Friday, April 19, 2024

Báo chí vùng tề (1947-1954)

 

Viên Linh

Các hồi ký về nghề báo Việt ngữ cho tới nay không có nhiều, mà nếu có, lại cũng do các nhà văn viết, như “41 Năm Làm Báo” của Hồ Hữu Tường, “40 Năm Nói Láo” của Vũ Bằng – mà đã nói láo, dù là nghịch ngợm, hay trâng tráo, đùa giỡn với các tiếng lóng – xét ra ta nên loại bỏ.

Từ khi ra hải ngoại, nhà văn Thanh Nam viết “20 Năm Viết Văn Làm Báo ở Sài Gòn (đăng trên Thời Tập 1978, sau này đăng lại trên Văn), song dở dang, vì tác giả lâm trọng bệnh, mất năm 1988 khi chưa tới tuổi 60. Hẳn cũng còn đâu đó các bài trên các tờ báo, hay từng bài trong vài cuốn sách, như của các ký giả Nguyễn Ang Ca, Hồ Văn Ðồng, nhà văn nhà báo An Khê,… Khoảng hai mươi năm trước đây, lão ký giả Trần Bình của Tuần báo Ðời Mới [hiện diện khoảng những năm 50 với chủ nhiệm Trần Văn Ân], đã ưu ái gửi cho người viết bài này từng đoạn của một bài viết theo kiểu nhớ đâu viết đó, nhất là về giai đoạn cụ Trần Văn Ân chấp chánh, vì tế nhị, đã nhờ bạn thay mình làm quyền chủ nhiệm Ðời Mới một thời gian. Do đó ký giả Trần Bình đã kể lại một số chuyện, một số nhân sự, trong sinh hoạt báo chí ở Miền Nam. Nhờ đó, tài liệu có nhiều hơn để kê cứu.



Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008), một trong những nhà văn, nhà báo của thời báo chí văn thơ Vùng Tề, Hà Nội (1947-1954). (Hình từ sách của Nguyễn Thạch Kiên)

Còn về sinh hoạt báo chí ở Miền Bắc, chúng ta hoàn toàn không biết, trừ một giai đoạn ngắn thời Nhân Văn-Giai Phẩm, qua các bài viết của tác giả Mặc Ðịch, Hoàng Văn Chí. Gần đây, chỉ mới 3 năm nay, nhà văn Ngọc Giao, kẹt lại Hà Nội sau 1954, cho xuất bản “Quan Làm Báo,” song lại viết về giai đoạn tiền chiến, khoảng 1943, 1944. Riêng tôi may mắn thay, có một số tài liệu anh em trong làng gửi cho, trong đó có nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết về ký giả Vũ Ngọc Các, chủ nhiệm chủ bút tờ Dân Chủ ở Sài Gòn khoảng 1955-1957. Thực ra tôi yêu cầu anh viết về Vũ Ngọc Các, vì bản thân có một vài kỷ niệm dính dáng tới tờ nhật báo này, không ngờ ký giả Vũ Ngọc Các đã hoạt động đảng phái, làm báo đảng phái từ hồi chiến tranh Pháp Việt, 1946, do đó mà ký giả Nguyễn Thạch Kiên đã kể ngược thời giai đoạn ở Hà Nội trước 1954 ngược lên tới 1947. Trong nghề chơi sách cũ, cụ Vương Hồng Sển có nói tới chuyện “sách tìm người,” trong nghề báo, tôi cũng có niềm tin tương tự: tin xưa kiếm người cũ!

Cảnh làm báo ở Nam Cali hồi 1975-1980 của các ký-lỡ hải ngoại, theo tôi, nếu đem so với cảnh làm báo của Hà Nội hồi 1947-1950, là so sánh thiên đường với địa ngục. Ký giả Nguyễn Thạch Kiên viết:

“Giữa cảnh điêu tàn đổ vỡ [của Hà Nội hai tháng sau ngày Hà Nội đánh Pháp 19.12.1946], nhà in đổ nát, thiếu chữ, thiếu thợ, kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện và nhóm đồng chí của học giả Nhượng Tống đến nhà in Ngày Nay (cũng là tòa soạn nhật báo Việt Nam và tuần báo Chính Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng) ở 80 phố Quan Thánh, nhặt nhạnh được một mớ chữ. Kế đến các nhà in ở phố Hàng Ðiếu, Hàng Bông, bới trong các đống gạch ngói, tường đổ, tìm thêm được mấy mớ chữ nữa.”

[Những con chữ a, b, c đúc bằng kẽm, vuông vắn dài 2 cm, một đầu là mặt chữ, ví dụ muốn có chữ Saigon, người thợ in phải kiếm chữ S ở hộc chữ S, chữ a ở hộc chữ a, chữ i ở hộc chữ i, xếp 3 con chữ bằng kẽm ấy ở trên lòng bàn tay trái, rồi tiếp tục xếp chữ gon để thành chữ Saigon… Mỗi thợ xếp chữ có một kệ chữ trong có 24 hộc, 24 chữ cái là 24 hộc, không kể 24 hộc chữ hoa, 24 hộc chữ thường, và các hộc dấu sắc huyền hỏi ngã nặng, mỗi dấu một hộc nữa. Mỗi hộc chỉ bằng hộp quẹt nhỏ. Học ít ngày cũng có thể nhớ hộc chữ a ở chỗ nào, chữ b ở chỗ nào… Xếp xong một câu thì kiếm dấu phẩy hay dấu chấm, cũng bằng kẽm, xếp vào cuối câu, vài câu đầy một khuôn, là có khoảng hai ba chục chữ, buộc xung quanh cho chúng khỏi rời ra. Khuôn bằng gỗ. Cứ thế, một trang sách thành một khuôn, một trang báo gồm nhiều khuôn xếp gần nhau. Muốn có 4 trang báo in ra, cần khoảng 15 người thợ xếp chữ trong non một ngày, sau khi có khuôn tờ báo, đặt lên bàn gỗ của máy in, tùy theo lớn nhỏ, lớn thì in được hai trang một lần, in 1000 tờ tốn khoảng 4 tiếng đồng hồ nữa.

Nếu lỡ đánh rớt khuôn chữ xuống đất, các con chữ tung tóe rơi ra, thì kể như không bao giờ làm nghề in được, ráng chạy cho kịp ra khỏi nhà in cho toàn mạng. Khi báo in xong, người thợ xếp chữ phải mất từng ấy giờ để tháo chữ ra, trả chữ a về hộc chữ a, trả chữ s về hộc chữ s, cứ thế, cứ thế mà trả chữ về chỗ cũ, đặng ngày mai làm nữa, cho tờ báo hôm sau.]

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên viết tiếp: “Thế là tờ ‘Actualités’ (Thời Sự) bản Pháp văn và tờ Trật Tự bản tiếng Việt, khuôn khổ hơi nhỏ, ra đời. Sau đó vài tháng, nhật báo Trật Tự đổi tên thành nhật báo Thời Sự và từ 2 trang khổ nhỏ lên 4 trang khổ lớn, của một tờ báo lớn. Công lao ấy thật sự là nhờ các anh Xích Diện, Thế Hưng (của nhóm anh Nhượng Tống) giúp đỡ, về phần kỹ thuật và chuyên nghiệp, mới hoàn thành tốt đẹp. Vì ngoài phần “xếp chữ” còn vấn đề in ấn. Ðiện yếu, máy không chịu chạy, nhiều phen các anh ấy phải quay máy bằng tay cho… máy chạy! Chạy (quay) suốt đêm. Ðể sáng mới có báo bán và gửi cho các cơ quan liên hệ. Chính ông chủ nhiệm kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện và ông bỉnh bút nổi danh Trần Trung Dung (ký tên Vương Quốc Thái dưới các bài bình luận), nhiều đêm phải làm thợ in để cho ngày mai có báo.”

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên sinh năm 1926, năm Hà Nội nổ súng đánh Pháp anh vừa tròn 20 tuổi. Như nhiều thanh niên hồi đó, đã tham dự việc chống Pháp, người ta có thể dễ dàng bước vào các hoạt động tranh đấu chính trị, kể cả gia nhập các đảng phái cách mạng. Anh tham gia Việt Nam Quốc Dân Ðảng, nghiêng dần về sinh hoạt tuyên truyền, báo chí. Anh còn làm thơ, viết văn. Năm 1949, tác phẩm “Hương Lan” của Nguyễn Thạch Kiên được trao giải văn chương của nhà xuất bản Tân Việt; năm 1954, tác phẩm “Mùa Hoa Phượng” của anh được giải của Tinh Việt Văn Ðoàn. Hoạt động với anh ở hải ngoại, trong các câu chuyện, anh thường nhắc tới hai người, hai bậc đàn anh vừa trong tranh đấu vừa trong văn chương, là thi sĩ học giả Nhượng Tống, một đầu não của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, hoạt động sáp cánh với Ðảng trưởng Nguyễn Thái Học, một người văn thơ đều hay, sở kiến uyên bác, từng dịch ra Việt ngữ các danh phẩm lịch sử, như Nam Hoa Kinh, hay viết tiểu thuyết “Lan và Hữu,” bị ám sát chết ngay trên đường phố Hà Nội khoảng 1947-49; và người kia là nhà văn nòng cốt của Tự Lực Văn Ðoàn: Khái Hưng, người bị cộng sản dìm chết trong một khúc sông ở Nam Ðịnh, cuối năm 1947. Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thuộc lớp đàn em của hai ông trong tranh đấu cũng như trong sinh hoạt báo chí, nhờ đó anh biết nhiều về báo chí Hà Nội trong những năm 1947-1954.

“Thành phố Hà Nội, ngoài tờ Thời Sự, […]còn tờ Ngày Mới do ông Ngô Quân đứng tên chủ nhiệm. Hai năm sau đổi tên thành Tia Sáng và là tờ báo lớn – nhờ có những trang Rao Vặt để thừa tiền nuôi sống người chủ trương và ban biên tập.

[…] Về phía tuần báo có tờ Cải Tạo do ông Phạm Văn Thụ chủ nhiệm, và ông Ðào Trinh Nhất làm chủ bút. Tờ Giác Ngộ của ông Nguyễn Cảnh Long, tờ Thanh Niên của nhóm anh em Ðại Việt, tờ Hồ Gươm của Bác Sĩ Bùi Cẩm Chương và tờ Ngày Xanh của họa sĩ Lê Văn Ðệ.” Tuy lúc ấy còn nhỏ, người viết bài này cũng vẫn nhớ một vài mục đặc biệt trên các báo, như “Tiếng Dân Kêu,” “Chiếu Trên Chiếu Dưới,” và cũng quen biết vài cây bút trong các tờ Cải Tạo, Tia Sáng, Hồ Gươm, nhất là về phía các tạp chí văn học, như Thế Kỷ, Phổ Thông, Sinh Lực,… Một thời xa xưa đã qua hẳn.

MỚI CẬP NHẬT