Wednesday, April 17, 2024

Nguyễn Phan Quế Mai, thơ, tỏa hương trên ngôn ngữ Việt


Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Tôi không biết có phải tình yêu gia đình là phần đất mầu mỡ, nơi trưởng, dưỡng những hạt mầm vạm vỡ tình yêu đất nước, dân tộc nồng nàn nơi tiếng thơ Nguyễn Phan Quế Mai – – Hay ngược lại? Tuy nhiên, cách gì thì cõi-giới thi ca Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã cho thấy gia đình, những thịt, xương trực tiếp, đã chiếm một thị phần quan trọng trong thơ của người nữ đặc biệt này. Và, điều đáng nói hơn nữa, theo tôi, khi trải rộng, sâu tấm lòng, tâm hồn mình vào phạm trù này, ở một mặt nào khác, Nguyễn còn cho thấy độ nhạy cảm hay, tài năng đặc biệt của mình.


Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. (Hình: Thai Phien)

Tại sao?

Bởi vì, dù tình yêu gia đình khởi tự đầu nguồn nào thì, đây cũng là một thể tài rất dễ dẫn thi sĩ tới những nẻo mòn, hay lạc vào những khu vườn đã sớm được ghi nhận như những biểu tượng tài hoa của những người đi trước. Tôi e, phải chăng vì thế mà càng lúc sau này, trên lộ trình thơ trăm dòng, nghìn lối của thi ca, chúng ta càng hiếm những thơ đề cập tới gia đình, thân quyến?

Ở thể tài có tính huyết thống đó, trong sâu, kín, bình thường ai cũng có. Nhưng tựu trung, chúng ta vẫn bị chi phối bởi một số mẫu số chung: Như lòng yêu thương, đức hy sinh hay, tình cảnh sinh tử, đoạn lìa… của nhân thế, đời thường. Vì vậy, theo tôi, nếu một người làm thơ có ý thức, một khi tự thấy bằng vào cảm thức, bản lãnh riêng, không đem đến cho mình, cách-nói-khác thì, không ai muốn bị nhìn như chiếc bóng mờ, nhạt lập lại những gì mà, những tiếng thơ trước đã khắc, họa đậm nét.

Nhưng, Nguyễn Phan Quế Mai, chẳng những không quay lưng, lẩn tránh thể tài tế nhị này mà, Nguyễn còn bước tới, với tất cả cảm thức sâu, lắng mạnh mẽ, bằng vào tài năng riêng, đã đem tới cho người đọc một cách-nói-khác. Cụ thể, ngay bài thơ thứ nhất mở vào thi phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Phan Quế Mai, đã là “Quê nội” mà, không phải là bài “Tổ quốc gọi tên” – – (Vốn là bài thơ nổi tiếng, được nhiều người tìm đọc, của Nguyễn).

Tôi không biết có phải Nguyễn cố tình cho thấy, gia đình là đơn vị căn bản của một đất nước? Hoặc chúng ta sẽ không thể có ý niệm tổ quốc (quốc gia), nếu không có dân? (4)

Bài thơ như một khúc phim quay chậm; ngược thời gian, ghi ảnh ba đời của hầu hết gia đình Việt Nam, trong chiến tranh, chập trùng, hiện ra:

Quê nội vạt ngô dậy thì con gái ngày Cha ta bé dại đợi Bà về vàng vạt cỏ triền đê / Quê nội mây chiều ngủ mê Ông ta thổi lửa nắng về tựa cửa mướp vàng bờ ao chuồn chuồn bay cao cào cào bay thấp giếng khơi trong vắt gọi mưa bay về / Chiến tranh ập tới trai làng ra đi bóng người về lác đác nỗi đau trắng tạc trên tóc người già / Tuổi thơ của Cha lớn cùng bom đạn sau mùa nắng hạn lũ lụt tràn về // Quê nội lời thề Cha lồng vào nhẫn cỏ trong chiều gió cầu hôn Mẹ đường làng be bé ngan ngát tiếng cười hoa gạo đỏ trời thay cho pháo cưới / Sương về giăng lưới thơ thẩn ao làng ta oe oe khóc ngày thu sang / Hoa cải vàng / Dâm bụt thì đỏ / Trên triền đê gió anh ta thả diều / Ta vùi khoai nướng, ta chạy ta trốn giữa xanh mơn mởn luống mạ Mẹ gieo…” (TQGTM, trang 9)

Rồi “Quê ngoại” với:

Lời ru bà tôi hời trên những cụm tre già / Giếng nước cạn hốc mắt tôi đầy nước / Bước ra từ cổ tích / Dáng bác tôi gầy xuyên chiêm bao // Mẹ cõng phận mồ côi / Vượt núi rừng cắt ngang thung lũng / Nhúng bàn chân vẫn trũng vào chiều…” (TQGTM, trang 34 & 35)

Nhưng không chỉ có “Giếng nước cạn hốc mắt tôi đầy nước” hay, “Dáng bác tôi gầy xuyên chiêm bao” hoặc, “nhúng bàn chân vẫn trũng vào chiều”… Nguyễn Phan Quế Mai còn cho tôi những ghi nhận đẹp-tới-cảm-động về người Mẹ (Việt Nam, tiêu biểu), như:

Tôi vượt Cửu Long trở về Bạc Liêu / Bóng mẹ gầy in trong ráng nắng chiều / từng giọt mồ hôi đổi từng hạt thóc / Mẹ cười gạt đi bao nhiêu khó nhọc // Tôi vượt không gian, trở về Sài Gòn / Ôi mẹ của tôi, tóc đã bạc hơn! / Mẹ vẫn như xưa, chở che, hiền dịu / tình thương của Người – đến giờ – tôi hiểu // Tôi vượt lòng tôi, ôm mẹ vào lòng / muốn luôn bên mẹ, mẹ hiểu con không? / Bàn chân con đi, đường trần bụi bặm / nghìn trùng tơ níu / thương mẹ ngàn năm…” TQGTM, trang 70 & 71)

Vẫn là Mẹ (Việt Nam, tiêu biểu), Nguyễn Phan Quế Mai viết tiếp:

Qua đôi mắt tuổi thơ, tôi nhìn mẹ tôi / tất tả trong gian bếp được xây bằng rơm và bùn quánh / Mẹ nhấc đũa lên, khuấy nắng vào nồi cơm đang sôi / Vạt áo mẹ đẫm hương thơm của mùa gặt mới / Tay mẹ mớm rơm khô cho ngọn lửa đói bập bùng // ngày hôm đó trong gian bếp của tuổi thơ tôi / Sự hoàn hảo được sắp đặt / bằng những chiếc nồi đen tuyền bồ hóng / và bởi chiếc lưng khom của mẹ mỏng manh chống chếnh / Sẽ biến mất nếu tôi khóc hay kêu lên.” (TQGTM, trang 75).

Thơ, hay tấm lòng Nguyễn Phan Quế Mai không chỉ dành cho ông, bà, cha mẹ, anh, em hoặc con cái mà, tấm lòng, trái tim ấy còn dành những góc thiêng liêng cho những máu mủ, ruột thịt khác. Như bài “Cô tôi.” Vẫn phong cách riêng, với cách-nói-khác, “Cô tôi” một hình ảnh hiếm thấy trong lịch sử thi ca của chúng ta:

Khi còn bé một lần tôi ốm nặng / cơn sốt bừng bừng đẩy tôi về phía bóng tối / linh hồn tôi muốn bay lên / Nhưng những ngón tay mát dịu của cô tôi níu tôi ở lại / Trong ranh giới ảo mờ giữa sự sống và cái chết / Tôi thấy nước mắt cô rơi thành những chuỗi ngọc trai // Tôi đã từng thấy cô tôi nhỏ lệ / và tôi đã giữ những hạt ngọc trai đó trong sâu thẳm ngực mình / Cô đã khóc khi chúng tôi phủ phục dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm / trong ngôi chùa làng tôi với những mái cong vầng trăng bị vỡ / Cô tôi nâng những ngón tay run rẩy và một bó nhang cháy đỏ lên đầu / cầu xin thế giới thần linh trả lại cho cô người mẹ thời ấu thơ / chết đói năm 1945 / xương của bà đã thất lạc trong một biển xương / của gần 2 triệu người Việt Nam // Ngày hôm nay cô tôi không còn khóc / khi cô quỳ bên chiếc giường một của chú tôi / người đang đau nặng, nhưng phải sẻ chia / chiếc giường một cọc cạch của mình với hai người đàn ông tong teo khác // Tôi đứng đây / những giọt nước mắt của cô tôi kết tinh thành ngọc trai / trong lồng ngực / buộc tôi vào mặt đất.” (TQGTM, trang 88 & 89)

……

Ở tầm nhìn rộng hơn, có người cho rằng, cõi giới thi ca Nguyễn Phan Quế Mai bao trùm hết thẩy định mệnh buồn/vui đất nước và gia đình. Cá nhân tôi, không nghĩ vậy. Tấm lòng nhân bản, trái tim lớn với người và, với đời còn mở ra, đi tới và, thở cùng nhịp đập với những con người ở những địa danh, những quốc gia khác, trên hành tinh trái đất này.

Trong quá khứ, thi ca của chúng ta cũng từng ghi nhận những bài thơ mang tính nhân loại. Nhưng theo tôi, giữa thơ Nguyễn Phan Quế Mai và các tác giả đó, có một khoảng cách… nghìn trùng! Tôi muốn nói, khác hơn những tác giả trước đây, tuy cũng viết, cũng chia sẻ thảm kịch của nhân loại; nhưng họ không hề đi đến, sống với, ở với những phần đất, những con người mà thảm kịch đã nướng cháy, đã tước đoạt sự sống của hàng vạn nạn nhân bởi chiến tranh, thiên tai… Số nhà thơ nọ, cũng ghi lại những biến động, y cứ trên những tin tức mà truyền thông cung cấp; tuồng chỉ để chứng tỏ hay biểu dương một tâm-thái giả tạo. Vì thế, người đọc, dù nhạy cảm tới đâu, cũng không… “ngửi” được mùi khét của những phần thịt da bị thiêu cháy hay, vị mặn của những giọt lệ tuyệt vọng lăn trên những khuôn mặt biến dạng bởi bất hạnh. Nguyễn Phan Quế Mai, ngược lại. Vì được sống, được đi gần như khắp cùng thế giới và, với năng khiếu thi ca bẩm sinh, như đã nói, Nguyễn không chỉ nhập một với từng con chữ mà, còn là một với từng cảnh tượng, sự vật nữa. Tôi rất thích những bài thơ mang tính nhân loại… “nhập một” của Nguyễn – – Như các bài “Paco Renteria,” “Những người công nhân dệt may Bangladesh, “Em bé Nepal,” hoặc “Khóc cho Mindanao”…

Tiếc, tôi không thể trích dẫn như ý tôi, vì giới hạn số chữ, trang báo…

Và, tôi cũng tiếc, cho những người yêu thơ không hoặc chưa có cơ hội đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai – – Một tài năng thi ca trẻ với cách-nói-khác, như hoa; tỏa hương trên những con sóng ngôn ngữ Việt.

Du Tử Lê

(Calif. Tháng Năm, 2016)

———-

Chú thích:

(4) Ðể được gọi là một quốc gia, nếu quốc gia đó hội đủ 3 yếu tố: Dân, lãnh thổ và, chính quyền.

MỚI CẬP NHẬT