Thursday, March 28, 2024

Đọc một truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu: Chuyến trở về sau cùng

Trần Doãn Nho

Đọc Dương Nghiễm Mậu, từ “Cũng Đành” cho đến “Đêm Tóc Rối,” “Con Sâu,” vân vân, ta luôn luôn bắt gặp một thế giới đầy những xáo trộn, ẩn ức, dằn vặt, tăm tối. Đó là một thế giới rạn vỡ, đứt khúc, quằn quại, trong đó con người chỉ là những sự vật bất định, chơi vơi, hụt hẫng, không có chỗ bám víu, không có điểm tựa. Chẳng lạ gì, để mô tả chúng, hơi văn của ông lúc nào cũng toát ra vẻ ngột ngạt, bế tắc, quắt queo, tàn héo. Nó trở thành một thứ văn phong rất đặc thù, văn phong dương-nghiễm-mậu. Hiếm hoi lắm, chúng ta mới bắt gặp một Dương Nghiễm Mậu khác. Chẳng hạn truyện ngắn “Chuyến trở về sau cùng,” đăng trong tạp chí Văn, Sài Gòn, số Tháng Mười Một, 1972.

Đây là một truyện chiến tranh, trăm phần trăm chiến tranh, nhưng được tác giả dựng bằng một khuôn mặt khác. Ở đây, chúng ta không tìm thấy những dằn vặt nội tâm, những dày vò, khắc khoải của nhân vật, không tìm thấy các nhân vật tự hành hạ, tự suy diễn, tự bóc từng mảnh tâm hồn mình và người để nhìn ngắm, soi rọi. Ngược lại, truyện là những mô tả nối tiếp nhau một cách dửng dưng. Giọng văn cũng thế, dửng dưng, đôi khi khá lạnh lùng. Thay vì đưa ra một thế giới nội tâm phức tạp, truyện này trông như là cuốn sổ ghi chép những sự kiện và để chúng tự bày tỏ ý nghĩa. Mặt khác, thay vì mô tả chuyện đánh nhau với bom, đạn, chết chóc, máu đổ, thây người và khung cảnh tàn phá, vân vân và vân vân, Dương Nghiễm Mậu chỉ kể chuyện một chuyến xe nhà binh chở người lính tử trận ngoài chiến trường về giao cho thân nhân chôn cất. Đó là một hành trình khá dài, qua nhiều chặng đường, nhiều trạm kiểm soát, nhiều con hẻm ngoằn nghèo trong cái nóng nực, trong nỗi mệt nhọc và nhất là trong nỗi lo lắng của hai người lính, một là tài xế và một phụ trách áp tải, không biết có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Trong đoạn mở đầu, tác giả mô tả cỗ quan tài bằng những chi tiết lỉnh kỉnh như lá cờ, vòng hoa..:

Người tài xế kéo ngay lại lá quốc kỳ xô lệch trên cỗ quan tài để giữa lòng xe, chiếc cờ ngắn không đủ che hết chiếc quan tài gỗ, đứng lên, người lính đu người nhảy xuống, chiếc quần vướng vào vòng hoa để bên kéo theo xuống, vòng hoa đã héo để phơi ra chiếc khung làm bằng dây kẽm gai, mấy bông hoa giấy đỏ, hoa dại trắng rơi vãi trên nền đất bột.” (…) Để có được một vòng hoa không phải là một công việc dễ dàng trong tỉnh lỵ nhỏ bé nghèo nàn.”

Những chi tiết trông rất bình thường, đơn giản, chân thực đó, nhưng nếu để ý, ta thấy chúng lại toát lên một vẻ gì chua chát, xót xa về cái chết của một người lính.

Giao thi thể người lính tử trận cho thân nhân, quả không có công việc nào đơn giản và dễ dàng hơn. Thực ra, nó không đơn giản và dễ dàng như người ta tưởng. Băn khoăn trước tiên của người đi giao xác là không biết có tìm ra nhà của thân nhân hay không. Vì thân nhân lính thường ở vùng xã, ấp xa xôi hay nếu có ở thành phố thì cũng nằm trong những con hẻm khó tìm:

– Liệu chiều nay có xong không, kiếm không ra nhà thì chết bỏ đời đó nghe.

– Rỡn hoài, có địa chỉ đường hoàng, tao biết ấp đó mà.

Băn khoăn này đưa đến băn khoăn khác: nếu tìm không ra nhà thân nhân, thì cái xác, do để lâu ngày, mà trời lại nắng, cái nắng kinh khiếp của mùa Hè, sẽ trương sình lên.

– Nắng thế này chắc nó trương lên rồi.

– Mới ba ngày ăn thua gì.

– Thôi đi, nắng thế này mà nói, có khi hơi nó phá vỡ quan tài cho mà xem.

Riêng người tài xế phụ trách giao xác, anh ta còn một ám ảnh khác nữa: đối diện với thân nhân của người tử sĩ.

– Ờ rồi coi, tao biết quá rồi. Tao vốn ớn cái trò mang quan tài về nhà, báo tin người chết… Mày tưởng tượng thử coi…

– Chết thì mang về chứ có sao, họ phải cám ơn mình chứ.

– Mày là cái thứ gì không biết. Nhà người ta đang vui vẻ bỗng nhiên mình đưa đến một xác chết, đến báo tin một người chết. Như vậy không còn là tử thần à. Lúc gặp người ta cười nói, nghe mình nói xong người ta khóc mếu kêu gào, vậy mà thú vị lắm sao?

Hóa ra, nhiệm vụ cao quý của anh, ở một mặt khác, lại mang hình ảnh tiêu cực: anh trở thành người báo tử. Một tử thần.

May làm sao, sau chuyến hành trình dài phấp phỏng, rốt cuộc, họ cũng tìm ra nhà. Tuy nhiên, Dương Nghiễm Mậu đưa câu chuyện chuyển qua một khúc rẽ khác, khá bất ngờ:

Người tài xế vừa mở giấy vừa nhìn lên tấm bảng ghi số nhà:

– Đúng rồi, 131/32.

Từ trong nhà một người đàn bà, một cô gái chạy ra với vẻ kinh hoàng. Người đàn bà hỏi:

– Gì vậy ông? Thằng Út hả?

– Út chết sao ba?

Mắt người con gái và người đàn bà đỏ lên như sắp khóc.

– Không phải, đây là con của ông chủ nhà trước.

– Trời ơi, tôi tưởng…

Người đàn bà phác một vẻ mặt thoát nạn, người đàn ông nói giọng trầm tĩnh trước sự chờ đợi của hai người lính:

– Đúng số nhà đấy, nhưng nhà này người ta đi chỗ khác rồi, mới được hơn tháng. Tội chưa, ông ta có hai người con, đứa trước bị gãy chân, đứa này chết nữa…

Thử tưởng tượng sự hụt hẫng của hai người lính trước sự kiện hoàn toàn bất ngờ này. Tìm ra được nhà, nhưng không tìm ra được thân nhân. Quả là một bài toán nan giải cho hai người lính đi làm công tác. Dương Nghiễm Mậu viết tiếp:

Người tài xế đứng nơi đầu xe nhìn người bạn đồng hành:

– Làm sao đây ?

Người lính nói:

– Thì tìm chứ làm sao?

– Tìm ở đâu?

Người lính không nói thêm, anh ta trèo lên xe thò tay lấy xị đế để ở dưới chỗ ngồi mở ra tu một hơi dài…Người tài xế văng tục một mình, lấy bao thuốc ra châm hút, lúc sau anh ta trở lên chỗ ngồi mở máy cho xe lùi ra khỏi ngõ, hai bên con hẻm nhiều người vẫn tụ tập, đám trẻ bám quanh xe khiến người tài xế phải bấm còi liên hồi… Uống hết xị đế người lính đứng lên vứt mạnh chiếc chai không xuống đường, tiếng vỡ khô cứng.   

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu. (Hình: rfa.org)

Phải làm sao đây? Xị rượu đế và tiếng vỡ khô cứng của chiếc chai rơi xuống đường trở thành dấu hiệu bi thảm của một bế tắc. Và truyện kết thúc trong cái bế tắc dễ hiểu, nhưng trông khá lạ lùng và khó… hiểu đó.

Đọc truyện này, ta tưởng như đọc một Dương Nghiễm Mậu khác, thực ra thì không. Vẫn là dương-nghiễm-mậu. Vẫn là một thế giới rạn vỡ, tan nát, buồn thảm. Có điều, nó mang một khuôn mặt khác. Dương Nghiễm Mậu  không “nội soi,” nói như nhà phê bình Thụy Khuê, mà là “ngoại soi.” Thay vì đào xới một cõi nội tâm tăm tối, xung động, ông phác thảo những chi tiết bên ngoài, trông rất dửng dưng, bình thản, tự nhiên, nhưng là những cái dửng dưng, bình thản rưng rưng, đau đến xé lòng.

“Chuyến trở về sau cùng” là một đề tài lạ, rất lạ về chiến tranh. Nó nêu lên một khía cạnh khác, một bi kịch khác của chiến tranh, thường bị che khuất bởi những đề tài rộng lớn hơn và nhiều kịch tính hơn. Tuy vậy, trong cái bi kịch đó lại chứa đựng một nét tích cực: quân đội VNCH không tìm cách giấu giếm cái chết của binh lính, mặc dầu điều đo có thểđưa đến những hiệu quả tiêu cực. Điều này hoàn toàn khác với chính sách của Cộng Sản: giấu giếm tối đa cái chết của cán binh và bộ đội. Nhiều gia đình có con em mình chết trận mà mãi sau khi hết chiến tranh mới nhận hung tin. Thậm chí có gia đình hoàn toàn không nhận được tin tức nào cả về số phận của con em mình.

Dương Nghiễm Mậu, tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại Hà Đông, mất ngày 2 Tháng Tám, 2016  tại Sài Gòn.

Đã xuất bản: Gia Tài Người Mẹ, Đêm Tóc Rối, Tuổi Nước Độc, Phấn Đấu, Ngày Lạ Mặt, Gào Thét, Con Sâu, Địa Ngục Có Thật, Quê Người, Trong Hoang Vu, Tên Bất Lực, Kẻ Sống Đã Chết, v.v… Những truyện ngắn nổi tiếng: Cũng Đành, Đêm, Đôi Mắt Trên Trời, Sợi Tóc Tìm Thấy, Nhan Sắc, Kinh Cầu Nguyện, Ngã Đạn, vân vân.

Tham khảo:
-Dương Nghiễm Mậu và mê lộ của người anh hùng: https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2017/04/28/chuyen-tro-ve-sau-cung/

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT