Wednesday, April 24, 2024

Đọc sách ‘Cha Vô Danh’ của Phạm Ngọc Lân: Một trường hợp Dr Zhivago của Việt Nam

Hồ Văn Hiền

LTS: Sách “Cha Vô Danh” của Phạm Ngọc Lân vừa được ra mắt độc giả vùng Washington, D.C.-Virginia-Maryland trong một buổi họp mặt thân hữu chiều Thứ Bảy, 5 Tháng Mười, 2019, tại Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn do Dược Sĩ Nguyễn Mậu Trinh tổ chức. Nhân dịp này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền, một người bạn từ thời còn là sinh viên tại Đại Học Sài Gòn, đã giới thiệu tác phẩm “Cha Vô Danh” cũng như tác giả Phạm Ngọc Lân. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả báo Người Việt bài viết này.

Cách đây bốn năm, tôi may mắn nhận được cuốn “De père inconnu” (L’Harmattan, 2015, Paris) với chữ ký tác giả, như là một món quà đặc biệt của một đồng nghiệp đến trân trọng giao tận tay, một món quà quý giá. Ông bạn già của tôi, Bác Sĩ Nguyễn Sơ Đông nay vừa qua đời, đã chịu khó liên lạc với tác giả Phạm Ngọc Lân từ trời Tây xa xôi để tặng tôi một cuốn, và còn nhận xét “Không biết làm sao mà cái ông Lân này giỏi dữ vậy, vừa viết văn như Tây, vừa đờn hát thiệt hay nữa.”

Tôi biết Phạm Ngọc Lân từ lâu, từ thời tôi còn là một sinh viên sống trong cư xá sinh viên Đắc Lộ, ở số 161 đường Yên Đổ, gần cầu Trương Minh Giảng (đường Yên Đổ đã thay tên từ 1975 thành Lý Chính Thắng).

Hồi đó anh Gaillard Phạm Ngọc Lân là một người cao lớn, đi Vespa, hào hoa, hát giỏi, chơi kèn, trống, thể thao, giao du với giới văn nghệ sĩ nổi tiếng (như anh có kể lại trong cuốn sách). Cũng vì lý do đó mà tôi đọc sách của anh thấy rất say mê, rất thích và thú vị.

Mấy năm trước, tôi có soạn cuốn sách nói về sử Việt Nam, “Vietnam History, Stories Retold For A New Generation,” để giới thiệu nước nhà với lớp trẻ chỉ dùng tiếng Anh, nói về những khía cạnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam mà trong sách Mỹ thường không đề cập đến, vì họ chỉ bàn về chiến tranh Việt Nam và xem đất nước chúng ta như bãi chiến trường của họ. Bởi vậy, tôi càng hiểu được và thưởng thức sâu sắc hơn tác phẩm của Phạm Ngọc Lân.

Tác giả đã từng học bài bản về sử ở Đại Học Pháp Paris 7 trong nhiều năm để chuẩn bị cho bằng tiến sĩ về sử học (nhưng bị gián đoạn vì gia đình dọn qua Mỹ sống một thời gian). Đọc sách anh, chúng ta cảm nhận được tính cách chuyên nghiệp đó, và đấy là một đóng góp lớn cho nền sử học của nước nhà.

Tuy nhiên, sách của Phạm Ngọc Lân không phải là một niên biểu khô khan về các biến cố lịch sử, mà là một bức tranh sống động, lôi cuốn của cuộc sống một con người, tuy lắm gian truân, nhưng lại gặt hái được nhiều bài học quý giá, thú vị (ít nhất là lúc nhìn lại), làm cho một đứa trẻ tự nhận là rụt rè, sinh ra trong hoàn cảnh thiệt thòi, lại có thể vươn lên đạt đến những thành tựu khả quan trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Năm 1938, mẹ anh, mồ côi cha, từ miền Bắc theo gia đình vào Nam. Năm 1943, một mình từ Sài Gòn ngược về Ba Ngòi, một hải cảng nhỏ gần Nha Trang, mẹ anh đi tìm người chồng mới được thu xếp gả cưới, một sĩ quan pháo binh người Pháp tại một hòn đảo nhỏ chắn trước vịnh Cam Ranh. Hai người chỉ sống với nhau được hai tuần rồi chia tay.

Người con trai, anh Phạm Ngọc Lân, là kết quả của cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó. Anh từng là giảng viên trường đại học Dược Khoa Sài Gòn, một sinh viên nghiên cứu sử ở đại học Paris, một nhạc sĩ guitar, một ca sĩ tài tử được nhiều người ngưỡng mộ trên YouTube. Anh dành tám năm trời nghiên cứu các tài liệu, thăm viếng từng nơi từ Nam chí Bắc Việt Nam, đi đến nhiều thư viện văn khố trên đất Pháp và Hoa Kỳ để lục soát và viết ra cuốn “De père inconnu” nói về công cuộc tìm kiếm người cha chưa bao giờ thấy mặt mà cũng không rõ tên (do giấy tờ, thư từ, hình ảnh bị thất lạc), và cuộc hành trình nhiều gian lao của gia đình anh, trong suốt mấy cuộc chiến tranh đẫm máu và dai dẳng mà đất nước trải qua.

Tác giả Phạm Ngọc Lân viết lại cuốn sách bằng tiếng Pháp “De père inconnu” của ông sang tiếng Việt với tựa “Cha Vô Danh.” (Hình: Hồ Văn Hiền cung cấp)

Lần cuối cùng tôi đọc hết một cuốn sách tiếng Pháp dày và từ đầu đến cuối là Tháng Mười Một, 1977, tại Long Thành, một vùng hẻo lánh. Sau gần hai năm trong trại cải tạo, tôi phải đi làm ruộng, hồi hương lập nghiệp sau khi ra khỏi trại.

Cuốn “Bác sĩ Zhivago” (Boris Pasternak) tiếng Pháp đưa tôi vào thế giới của cách mạng Tháng Mười Nga và những biến đổi sau đó trên đất nước Xô Viết, cùng số phận của một bác sĩ, một nhà thơ và một trí thức mắc chứng lãng mạn kinh niên.

“De père inconnu” là cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên mà tôi thưởng thức từ đầu đến cuối, sau mấy chục năm chỉ học, dùng tiếng Anh, ngoài tiếng mẹ đẻ. Sách Phạm Ngọc Lân cũng đem lại những cảm xúc như Dr Zhivago, chỉ khác, sách của anh đưa tôi về vùng quá khứ của chính mình, chính dân tộc mình. Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh, Ba Ngòi, những ngôi trường Pháp, những đại học của một thời đã in dấu ấn trong tâm hồn mình. Sau khi thưởng thức bản tiếng Pháp, cũng như nhiều người khác, tôi đã tự nhủ, chúng ta cần một bản tiếng Việt và một bản tiếng Anh của cuốn này.

Thật là “được voi đòi tiên!” Vậy mà lại được tiên mới hay. Những năm sau đó, tác giả đã miệt mài, không phải để dịch sách của mình qua tiếng Việt, mà viết lại hoàn toàn. Bằng một thứ tiếng Việt trong sáng, tiếng mẹ đẻ của anh, bỏ bớt những giải thích chỉ cần cho người Pháp, và thay vào đó những chi tiết, những nét chấm phá và những chuyện kể mà chỉ có “người trong nhà” Việt Nam, chỉ nghe nhắc đến là lòng đã rộn ràng, nhớ đường xưa lối cũ, nhớ ngày xưa vang bóng một thời.

Nhớ “ngày xưa lúc mình còn trẻ” (như trong bài hát nổi tiếng “One day when we were young”), với các buổi trình tấu guitar, sinh hoạt thể thao, và nhất là cuộc tình thời chiến với người đẹp ở đài truyền hình Sài Gòn, cũng là người vợ trung thành qua bao năm lận đận… Tác giả, theo như lối nói hiện nay, đã “thổi hồn” vào lịch sử. Và từ đó, một cuốn sách quan trọng cho người Việt chúng ta ra đời, cuốn “Cha Vô Danh,” cũng được nhà xuất bản uy tín của Pháp L’Harmattan phát hành.

May mắn cho tác giả, và cũng may mắn cho độc giả, do một sự tình cờ, kết quả cuộc tìm kiếm người cha “không tên” kỳ thú này đã đem đến một kết cuộc rất có hậu. Tuy nhiên tôi xin phép không tiết lộ kết cuộc đó ở đây, để quý vị tự tìm lấy khi đọc cuốn sách.

Ngoài giá trị văn chương cũng như giá trị sử học của tác phẩm “Cha Vô Danh,” tôi xin nhắc đến một vấn đề rất gần với chúng ta là những người đã sống qua nhiều chế độ, mang ít lắm là hai quốc tịch khác nhau, không nhiều thì ít nhuốm màu văn hóa Tây, văn hóa Mỹ. Không riêng gì con cháu chúng ta sống trong hai nền văn hóa, một bên văn hóa Việt, tiếng Việt ở nhà, bên kia nếp sống Mỹ, tiếng Mỹ, tiếng Pháp trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta cũng vậy, trong quá khứ chúng ta ở Việt Nam, hiện tại chúng ta ở Mỹ, Pháp, Canada… Vậy chúng ta là ai?

Phạm Ngọc Lân hiện thân cho tính nhị nguyên/duality đó, cho câu hỏi không tránh được về căn cước, bản chất, “identity,” không riêng gì của người tị nạn chúng ta mà cho cả mọi thành phần đa dạng của xã hội toàn cầu hôm nay. Và xứng đáng với vai trò một nghệ sĩ trí thức, anh cũng cho chúng ta một câu trả lời qua cuốn sách của anh.

Phạm Ngọc Lân tuyên bố với báo chí Pháp: “Tôi đã sống còn được là nhờ khả năng thích ứng của tôi, trong lúc vẫn cố gắng bảo tồn bản sắc của tôi. Không nên quên rằng mặc dù thuộc về nền văn hoá Việt Nam, tôi cũng có 50% máu Pháp chảy trong huyết quản. Đúng rồi, tôi cảm nhận tôi là người Pháp, và là người dân thị xã Roquettes (nơi anh ở tại Pháp), nhưng tận trong đáy lòng tôi vẫn là người Việt Nam.”

Chúng ta có thể vừa là người Việt Nam, vừa là người Mỹ, người Canada, người Pháp, người Úc trong thế giới toàn cầu ngày hôm nay.

Với lòng tri ân đối với tác giả, tôi xin trân trọng có đôi lời để giới thiệu đến với quý vị công trình văn chương, lịch sử quý giá này, và tôi chắc chắn cuốn sách sẽ đưa quý vị vào một vùng kỷ niệm mà trong đó chúng ta ai cũng sẽ tìm thấy mình và từ đó hiểu mình hơn, hiểu và yêu mến quê hương Việt Nam hơn. (Hồ Văn Hiền)

MỚI CẬP NHẬT