Thursday, March 28, 2024

Vườn rau Lộc Hưng: Màu xanh bỗng hóa màu tro gạch

Kalynh Ngo/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –Chỉ vài ngày sau Tết Dương Lịch 2019, và cũng chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là cả nước đón chào Tết Nguyên đán, nhưng chỉ 1 đêm thôi, những luống rau xanh mướt, những ngôi nhà cấp 4 của người dân vườn rau Lộc Hưng bỗng hóa thành đống hoang tàn.

Tan hoang sau 1 đêm

Sáng Chủ nhật 5 tháng Giêng, người dân vườn rau Lộc Hưng bần thần lặng đứng nhìn đống tro gạch ngổn ngang. Họ đang cố tìm chút gì thân thương còn sót lại giữa mớ gạch vụn. Họ bước đi qua những tàn tích còn đọng lại sau 1 đêm kinh hoàng. Nhà của họ đó. Hôm qua vẫn còn tiếng cười và tiếng cầu kinh an lành, hôm nay họ không tìm đâu ra hình ảnh ngôi nhà thân thuộc bao năm nay.

Vườn rau Lộc Hưng tan hoang sau đêm bị cưỡng chế. (Hình: Người Việt)

Giữa khu vườn rau Lộc Hưng xanh mướt, sau 1 đêm đã xuất hiện băng rôn với những hàng chữ viết bằng mực, vội vã, nhưng chứa đầy phẫn uất.

“BÀ CON ĐÃ ĐÓNG THUẾ 20, 30 NĂM CÓ ĐẦY ĐỦ GIẤY TỜ PHÁP LÝ ĐÃ NỘP CHO TẤT CẢ CÁC CƠ QUAN.”
“TẠI SAO CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHÔNG TRẢ LỜI ĐƠN TỐ CÁO SUỐT 20 NĂM QUA.”

Một người dân nơi đây, ông Trần Quốc Tiến, sinh năm 1974, ngồi bên luống rau may mắn còn sót lại của gia đình, cho biết:

“Tôi sinh ra trong Sài Gòn. Bố mẹ tôi di cư từ năm 54 đến giờ, và ở tới ngày hôm nay, trồng rau từ đời ông tôi, đời ba tôi, đến đời tôi. Không hiểu sao người dân chúng tôi đều đóng thuế, có giấy quyết định thuế, và sổ thuế. Không hiểu chính quyền hay nhà cầm quyền muốn cướp đất của người dân như thế nào, trong khi đó chủ trương của Đảng và Nhà nước, bà con chúng tôi vẫn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, yêu cầu lãnh đạo thành phố ra tiếp bà con, làm theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng mười mấy năm nay, lãnh đạo thành phố trốn bà con chúng tôi, không tiếp, không muốn tiếp cận, muốn cướp đất của bà con.

Tôi nói thẳng, đất này là đất chúng tôi đều nắm giữ giấy tờ từ thời chế độ Pháp cho đến chế độ VNCH và cho đến chế độ Cộng sản ngày hôm nay, chúng tôi đều có giấy tờ.”

Những người khai hoang

Sau nạn đói kinh hoàng năm 1945, nhiều gia đình buộc phải di cư vào Nam tìm kế sinh nhai. Đỉnh điểm là cuộc di tản 1954. Cùng với dòng người di cư vào Nam, những người dân làng Sơn Tây chọn khu đất bỏ hoang đầy sình lầy, cỏ mọc quá đầu người thuộc xã Tân Sơn Hòa, Bình Tân khai phá. Họ tự nhận mình là những người khai hoang. Công việc khó khăn nhất lúc bấy giờ là phá cỏ và bồi đất cho cả một khu vực sình lầy rộng lớn. Mỗi gia đình tùy theo sức của mình khai phá, tạo lập ruộng vườn. Tất cả mọi người đều liên kết, thương yêu, chỉ bảo nhau cùng tạo lập nên vườn rau xanh mát cung cấp rau màu cho cả một phần thành phố.

Tài liệu lịch sử của vườn rau Lộc Hưng ghi lại, khoảng những năm 1969 – 1970, xuất hiện những người tự cho là Thương phế binh đến cướp đất của bà con trồng rau. Bao công sức đổ ra để khai phá, trồng trọt trong một thời gian dài, nay lại có người đến cướp. Nghĩ đến cảnh gia đình sẽ lâm cảnh khốn cùng nếu bị mất đất, họ đã quyết sống chết giữ cho bằng được mảnh đất này.

Nhưng sau đó, người dân ở đây vẫn giữ được mảnh đất và cuộc sống của họ tiếp tục với công việc đồng án, buôn bán rau thường ngày. Suốt thời gian dài, chính quyền lúc đó chưa bao giờ phủ nhận hay chối bỏ hoặc lấy đi quyền sở hữu đất đai của bà con vườn rau.

Thế rồi sau năm 1975, cuộc sống, đất nước có nhiều biến cố, thay đổi, nhưng bà con nơi đây vẫn an phận với nghề. Tuy nhiên, xã hội không cho họ cái quyền an phận đó.

Sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, bà con trồng rau được Uỷ ban nhân dân phường 7 (nay là phường 6, quận Tân Bình) lập danh sách, chia thành bốn tổ và tiến hành đóng thuế cho nhà nước. Hình thức đóng thuế đầu tiên là nộp rau cho Uỷ ban nhân dân phường để Hợp tác xã cung cấp cho người dân trong khu vực. Gia đình trồng rau nào thì nộp loại rau ấy, thông qua tổ trưởng Tổ trồng rau nộp cho cán bộ phường và được xác nhận vào sổ. Một thời gian sau, vì không có nguồn tiêu thụ nên lãnh đạo phường đề nghị quy thành tiền và nộp theo tổ thông qua tổ trưởng, được ghi nhận vào sổ đóng thuế có đóng mộc của UBND phường và được cấp biên lai thu thuế.

Năm 1999, theo tinh thần của Luật Đất đai sửa đổi của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, bà con làm rau nô nức đến UBND phường 6 và UBND quận Tân Bình xin xác nhận quá trình sử dụng đất. Nhưng chính lãnh đạo UBND phường, cơ quan thực thi và áp dụng pháp luật, lại đi ngược lại quy định của pháp luật bằng việc tìm cách tránh né không xác nhận quá trình sử dụng đất cho bà con làm rau, với lý do “Đất này bà con đã khai phá, canh tác mấy chục năm qua, chúng tôi – các cấp lãnh đạo phường và bà con xung quanh – ai cũng biết. Các bác cứ yên tâm về tiếp tục canh tác. Đất của bà con không ai lấy đâu. Tôi khẳng định với bà con khu đất này chưa có dự án và quyết định quy hoạch nào. Tôi không thể giải quyết được vì đó là chỉ thị của cấp trên” (trả lời của Ông Chủ tịch Võ Xuân Tâm và Bà Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọ kế nhiệm).

Cưỡng chế

Đến năm 2002, người dân được UBND phường thông báo về quy hoạch mảnh đất mà họ đã bỏ mồ hôi xương máu để dựng nên. Quy hoạch này có từ năm 2001 nhưng không ai được hay biết. Từ đó, UBND ở đây liên tục tìm mọi cách để thực hiện quy hoạch, mà gọi chính xác là cưỡng chế.

Nhắc đến tên 1 vị lãnh đạo nay đã về hưu, ông Trần Quốc Tiến cho biết:

“Năm 2006, ông Nguyễn Văn Đua có cuộc họp với bà con tại UBNT Quận Tân Bình. Nhưng khi người dân đưa những bằng chứng và phát biểu lập luận đối với nhà cầm quyền của YTP. HCM, thì ông Nguyễn Văn Đua đã đuối lý và dừng cuộc họp. Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Đua, nhưng từ Trung Ương đến cấp Thành phố đều không giải quyết cho chúng tôi.”

Sau khi đã thực hiện cuộc bố ráp càn quét cả khu vực vườn rau Lộc Hưng vào ngày 4 tháng Giêng, thì sáng ngày Chủ nhật 6 tháng Giêng, 1 thông báo về “Thời gian tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm pháp luật tại khu đất công cộng Phường 6, quận Tân Bình” ký ngày 29 tháng Mười Hai mới được ban ra. Người ký là Chủ tịch Nguyễn Thành Danh. Trong thông báo ghi rõ thời gian tổ chức cưỡng chế dự kiến trong vòng 90 ngày (bắt đầu tư ngày 2 tháng Giêng, năm 2019.)

Ông Trần Quốc Tiến khẳng định:

“Hiện nay tôi khẳng định nhà cầm quyền họ muốn cướp đất. Trước mắt nhà cầm quyền sẽ đập những cái nhà chúng tôi được quyền xây cất trên đất của chúng tôi, theo qui định 68 của ông Lê Hoàng Quân ký quyết định, khu đất được phép xây dựng nhà cấp 4. Chúng tôi được quyền sử dụng.”

Một gia đình khác cho biết họ đến nơi này khai hoang đến giờ là bốn đời và chưa một lần nào chính quyền đối thoại với người dân về quyền sử dụng đất. Những người trong gia đình khẳng định người dân nơi đây nộp thuế đầy đủ trong bao năm qua.

“Trong 20 năm, chúng tôi có biên lai thuế, có sổ thuế hết, thì nó lấy không được. Nhưng đợt này, nó cương quyết như vậy.”

Tiếng khóc Thủ Thiêm vẫn còn đó chưa nguôi. Người dân Thủ Thiêm vẫn còn phải ôm nỗi uất nghẹn chưa được đền trả, thì hôm nay, có một màu xanh trong lòng thành phố đang trở thành màu của tro gạch.

MỚI CẬP NHẬT