Thursday, April 25, 2024

Bài tân cổ giao duyên buổi đầu gặp sóng gió vì thầy đờn tẩy chay

Ngành Mai/Người Việt

Khoảng 1965 lúc bài tân cổ giao duyên vừa xuất hiện, thì hầu như không một người nhạc sĩ cổ nhạc nào chấp nhận, các thầy đờn họ tẩy chay tài tử nào ca bài loại này. Do vậy mà lúc bấy giờ ca sĩ dù thuộc bài tân cổ giao duyên thì cũng không ai đờn cho mình ca.

Thế rồi các hãng dĩa hát vì lý do thương mại, họ không ngừng sản xuất, và bài tân cổ giao duyên liên tục xuất hiện trên thị trường dĩa hát. Đồng thời cuốn bài ca nhỏ thuộc loại này cũng ra đời có mặt cùng khắp các chợ ở làng quê, và cũng được nhiều người mua về tập ca.

Nhìn thấy bài vọng cổ 6 câu đã biến dạng, không còn câu 3 câu 4, mất đi hai đoạn xuống “hò” độc đáo. Ngày nọ các nhạc sĩ Hai Khuê, Chín Trích, Sáu Tửng, cùng một số nhạc sĩ kỳ cựu đã mời soạn giả Viễn Châu đến dự buổi họp tại trụ sở Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ để bàn về bản vọng cổ đang bị chèn ép, biến thể…

Các thầy đờn thuộc lớp đàn anh này đã lên tiếng báo động rằng, rồi đây tân cổ giao duyên sẽ “nuốt” luôn vọng cổ thuần túy. Để tránh đi tai họa này, soạn giả Viễn Châu (cũng là nhạc sĩ Bảy Bá) không nên hợp tác với hãng dĩa để cho ra đời thêm loại nhạc “quái dị” kia nữa.

Bị số đông đàn anh áp đảo, Viễn Châu buộc lòng gật đầu chấp nhận theo ý kiến các đàn anh, tẩy chay không viết thêm bài tân cổ giao duyên nào nữa, và sau buổi họp Viễn Châu đã không đến hãng dĩa như mọi khi.

Có lẽ biết được sự việc trên, bà chủ hãng dĩa Hồng Hoa cho người đi mời Viễn Châu đến họp bàn về công cuộc làm ăn, và khi soạn giả đến thì bà chủ hãng dĩa hát giải thích rằng “làm ăn phải theo thời thế để sống còn.”

Sau một hồi thuyết phục, thấy Viễn Châu chưa trả lời, bà Hồng Hoa nói thẳng, nếu như Viễn Châu không tiếp tục viết bài ca đang được các đại lý đặt mua thì bắt buộc hãng phải mời các soạn giả khác. Bà dùng câu ngụ ngôn “có mợ chợ cũng đông, không mợ chợ cũng không nghỉ bữa nào.”

Rồi thì vì nồi gạo, Viễn Châu lại ký hợp đồng nhận tiền “đặt hàng” viết vài bài tân cổ giao duyên nữa.

Cuối cùng thì nhà thương mại kể như thắng cuộc, và bài ca tân cổ giao duyên tiếp tục ra đời hàng loạt vậy.

Thời đó trong số nhạc sĩ đờn 6 câu cũng có người biết đờn tân nhạc, và họ dùng đờn lục huyền cầm đánh nhạc cho người ca tân nhạc trước khi vô vọng cổ. Do vậy mà thời kỳ trước 1975 cũng có một số ít ca sĩ hát bài tân cổ giao duyên, vì cũng có cái hay của nó, miễn là bài tân nhạc lẫn vọng cổ phải hay và dễ ca.

Rồi dần dần số người trẻ cũng ca theo dĩa hát, tức là vừa ca tân nhạc vừa ca vọng cổ tạo nên nét độc đáo của bản vọng cổ. Đặc biệt bài tân cổ giao duyên “Chuyện Tình Lan và Điệp” gần như có hơi hướng tuồng cải lương trong đó nên rất nhiều nam nữ tài tử đã cùng ca bài này, sau đó lại dẫn dắt thêm một số bài ca tân cổ giao duyên khác.

Và rồi thì thầy đờn cổ nhạc dù muốn dù không phải theo thời, cũng tập đánh xập xình cho người ca mọi loại nhạc đều có thể tham gia.

Gần đây trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử hải ngoại, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở Little Saigon cũng có tài tử Cẩm Tú ca bài “Tàu Đêm Năm Cũ,” nhạc của Trúc Phương, vọng cổ của Viễn Châu; nữ tài tử Hồng Thanh ca bài “Mưa Rừng,” tân nhạc của Huỳnh Anh, cổ nhạc của Viễn Châu. Các nhạc sĩ cũng không còn miễn cưỡng phải đánh đàn tân nhạc, nếu ai cần thì nhạc sĩ cũng điệu nghệ làm vừa ý người ca. (Ngành Mai)


Ghi danh thi cổ nhạc và sinh hoạt đờn ca tài tử

Kể từ nay đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử cũng là nơi thí sinh ghi danh thi cổ nhạc. Ban tổ chức hân hạnh chào đón thí sinh đến ghi danh, và ca tài tử để tập luyện bài ca dự thi, đồng thời cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những người mộ điệu và khán giả.

Ban tổ chức cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử. Riêng những người mộ điệu, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả.

Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851 hoặc ca sĩ Triệu Mỹ Ngân (714) 728-1878.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT