Saturday, May 18, 2024

Tiễn chị Uyên

Hà Dương Quyên

Em không ngờ hôm nay em phải đọc những hàng chữ này, để tiễn chị về với ông bà, cha mẹ, chị Oanh anh Định và anh Hoán, anh Diễm! Anh Định đã đem xe về đón chị trong giấc mơ trước khi chị ra đi. Chắc chị cũng tin rằng khi mất đi, chị sẽ gặp lại những người chị thuợng yêu nhất… Cả nhà đang chờ đón chị ở cõi xa, trong một cảnh giới khác hẳn thế gian này…

Em đã có chị suốt đời người, gần chị trên dưới 60 năm.

Giáo Sư Trịnh Thúy Nga cùng Hội Trưởng Trưng Vương bà Khánh Linh đại diện Giáo Chức và Cựu Nữ Sinh TV chia buồn với anh Đức và Trí, hai con của GS Uyên. (Hình: Minh Phú cung cấp)

Chị thường nhắc khi mới tám, chín tuổi, chị thường kẹp đứa em út này, mới hơn một tuổi vào nách để chơi nhảy dây, chơi lò cò. Mẹ thường nói chị là cô gái khéo tay hơn cả mẹ. Khi đi học về, chỉ chừng 10 tuổi, chị đã xin mẹ vải để may áo búp bê, y hệt như áo búp bê mẫu trưng bày trong cửa hàng chị đã đi qua ngắm nghía.

Mẹ cũng kể, bố chỉ dạy mình chị đàn vì cô bé dăm tuổi đã biết nhịp chân theo khi ông dạo mấy khúc đàn nguyệt! Các anh chị khác bố biết không thính tai như chị nên không dạy!

Khi chị mới 12, chị đã được bố mẹ tin tưởng, cho giữ tiền, cùng ông anh và hai đứa em đi nghỉ Hè tại Đồ Sơn năm 1945, chỉ có anh bếp theo đi để lo cơm nước! Em và chị Duyên hàng ngày được theo chị xuống biển chơi đùa với sóng, lên đồi bắt bướm hái hoa, và theo mấy anh chị nhảy nhót trên gềnh toàn đá tảng rất to, trong khi các anh chị tìm bắt cua trong khe đá!

Một nghỉ Hè thần tiên, để lại tropng tâm khảm em những hình ảnh và kỷ niệm đẹp vô cùng. Em không hề hay biết chị là người thay mẹ và chị Hai lo toan cho cả nhà.

Cuối năm 1945 đó, bố bị thương hàn ra đi. Cả nhà biết thế nào là sinh ly tử biệt. Chị bước vào tuổi 13 với tang tóc, chiến tranh và chia lìa. Mẹ gửi các con về quê nội tránh bom đạn trong khi bà ở lại và bị kẹt ở Hải Dương cả gần một năm sau mới gặp lại đàn con.

Vốn tánh biết lo toan và đảm đang, chị đã cùng ba anh chị lớn biết làm hàng xay hàng xáo – xay lúa, giã gạo, biến  thóc thành gạo đem bán để sống còn khi vắng bố mẹ. Chị làm được cả bánh ga-tô, kẹo mạch nha, kẹo lạc…dù chỉ nấu nướng bằng rơm và củi.

Sau khi gặp lại mẹ, chị được rảnh rang cùng các chị lớn trong họ nhà mình tổ chức các lớp học Chống Mù Chữ cho dân làng Cấn Hữu. Em nhớ, chị còn họp đám thiếu nhi lứa tuổi em để dạy múa, hát. Bài Đêm Thu của Đặng Thế Phong ngày nay em còn nhớ điệu nhạc và bài múa chị dạy! Bữa chị ra đi, em ngồi nghe lại, mới khóc được một trận thật đã đời.

Em cũng nhớ những ngày anh Định mới đi chữa bệnh ở Pháp về, chị đau khổ vô vàn vì thực tế não lòng, khác hẳn tưởng tượng hân hoan khi chị sửa soạn ra phi trường đón anh. Cả nhà giấu chị, không cho biết bệnh anh không chữa được, khiến cho chị lầm tưởng anh đã khỏe lại. Em cảm thấy như chị đã phải gánh chịu nhiều đau khổ hơn, vì chuyện giấu diếm này.

Em còn nhớ cảnh chị ngồi đan, nước mắt tuôn tràn, lặng lẽ, trong khi cô Thái Thanh hát bài Nước Mắt Rơi trong máy phát thanh! Buổi tối chạng vạng đó, khi thấy em qua thăm, chị gạt nước mắt hỏi ngay chuyện học hành, bồ bịch của em út…không hề than vãn gì về nỗi đau quá lớn trong gần hai năm săn sóc ông chồng sắp ra đi. Trong mắt em, chị là người chỉ muốn lo giúp người khác, chỉ trao tặng, cho đi mà không hề lo cho chính mình.

Chị trở thành góa phụ ở tuổi 30. Hai cháu còn thơ ấu. Chị một mình đi dạy học và chu toàn việc nuôi dạy con thơ. Cách chị dạy các cháu đã là những kinh nghiệm quý báu cho em sau này, vì chị biết cách trò chuyện và chơi đùa với các con, khác hẳn chị hai hoặc anh ba.

Với những nhân duyên kỳ lạ, chị đã gặp anh Ed chỉ ghé Sài Gòn có một ngày và sau đó, chị đã được anh bạn Mỹ qua Việt Nam đón cả ba mẹ con qua Mỹ từ năm 1970, vừa tránh đạn bom, vừa cho trẻ được học hành trong môi trường tốt hơn Việt Nam đang đầy khói lửa.

Và cũng chính nhờ chị can đảm qua Mỹ, đã có tầm nhìn xa-rất xa, nên từ đầu Tháng Tư năm 1975, chị đã gửi ngay giấy tờ bảo lãnh cho bốn gia đình các anh chị em ruột thịt. Với những cú điện thoại viễn liên thúc giục em ráng tìm cách ra khỏi Sài Gòn, cùng tờ giấy bảo lãnh đó, cả đại gia đình mình đã chạy thoát những nguy hiểm của người dân miền Nam Việt Nam sau Tháng Tư năm 1975.

Thế hệ em cũng như thế hệ các con cháu trong đại gia đình mình, không ai có thể quên được chuyện nhờ Tata Uyên mà rời xứ, đi Mỹ an toàn trước ngày 30 Tháng Tư. Cháu Kính Coong cũng lại nhờ bác lo xa mà được vô học Cornel với nhân thân là di dân của Mỹ.

Thuở nhỏ, em thường nhìn chị và các chị bạn tới nhà học thi tú tài, với con mắt rất ngưỡng mộ. Chị của em lanh lẹ không những học giỏi, còn biết ca hát, đàn tây ban cầm rất hay, và còn đóng kịch “Cô gái nước Tần” thật xuất sắc, làm “lé mắt” cả trường Trưng Vương.

Chị và chị Oanh lo kèm em học để thi cho được vào lớp đệ thất trường Trưng Vương (1952). Và sau khi lập gia đình với anh Định, chị vẫn tiếp tục để tâm lo lắng cho con bé út ít này! Chị tập cho em may áo dài, gói bánh chưng… dù em không thể khéo léo như chị được.

Sau khi chúng em dọn qua California 1995, em lại được chị giúp cho vay một số tiền đặt cọc mua căn nhà ở khu tốt. Có lẽ chúng em là những người có nhân duyên đặc biệt sao đó, nên cứ được chị nâng đỡ dài dài. Cả gia đình chúng em và các cháu không bao giờ quên ơn chị.

Năm 2000, chị đã đứng ra tổ chức chuyến du lịch khắp xứ Mỹ cho ba anh chị nhà bác Cửu, tất cả trên dưới 80 tuổi. Một chuyến du lịch đòi hỏi rất nhiều công sức và quy  mô, chị đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở, cho ba cụ “Mỹ du” thật đầy đủ, chu đáo và tỉ mỉ. Cả họ Hà Dương ai cũng “lé mắt” vì tấm lòng quảng đại và tài tổ chức của chị.

Hôm nay là ngày sinh ly tử biệt, em có niềm tin là chị sẽ thong dong hội ngộ lại với bố mẹ và anh chị nơi cõi khác.

Chị sẽ không cô đơn mà được anh Định và bố mẹ đang chờ đón bên kia sông. Thời nay, khi chúng em làm lễ Vu Lan như Ngày Lễ Mẹ, chúng em thường cài lên áo nhau bông hoa màu hồng nếu cha mẹ còn hiện diện, cài bông hoa trắng nếu quý vị đã khuất núi. Từ khi mất chị, em nhớ chị thì hát bài này.

Hôm nay, để vĩnh biệt chị, em xin hát tặng chị như một lời chia tay,  tạm thôi, vì, có thể chị em sẽ lại gặp nhau trong một thời gian khộng lâu, đâu đó ở một phương trời nào, ai biết được…

“Em cài bông hoa trắng…
Tặng cho chị đóa hồng
Chị nhớ cài lên ngực
Mẹ chờ bên kia sông!”

[disqus_shortcode_codeable]