Friday, April 19, 2024

Trạng Trình, hồn chữ nghìn thu


Viên Linh



Trong cuốn Sổ Sinh Tử mà tôi ghi chép hàng tháng, mới đọc lại thấy có hàng chữ: “Tháng 12 năm 1587 (thế kỷ XVI) Trạng Trình mất (sinh năm 1491 – thế kỷ XV), quê Trung Am, Vĩnh Lại, Hải Dương.” [Theo Ngô Tất Tố ông mất ngày 28 tháng 11 âm lịch đời vua Anh Tôn nhà Lê, ghi thêm là (1587) nhưng lại không nói năm âm lịch nào; theo Phạm Văn Diêu thì đó là năm Ất Dậu, và ghi thêm đời vua Mậu Hợp nhà Mạc.  
Xin nhớ: nước Nam lúc đó là một nước có ba vua, một thứ Tam Quốc Chí, Lê-Trịnh-Mạc, ai ghi niên hiệu đời nào cũng có lý của họ].

Tính ra ông thọ 95 hay 96 tuổi. Một người Việt sống tới tuổi ấy, cách đây hơn bốn trăm năm, có lẽ là người duy nhất đạt tới cái mức trường sinh hơn hết thảy, cho dù trong thế kỷ XX có những người sống lâu hơn ông, song suy ngẫm về thời gian và môi trường sống, thì cái thọ của thế kỷ sau như thế không thể so sánh nổi với cái thọ của bốn thế kỷ trước. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải một nhà văn nhà thơ trăm tuổi, mà là một hồn chữ nghìn thu, mãi mãi. Viết về ông không thể viết quá một hai điều, vì sử sách về “An Nam lý số hữu Trình Tuyền – Lý số ở nước Nam có suối Trình,” (Chu Xán) nhiều không biết đâu mà kể, chỉ nhắc qua cũng đầy một bài viết một ngàn chữ. Xin được ghi chú vắn tắt.









Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại quê ông. (Hình: Từ Ðiển Văn Học, Thế Giới Hà Nội, 2000)


– “Bậc triết nhân đã từng trải việc đời và am hiểu tâm lý người đời. [Bạch Vân Quốc Ngữ Thi] thật là một lối thơ đặc biệt trong nền văn nôm của ta.” (Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn 1958. In lần đầu tại Hà Nội, 1944).


Non sông nào phải buổi bình thời
Thù đánh nhau chi đến nực cười.
Cá vực chim rừng ai khéo đuổi
Núi xương sông huyết* thảm đầy vơi.
Ngựa phi chắc có hồi quy* cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người.
Ngán ngẩn* việc đời chi nói nữa
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cảm Hứng, bản Dương Quảng Hàm, Quốc Văn Trích Diễm, Bốn Phương Sài Gòn 1952. Những chữ có dấu hoa thị nhiều bản chép khác, là “sông máu”, là “quay cổ”, hay là “ngán ngẩm”. Có lẽ là ngẫm mới đúng.)


– “Bởi ông là nhà lý-học, cho nên thơ văn của ông giống như thơ văn ông Thiệu Ung nhà Tống, nhiều đạo đức hơn là mỹ thuật. Cái đặc biệt của thơ Bạch-vân tiên sinh là không bài nào có đầu đề. Nếu đọc hết cả tập [Bạch Vân Quốc Ngữ Thi có trên một ngàn bài] người ta sẽ thấy không ngoài cái ý chán đời, yên phận, ca tụng cảnh nhàn, mai mỉa công danh phú quí.” (Ngô Tất Tố, Thi Văn Bình Chú, Mai Lĩnh Hà Nội, 1952)


Ðược thua đã thấy ít nhiều phen
Ðể rẻ công danh, đổi lấy nhàn.
Am Bạch-vân rồi nhàn hứng
Ðám hồng trần vắng ngại chen,
Ngày chầy họp bạn, hoa là khách
Ðêm vắng hay lòng, nguyệt ấy đèn.
Chớ chớ thờ ơ, nhìn mới biết
Ðỏ thì son đỏ, mực thì đen.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thất ngôn Cổ phong, bản Ngô Tất Tố, như trên)



