Thursday, March 28, 2024

Con sói đơn độc, Trịnh Cung: tự ‘treo mình trên giá vẽ’!!!


Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Tôi hằng nghĩ, khi một thảm họa chính trị giáng xuống đầu một dân tộc thì, dù ở đâu, lưỡi dao oan nghiệt của thực tế phũ phàng, sẽ không chỉ lột da, tưa máu đại đa số nạn nhân mà, nó còn là cơ-hội-vàng-mười cho một thiểu số bung thoát khỏi mặc cảm ngục tù, hớn hở nhảy múa, reo hò trên bất hạnh, tang tóc nơi thành phần đại đa số vừa nói.

Cũng thế, thảm kịch tháng 4, 1975 ở miền Nam, đã là cơ hội bất ngờ, không thể… “tốt đẹp” hơn cho thiểu số! tôi muốn gọi đó là “những hân-hoan-bệnh-hoạn” ở tất cả mọi thành phần xã hội – – Không loại trừ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức.


Họa sĩ Trịnh Cung. (Hình: TC)

Ðề cập tới thảm kịch của đồng bào miền Nam, nói chung, thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ VN (HHST/VN), nói riêng, con sói đơn độc Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu, cho biết, đại ý:

Ông không thể không ghi nhận rằng, gạt qua một bên xu hướng nghệ thuật, tài năng hội họa có, thuộc mỗi cá nhân thì, HHST/VN có tới 1/2 thành viên là thành phần trốn lính. Họ có cùng một xu hướng: Xu hướng… “chống chiến tranh.” Một vài thành viên khác, tuy vẫn tuân thủ lệnh gọi nhập ngũ, nhưng lại cho thấy “lập trường thiên tả” vì lý do này, hay lý do khác!

Theo họa sĩ Trịnh Cung, vì thế, khi miền Nam sụp đổ, cả hai thành phần vừa kể trong HHST/VN đã không giấu được hân hoan, mừng rỡ, giống như họ vừa được “giải phóng” khỏi ngục tù mặc cảm “trốn lính” mấy chục năm cũ. Họ tự coi họ thuộc thành phần ”kẻ thắng cuộc”!

Một số thành viên còn “thành khẩn” (hay yếu đuối?) sớm đầu hàng, khuất phục quyền lực của “Bên thắng cuộc,” bày tỏ hân hoan khi thấy miền Nam bị sụp đổ, bằng cách tự nguyện lao mình vào những chiến dịch do nhà cầm quyền mới phát động, bằng những họa phẩm tuyên truyền cho đường lối cai trị của chính quyền vừa thắng cuộc này.

Ðể có một cái nhìn cụ thể, chứng minh cho bi hài kịch này, họa sĩ Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu, đơn cử thí dụ:

“Một thành viên nòng cốt của HHST/VN còn được trọng dụng với một chiếc ghế trong Ban Chấp Hành Hội Mỹ Thuật TP/HCM… ”

Tuy nhiên, cũng như ở phía nhà văn, nếu có những người bẻ bút trước cuộc đổi đời. Công khai bất hợp tác với chế độ mới, dù có bị tù đày, vây khổn, đe đọa… Thì một số thành viên HHST/VN cũng có những người lặng lẽ bẻ cọ – – Vì liêm sỉ hoặc, tự trọng tối thiểu của lương tâm văn, nghệ sĩ.

Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu, nằm trong thiểu số đó.

Ở trường hợp họ Nguyễn, tôi nghĩ, hội họa đối với ông, không chỉ là cái nghiệp mà, nó còn là một niềm tin thiêng liêng. Như Tôn Giáo.

Với bản chất cực đoan, quyết liệt như Trịnh Cung, tôi không nghĩ một quyền lực độc đoán nào, có thể biến cải niềm tin, hay “cải đạo” ông được…

Phải chăng vì thế Nguyễn đã có 10 năm bẻ cọ. Trong số 10 năm “sống như đã chết” của “con sói đơn độc” Trịnh Cung có 3 năm tù cải tạo cộng hai năm từ chối về vùng kinh tế mới.

Ðược trả tự do từ năm 1979, đến năm 1985, cùng người bạn đời và hai đứa con còn nhỏ, mỗi sớm mai, Nguyễn cùng toàn thể gia đình tất tưởi ra khỏi nhà với gánh xôi của họ. Tối mịt, sau khi bán hết gánh xôi, trước khi thả chiếc thân xác mỏi mòn rã rượi, xuống mặt giường, họ tấp vào một xe bán phở lề đường, ăn vội những bát phở “không người lái (chỉ có bánh, không thịt) để, hôm sau, lại tiếp tục cực hình nhân sinh dành cho những kẻ thua trận – Nhưng, dứt khoát, quyết liệt không đầu hàng. Không thỏa hiệp hầu kiếm chút cơm thừa, canh cặn của tân chế độ.

Tôi không thể hình dung 10 địa ngục, 10 năm kiếp nạn của tài hoa Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu!

Nhưng tôi tin, vẫn có những đêm, bất ngờ tỉnh giấc, “con sói đơn độc”của hội họa Việt Nam đương đại, ngửa cổ hú trăng…

Ðó là những tiếng hú thân phận trầm thống. Không thanh âm. Những vô thanh đã nghẹn ngào trở ngược vào tàng-thức Nguyễn. Nơi những tế bào sáng tạo của riêng Nguyễn, vẫn từng giờ cảnh báo nguy cơ chết dần trong tuyệt vọng.

