Thursday, April 25, 2024

‘Câu Chuyện Văn Chương’ về 16 tác giả

Viên Linh/Người Việt

“Câu Chuyện Văn Chương” là nhan đề một cuốn sách xuất bản ở thủ đô miền Nam Việt Nam vào năm 1969, trong đó gồm những bài diễn thuyết của các nhà văn trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Cộng Hòa.

Bìa sách không có tên tác giả, chỉ có hai chữ Khai Trí, là tên nhà xuất bản.

Sau khi kiểm điểm, tôi thấy có 16 bài diễn văn, nên bài viết này dùng tên “Câu Chuyện Văn Chương” của cuốn nguyên thủy. Giấy phép xuất bản sách ký Tháng Mười Hai, 1969. Vậy cuốn sách đã ra đời đúng nửa thế kỷ tính tới lúc bài này được viết ra: 1969-2019.

Những thời điểm ấy, những con số ấy khiến tôi trân trọng cuốn sách vô cùng, nhất là không biết cuốn sách đã lưu lạc ra sao, sau nửa thế kỷ.

Tôi tìm thấy sách đã lâu, nhưng chưa từng đọc hết một bài nào trong 16 bài ấy, vì tuy in ấn con nguyên vẹn, nhưng giấy bên trong đã khô, sắc độ mực của những dòng chữ đã nhạt đi, và kẻ đóng cuốn sách đã dùi tám cái lỗ xuyên qua cả cuốn sách rồi dùng chỉ nylon buộc chặt cuốn sách dày 520 trang ở mé gáy khiến tôi không thể mở hết cuốn sách ra được.

Nhân cuốn sách về 16 bài diễn văn này, bài điểm sách của người viết cũng sẽ thích ứng, mở rộng hơn và chi tiết hơn, hầu người đọc bây giờ, nhất là người đọc ở hải ngoại (khó kiếm tài liệu kê cứu, phần lớn tác giả các bài diễn văn đã ra người thiên cổ).

Người viết sẽ cung cấp tiểu sử diễn giả, do cuốn sách không hề có phần tiểu sử tác giả bài diễn văn, chỉ có hình chụp đều cỡ 4×5.50 cm.

Trang đầu giới thiệu 16 tác giả trong quyển “Câu Chuyện Văn Chương.” (Hình: Facebook Artist Trần Ðồng Vọng)

Câu chuyện đầu tiên do kịch tác gia Vi Huyền Đắc kể.

Kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976) viết và phóng tác hay dịch thuật rất nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp, tiếng Hán, qua Việt Ngữ. Ông từng trải qua một thời thơ ấu khó khăn.

Lúc nhỏ vì èo uột khó nuôi nên theo một niềm tin xưa cũ gia đình nộp ông vào Đền Kiếp Bạc ở Quảng Ninh, nơi thờ Đức Trần Hưng Đạo, do đó ông mang họ Trần.

Mẹ ông là con gái của quan Thượng Thư Bộ Lại triều vua Tự Đức Nguyễn Tư Giản; chữ Quốc Ngữ, Việt Ngữ là ông tự học. Trường ông học là trường kỹ nghệ ở Hải Phòng.

Thời thuộc địa trước 1945 các vở kịch “Kim Tiền,” “Ký Cóp” của ông rất nổi tiếng, vì thế sau năm 1954 cùng với kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, Vi Huyền Đấc được mời làm giám khảo Giải Văn Chương Toàn Quốc bộ môn kịch trong nhiều năm (dường như cho đến năm cuối cùng 1975).

Ở miền Nam người ta phần lớn chỉ biết ông qua vở “Thành Cát Tư Hãn,” lúc ấy ông đã gần 60 tuổi, nhưng “Thành Cát Tư Hãn” thật sự ông viết trước đó cả hơn chục năm.

Ông còn chuyển ngữ một vở kịch của nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường ra Việt Ngữ, nhan đề là “Khói Lửa Kinh Thành.”

Người viết bài này từng viết kịch hằng tuần cho các đài phát thanh ở Sài Gòn, năm 1972 có dự thi Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc bộ môn kịch với vở “Con Đường Ngựa Chạy,” và được giải nhì đồng hạng. Năm đó không có ai được giải nhất, chỉ có hai giải nhì đồng hạng, nên giải kịch trị giá bốn trăm ngàn đã được chia đôi. Tôi không còn nhớ bút hiệu của người cùng được giải với mình, chỉ nhớ tên anh là Duyên, hẳn anh là học trò của kịch tác gia Vi Huyền Đắc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.

Sau năm 1975 có lẽ ông trở lại Quảng Ninh quê nhà hoặc Hà Nội, chỉ biết một năm sau đó ông mất tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Tháng Tám, 1976. (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT