Sunday, May 19, 2024

Thương Nhớ Cụ Bà Therese Christine Trần Thị Quí (1929-2012)


 



Em Larissa Quỳnh Dao, nói chuyện nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh, nhưng khi nhắc đến một câu nói của bà thì mắt em lập tức sáng lên, giọng reo như có nốt nhạc. Em lập lại từng chữ, chứng tỏ em hiểu rất rõ ý nghĩa của câu: “Cháu là hạt giống mà bà đã ươm trồng”.


 


Em là hạt giống mà bà nâng niu, kỳ vọng, chăm bón từ những ngày còn là phôi. Em không phải là cháu duy nhất nhưng là cháu gần gụi nhất. Từ lúc lọt lòng cho đến khi lớn khôn, gần như bên bà, là em. Chăm lo cho em từ ngày còn măng sữa cho đến khi lập gia đình. Nỗi ước mơ của vợ chồng em là sớm có đứa con đầu lòng, cũng là mơ ước của bà. Những ngày gần cuối, bà còn nói với cháu, bà nằm mơ thấy cháu ngoại tay dắt trẻ tung tăng dọc chơi trên bờ biển. Larissa Quỳnh Dao tin rằng giấc mơ của bà sẽ là một phép lạ giúp vợ chồng em có tiếng cười con trẻ trong gia đình.



Larissa kể khi đem tới tiệm, rọi lớn hình bà để thờ, người chủ tiệm hỏi em, có phải bà của em là tài tử. Mặc dù tuổi trên 80, vẻ thanh tú vẫn còn đậm nét trên mặt. Có lẽ do thế nên năm 18 tuổi bà đã hớp hồn không biết bao nhiêu thanh niên công tử Sài Thành. Cuối cùng người làm chủ được trang quốc sắc ấy là một thanh niên mới 24 tuổi đã có trong tay rất nhiều cơ sở buôn bán, bank, news paper, contraction…


Mặc dù mọi việc kinh doanh bên ngoài bà phó thác hết cho chồng. Nhưng, bà con thân quyến ai cũng biết, nếu cô tiểu thư theo chồng năm 18 tuổi không có đởm lược thì chắc gì người đàn ông đã yên tâm trong công cuộc làm ăn. Phần đóng góp của người đứng đàng sau sự thành công của chồng không phải là nhỏ. Chính người con gái trưởng, cô Hoàng Yến cũng công nhận người mẹ một đời chỉ làm “nội trợ” vậy mà không thể không có bà. Không thể không có “chất keo” là bà, nối chặt những thành viên trong gia đình. Cô Hoàng Yến nhớ những ngày thơ ấu cũng như đã trưởng thành, mỗi khi anh chị em trong nhà có những điều không ưng ý. Họ đều tìm tới bà nhờ hàn gắn.Thậm chí vợ chồng hay chính bản thân có những vướng mắc, thì luôn luôn bà là nơi các con tìm đến để nghe những điều hay lẽ phải, thậm chí được khóc với bà cũng cảm thấy nhẹ lòng. Không chỉ với các con, ngay cả với các cháu. Dù đã lớn tuổi nhưng mỗi tuần vào thứ Sáu, bà có thói quen nấu nướng gọi con cháu về ăn uống. Chủ ý của bà không phải cho con cháu ăn ngon, mà chủ ý của bà là kết nối các anh chị em trong đại gia đình họ Văn lại.



Có một đức tính đặc biệt, mà rất hiếm những bà mẹ thời phong kiến có được, đó là tình thương yêu đồng đều bà dành cho con gái cũng như con dâu. Nếu không muốn nói con dâu có phần nhỉnh hơn. Luôn cả con rể, đối với bà, tất cả đều là con.


Có một người mẹ, người bà như thế, đến khi mất mát thật là xót xa, đau đớn. Nhà quàn, nơi bà còn nán lại những ngày cuối, ngập hoa phúng điếu, người đến viếng không lúc nào ngơi. Con cháu ở khắp nơi tụ về không thiếu một ai. Hiếm có một đám tang nào mà nhiều vành khăn tang đến thế. Nhiều lời đưa tiễn đến thế.


Bà là cái gốc vững chải, sinh ra được những cành, nhánh mạnh mẽ. Bà là cây mộc tốt lành cho những nhánh lan quý bám, trụ.


Ai đó nói: “Chào đời ngập tiếng cười, không bằng ra đi đầy tiếng khóc tiếc thương”. Bà là trường hợp thứ hai.


tp


 

[disqus_shortcode_codeable]