Sunday, May 19, 2024

30 Năm Có Lại Môt Lần…

 


 Từ trái qua: Trần Thanh Hiệp, Thuỵ Khuê, Đỗ Quý Toàn, ông bà Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến




(Nhân kỷ niệm 13 năm, ngày mất của nhà văn Y Dịch-Lê Đình Điểu, chúng tôi xin đăng lại một bài viết của ông về phong trào Du Ca Việt Nam.)








30 năm có lại một lần…


Lê Đình Điểu






Cách đây 30 năm. Nguyễn Đức Quang đã viết một bài hát trong đó có câu “Ta ngồi quanh đây, trán in vết nhăn…” Lúc đó, anh mới 20 tuổi. Anh, và tuổi trẻ Việt Nam cùng trang lứa, đã “trầm tư,” đã “nhận thức” thực trạng đất nước, và đặt “những vấn đề.”


Nguyễn Đức Quang, 1965, là Trưởng Xưởng Du Ca – nói theo ngôn ngữ hôm nay, anh là Production manager, giám đốc sản xuất – của một tổ chức thanh niên dùng bài ca và tiếng hát để diễn tả tâm trạng con người sống trong một khí hậu chiến tranh, để kích thích tuổi trẻ suy nghĩ về thân phận con người và đất nước Việt Nam trong “mắt bão” của những tranh chấp quốc tế.


Tổ chức đó là Phong Trào Du Ca Việt Nam, do một nhóm người trẻ hoạt động trong các môi trường thanh niên, giáo dục và xã hội – Như Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Thanh (tức Thanh Hùng)…- lập ra, bên cạnh một số tổ chức khác như Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Đoàn Thanh Niên Tương Trợ Học Sinh, Nạn Nhân Chiến Tranh, Tổng Hội Sinh Viên v.v…


Phong Trào Du Ca lan rộng khắp nơi trong nước, với những toán Du Ca ở các tỉnh: Trần Đình Quân ở Đà Nẵng, Nguyễn Quyết Thắng ở Ban Mê Thuột, Nguyễn Thiện Cơ ở An Giang…


Những ca khúc do các nhạc sĩ Phong Trào Du Ca sáng tác, trong đó có nhiều bài đã trở thành “cổ điển”, vẫn còn được hát ở khắp noi cho đến hôm nay, không những được tuổi trẻ chấp nhận – vì nói lên được tâm tư, tình cảm và ước vọng của đám đông – mà còn chinh phục được một số những người trong hàng ngũ lãnh đạo văn hoá của miền Nam, điển hình là bác sĩ Trần Ngọc Ninh. Lúc đó, bác sĩ Ninh làm Tổng Uỷ Viên (tức Tổng Trưởng) Giáo Dục, và ông cho thực hiện chương trình Học Đường Mới, với năm thí điểm ở Saigon.


Tuy Học Đường Mới chỉ tồn tại đúng một niên học, những ảnh hưởng của cuộc “đổi mới” sinh hoạt thanh niên và học đường này rất mạnh, khiến các chính quyền nối tiếp sau đó chấp nhận một định chế mới là Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường gọi tắt là CPS.


Các bài Tâm Ca của Phạm Duy, các sáng tác của Phong Trào Du Ca (với Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Đình Quân, Bùi Công Thuấn v.v…) làm kỹ thuật sinh hoạt tập thể của Thanh Niên Thiện Chí, Chương Trình Công Tác Hè, đã tạo dáng cho một mẫu sinh hoạt thanh niên, đồng thời gắn bó một số rất đông những người trẻ cùng hoạt động thanh niên trong những năm 1965-66.


Bây giờ là mùa hè năm 1995. Đúng 30 năm sau, đám “bạn cũ” của một thời sôi nổi đó có dịp gặp lại nhau.


Lần này thì “trán in vết nhăn” thực sự rồi. Và tóc đã hoa râm, nếu chưa rụng hết (như Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Thượng Hiệp!).


Chiều Chủ Nhật mùng 9 tháng Bẩy, hơn 300 người họp mặt ở Garden Grove Community Center, miền Nam California, và cùng hát với nhau suốt ba tiếng đồng hồ, những bài hát cũ và mới.


Có những người hoặc nhóm người cầm đàn lên bục, nhưng hầu như tất cả hơn 300 người đã cùng hát, để cho đúng với danh xưng “hát cộng đồng”. Cúng hát, không phải để qua thì giờ hay để thương tiếc vàng son một thuở, mà hát để “nhớ đời”.


Hát Để Nhớ Đời” chính là tên một bài hát của người du ca Trần Đình Quân – Người tuy ở xa trung tâm của Phong Trào, nhưng đã gắn bó với và làm khởi sắc các sinh hoạt du ca ở Đà Nẵng suốt một thập niên trước ngày Saigon thất thủ.


Người du ca họ Trần hiện nay không còn viết, không còn hát được nữa, vì chẳng may anh mắc chứng mất trí nhớ. Nhưng cả một thế hệ đã nhớ, và nhiều người nữa sẽ nhớ anh qua những ca khúc trong sáng như bài “Hát Để Nhớ Đời” mà ban tổ chức đã chọn làm tên của ngày họp mặt, và hơn 300 người đã cùng hát vang với nhau.


Một sáng tác mới của Trần Đình Quân (vào cuối thập niên 80, khi anh vượt biên tới đảo Galang, Nam Dương) đã được Hải Lý (một cựu ca viên, hiện là ca sĩ nổi tiếng) hát lên, khiến mọi người không nên được ngậm ngùi.


Hơn 300 người có mặt trong buổi chiều “hát để nhớ đời” không phải tất cả đều “du ca viên” vì có những người rất trẻ, có những người lần đầu tiên nghe nói đến “du ca”. Có những người chưa từng tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Nhưng tất cả đã hát với nhau, và đã biểu lộ sự thích thú trong hình thái sinh hoạt tập thể này.


Vào buổi tối cùng ngày, khoảng 100 người đã họp lại, sống với nhau thêm những giờ phút của tình bạn, của dư vang tuổi trẻ một thời trầm tư, và của ước vọng nối dài “con đường Việt Nam” đi vào tưong lai…


Đó là buổi họp mặt, ăn tối và ca hát tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt, trên đường Moran, thị xã Westminster. Ở đó, lại xuất hiện những Nguyễn Đức Quang, Trần Đại Lộc linh hoạt, những Bích Ngọc, Trần Lãng Minh, Nga Mi, Tiếu Diện tươi vui, cùng Thanh Hùng sang sảng ngâm thơ, và Hà Thúc Sinh, Đỗ Anh Tài, Nguyễn Quyết Thắng, Đinh Quang Anh Thái…Lại có cả Phạm Duy, Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Văn Thái, Đinh Thạch Bích, Nguyễn Gia Quýnh và Phương Lan…


Đó là buổi sinh hoạt mà người “du ca già” Hoàng Ngọc Tuệ được vinh danh sau nửa thế kỷ phục vụ các tổ chức thanh niên và xã hội. Đó cũng là dịp để những khuôn mặt trẻ hôm nay như Hoàng Quốc Khánh (Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali), Lê Nguyên Phương (Câu Lạc Bộ Bách Việt), “tiếp cận” với những người…giống mình hôm nay, mà cái thời của họ đã thuộc về ba thập niên trước.


Lê Đình Điểu






Nhớ




Viết đã bao lần thơ tiếc nhớ


Gửi hoa, cho bướm, tặng bao người


Đêm nay ngồi viết thêm bài nữa


Chỉ dành cho có một người thôi




Bài thơ chỉ có một vần Em


Chỉ một người làm, một kẻ xem


Một trăm giòng chữ, trăm giòng chữ


Không lời gửi tặng, chẳng đề tên




Vì chưng em đã là thơ ấy


Em đã là hồn của nhớ nhung


Em đã là sao trong vũ trụ


Là của anh rồi, em biết không




1964.


Y Dịch-Lê Đình Điểu

[disqus_shortcode_codeable]