Friday, April 19, 2024

Tưởng niệm ‘chú’ Võ Thành Điểm, ‘Anh Tư Túc Cầu’

WESTMINSTER, California (NV) – Ông Võ Thành Điểm, một trong những nhân viên kỳ cựu nhất của nhật báo Người Việt, vừa qua đời ngày 1 Tháng Giêng, và được an táng hôm nay, Chủ Nhật, 31 Tháng Giêng.

Ông sinh ngày 16 Tháng Ba, 1948, tại Bình Chánh, tỉnh Gia Định.

“Anh Tư Túc Cầu” Võ Thành Điểm. (Hình: Triết Trần)

Theo lời kể của bà Từ Ngọc Lệ, người bạn đời của ông, sau khi hoàn tất trung học ở trường Petrus Ký, ông vào học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khóa 10.

Ra trường, ông được điều về dạy ở trường Thủ Khoa Nghĩa, Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Lúc cuộc chiến Việt Nam khốc liệt nhất, chính quyền VNCH ra lệnh tổng động viên.

Theo lời bà Lệ kể: “Lúc đó ông đang dạy học, được miễn tổng động viên. Tuy nhiên, vì cô thư ký trường quên báo cho ông. Thế là ông đi trình diện, và vào Trường Võ Khoa Thủ Đức.”

“Ra trường, ông được chuyển qua học quân y. Nhưng 30 Tháng Tư xảy ra, ông bị đi ‘học tập’ 10 ngày,” bà Lệ kể tiếp.

Bà cho biết, sau đó ông dạy học ở trường trung học Rạch Kiến, Cần Đước, tỉnh Long An, cho tới khi vượt biên năm 1983.

Qua Mỹ, ông vào làm việc cho nhật báo Người Việt, vừa làm kỹ thuật, vừa làm phóng viên thể thao.

Năm 1991, ông bảo lãnh vợ và hai con gái sang Mỹ đoàn tụ.

Tại nhật báo Người Việt, đa số mọi người gọi ông bằng hai cái tên trìu mến như “chú Điểm” hoặc “anh Tư Túc Cầu.”

Để tưởng niệm người nhân viên kỳ cựu này, một số nhân viên và cựu nhân viên nhật báo Người Việt bày tỏ một số cảm tưởng về ông trong ngày tiễn ông về cõi vĩnh hằng.

***

Về người thiết kế quảng cáo

Tính đến năm 2021, Điểm và tôi là hai nhân viên thâm niên nhất nhì của nhật báo Người Việt (chỉ cách nhau vài tháng). Chúng tôi làm từ thời tờ báo còn là tuần báo khổ tabloid.

Hai ban khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết. Ban Kỹ Thuật của Điểm và Ban Thương Vụ của chúng tôi.

Quảng cáo đẹp là tài khéo léo thiết kế của Điểm. Người này có nhiều tài lắm, thiết kế quảng cáo vừa nhanh, vừa đẹp. Nhất là nếu nói ý của khách muốn phần này nổi bật, Điểm hiểu và làm đúng ý ngay.

Khách khen quảng cáo đẹp quá, tôi kể cho Điểm nghe, chàng cười tươi và nói: “Điểm chứ bộ giỡn sao.”

Nụ cười của Điểm không thể nào tôi quên được. Và chắc các bạn tôi trong phòng sale cũng thế, sẽ nhớ mãi khuôn mặt tròn với hai má bầu bĩnh và nụ cười tươi, rạng rỡ những lúc chàng được khen.

Nhưng cũng phải coi chừng nếu làm phiền vì anh Điểm không phải chỉ có phận sự thiết kế quảng cáo, chàng còn phải có thì giờ viết bài cho trang Thể Thao mỗi ngày.

“Phiền quá nghe, tôi còn phải viết bài và phải xếp trang nữa nè, giờ đâu mà làm quảng cáo liền được…” thế là chàng có thêm tên “Võ Cự Nự.”

Khi vui nhắc đến biệt hiệu đáng yêu đó, nụ cười tươi rạng rỡ lại nở ra. Tôi thấy Điểm chả để bụng giận ai bao giờ. Tôi nghĩ tính tình cởi mở này của anh khi dạy học, vị giáo sư này chắc được nhiều học trò quý mến. Giống như chúng tôi, các đồng nghiệp cùng dưới mái gia đình nhật báo Người Việt, ai cũng thương, quý mến và không quên cảm ơn những gì anh đã giúp chúng tôi trong phần làm đẹp cho quảng cáo, làm đẹp cho tờ báo. (Lê Minh Phú, Ban Thương Vụ)

***

‘Con gái’

“Chào con gái!” – đó là tiếng chào thân thương chú Điểm dành cho chúng tôi mỗi khi gặp nhau ở sở làm.

Chú Điểm trong mắt chúng tôi, hai đứa nhân viên trẻ của Ban Mỹ Thuật, giống như một người thân trong gia đình. Chú là cầu nối gắn kết mọi người trong ban với nhau bằng tình cảm chân thành và nụ cười hiền hòa của mình. Bàn làm việc của chú và của chúng tôi cách nhau bức vách, nhưng vừa nghe tiếng mấy đứa nhỏ vào, thể nào chú cũng sẽ hỏi “Con gái đó hả?” rồi ra đón chúng tôi với những lời hỏi han thân tình và cái xoa đầu như người cha dành cho con.

“Anh Tư Túc Cầu” cùng hai “con gái” Nia (trái) và Tracy Nguyễn. (Hình: Nia Nguyễn/Người Việt)

Mỗi khi công việc bớt bận bịu, chú hay tìm chúng tôi để khoe hình con và cháu ngoại. Chú vừa cho chúng tôi xem hình, vừa dành những lời trìu mến để kể về họ, với niềm tự hào và yêu thương lấp lánh trong ánh mắt. Rồi chú nói: “Chú cũng thương mấy con như con cháu của chú vậy! Gặp mấy đứa chú vui lắm!” Chú ơi, tụi con cũng rất vui mỗi khi được gặp chú!

Tuy đã quá tuổi về hưu nhưng chú vẫn đi làm vì “ở nhà chán quá, chú thích làm hơn.” Với chúng tôi, sự có mặt của chú Điểm không chỉ mang đến cảm giác ấm áp, thân thuộc, mà còn tạo sự tin tưởng là công việc ngày hôm đó sẽ trôi đi suôn sẻ. Từ khi còn làm việc với chú trong tuần, tôi luôn thấy chú có mặt rất đúng giờ, và luôn sẵn sàng nhận quảng cáo để làm ngay từ khi đặt chân vào tòa soạn. Chú làm thoăn thoắt, hết quảng cáo đến phân ưu, cáo phó, hết viết bài cho trang Thể Thao rồi lại quay qua layout báo ngày.

Đứng nhìn chú làm việc, tôi luôn có một sự kính nể vô cùng dành cho chú. Có thể không rành những phím tắt như lũ trẻ chúng tôi, nhưng chú vẫn bằng một cách nào đó làm xong rất nhanh, cứ như công việc layout báo đã ăn sâu vào tiềm thức, vào huyết quản của chú sau ngần ấy năm đồng hành cùng nhật báo Người Việt rồi.

Chú luôn có cách giải quyết nhanh chóng cho các vấn đề giờ chót khi làm báo. Còn nhớ một lần máy của tôi không kết nối vào server để làm việc, thay vì đi về sau khi xong việc của mình, chú ở lại rất trễ để giúp tôi mà không có một lời than van.

“Không sao con gái, để đó chú lo cho!” lời của chú chắc như đinh đóng cột, và luôn khiến chúng tôi an lòng, vì biết chú thật sự sẽ làm được. Làm sao mà trong cơ thể của một người đã quá tuổi về hưu lại còn nhiều năng lượng đến như vậy, chúng tôi không kịp hỏi chú để tìm ra câu trả lời.

Nói về chú Điểm, chắc nói hoài vẫn không hết chuyện. Từ việc nhỏ như chú không ăn được cá, cứ mỗi khi nhà bếp có món cá là mọi người lại ý ới gọi chú chọc ghẹo, cho tới cái giọng hào sảng không lẫn đi đâu của chú. Mỗi khi cần trao đổi công việc, chú không cần nhấc điện thoại lên hay rời chỗ ngồi, mà giọng trầm trầm cứ vang xa qua tận bên kia bức vách. Chúng tôi hay nói với nhau “Ngày nào có chú Điểm làm, ngày đó không khí trong ban thật rộn ràng, vui vẻ!”

Những ngày rộn ràng, vui vẻ đó đã không còn, nhưng tinh thần lạc quan yêu công việc của chú, và giọng thân thương chú gọi “Con gái ơi!” thì vẫn còn mãi đây trong tâm trí, và cả trong tim chúng tôi nữa.

Yên nghỉ chú nhé, chú đã vất vả rồi! (Nia & Tracy Nguyễn, Ban Mỹ Thuật)

***

Nhớ anh quá…

“Kiệt! Sao anh làm cái này… hoài không được vậy? Mấy bữa trước làm được sao bữa nay anh quên mất tiêu rồi!”

Sau khi bước qua bên anh giúp giải quyết vấn đề, vừa bước trở về thì tiếng anh lại réo: “Còn cái này nữa… thì sao mạy? Sao tao làm hoài không được? mày chỉ tao lại cái coi.”

Nhớ hoài giọng nói của anh, giọng nói chân chất, thật thà của người miền Nam, chuyển giọng từ anh, em qua mày, tao một cách thoải mái… Bụng dạ anh xuề xòa, đôi lúc cự nự sau đó lại mau quên, tánh anh là vậy, rất dễ gần, dễ mến…

Anh Điểm ơi! Nhớ anh quá… (Kiệt Đường, Ban Mỹ Thuật)

***

Những hồi ức đẹp về một người anh 

Tôi quen biết anh Võ Thành Điểm vì anh là bạn đồng môn của anh tôi ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Cả hai ra trường năm 1974, anh Điểm và anh tôi được bổ nhiệm đi dạy ở miền Tây.

Sau năm 1975, anh tôi đi tù cải tạo vì trước khi ra trường, mọi sinh viên phải vào quân trường Thủ Đức học mấy tháng, nghiễm nhiên là anh tôi được mang lon chuẩn úy nhưng anh Điểm may mắn thoát “học tập cải tạo.” Rồi anh vượt biên thành công, được định cư ở Mỹ nhưng lúc đó chúng tôi không hề hay biết.

Ông Võ Thành Điểm (bìa trái) và một số nhân viên nhật báo Người Việt tại nhà hàng Coq au Vin, Fountain Valley. (Hình: Người Việt)

Khoảng năm 2001 anh Điểm có về Sài Gòn, ghé tòa soạn tờ báo nơi anh em tôi đang cùng làm việc để thăm. Chúng tôi vui mừng khi gặp nhau và hàn huyên đủ mọi chuyện trên trời dưới đất.

Lúc đó anh Điểm đi chơi nhiều nên mặt mày đen thui, anh ba xạo với tôi: “Tui về ở miền Tây nên bây giờ đen thui…!”

Anh tôi thì hình như có biết chuyện anh là Việt kiều nhưng chỉ mỉm cười. Rồi chúng tôi đi nhậu một trận tưng bừng chiều hôm đó và anh nói rằng, về Sài Gòn sao mà vui quá!

Năm 2003, tôi được cha mẹ bảo lãnh sang Mỹ định cư. Sau ba tháng rong chơi, tôi xin vào làm ở nhật báo Người Việt với công việc thầy cò và trình bày báo và thế là được làm chung với anh ở Ban Mỹ Thuật.

Anh hay lôi tôi ra bãi đậu xe phía sau tòa soạn để nghe anh kể những chuyến phiêu lưu lý thú của anh cũng như bàn luận về những chuyện xảy ra tại nơi làm việc một cách hào hứng say mê rồi anh kết luận: “Chỉ có cái ban mình là tử tế với nhau nhất…!”

Chúng tôi hay đi uống cà phê sáng và thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa cùng các anh em trong ban.

Cho đến khi dịch COVID-19 từ Trung Quốc “nhập cảnh” và hoành hành nước Mỹ, chúng tôi không còn dịp đi “ăn chơi” thường xuyên với nhau nữa. Tuy nhiên anh là người ham bạn bè nên thường gọi điện thoại rủ tôi đi uống cà phê buổi sáng ở quán Hạt Ngò và tôi cũng đi gặp anh vài lần.

Khoảng một tháng trước khi anh bị bệnh, anh kêu cả Ban Mỹ Thuật đi ăn trưa tại quán Con Gà Trống, nhưng chỉ có tôi cùng cô “thầy cò” đến và anh lại bảo rằng: “Sợ Covid thì cũng sợ nhưng không đi gặp anh em thì buồn quá! Tuần tới đi ăn trưa tiếp nhé!” Chúng tôi cũng đồng ý.

Lần cuối gặp anh là tại tòa soạn, tôi thì vẫn mang khẩu trang nhưng anh thì không.

Anh nói: “Mang vô khó thở quá!”

Rồi nửa tháng sau đó anh gọi điện thoại cho tôi và nói: “Anh bị COVID rồi! Em sắp xếp công việc giùm anh nhé vì anh chưa nghỉ phép năm 2020!”

Cho đến bây giờ, nghe tin anh qua đời mà tôi cảm thấy rất khó tin. Tưởng chừng như vẫn còn anh ngồi trong góc phòng layout quảng cáo và báo giấy với nụ cười hiền lành, dễ mến… (Ánh Bùi, trưởng Ban Mỹ Thuật)

***

Anh yên nghỉ. Vĩnh biệt anh!

Tôi nhớ mình đã nghe câu nói “Sao người hiền luôn vắn số!” Tôi đã khóc khi cảm nhận được điều vô thường đó! Khi người bạn, người anh, người đồng nghiệp của tôi đã vĩnh viễn ra đi vì con virus Vũ Hán khốn kiếp đang gieo tang thương khắp nơi… Anh Điểm với cái tên thân thương “Tư Túc Cầu” của những độc giả Người Việt qua bao năm tháng… Tôi nghĩ anh là một trong những người hiền lành nhất trong tòa soạn. Anh ngồi cách tôi chỉ một ghế nên chúng tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong nghề nghiệp, anh ít nói nhưng là người tình cảm chân chất, bởi vì tôi và anh đều là người miền Nam nên có điều gì đó hiểu nhau và giống nhau!

Anh Điểm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng nhe anh! Tiếc thương khi anh ra đi bất ngờ và quá sớm…

Tôi vẫn nợ anh một buổi ăn sáng cà phê, một cuộc hẹn đi du lịch Nhật sau khi hết dịch… Bên kia thế giới mong anh sẽ mỉm cười với nụ cười đôn hậu, chân chất và chúc anh sẽ thong dong phiêu du đây đó trên khắp sông nước miền quê hương Châu Đốc, An Giang, nơi quê hương đồng bằng sông Cửu Long mà ai cũng muốn trở về khi đã hết một đời tha hương…

Vĩnh biệt anh! Anh yên nghỉ nhe anh… (Dân Huỳnh, cựu nhân viên nhật báo Người Việt)

***

‘Triết, mày qua chỉ chú cái này…’

Giữa trận đại dịch, nhiều người thân quen rảo bước đi. Có người đi trong âm thầm, có người ra đi giữa sự huyên náo. Tôi như thằng say chìm sâu trong cơn mộng mị mùa sinh ly, dù nhận được tin nhắn của chị hơn cả tuần rồi, vẫn không định thần để kịp cảm nhận chú Điểm đã mất!

Hôm nay tình cờ lướt qua Facebook đọc mẩu tin của học trò chú, mới biết rằng chú Điểm mất hơn 10 ngày rồi. Tôi bất giác như bừng cơn say, nhớ lại tin nhắn của chị Hạnh Tuyền mà vội lục tìm trong ngăn tủ ký ức những kỷ niệm nào từng có giữa chú cháu, ở những ngày làm việc trong tòa soạn nhật báo Người Việt. Tôi ngồi sau lưng chú, cách chỉ vài bước chân.

Ông Võ Thành Điểm (thứ sáu từ trái) chụp hình với một số nhân viên nhật báo Người Việt nhân dịp kỷ niệm 40 năm. (Hình: Người Việt)

Tuyệt nhiên không có nhiều, hoặc vì trí óc không cho mình nhớ nhiều được nữa, về một nơi đã chìm lắng trong lòng. Và trong mớ ký ức không nhiều như vậy, vỏn vẹn, tôi hình dung ra chú Điểm với tiếng vọng kêu mình thi thoảng: “Triết, mày qua chỉ chú cái này…”

Thuở, trong Ban Mỹ Thuật không phải ai cũng dám phơi bày cái chỗ không biết của mình sang sảng như chú, thường chỉ là ngược lại.

Chú làm ở đây lâu hơn tôi, tất nhiên cái biết của chú nhiều hơn. Cái chú biết nhiều là lòng khiêm hạ, dù lắm lúc cũng không thể không càu nhàu những việc đáng phải càu nhàu với đồng sự. Những lúc chú gọi tôi: “Triết, mày qua chỉ chú cái này…,” âm tiết tự nhiên, thân tình, và chân tình.

Có gì phải mắc cỡ vì thua một đứa trẻ con những kiến thức kỹ thuật điện toán tân tiến luôn cập nhật trong thị trường Adobe. Song, tôi vẫn thấy mình thấp bé bên cạnh ông già Điểm, chỉ là đứa học trò của bậc thầy tận tụy khiêm cung với nụ cười hồn hậu mỗi lần gọi “Triết, mày qua chỉ chú cái này…” Điều mà ở tuổi của chú, vẫn ham học thêm, để biết thêm, cốt cho việc mình làm hoàn hảo hơn mà đem cống hiến cho công ty, cho khách hàng. Sự học bất tận. Cái học của người lớn bao giờ cũng là bài học cho đám trẻ con trong ý nghĩa nào đó để tiếp nối vào đời, đi tới.

“Triết, mày qua chỉ chú cái này…,” đó là cái mà tôi học ở chú nhiều hơn bất cứ điều gì mà chú nhận lại từ kho kiến thức mọn của tôi.

Cảm ơn chú Điểm. Luôn nhớ và nghiêng lòng kính tiễn chú về miền an nhiên tịch lạc.

Chốn bụi, 15 Tháng Giêng, 2021 (Minh Triết, cựu nhân viên nhật báo Người Việt)

***

‘Kêu tui là Anh Tư Túc Cầu cho thân mật’

Theo mọi người chung quanh, tôi gọi ông Võ Thành Điểm là “chú Điểm.” Một hôm cuối tuần, ông khều tôi ra ngoài nói chuyện. Với nụ cười hiền lành trên khuôn mặt phúc hậu, ông nói: “Đừng kêu tui là ‘chú’ nữa. Kêu tui là ‘anh Tư Túc Cầu’ cho thân mật.”

Rồi làm như chuyện này còn là một cái gì bí mật lắm, ông giải thích: “Tại vì tui mê đá banh lắm. Mê từ hồi còn nhỏ.”

Anh Tư Túc Cầu làm cho Người Việt từ năm 1984 đến Tháng Mười Một, 2020.

Sau này, khi chỉ còn làm hai ngày cuối tuần, ông thường có quà cho chúng tôi, khi thì ổ bánh mì, khi thì mấy quả mận “plum” ngọt ơi là ngọt ở nhà con gái ông.

Lần cuối tôi gặp anh Tư là Thứ Bảy trước lễ Tạ Ơn. Ông nói với tôi: “Tui tính nghỉ mấy bữa đi thăm con gái. Sắp sinh nhật nó. ‘Happy Thanksgiving’ nha.” Tôi chúc ông năm mới vui vẻ, ông nói: “Đâu có. Tui làm gì nghỉ dữ vậy. Hết ‘Thanksgiving,’ tui làm rồi. Thứ Bảy tuần tới tui có mặt rồi.”

Rồi ba ngày trước lễ, nghe tin ông bị COVID-19 mà tôi bàng hoàng. Ý nghĩ đến trong đầu tôi trước tiên là vậy thì làm sao ông dự sinh nhật con gái được. Rồi ông không trả lời điện thoại được vì quá mệt mỏi. Tin ông khỏe hơn, có thể ăn chút ít được, tôi chưa kịp mừng thì tin dữ đến thật nhanh.

“Chú Điểm chết rồi.”

Ai đó báo với tôi.

Trong một thoáng choáng váng, tôi chưa kịp hiểu chết là gì và chừng nào thì anh Tư đi làm lại.

Phải vài giây sau tôi mới ý thức được rằng từ nay tôi không được ăn mận ngọt của ông nữa, từ nay, mỗi lần cô Hoàng Vĩnh làm hiệp kỵ, tôi sẽ thắp nhang khấn anh Tư cũng như những bậc đàn anh thiên cổ.

Thôi, từ nay ông không dự thêm sinh nhật con hay lễ Tạ Ơn nào nữa. Sau cơn bàng hoàng, tôi thắc mắc, không biết thiên đàng có ai đá banh cho ông coi.

Ông mê đá banh lắm. Mê từ hồi nhỏ.

Có lần ông tâm sự: “Hồi còn trẻ, niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của tui là được cùng các bạn hữu như các anh Yến, Quang, Phước Quan, anh chị Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, chị Mai Phương, Cường, anh Phát (đã mất) cùng phụ giúp nhau cho đến khi xong việc, thường là 2 hoặc 3 giờ sáng. Gần tòa soạn nhất là tiệm Mae’s Cafe ở góc Magnolia với Trask, mở 24/24. Cả tòa soạn kéo nhau ra đây vừa ăn vừa nói chuyện để cùng nhau rút kinh nghiệm. Vui lắm.”

Ông cười: “Vui và rất là ấm tình đồng nghiệp.”

Về niềm hạnh phúc thứ nhì khi làm cho Người Việt, ông kể: “Cũng hồi đó, tui thấy rất vui khi cả tuần ngồi một chỗ thì cuối tuần được xách máy ảnh lang thang ngoài sân cỏ chụp các đội bóng tròn Việt Nam thi đấu rồi về viết bài đăng báo trên trang thể thao. Với tui, công việc này rất hào hứng.”

Ông hay kể rằng hồi trẻ, ông ốm lắm chứ không mập như bây giờ. “Lúc đó tui ‘ngon lành’ lắm, nhiều cô ‘chịu’ lắm,” ông cười to.

Tôi hỏi đùa: “Vậy anh có ‘thậm thụt’ với cô nào trong tòa soạn không?” ông cười to hơn: “Thôi, già rồi mà nhắc lại mấy chuyện này, mắc cỡ chết.”

Gần đây, nhiều lần, ông cho biết ông không cần tiền nữa nhưng ông không xa Người Việt được.

“Tui nhớ cái tình người ấm áp ở đây trong những năm trước,” ông giải thích. (Đằng-Giao, phóng viên nhật báo Người Việt)

***

Chú còn ‘nợ’ ổ bánh mì Chợ Cũ

“Chú Điểm đi rồi,” tin nhắn đúng ngày đầu năm mới 2021 khiến con bàng hoàng. Mới tháng trước, chính xác là 33 ngày trước, hôm 29 Tháng Mười Một, 2020, con cổ vũ “Con chúc chú mau bình phục. Đập chết con Cô Vy chú nha,” thì chú nhắn lại ngay “Cám ơn cháu.”

Giận chú. Chưa bao giờ chú thất hứa với con. Chú là một tay viết cừ khôi cho trang Thể Thao, nhưng có đôi khi con phải sửa bài của chú. “Chú tin ở cháu, không phải lúc nào chú cũng thấy hết [sai sót] những gì chú viết,” chú nói. Mỗi khi có chuyện nóng về thể thao, dù ngày đó không có trang, chú vẫn viết để “cho kịp thời sự.” Chú làm việc mà không tính toán, làm hơn phần việc mình làm, từ viết bài cho trang Thể Thao, làm phân ưu, cáo phó, rồi dàn trang tờ báo ngày. Vậy mà giờ chú đi, bỏ lại trang Thể Thao chú đã viết gần 40 năm qua.

Ông Võ Thành Điểm (thứ hai từ trái) và một số nhân viên nhật báo Người Việt tại nhà hàng Song Long, Westminster. (Hình: Người Việt)

Giận chú. Hồi Tháng Mười Hai, khi con gọi điện thoại nói chuyện với chú, chú hứa là sẽ mua bánh mì bì Chợ Cũ cho con, anh Đỗ Dzũng, anh Đằng-Giao như mọi Thứ Bảy chú đã từng. Vậy mà chú thất hứa.

Giận chú. Con không hề biết, và con nghĩ chú cũng vậy, Thứ Bảy, 21 Tháng Mười Một, là ngày cuối cùng con làm việc với chú. Chú vẫn lạc quan yêu đời, vẫn mạnh khỏe. Vậy mà đùng một cái, qua tuần sau, con nghe nói chú mệt, rồi chú vào bệnh viện.

Một tháng. Chỉ vỏn vẹn một tháng thôi, chú Võ Thành Điểm của con, anh Tư Túc Cầu của biết bao độc giả yêu trang Thể Thao của nhật báo Người Việt, vĩnh viễn mất chú.

Chú biết không, những ngày chờ tang lễ của chú vào ngày 31 Tháng Giêng này, con lặng người khi thấy những dòng phân ưu về chú trên nhật báo Người Việt. Con vẫn không tin đó là sự thật. Chú ra đi là một mất mát lớn với anh em Ban Mỹ Thuật, nên con thấy mỗi khi có trang Thể Thao thì Nia luôn đặt một phân ưu về chú trong đó, nơi mà chú có tình yêu mãnh liệt mấy chục năm qua.

Chú ơi, ở miền miên viễn xa xôi ấy, con mong chú sớm về cõi Phật. (Trương Quang Quốc Dũng, chủ biên nhật báo Người Việt)

***

‘Tư Túc Cầu,’ người thích viết dài 

Tôi đã “sốc” một chút khi sáng sớm 2 Tháng Giêng anh Đỗ Dzũng gọi “chú Điểm mất rồi!”

Quá nhiều kỷ niệm, nhiều điều để nhớ về chú “Tư Túc Cầu,” tức Võ Thành Điểm, ở nhật báo Người Việt.

Cùng với cố nhà báo Hà Tường Cát, chú Điểm là “cây bút tiền bối” đóng góp rất nhiều cho trang Thể Thao trên nhật báo Người Việt hàng chục năm, đặc biệt là mỗi kỳ World Cup hay Euro Cup chiếu trực tiếp tại phòng sinh hoạt Người Việt, phục vụ đồng hương Việt Nam “ghiền đá banh.”

Trong những dịp này, nếu như “lão tướng” Hà Tường Cát thích đi “lăng quăng” bàn luận chuyện đá banh với đồng hương, thì chú Điểm thích ngồi “trực chiến” tường thuật cho độc giả trên Người Việt Online và sáng hôm sau là trên báo giấy. Ông là người “nấp sau những con chữ,” âm thầm “nhả tơ” phục vụ độc giả thích thể thao.

Mê thể thao và mê viết, nên mỗi khi bài của “Tư Túc Cầu” quá dài, các “editor” muốn cắt bớt là lại ngại “chú Điểm ổng buồn.” Nhưng nếu bài có bị cắt, chú cũng không buồn lâu vì bản tính ông luôn vui vẻ.

Chú Điểm còn rất đáng quý ở chỗ rất thương gia đình, con cháu. “Diễm chị,” “Diễm em,” là tên hai người con gái thường được ông nhắc đến một cách trìu mến và tự hào, và đó cũng là lý do ông còn có bút danh khác là “Thanh Diễm.” (Đỗ Tài Thắng, tổng thư ký nhật báo Người Việt)

***

Vĩnh biệt ‘Tư Túc Cầu’

“Tư Túc Cầu” là bút danh của chú Võ Thành Điểm, người mê bóng đá hơn bất kỳ ai trong nhật báo Người Việt.

Tôi còn nhớ hôm đó, ngày 25 Tháng Mười Một, 2020, chú gọi tôi và nói: “Tao vừa viết xong tin Maradona chết rồi đó. Mày cho đăng nhe.”

Sinh nhật “Anh Tư Túc Cầu.” (Hình: Người Việt)

Tôi nói: “Cháu cho người làm tin rồi. Lát chú vào viết chi tiết hơn, cháu cho đăng.”

“Thôi, hôm nay tao mệt quá, không vào được,” chú trả lời.

Vài hôm sau, biết tin chú vào bệnh viện, gọi hỏi thăm, chú nói: “Tao khỏe lắm, chắc vài bữa về.”

Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với chú.

Tôi không bao giờ quên được con người chất phác, hiền lành, rất miền Nam của chú. Chú coi tôi như con, nên nói chuyện mày tao là thường. Hai cô con gái của chú, giờ là dược sĩ thành công, đều là bạn học cùng trường Orange Coast College với tôi trước đây.

Mỗi lần nói chuyện về bóng đá là chú rất say sưa.

“Thằng Pulisic kỳ này về Chelsea rồi mày ơi. Thằng này đá rất tuyệt, không chê vào đâu được, mà còn rất trẻ,” chú kể, mà môi chú cong lại!

Gần như chú không bỏ qua trận đấu bóng đá nào. Dù là ngày làm việc hay không, khi có trận nào hay, là chú viết bài gởi vào.

Có khi chú đề tên “Tư Túc Cầu,” có khi là “TD,” có khi là “Thanh Diễm.” Diễm là tên hai con gái của chú, Ngọc Diễm và Thúy Diễm.

Mỗi mùa World Cup hoặc Euro, khi nhật báo Người Việt tổ chức chiếu bóng đá cho cộng đồng xem, chú không bao giờ vắng mặt, cho dù là thứ mấy hoặc Chủ Nhật trong tuần.

Chú thích nhất là ngồi xem trận đấu chiếu trực tiếp trên màn hình TV, rồi tường thuật trực tiếp trên trang web Người Việt.

Trước mặt chú là hai máy điện toán, một để chú cập nhật, một để chú theo dõi các dữ kiện về đội hình hai đội, thay cầu thủ ra sao, cầu thủ nào bị thẻ, bàn thắng ghi ở phút thứ mấy… rất chi tiết.

Có lần, trong phòng biên tập, hôm đó là trận chung kết World Cup, nhiều người vào ngồi xem, lúc gay cấn, ai cũng đứng lên vỗ tay, tội nghiệp chú, phải nghiêng đầu qua lại để xem, và gõ xuống bàn phím cho kịp.

Có lúc chú bực quá: “Ê, tránh cái đầu ra cho tao coi, thằng nào mới đá vô vậy, số mấy vậy? Thằng nào mới bị đốn vậy, thằng nào bị thẻ vàng vậy…?”

Mỗi lần xong giải, chú luôn là người mời mọi người trong “ban tổ chức” đi uống cà phê, ăn sáng, rồi có khi chú mời đến nhà ăn tiệc, rất rôm rả.

Chưa kể, lâu lâu chú nhắn tôi trong điện thoại, khi thì “Ra Factory nhe mày,” “Ra Gipsy nhe mày,” và sau này thường là “Ra Hạt Ngò nhe mày.”

Dễ thương nhất là mỗi lần tôi tặng chú thức ăn, như là bồi dưỡng, vào cuối ngày.

Có khi chỉ còn trái quýt, hoặc nửa củ khoai lang, hoặc bất cứ thức ăn gì, tôi bước từ Ban Nội Dung sang Ban Mỹ Thuật đưa chú, chú ăn liền, không thắc mắc, và chỉ nói: “Cảm ơn nhe…” (chữ “nhe” kéo dài một cách vui vẻ).

Thỉnh thoảng chú đi làm Thứ Bảy, thể nào hôm đó tụi tôi cũng có, khi thì bánh mì Chợ Cũ, khi thì bánh tiêu, khi thì chuối chiên, tự tay chú đem đến cho từng đứa.

Chú Điểm ơi, ngồi viết những dòng chữ này mà mắt cháu cay lắm.

Tụi cháu sẽ không còn được chú cho uống cà phê, ăn bánh mì…và cháu không còn được nghe chú kể một cách say sưa các trận bóng đá của MLS, Premier League, La Liga, Ligue 1, Bundesliga, Serie A, Champions League, Euro, và World Cup…. nữa. (Đỗ Dzũng, chủ bút nhật báo Người Việt)

Chương trình tang lễ
Linh cữu được quàn tại Peek Funeral Home – Phòng Số 5, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683
Chủ Nhật, 31 Tháng Giêng:
-10AM – 11:30AM: Lễ Nhập Quan, Phát Tang, Cầu Siêu
-12PM – 5PM: Thăm Viếng
Thứ Hai, 1 Tháng Hai:
-10AM – 11AM: Lễ Cầu Siêu, Di Quan, Hỏa Táng.

MỚI CẬP NHẬT