Bên Tây…lắm chuyện: Mang dép lái xe?

Từ Nguyên

Mùa nào có chuyện mùa đó. Mùa Hè, dân chúng coi bộ thoải mái hơn. Từ bờ biển, cứ thế mang dép lái xe về nhà, thay vì phải rửa chân, phủi cát, mang giày.

Có người không có cả dép, lái xe chân không. Luật nào cấm cản? Có bị cảnh sát phạt không?

Câu trả lời là không có luật cấm cản nhưng biết rằng cảnh sát không cho lái xe chân không hay chỉ đi dép, tongs. 

Lái xe, giày nào?

Thật sự, không thấy có luật bắt phải mang giày khi lái xe. Thế nhưng, cho rằng như vậy là nguy hiểm, Cảnh sát bắt người lái xe phải mang giày. Chuyện đã từng xảy ra, không nghe, bị phạt, 35 euro.

Luật đi đường tại Pháp trù liệu rằng người lái xe phải luôn ở trong tư thế thuận tiện để phản ứng nhanh chóng. Các động tác của người lái xe, tầm nhìn không bị trở ngại hay hạn chế vì bất kỳ lý do gì.

Nhiều người đi dép đã bị chận lại và được yêu cầu mang giày đàng hoàng. Không có giày mang theo thì sao, không thấy nói. Đúng là rủi ro, vì cảnh sát Pháp không đông đảo đến độ kiểm soát từng xe! 

Những cấm kỵ khác

Các bà không được mang giày cao gót lái xe. Chuyện đó, dễ hiểu. Trở ngại khi đạp thắng hay với những xe cần đạp embrayage khi sang số, gót giày kẹt dưới bàn đạp.

Thắt giây an toàn khi di chuyển là chuyện bó buộc từ năm 1973. Lúc này có nhiều chiếc xe, không cài giây an toàn không rồ máy được. Thế nhưng vẫn còn nhiều người lơ là chuyện này. Thiệt là khó thay đổi tập quán!

Điều đáng chú ý: Một phần tư số tử vong tại Pháp… là vì không thắt dây an toàn. 

Vào khu nghỉ ngơi

Rượu hay ma túy không còn chiếm đa số của những trường hợp bị phạt. (32% tai nạn vì tốc độ, 30% vì rượu, 25% vì ma túy.) Ăn, uống, điện thoại, đọc báo, coi email, coi video… bị phạt nhiều. Đó là những điều cấm kỵ.

Người dùng kiếng trong xe, tô lại môi son hay thoa phấn khi xe ngừng đèn đỏ? Không được, vì ngừng đèn đỏ không phải ngừng hẳn thì coi như xe đang chạy, 35 euro, lời của cảnh sát.

“Đang lái xe muốn làm chi khác ngoài việc chạy xe, chỉ việc kiếm nơi ngừng xe hay vào khu nghỉ ngơi.” 

Pháp dẫn đầu tử vong

An toàn xa lộ? Xa lộ không an toàn. Trong khi số tử vong tại Âu Châu giảm, số người chết đường tại Pháp tăng, dù không nhiều. Trên khắp Âu Châu năm 2015 có 26,100 người tử vong, năm 2016 còn 25,500. Tại Pháp, trong năm 2015 có 3,469 người tử vong, năm 2016 thêm 8 mạng.

Số bị thương quan trọng hơn nhiều: 70,442 người trong năm 2015, đa số là người đi đường, xe đạp, xe gắn máy. Nhà nước tốn hao cho vụ này là 40 tỷ euro mỗi năm.

Theo tỷ lệ dân số, Âu Châu có 50 tử vong trên một triệu dân, Pháp có 54. Thấp nhất là Thụy điển, 27, cao nhất là Bulgaria, 99.

Lái xe là một mảnh đời… còn nhiều chuyện hấp dẫn, xin trở lại một kỳ tới.