– “Ông chỉ là một nhà nho tôn trọng đạo thánh hiền viết văn thơ cốt là để di dưỡng tính tình mà thôi. Cứ thơ văn còn lại, ta thấy ông có một hệ thống tư tưởng duy nhất: yếm thế. Vì yếm thế, nên ông tìm nơi ẩn dật, an hưởng chữ nhàn… Ông chỉ là một người chán chính trị… văn ông đứng biệt ra một lối. Ông chú trọng đến tư tưởng hơn đến văn chương lòe loẹt.” (Thanh Lãng, Văn Chương Chữ Nôm, Phong Trào Văn Hóa, Hà Nội, 1953).


– “Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy ba nhân cách phù hợp với nhau tấu thành một bản sắc không phàm. Ông là một nhà nho theo nghĩa thuần túy của nó, ông là một vị quan gương mẫu, nhưng ông cũng là một nhà ẩn dật phiêu nhiên thích thảng… và lại là học trò của một nhà nho lỗi lạc nhất thế kỷ: quan bảng nhãn Lương Ðắc Bằng… có thể gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn-thơ Việt Nam am hiểu tinh thần Nho giáo sâu xa nhất. Tinh thần đó do gốc ở Dịch Kinh, bát quái quan niệm vũ trụ theo lẽ động. Dịch nghĩa là biến đổi, là cái đạo biến thiên của vạn vật, là sự khởi thủy của tất cả thế giới, cho nên thái độ Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thái độ dè dặt, đôi khi nhuốm cả màu ngao ngán vì sự dâu bể của cuộc đời.” (Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam, Văn học sử và giảng văn, Tân Việt Sài Gòn, 1960).


– “Cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật minh bạch, sòng phẳng. Gặp thời gặp chúa thì ra trị nước, yên dân. Khi hoàn cảnh không cho phép thì lui về ẩn thân hành thiện. Ngồi ở triều đường dám nói thẳng không sợ lụy thân. Về hương đảng khuyến khích điều lành nêu gương đạo đức. Làm quan thì ngựa xe hầu đón, về làm dân thì áo vải cơm rau. Mà ra hay về, lên hay xuống, đều thẳng thích vô tâm:”


Nước non nào phải của ai đâu
Nhiều ít công hầu cũng mặc dầu
Khó chẳng giở đang không chẳng lụy
Ðược chăng hậm hực mất chẳng âu
Anh hùng người lấy tài làm trọng
Ẩn dật ta hay thú có mầu
Gẫm ấy ai phù mạc Hán
Ðổng giang rủ một cần câu.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nước Non, Việt Nam Văn Học Sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ, Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961)


Trên đây là năm đoạn trích dẫn theo sách của năm nhà biên khảo văn học sử Việt Nam, trong vòng từ 1944 tại Hà Nội tới 1961 tại Sài Gòn, nửa trước khi đất nước ta còn thuộc Pháp, nửa sau trong nền Cộng Hòa. Bản thân người viết bài này vốn xưa nay hâm mộ thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên mới trích dẫn nhiều như thế. Còn nhớ đâu năm 1992 tôi qua Paris ra mắt tập thơ Thủy Mộ Quan, được gặp học giả Tạ Trọng Hiệp, và thật là hạnh phúc, chuyện xảy ra trong một ngày mưa.


Paris mưa tầm tã hôm đó, từ quán Ðào Viên của Vũ Lan Phương ở quận 13 nhìn ra đường, tôi không nghĩ là anh Hiệp sẽ đến. Mưa to quá, mưa lâu quá. Nhưng anh hiện ra ở cửa, tay cầm ô đen, mình mặc sơ-mi màu nâu đỏ bỏ ra ngoài quần. Tôi đã uống lai rai vài ly rượu chát, mời anh cùng uống, nhưng anh lắc đầu nói:


-Nếu Viên Linh rảnh, mình đi chợ, về nhà tôi làm món rau muống xào tỏi tụi mình ăn cơm nhà nghèo, vui hơn. Ở nhà cũng có rượu.
Lan Phương mất khách, hứ một tiếng. Tôi đứng dậy đi liền. Anh Tạ Trọng Hiệp cầm ô che chung, trời vẫn mưa. Chúng tôi đi bộ trên hè phố, rẽ phải rẽ trái năm lần bảy lượt, rồi tới chợ. Thực ra, đó là một tiệm sách, nay không còn nhớ tên. Hình như ở trên lầu hai. Bên này bán sách bày trên quầy, bên kia bán rau đậu bày trên sạp, trông thật nghèo nàn so với mấy ngôi chợ tị nạn ở Louisianna hay ở Virginia, đừng so với chợ Cali cho xấu hổ. Anh mua tặng tôi một tập thơ Ðỗ Phủ.


Ra đường, trở về nhà anh trên đường Rue des Champs Elyseés, chúng tôi vẫn đi bộ, anh vẫn cầm cái ô đen có vòng tròn rất rộng. Trên đường về, anh hỏi một câu mà câu trả lời của tôi khiến anh ngạc nhiên:


-Trong các nhà thơ cổ điển của mình, anh thích ai?


-Nguyễn Bỉnh Khiêm.


-Nguyễn Bỉnh Khiêm? Tôi nghĩ Viên Linh phải thích các nhà thơ lãng mạn như Chu MạnhTrinh hay …? Tại sao lại Nguyễn Bỉnh Khiêm?


-Các nhà thơ như Chu Mạnh Trinh ưa tả cảnh cô đầu, hát nói, Hồng hồng Tuyết tuyết, còn các ông các bà Nguyễn Khuyến, Ngô Chi Lan, Dương Lâm thì ngâm hoa vịnh nguyệt, mai lan cúc trúc, không so được với một người như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi thấy ông trạng này ưa làm thơ về củ hành củ tỏi, củ gừng, cam quít, măng giá, …


Thấy anh Tạ Trọng Hiệp im lặng nhìn mình, tôi biết anh đang nghĩ gì.


Nhân sinh quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm sờ sờ ra đó, mà cứ bàn về cái nhàn, cái yếm thế, cái chán đời của ông. Tôi nghĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm ưu tư về nhân sinh xã hội đương thời, lo cho cái ăn cái uống của người nghèo bạc phước, phận hèn thân mọn, kiếm không đủ ăn, ông không lòng dạ nào để vịnh hoa và tán tụng các nương tử, những thứ xa xỉ với người dân. Ông không làm thơ vì mình, ông làm thơ cho người. Ông không có thì giờ để buồn chán vì mình, vì không nghĩ về mình thì không buồn về mình, ông buồn cho những kiếp người nhỏ nhoi đói rét xung quanh.


Hôm ấy mãi chiều tối tôi mới ra khỏi ngôi nhà của học giả Tạ Trọng Hiệp. Khi chị Hiệp (bà vợ Hà Nội) tất tả về nhà, lại tất tả ra đi, anh phụ đề: “Cô ấy đi học. Tôi bắt đi học. Cổ phải vội vàng cho kịp xe buýt.” Bữa ăn của chúng tôi không vì thế mà gián đoạn. Sau này về lại California, từ Paris anh gửi qua tặng tôi cuốn “Nguyễn Bỉnh Khiêm Trong Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc” của Trung Tâm Hán Nôm in năm 1991 và một lá thư viết tay thật dài, trong đó nhắc lại “cái tình huống cùng che ô cho nhau mà vừa đi mua sách vừa trò chuyện vui vẻ như đã quen nhau từ thời xửa thời xưa…”

MỚI CẬP NHẬT