Wednesday, April 24, 2024

‘Câu Chuyện Văn Chương’

Viên Linh/Người Việt

Trong tủ sách của tôi có cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” đóng bìa da màu đen, mạ chữ vàng sắc nét và tuyệt đẹp, vì tôi áng chừng đó là da thật và vàng thật, nhìn thoáng qua cũng nhận thấy, chắc chắn do một người bạn quý của tạp chí Khởi Hành gửi tặng.

Cuốn này dường như là một trong khoảng hai ba trăm cuốn do người quý sách và quý Khởi Hành là anh Nguyễn Công Thuần đã tự động vì yêu quý tờ tạp chí văn học do tôi chủ trương mà gửi tặng, trong thùng sách gửi qua bưu điện cho tôi nhiều năm về trước.

Lý do thứ hai không phải là sách tôi mua vì “Câu Chuyện Văn Chương” là tác phẩm in lại 16 bài diễn thuyết tại Trung Tâm Bút Việt, tức Văn Bút Việt Nam, mà tôi không phải hội viên hội đó và chưa bao giờ tới dự một cuộc sinh hoạt hay diễn thuyết nào của Hội Bút Việt, ngoại trừ một lần có hai bạn tôi cùng được giải thưởng, nghĩa là cũng là diễn giả sẽ lên sân khấu, là Tuệ Mai và Dương Nghiễm Mậu. Tôi thân Tuệ Mai vì quý chị, và tôi thân với anh Trần Việt Hoài anh ruột của chị (chị và anh Hoài đều là con của nhà thơ cách mạng Trần Tuấn Khải).

Nhưng đó là chuyện ngoài lề, chủ yếu của bài này là nhằm viết về 16 bài diễn văn kia, trong 16 cuộc diễn thuyết trong quá khứ, thật là những tài liệu quý giúp tôi nhìn lại quá khứ sinh hoạt của văn học miền Nam Việt Nam nay đã mất tăm không còn thấy ở đâu nhắc nhở, nếu không nói là đã hay còn bị tìm cách chôn vùi, loại khỏi sự hiểu biết tìm tòi sao lục của những người vẫn yêu quý tôn trọng Việt Nam và bản tồn phong hóa văn minh văn học miền Nam?

Ngay ở trang 2 cuốn sách chín dòng chữ in kiểu chữ hoa như sau: “Câu Chuyện Văn Chương tập 1 gồm 16 bài diễn thuyết của 16 tác giả trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, bìa của Nghiêu Đề do Phổ Đức trình bày, Khai Trí xuất bản lần thứ nhất. Ngoài những bản thường còn in 100 bản đặc biệt trên giấy trắng 100 bản dành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, 100 bản dành nhà xuất bản. Ấn quán Chinh Nguyên, 384/12T Lý Thái Tổ thực hiện xong ngày 12-12-1969 tại Sài Gòn.”

Trang 3 có in “Khai Trí -1969,” Trang 5 in: 16 bài diễn thuyết của 16 tác giả: #Vi huyền Đắc #Vũ hoàng Chương #Bàng bá Lân #Nhật Tiến #Nguyễn thị Vinh #Nguiễn ngu Í #Đông Hồ #Phạm việt Tuyền #Doãn quốc Sỹ #Hoàng xuân Việt #Trần đồng Vọng #Nguyễn duy Diễn #Châm Vũ #Hoàng hương Trang #Tuệ Mai #Thanh Lãng#

Ngay trang 5 là bài thứ nhất, “Vở kịch hay nhất” của Vi huyền Đắc. Cứ thế cho đến trang cuối cùng, in dòng chữ sau cùng của bài Thanh Lãng, trang 512.

Nửa thế kỷ sau, tức là thời điểm khi tôi viết bài này, Tháng Ba, 2019, so với ngày cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” được giấy phép xuất bản, 3 Tháng Mười Hai, 1969, vừa đúng 50 năm, vừa nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ khởi sự viết về 16 bài diễn thuyết này, cũng là một kỳ hạn đáng kể. Do đó người viết sẽ phải trân trọng hơn, tìm hiểu sâu xa hơn về cuốn sách.

Trước khi bắt đầu, không gì hay hơn là xin chép lại dưới đây bài thơ thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã ngâm tại diễn đàn Bút Việt khi ông diễn thuyết về người bạn mệnh yểu Đinh Hùng.

Tiếng đó người đâu?

Vũ Hoàng Chương

“Tiếng nói thi ca miền Tự Do”
Mười hai năm trước, giữa thành đô
Cất lên cao vút, nghe đồng vọng
Cả khối băng kia, đáy ngọc hồ.

Chắc cũng nao nao dòng Bến Hải
Cùng ba mươi sáu phố phường xưa
Đêm nay vẫn tiếng ai sang sảng
Trời hỡi ma sao nghẹn gió mưa?

Vĩ tuyến nào đây nghe đứt phựt
Lâu rồi căng thẳng với dây thơ
“Đây Tao Đàn”… sóng truyền thanh nổi
Ai có nghe chăng lọt đáy mồ?
Ai có thấy chăng hồn nước réo?
Cửa Hàn sương quyện khói sông Lô?
Người mê hơi đất nay về đất
Hiểu nghĩa vầng trăng huyết dụ chưa?

Hai mươi tám giọt sao mờ
Tàn canh lửa quỷ bất ngờ hài tiên.
Ở đây mới thực người quen
Khói thơ là ảo, hoa đèn là thân…
(Viên Linh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT