Thursday, March 28, 2024

Châu Long (Kỳ 29)


LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 29


 


Gã thiếu niên đợi Lễ thở ra hết khói trả lại điếu, mới hỏi:


– Anh ở xa mới về làng à… tôi chưa gặp anh bao giờ.


– Vâng, tôi mới ở xa về thăm mấy người bà con, mà sao cái gì cũng thay đổi cả, ngày xưa, mùa này, bao nhiêu các bà, các cô ra nhổ cỏ, bón xới cây, năm nay chắc các cô ấy đi lấy chồng hết cả rồi.


Gã ấy tên là Lương! Chép miệng nói: Mỗi năm mỗi tuổi, như đuổi xuân đi! Các cô ấy… cô thì đi lấy chồng, con bồng, con bế, cô thì đã góa bụa, cô thì vì hoàn cảnh bắt buộc phải rời quê hương… nói đến đây, Lương nhìn lên trời, mấy đám mây theo gió bay từ từ qua làng… anh nghĩ, không biết đám mây này sẽ bay tới đâu?… Xa vào đâu?… rồi tan rã!


Lễ hỏi:


– Anh là người làng Kim Dôi?


– Không! làng Ngọc Dôi!


Một hy vọng trong tim Lễ.


– Ngày xưa tôi có làm giúp cho một bà ở làng Ngọc Dôi, bà ta tên là… Vờ ngẫm nghĩ…


Lương vội nói:


– Bà Tú phải không?


Giá có một mình Lễ đã reo lên, xong cố làm vẻ tự nhiên.


– Vâng, đúng bà Tú Châu, có cô con gái tên Châu Long, anh cũng quen à? Bà tử tế với tôi lắm, cô con gái thật dễ thương. Không biết bà Tú đi đâu, mà hôm tôi về làng có rẽ vào chào bà… thì nhà đóng cửa, có vẻ bỏ hoang, anh có biết mẹ con bà dọn nhà đi đâu không?


Lương không biết Lễ, khi Lễ làm việc cho bà Tú, vì ít khi mẹ con bà Hậu đến chơi nhà bà Tú, vì cả hai gia đình cùng bận việc đi làm để sinh sống, Lễ thì sau khi làm việc còn phải đi học ở nhà cụ Ðồ ở làng bên, mà Lễ cũng không bao giờ tò mò hỏi đến họ hàng nhà bà Tú!


Lương ngắm Lễ từ đầu đến chân… biết không phải là tay sai của ông Lý, hay ông Huyện dò tìm Châu Long.


Dắt tay Lễ đến sau bụi ruối, cho đỡ bị gió lạnh, rồi kể hết đầu đuôi chuyện gia biến của mẹ con Châu Long.


Bà Tú đã mất gần năm nay… trước khi chết, bà ốm liệt giường, Châu Long phải nghỉ chợ ở nhà, tiền hết, mẹ ốm, nó phải bán hết ruộng vườn, nhà cửa.


Mộ bà Tú không xa lắm, nếu anh muốn, ta sẽ đến thắp hương, khấn bà phù hộ cho Châu Long.


Lòng Lễ đau như cắt. Trời ơi! Bà Tú đã xa lánh cõi trần, anh về đây muộn quá! Anh muốn òa ra khóc, xong cổ anh nghẹn ngào…


– Thế Châu Long ở đâu?


Lưỡng lự hồi lâu… Lương nói:


– Nàng đi tìm người cô họ trong kinh thì phải!


Lễ đoán ngay là Châu Long đi tìm mình, một phút còn ở đây… là một ngày xa Châu Long, anh muốn mọc cánh, bay cao vào kinh tìm nàng… mà kinh thành rộng rãi, bao la… kẻ hiền thì ít… người dữ thì nhiều. Châu Long của anh ra đi từ gần một năm nay! Nàng ở đâu? đã tới kinh đô… hay còn lưu lạc nơi nào?


Tấm thân bồ liễu, vì anh mà phải chịu bao nỗi đắng cay. Nếu anh thi đậu khoa trước… nếu anh không đi tìm Lưu Bình, có phải anh đã về trước khi gia đình của Châu Long tan nát!


Con tạo khắt khe! Trời già độc địa sinh ra bao điều rắc rối, cản trở duyên anh!


Lễ còn đang thương thân tủi phận… tơ lòng dứt, rối! Thì Lương lại nói:


– Nào, anh có đi với tôi không?


Lễ gật đầu, lặng lẽ đi theo Lương, Lương tạt qua nhà, lấy bó hương, rồi cùng Lễ rảo bước ra cánh đồng thanh vắng, Lễ đi như một mất hồn, lòng anh tan rã, anh thương Châu Long quá, tới trước ngôi mộ, Lương thắp hương cắm xuống ụ đất cỏ xanh phủ kín, anh vái ba lạy, rồi tránh ra cho Lễ vào vái, Lễ vái như một cái máy, lòng anh… tim anh… đâu có ở đây!


Lương vỗ vai Lễ nói: Thôi, bà Tú đã trả xong nợ đời, anh có lòng thành về thăm mộ. Chắc bà Tú hiểu thấu lòng anh, mình về đi… kẻo trời tối rồi.


Lễ quên cả chào Lương, quay gót ra về… anh đi như người chạy trốn… về tới nhà anh thu xếp khăn gói, xin từ tạ hai vợ chồng Cụ Lưu, để vô kinh ngay, họ Lưu giữ làm sao cũng không được.


Anh hứa: Sau này anh làm nên, sẽ thay Lưu Bình mà trả hiếu cho bạn.


Bà cụ nắm cơm, rang muối vừng, bọc vào cái mo cau, để anh đem lên đường ăn cho đỡ dạ, Cụ Lưu thì mò mẫm, tìm ra cái nghiên bút bằng gỗ mun trạm khảm ngày xưa, cầm đưa cho Lễ.


– Bây giờ tôi mù lòa, con trai thì đi đâu mất, vật này… của gia bảo, tôi kính tặng cậu. Khi nào tôi trăm tuổi, nếu Lưu Bình còn sống, nhờ cậu trao lại cho nó, và nhờ cậu nói với nó là, chúng tôi tha hết tội lỗi của nó… nếu tổ tiên tôi còn phúc đức, thì nó sửa lại tính tình, cố làm cho chúng tôi khỏi tủi lòng trông cậy vào nó…


Rồi hai ông bà tủi thân khóc sướt mướt…


Lòng Lễ nặng như chì, nghĩ đến sự đời mà ngao ngán!


Mới bước chân vào đời… mà hai vai đã phải gánh nặng cương thường…


Mà một mình chỉ biết than thở với bóng lúc đêm khuya!


*


Châu Long ngụ trong chùa đã gần một năm trời. Nàng không bỏ phí thì giờ.


Vị sư hết tâm dạy dỗ nàng, lúc không học thì làm thêm gặt hái… lấy chút tiền để dành, để có dịp vô kinh tìm Lễ.


Mỗi ngày, đèn nhang cửa Phật, nàng chỉ tụng niệm cho linh hồn cha mẹ được siêu thoát, cho Lễ học thành danh toại, cho một ngày được đoàn tụ cùng Lễ…


Từ trong chùa cho đến ngoài làng, ai cũng yêu kính nàng, không ai dám bảo nàng là nhi nữ. Nàng ăn nói đoan trang, đàm đạo cùng với thầy như người đạo hữu, mỗi khi nàng ngỏ ý xin đi… thì vị sư buồn rầu khuyên nàng cố ở lại đợi có dịp may, gặp người đưa thẳng tiến kinh, chứ bây giờ đường xa thăm thẳm, thân học trò mảnh khảnh, làm sao đi nổi một mình.


Hôm nay ngày rằm, trong chùa rộn rã, sư cụ có người bạn quý ở xa sắp tới, người bắt quét dọn sạch sẽ, để đón tiếp bạn hiền.


Tiểu Pháp tâm, đầu tắt mặt tối, bà vãi ra vườn cắt cây rau cải thật ngon, hái mướp, thái cà, làm như nhà có tiệc to lắm.


Châu Long phải dọn dẹp thư phòng, án thư, tràng kỷ, sách vở giấy bút, văn phòng tứ bảo, mực tầu… bút lông…


Trong thư phòng bóng lộn. Chiều hôm ấy, khách thập phương đã ra về cả…


Nhà sư đang xén mấy cành mẫu đơn. Bỗng… ngoài cửa chùa.


Một người trạc tuổi nhà sư, mặt mũi hiền lành, sáng sủa, dáng điệu nghiêm trang, bước vào chùa.


Người ấy ngừng chân trước giẫy hành lang… ngắm sư cụ… rồi buột miệng gọi:


– Trần Thiếu Tâm!

MỚI CẬP NHẬT