Friday, March 29, 2024

‘Bông Hồng Tạ Ơn’ của Nguyễn Ðình Toàn: Không chỉ đọc bằng mắt




 


Ngọc Lan/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) –Khi đọc bằng mắt. Khi đọc bằng suy nghĩ. Khi phải vắt óc nhớ xem truyện đó nó như thế nào. Khi tự dưng thấy miệng mình mở ra, ngâm nga mấy dòng thơ. Rồi khi lại bật lên tiếng hát, hát cho đã điếu một đôi câu, có khi hát luôn cả một bài.










Tập sách “Bông Hồng Tạ Ơn” của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Ðó là những trạng thái đã diễn ra khi tôi lần đọc tập sách “Bông Hồng Tạ Ơn” của nhà thơ/nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn.


Chính vì điều này, nên nếu có ai hỏi, “Bông Hồng Tạ Ơn” của Nguyễn Ðình Toàn là tập sách như thế nào? Thì có lẽ tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng: Ðó là một tập sách đặc biệt.


Ðặc biệt, bởi nó khiến người đọc ở trong nhiều tâm trạng khi giở những trang sách, khi vui theo từng cung nhạc, khi buồn theo từng đoạn văn, khi thẫn thờ theo một khổ thơ, và lại khi tức mình kêu lên, “Trời ạ, sao viết gì có mấy dòng vậy!”


***


111 nhạc sĩ, 109 tác giả văn và thơ, 10 ca sĩ và 7 nghệ sĩ tạo hình, tổng cộng 237 tên tuổi (chứ không phải 234 như tựa sách ghi) được Nguyễn Ðình Toàn nhắc đến trong tập sách “Bông Hồng Tạ Ơn.”


237 tên tuổi này không hẳn là đại diện tiêu biểu cho lãnh vực thơ nhạc, sáng tác, hội họa của nghệ thuật Việt Nam trong và ngoài nước từ trước đến nay. Nói như tâm tình của chính tác giả, người một thời nổi tiếng với chương trình “Nhạc chủ đề Nguyễn Ðình Toàn,” thì đây là những người mà Nguyễn Ðình Toàn có “chút hiểu biết,” hay “còn nhớ về tác phẩm, tác giả.” Và ông muốn nhắc đến họ, “như một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm được cho đất nước, nhờ đó, mọi người đã được thừa hưởng.”


Nhắc điều này, cũng như đọc lời “Thưa” của tác giả khi mở đầu tập sách: “Ðây không phải là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật,” để người đọc, giống như tôi, không phải bận lòng đặt thêm câu hỏi, “Sao lại không nói đến nhạc sĩ này?” hay “Sao không nhắc đến họa sĩ kia?” hay lầm bầm, “Người này có nổi tiếng, có mấy ai biết đâu mà cũng kể ra?”


Mỗi tác giả có một góc nhìn và một cách thể hiện khác với tất cả những người khác. Nguyễn Ðình Toàn cũng thế. Ông có lý do, có sự đắn đo, và có sự lựa chọn những điều ông muốn đưa vào tác phẩm của mình.


Vì vậy khi chọn đọc ông, thì nên đọc góc nhìn của ông, của tác giả Nguyễn Ðình Toàn, chứ không phải góc nhìn của bản thân mình.


***


Tập I của Bông Hồng Tạ Ơn gồm 2 phần, dày hơn 550 trang.


Phần I viết về 111 nhạc sĩ, từ những nhạc sĩ mà hầu như ai cũng một lần nghe nhắc tên như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ðặng Thế Phong, Lam Phương, Cung Tiến, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Thương, Tuấn Khanh,… Ðến những nhạc sĩ “lạ hoắc lạ huơ” cả tên người lẫn bài hát, như: Bạch Bích, Lê Ðô… Văn Hạnh, Lê Vy, Lê Xuân Ái, Hồng Duyệt, Ðào Thừa Liệt, Ðức Quỳnh…


Phần 2 ông viết về 10 ca sĩ Anh Ngọc, Khánh Hà, Kim Tước, Lưu Hồng, Mai Hương, Ngọc Lan, Quỳnh Giao, Sĩ Phú, Thái Thanh và Tuấn Ngọc – những ca sĩ có thể rất quen thuộc với nhiều người nhưng cũng có thể xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người trẻ trong nước.


Tập II của Bông Hồng Tạ Ơn cũng gồm 2 phần, dày hơn 570 trang.


Phần đầu Nguyễn Ðình Toàn viết về 109 tác giả thơ và văn, như Bùi Giáng, Cao Tần, Ðinh Hùng, Cung Trầm Tưởng, Huy Cận, Huy Phương, Mai Thảo, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tường Tam, Phan Lạc Tiếp, Trần Dần, Trần Mộng Tú, Vũ Thư Hiên, Vũ Hoàng Chương, Song Thao, Lê Ðình Ðiểu,…


Phần sau của tập II, tác giả viết về 7 nghệ sĩ tạo hình: Ðằng Giao, Hồ Thành Ðức, Bé Ký, Mai Chửng, Nguyễn Cao Ðàm, Nguyên Khai, Nguyễn Văn Trung và Thái Tuấn.


Bấy nhiêu tác giả, tác phẩm, và nghệ sĩ gói gọn trong tập sách gồm 2 quyển, với hơn 1,000 trang viết, kể ra, vừa thật nhiều về số lượng tên tuổi mà độc giả sẽ được biết đến qua lời nhắc nhớ một cách chọn lọc của Nguyễn Ðình Toàn. Ðồng thời cũng vừa có vẻ “kiệm lời” quá cho từng tác giả. Thành ra, sẽ chẳng trách, nếu có người “nổi đóa” vì cảm thấy không thỏa mãn được ước muốn tìm hiểu của mình về một nhạc sĩ, một nhà văn nhà nhà thơ, hay một ca sĩ, họa sĩ mà mình yêu thích.


Nhưng như tác giả Nguyễn Ðình Toàn đã nói từ đầu, “đây không là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật,” mà bên cạnh việc “tạ ơn” những người đã mang đến cho cuộc đời “những gì tốt đẹp nhất mà họ họ có,” thì khát vọng của tác giả, còn nhằm “để các bạn sinh trưởng ở trong, ngoài nước, không biết nhiều về Việt Nam, một lúc nào đó, muốn quay về tìm hiểu các tác giả trong nước, có thêm một chút dấu vết, tài liệu.”


Thì đành, biết “chút dấu vết” tên họ ở đây, biết tác phẩm họ ở đây, và đi tìm chi tiết cặn kẽ ở nơi khác vậy.


***


Ðọc “Bông Hồng Tạ Ơn,” điều tôi thích nhất nằm ở chỗ những lời nhận xét ngắn gọn, khi bàng bạc những nỗi niềm, khi lưng chừng một câu hỏi của nhà văn/nhà thơ/nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn về từng người ông chọn đưa vào trang sách.


Bởi, bản thân Nguyễn Ðình Toàn cũng là nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nên tâm tình ông hiểu về thơ, về nhạc, về văn, về nghệ thuật hội họa là tâm tình của người trong cuộc. Dễ chia sẻ. Dễ cảm thông. Dễ đồng điệu. Và hơn hết, dễ nhìn ra những ẩn dụ, những nỗi niềm vùi sâu, chôn kín mà đôi lúc, người ngoài chưa hiểu hết đến nguồn cơn.


Cách giới thiệu 237 tác giả và nghệ sĩ Việt Nam của Nguyễn Ðình Toàn không giống nhau cho mỗi người. Có người ông giới thiệu bằng sự ảnh hưởng của độc giả, như “Có thể nói, Nguyễn Hiến Lê là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất của chúng ta” (Nguyễn Hiến Lê); có người ông giới thiệu từ một tác phẩm nổi bật nào đó, như “Quê nhà 40 năm trở lại của Phan Lạc Tiếp dày 279 trang, do nhà xuất bản Mõ Làng Văn ấn bản, đã được tái bản chỉ sau khi phát hành một thời gian ngắn” (Phan Lạc Tiếp); có người ông giới thiệu bằng phong cách của nhà thơ, như “Nói đến Trần Ðức Uyển người ta nghĩ ngay đến những bài thơ đen, đen chì của ông” (Trần Ðức Uyển)… Ðiều này khiến cho người đọc ít bị nhàm chán bởi sự lặp lại của những công thức văn chương sáo mòn.


Ở mỗi tác giả và nghệ sĩ, Nguyễn Ðình Toàn lại biết chỉ ra, tìm ra một vài điểm nhấn, điểm độc đáo, chỉ có riêng ở con người đó.


Ðọc bài tác giả viết về nhạc sĩ La Hối người nổi tiếng với ca khúc “Xuân và Tuổi Trẻ,” có đoạn:


“Sau Ðệ Nhị Thế Chiến có tin đồn rằng ‘Xuân và Tuổi Trẻ’ là một bản mật mã các gián điệp Trung Hoa gửi cho nhau. Không biết chính La Hối là một gián điệp, hay chỉ khi bài hát đã có rồi, người ta mới tìm cách biến nó thành những tín hiệu. Nếu đúng như vậy ai sẽ giải mã cho chúng ta biết những nốt nhạc đó chứa đựng điều gì?”


Tôi cảm thấy chi tiết đó thú vị quá. Thì ra bài hát rất hay xưa nay vẫn được người ta ngân nga mỗi dịp Xuân về, từng có thể là “một bản mật mã gián điệp”! Nhưng tôi lại cũng hơi “tức mình,” một “nghi án văn học” như vậy mở ra, không có lời giải đáp, vậy là tự mình lại phải đi tìm hiểu, cho thỏa cái trí tò mò của mình, dù Nguyễn Ðình Toàn đã “thòng” thêm câu, “Ðến chín phần mười đây chỉ là một câu chuyện thiên hạ bịa đặt cho vui.”


Tôi thích bài Nguyễn Ðình Toàn viết về nhạc sĩ Hoàng Dương và bài hát “Hướng về Hà Nội.”


“Hà Nội đẹp


Hà Nội buồn


Hà Nội lãng mạn hay thực tế cũng sẽ mất như những đám sương mù Tháng Bảy đang xóa bỏ nó.


Người ta phải nói lời giã từ Hà Nội


Gọi hồn Hà Nội


Hoàng Dương đã chọn ở lại Hà Nội


Bài hát của ông có cả cái xa và cái gần Hà Hội, có cái ngọt ngào của một bản tình ca, cái não nùng của một cuộc chia lìa cho người ở lại giấu nó trong lòng


Cho người ra đi hát như một lời gọi vói.”


Lời giới thiệu đọc lên nghe cứ như thơ, gợi cho người đọc được nỗi niềm của Hà Nội những ngày tháng đứng trước cuộc chia ly khi Hiệp Ðịnh Geneve chuẩn bị ký. Ðể từ những dòng văn mượt mà đó, đọc lời thơ, nghe ra ca khúc “Hà Nội ơi hướng về thành phố xa xôi/ Ánh đèn giăng mắc muôn nơi/ Áo màu tung gió chơi vơi…” mà nghe lòng rưng rức những nhớ nhung.


Ðọc phần viết về nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tôi cảm thấy cái hay trong cách nhận xét của Nguyễn Ðình Toàn:


“Người ta bảo rằng Việt Nam là một dân tộc lãng mạn. Cứ đọc ca dao của chúng ta để biết ra điều đó.


Ðọc Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc để hiểu vì sao chúng ta không có anh hùng ca, chỉ có tình ca. Dù đau lòng, xé ruột nhưng vẫn là tình ca.


Tình ca dạy chúng ta cách yêu nhau và cả cách xa nhau nữa.”


Một đôi câu thôi, nhưng đầy đủ nét chấm phá về tình tự dân tộc mình trong nhạc, trong thơ. Một đôi câu đó sẽ giúp người ta nhớ lâu, khắc sâu hơn những diễn giải lan tràn.


***


Tôi nói “Bông Hồng Tạ Ơn” là tập sách thật đặc biệt là vậy.


Mình không thể đọc bằng mắt. Mà có lúc đang đọc, tự dưng lại buộc miệng hát lên. Chưa đủ. Lại chạy đi tìm nhạc mở lên để nghe lại một bài hát nào đó mà Nguyễn Ðình Toàn đang nhắc đến, như Vườn Thu của Văn Thủy, Con Thuyền Không Bến của Ðặng Thế Phong, Tình Lúa Duyên Trăng của Hoài An, Ðường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ, Sầu Ðông của Khánh Băng, Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn, Ðoàn Lữ Nhạc của Ðỗ Nhuận…


Mình không thể đọc bằng mắt. Mà có lúc phải đọc lên thành tiếng, có cất lên thành tiếng thì mới nghe ra lời thơ, chất thơ của những tác giả mà ông nhắc đến như Ðinh Hùng, Huy Cận, Trần Mộng Tú, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Vũ Hữu Ðịnh, Vương Ðức Lệ, Nguyên Sa,…


Hay khi đọc ông giới thiệu về Phan Lạc Tiếp với “Quê nhà 40 năm trở lại” cứ thấy mình muốn nhấp nhỏm chạy tìm kiếm quyển truyện đó mà đọc xem tâm trạng đi nhìn lại gặp lại những cảnh đời cũ, người cũ là như thế nào.


Hay khi đọc bài ông viết về Tô Hoài, tôi lại muốn đi tìm hồi ký “Cát Bụi Chân Ai” và “Chiều chiều” để đọc lại những chuyện thâm cung bí sử của giới văn nghệ miền Bắc là ra làm sao.


Tuy nhiên, dù đã lòng dặn lòng “phải đọc dưới góc nhìn của tác giả Nguyễn Ðình Toàn” nhưng cũng có lúc tôi hơi thất vọng trước những câu kiểu như, “Nghe nói về sau Hoài An thích nghiên cứu tử vi” hay “Nghe nói Lam Phương đã viết vì xúc động trước hoàn cảnh của Họa Mi.” Giá mà tác giả cứ hỏi ngay Hoài An hay Lam Phương cho rõ ràng những điều “nghe nói” đó thì bài viết càng có giá trị thuyết phục biết bao nhiêu!


Bỏ qua vài điều mình không như ý, bỏ qua đôi ba tác giả được giới thiệu quá vắn tắt, phải nhìn nhận rằng, từ những nét tưởng chừng có lúc như nguệch ngoạc cho ra chữ, có lúc như vắt ra từ con người của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn, mà người đọc, cũng như tôi, sẽ bất chợt nhận ra những điều cứ ngỡ mình biết lâu nay, nhưng thực ra là chẳng biết gì, qua “Bông Hồng Tạ Ơn.”


 


––––––


Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT