Vương”, chỉ “đứng sau Ba Dũng” (Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, từ 2006 đến 2016).

Ông Hà được xem như người bắc cầu đưa một số “soái” (trùm về thương mại, dịch vụ) của cộng đồng người Việt tại Nga và Đông Âu về Việt Nam, tạo lập và vun bồi hàng loạt tập đoàn tư nhân khống chế nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Dẫu nổi tiếng là một người ăn nói cộc cằn, hành xử thô lỗ (chửi mắng cả các bộ trưởng trong nội các của ông Dũng như dạy dỗ con cháu trong nhà) nhưng ông Hà được nhiều viên chức và doanh nhân “mến mộ”.

Ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn tại Việt Nam, mới kể trên facebook của ông rằng, ông có một kỷ niệm khó quên với ông Hà: Khoảng năm 2013, 2014 gì đó, ông Lập rủ một nhóm bạn bè về Quảng Bình chơi. Sợ chỗ ăn nghỉ không tươm tất, thất thố với bạn bè, ông Lập gọi điện thoại, đặt trước ba phòng tại một khách sạn mà chủ khách sạn là chỗ quen biết. Tuy nhiên khi đến nơi thì chủ khách sạn chỉ xin lỗi vì đã dành phòng cho những người khách khác. Ông Lập thấy bất thường nên kiếm người hỏi thăm và nhờ vậy mới biết, hôm đó là sinh nhật ông Hà. Ông Hà quyết định chọn Quảng Bình để “trốn” vì chỉ muốn hàn huyên với vài thân hữu, không dè thiên hạ vẫn biết, ầm ầm đổ về Quảng Bình. Đó là lý do tại sao cả phi trường Quảng Bình lẫn hệ thống khách sạn ở Quảng Bình cùng quá tải!

Theo Người Lao Động thì trong ngày 9 tháng 8, phóng viên của tờ báo này đã thử gọi điện thoại cho ông Trần Bắc Hà. Ông bắt máy và khẳng định “vẫn bình thường”, sau đó thì tắt điện thoại nên không ai liên lạc được nữa.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, đầu năm 2013, thị trường vốn ở Việt Nam đã từng nghiêng ngả khi có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt vì cho Ngân hàng Phương Nam của ông Trầm Bê vay 5.000 tỉ đồng sai nguyên tắc. Vào thời điểm đó, giá trị của thị trường vốn giảm khoảng $1.6 tỉ.

Lúc ấy, dù chính phủ Việt Nam cũng “công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ” hệ thống tín dụng – ngân hàng nhưng thị trường vốn nghiêng ngả bởi tình trạng pháp lý của ông Hà liên quan đến tình hình tài chính, vận mệnh của hàng loạt cá nhân đang điều hành những tập đoàn khống chế nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.

Theo một thống kê do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hồi tháng 5 vừa qua thì tính đến hết quí 1 năm 2017, BIDV đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng tại Việt Nam về “nợ xấu nội bảng” (nợ xấu chưa bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam). Tổng số tiền có khả năng mất cả chì lẫn chài (vốn lẫn lãi) là 16.251 tỉ đồng. (G.Đ)

USS John S.McCain tuần tra ở bãi đá Vành Khăn

MỚI CẬP NHẬT