Sunday, May 19, 2024

Bà Maria Vũ Thị Sim

 


 




Không chỉ là mẹ, bà còn đóng vai trò người cha, người chồng, lo cho 8 con. Quê ở Bùi Chu, năm 1954 bà theo gia đình vào Nam, định cư tại Cái Sắn, Rạch Giá.




Năm 1969, trong một trận đánh, mìn nổ, chồng bà bị thương nặng. Lúc xuất viện ông không còn như xưa, sức khỏe yếu dần, trí óc cũng bị ảnh hưởng, khiến ông không gánh nổi gia đình. Mọi thứ, từ dạy dỗ con cái, dòm ngó trước sau, đến lo cái ăn cái mặc cho bầy con, một tay bà lo toan. Cái ngày xưa son trẻ, theo chồng đi khắp các miền, không còn nữa. Cuộc sống sau khi trụ cột gia đình đã ngã đổ, liên tiếp là những chuỗi khổ cực, tai họa liên miên. Ông bà xưa nói: “Họa vô đơn chí”, với gia đình bà không những là “họa” mà là những “đại họa” ập đến không ngừng. Bà có 5 anh em trai, thì lần lượt, năm tiếp năm tin tử trận đến với gia đình. Năm người, có người chết rất thảm ngoài trận địa, có người chết trên đường tải thương, cũng có người tưởng thoát sau khi đã được đưa vào quân y viện chữa trị. Cũng may Chúa ban cho bà tính khí của một người đàn ông, mạnh mẽ, cương nghị, can trường…Có thế mới chống chọi nỗi những bất hạnh không ngừng xảy ra.




Năm 1975, bị cuốn trong cảnh gập ghềnh chung của đất nước, gia đình bà chạy về quê ngoại tại Rạch Giá để tái cư trú lại một lần nữa. Lần này gia đình một mẹ 6 con và một người chồng đau ốm. Bà Vũ Thị Sim, không nề hà bất cứ một công việc gì, dù khó nhọc, dù cực khổ, dù phải chân lấm tay bùn, dù phải thức trắng nguyên đêm…bà cũng nhận lấy, chỉ mong chiều đến mang được chút tiền đong gạo cho các con.




Anh Trần Quang Phong, nhớ lại những ngày ấu thơ, bên người mẹ tội nghiệp. Anh nhớ như in khi theo mẹ đi cấy lúa. Từ tờ mờ sáng sớm cho đến tối mịt mới rời thửa ruộng. Anh trai tráng mà đau buốt thắt lưng, còn mẹ anh, tuổi đã đứng, tóc đã có sợi bạc, vẫn vững vàng không chút than vãn. Cái gì khiến cho người đàn bà chân yếu tay mềm kia vững chải mạnh mẽ, phải chăng là lòng yêu chồng yêu con đã lấn át được cơn mệt nhọc. Anh nhớ hai mẹ con chỉ có hai nắm cơm nhỏ lót lòng. Anh thì đói cồn cào ruột gan, nhưng mẹ vẫn không một tỏ dấu.




Hình như không có một điều gì có thể khuất phục, đánh gục được con người nhỏ bé, yếu ớt, mà can trường, mạnh mẽ. Bà là thân cây liễu mà ý chí cây tùng, cây bách.


Khi các con trưởng thành, không còn cần lắm sự chăm sóc của mẹ. Bà vẫn không muốn ở không hưởng nhàn. Bà tình nguyện vào Viện Dưỡng Lão để chăm sóc các Cha Già. Hằng ngày nhờ con đưa đến Viện, ở đấy bà chăm chút từng miếng ăn, nước uống cho các vị lãnh đạo tinh thần.


Việc nhà, việc đời, việc đạo…không ngưng nghỉ từ thuở thiếu nữ cho đến tuổi xế chiều.


Các người con kể lại, cho đến những ngày gần giã từ cuộc sống bà cũng còn làm những món ăn đem cho các con, các cháu.




Bà sống bình an hạnh phúc bên con cháu. Tám người con không giàu có tiền bạc nhưng quá giàu có trong cuộc sống tinh thần. Những đứa cháu, thế hệ tiếp theo là những mầm non xanh tươi tốt, là đặc ân ơn trên trao cho bà. Bà vui vầy với các cháu.


Ngày lìa đời, con cháu đông đủ bên bà, đó là niềm an ủi, hạnh phúc mà cuối đời ai cũng mơ ước hưởng được. Bà đã hưởng được và còn có thêm sự ra đi bình an, êm ái.


Cầu xin Chúa lòng lành đón bà nơi nước Thiên Đàng.




tp



[disqus_shortcode_codeable]