Tôi cũng trộm nghĩ, những tiếng hú không thanh âm kia, nơi con thú trầm kha thương tích này, cách nào đó, vẫn đi tới, chạm đụng được cõi hư vô. Dù hư vô cũng chỉ có thể gửi lại cho ông những thinh lặng câm-nín-định mệnh.

Tôi không thể hình dung 10 địa ngục, 10 năm kiếp nạn của tài hoa Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu!

Nhưng tôi tin, vẫn có những đêm, bất ngờ tỉnh giấc, “con sói đơn độc” của hội họa Việt Nam đương đại, phân thân, tách thoát khỏi giới hạn nhục thân, trở thành một thứ Samurai, lạc lõng giữa hoang tàn đất nước – – Ðánh ra những đường kiếm vô chiêu/hữu chiêu – – Ði tìm “bản lai diện mục” – (hay đi tìm chân dung đích thực một giai đoạn lịch sử?).

Những có/không, những hư huyễn vốn mịt mù, âm u thế sự, tôi tin, cũng sẽ không có một câu trả lời dứt khoát nào cho Nguyễn. Ngoài lưu lượng cuồng xiết của dòng chảy băng băng những hớn hở bệnh hoạn và, cái chết hềnh hệch, chực sẵn.

Tôi nghĩ, hào phóng lắm thì, lịch sử cũng chỉ có thể cho Nguyễn: Tiếng thở dài! Nhắm mắt!

Tôi cũng không biết, nếu năm 1985, một “phép lạ” không xẩy ra cho Nguyễn thì, liệu hôm nay, chúng ta còn có một Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu? Dù cho đó chỉ là chiếc bóng của Nguyễn! Chiếc bóng của con sói đơn độc, hội họa Việt?

Họ Nguyễn kể, thời điểm đó, (thời điểm VN chỉ mới mở cửa cho du lịch Pháp), một Việt kiều Pháp (còn trẻ) yêu tranh Trịnh Cung, từ Âu Châu về lại Saigon, tìm mua tranh của Nguyễn.

Người bạn trẻ sống xa đất nước đã lâu, nhưng những chủng tử VHNT Việt nơi anh, vẫn tiềm tàng một sức sống kỳ diệu.

Người khách trẻ phương xa, mê tranh Trịnh Cung thuật rằng, anh đã trải qua nhiều ngày ở Saigon, tìm hỏi địa chỉ Trịnh Cung, đều thất bại.

Nguyễn ngao ngán, cay đắng cho biết:

“Tất cả những người được người bạn trẻ này hỏi địa chỉ của tôi, đều lắc đầu. Từ chối…”

Ở đoạn trên, tôi dùng hai chữ “phép lạ” để nói rằng, cuối cùng người trẻ yêu tranh Trịnh Cung đã tìm được thần tượng của anh. Và, bức tranh tựa đề “Người chơi vĩ cầm” (khổ 30x40cm) còn sót lại của họ Nguyễn được lôi ra, trao cho người ái mộ với giá 50 Dollars.

Trịnh Cung nói:

“Những ai không sống ở VN, giai đoạn đó, rất khó hình dung được giá trị to lớn của 50 đồng Mỹ kim đó. Với số tiền này, cả gia đình tôi sống được ba tháng, không cần phải đi bán xôi!”

Nhưng “phép lạ” không ngừng ở đó! “Phép lạ” còn hiển lộng tính bí nhiệm của nó, khi từ nó mà họ Nguyễn thấy rằng, cách gì, ông cũng phải cầm lại cọ! Cách gì ông cũng không thể phụ lòng những người yêu mến tranh của ông! Và, cách gì, ông cũng không thể để mình âm thầm chết mục, trong chờ đợi hân hoan của kẻ khác!

Chỉ với 50 Mỹ kim thôi, ông có phương tiện trở lại với “tôn giáo” đầu tiên và sau cùng của mình.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, 10 năm chìm/nổi địa ngục trần gian của Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu, đã kết tinh thành những trầm tích không thể ý nghĩa và, giá trị hơn cho ông (cũng như cho hội họa VN) khi một trong những bức tranh đi ra từ tâm thế tuyệt vọng kia, gây chấn động cảm thức người thưởng ngoạn, bức: “Treo mình trên giá vẽ/Hanging Himself” (khổ 80×99 cm) ra đời năm 1989. (6)


Tranh của họa sĩ Trịnh Cung. (Hình: TC)

Ðó là một bức tranh theo tôi, không chỉ như một chứng tích khả năng sáng tạo lớn mà, nó còn là phản xạ tự thân hay, tiếng kêu cuối cùng của một con thú, trước khi chọn lấy cho mình cái chết, để xác tín niềm tin tôn giáo của mình.

Chính tính xác tín niềm tin tôn giáo của mình kia, nơi bức “Treo mình trên giá vẽ” của Nguyễn mà theo tôi, đó là bức tranh duy nhất, tới hôm nay, hội họa thế giới, có được.

(Còn tiếp)


Chú thích:
(6) Bức tranh này hiện thuộc về bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập tranh nổi tiếng Hà Thúc Cần.

MỚI CẬP NHẬT