Thursday, March 28, 2024

Bụi và Rác (Kỳ 34)


Kỳ 34



Dù sao tôi không thể đứng đây như trời trồng được. Tôi đi dọc đi ngang, đếm từng viên gạch dưới chân. Tôi đi xéo đi xiên, đếm từng bước nhỏ. Tôi tính nhẩm những bài toán cộng trừ. Rồi tôi chia, tôi nhân.


Tôi không biết cả nhà đang nghĩ gì. Cả nhà có biết là tôi đang bị giam trong trạm công an khu vực này không? Tôi không biết Quỳnh sẽ ra sao khi tôi biệt tích. Tôi thấy nhiều hình ảnh đang chiếu trên tấm màn trí tưởng tôi. Tuấn luật sư, nhà cách mạng Ba Mươi Tháng Tư, thầy giáo Nguyên “nằm vùng,” Hiên hiệu trưởng của chế độ mới, cô nữ sinh Nhị Hà từ Bắc vào… Tôi cũng thấy Kiệt, người học sinh xuất sắc nhất lớp, hai con mắt đỏ hoe báo tin cha cậu đã tự tử, Tâm “khô khốc thiền sư” ngồi uống ly cà phê với tôi ở lề đường Nguyễn Du, nói về vợ con đã mất tích trên biển nhưng phải viết một bản “thu hoạch” chính trị phản tỉnh về những gì mình đã cầm bút trước đây. Tôi cũng thấy khuôn mặt Mười Tân lạnh lùng sắt thép. Rất tiếc! Rất tiếc! Như một lưỡi dao đe dọa không ngừng lơ lửng trên đầu tôi. Những tên công an áo vàng gọi tôi là “ngụy” không cho phép đeo kính cận khi nói chuyện với chúng. Cả một thời phong kiến trước đây trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Nam Cao… bây giờ đang sống lại một cách rực rỡ như chưa từng thấy, Ðời sống mới mẻ minh họa cho những trang tiểu thuyết của xã hội trước năm Bốn Mươi Lăm. Cai tổng, lý trưởng, ông cò, thầy đội… tái sinh trong những bộ quần áo mới, ngôn ngữ mới.


Tôi mỏi chân. Tôi ngồi bệt xuống sàn gạch bông, thứ gạch bông đã từ lâu không được lau chùi đang rít nháp xỉn đen cáu bẩn. Tôi thấy thèm một điếu thuốc. Tôi nghe thoảng mùi cà phê. Tôi đứng dậy bước đến cửa cầm tay nắm vặc thử, Cửa đã khóa trái. Tôi đi về phía cửa sổ. cửa lá sách có chấn song, nhưng đã lốc bằng một ổ khóa. Tôi hé ngó xuống phía dưới mặt đường. Bất ngờ tôi ngó thấy Quỳnh đứng bên cạnh chị dâu tôi và cháu Thùy. Cả ba người đàn bà đang chụm đầu vào nhau. Tôi biết chỗ họ đứng là trước cửa trạm công an. Tôi muốn kêu to lên cho Quỳnh biết là tôi đang ở đây, Tôi muốn đập bể cánh cửa sổ này ra, nhảy xuống phía dưới kia “Không được! Không được! Phải bình tĩnh! Rất bình tĩnh!” Tôi nghe tôi tự nói với mình như vậy.


Tôi bước lại giữa phòng, cúi xuống lấy tờ giấy và cây bút trên sàn. Phải cho Quỳnh biết ngay là tôi ở đây. Tôi viết nguệch ngoạc mấy chữ:


“Q. Anh đang ở trong căn phòng ngay trên chỗ em đứng.”
“T.”


Tôi xếp tờ giấy làm tư, đến bên cửa sổ, nhìn xuống. Cả ba người đàn bà vẫn còn đứng đó. Ba cái đầu không còn chụm vào nhau. Cả ba khuôn mặt đều nhìn về một phía cánh cửa chính của đồn công an khu vực. Tôi đẩy tờ giấy qua kẽ lá sách. Tờ giấy mỏng chao lượn trong không làm trái tim tôi cũng chao lượn theo. Rất chậm, nó đáp xuống gần chân của bà chị dâu tôi. Ðó là lúc cả ba cái đầu vừa chụm lại. Không ai nhìn thấy tờ giấy tôi vừa thả xuống. Một đỗi lâu, cả ba mái đầu mới rời ta. Quỳnh sửa thế, quả quyết bước thẳng. Bà chị dâu tôi và cháu Thùy theo sau. Tôi thấy chân bà chị giẫm lên tờ giấy của tôi.


“Cả thế giới này đã bỏ quên tôi rồi.”


Tôi nghĩ trong đầu như vậy. Hai tay tôi nắm chặt. Tôi muốn đập nát cánh cửa này. Tôi vò đầu vò tóc. Tôi đi qua đi lại, đếm từng viên gạch. Tôi đi xéo đi ngang, đếm từng bước chân. Tôi ngó lên trần nhà. Tôi ngồi bệt xuống sàn. Tôi thấy mình như một con thú bị cái bản năng chật chội hành hà. “Bình tĩnh! Bình tĩnh!” Tôi nhớ lại lời nói của Giáo sư Linh mục Alexis Cras ở Viện Ðại Học Ðà Lạt. Ba năm trời học với Cha, tôi nghiệm ra một điều: môn Siêu hình học mà Cha dạy bọn tôi có thể đã trôi tuột như nước chảy qua kẽ bàn tay, nhưng cái dáng điệu khoai thai, trầm tĩnh, từ tốn của cha, cái cách nhìn mọi vấn đề dưới con mắt không chút thành kiến của một tấm lòng bác ái như Cha Cras, vẫn còn đọng lại mãi trong trí nhớ tôi. Thật ra bình thường nó có vẻ như đã tan chìm biến mất trong tôi, nhưng vào một lúc nào đó, những biến cố đến với tôi như một cây kim chọc thủng cái trí nhớ mưng mủ kia, làm vọt ra những điều không thuộc về tôi: Cái dáng điệu khoan thai trầm tĩnh của Cha Cras trước mọi vấn đề là bài học mà tôi sẽ phải thuộc lòng và giữ gìn mãi. Cha Cras thuộc dòng Ða Minh, áo chùng trắng, tóc trắng thưa, nụ cười hiền. “Ông Cố đạo,” cha hay tự gọi mình như vậy, giảng triết học hiện sinh rất hay, nói chuyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng như một nhà phê bình văn học chính cống, đọc Truyện Kiều giọng Tây, bình thơ Ðỗ Phủ, kể chuyện Esope theo một tác phẩm Con cáo và chùm nho của một kịch tác gia Nam Mỹ. Esope trong vở kịch là một người nô lệ nhưng đồng thời cũng là một nhà ngụ ngôn.

MỚI CẬP NHẬT