Friday, April 19, 2024

GS Trần Quang Hải: Việt Nam có ba nhạc khí đặc biệt không nước nào có

Từ Nguyên (Paris)

Bị nước Tàu đô hộ ngàn năm, Việt Nam không bị đồng hóa mà vẫn giữ được truyền thống dân tộc. Tiếng nói, chữ viết, cách ăn mặc, tập tục, phong thái… và nói chung, mọi thứ đều là Việt Nam. Chuyện đó ai cũng biết.

Trong âm nhạc, người Việt có ba nhạc khí mà không nước nào có kể cả nước Tàu. “Việt Nam đã tạo cho mình một chỗ đứng biệt lập với ba nhạc khí đặc thù dân tộc, chỉ thấy ở Việt Nam,” Giáo Sư Trần Quang Hải viết trong cuốn sách mới đây của ông.

Sách mang tựa đề là “50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt” dày 450 trang do Nhân Văn Nghệ Thuật xuất bản năm 2018 nay được phát hành trên thế giới.

Chuyện ít người biết

Trong bài “Nguồn gốc Âm nhạc Việt Nam” in trong cuốn sách, ông đã trình bày về ba nhạc khí đó là đàn đáy, đàn bầu và sinh tiền.

Đàn đáy có thùng hình thang, không có đáy chỉ có ba dây kết hợp đặc trưng của nhiều đàn khác nhau như đàn tam, tỳ bà, nguyệt. Đàn đáy dùng để đệm cho hát ả đào hay ca trù.

Đàn bầu hay độc huyền chỉ có một dây nhưng có thể đàn được ba bát độ và chỉ sử dụng bồi âm mà thôi.

Sinh tiền gồm ba miếng ván dài 27 phân, ngang 3 phân dày nửa phân. Hai miếng ván có mang những đồng tiền lúc lắc trong khi miếng thứ ba gõ hay cứa vào hai miếng ván kia tạo thành ba âm thanh khác biệt để đệm nhạc triều đình.

Lịch sử nhạc Việt

Trong cuốn sách, tác giả đã trình bày các loại đàn, hát của dân tộc ta từ thời nhà Đinh, thế kỷ thứ 10, cho tới ngày nay. Phần trình bày rành rẽ là một tài liệu quý báu cho những người biên khảo về âm nhạc Việt Nam, cổ nhạc lẫn tân nhạc.

Phần cổ nhạc, tác giả đã cho ta biết về các loại nhạc như nhạc cung đình, nhạc lễ, nhạc tôn giáo, nhạc thính phòng, nhạc tuồng, dân ca, nhạc dân tộc thiểu số. Các thứ đàn đặc biệt là đàn tranh, đàn đá thêm vào những nhạc cụ đặc hữu của Việt Nam, các loại hát như hát xoan, hát Then, Tày, Nùng, Thái…

Phần tân nhạc được tác giả ghi chép lại trong năm giai đoạn theo các biến cố chính trị trong nước. Giai đoạn tượng hình, 1928-1937; giai đoạn thành lập, 1938-1945, giai đoạn kháng Pháp 1946-1954, giai đoạn đất nước chia đôi 1954-1975 và giai đoạn di tản, từ 1975 trở đi.

Công trình sáng tác, khảo cứu

Giáo Sư Hải đậu bằng tiến sĩ nhạc dân tộc tại trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội Pháp tại Paris năm 1973, lúc 29 tuổi, về những khám phá mới mẻ trong kỹ thuật hát đồng song thanh.

Tới năm 1989, ông được cấp bằng quốc gia giáo sư nhạc truyền thống nhưng ông đã làm việc khảo cứu từ năm 1968 tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học CNRS ở Paris. Đồng thời, ông còn làm việc trong Viện Dân Tộc Nhạc Học của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật và Truyền Thống Dân Gian tại Paris.

Sở trường của Giáo Sư Hải là hát đồng song thanh và đàn môi. Trong địa hạt này, Trần Quang Hải là người tài ba nhất thế giới. Ông đã sáng tác hơn 50 bài kể chung cho đàn tranh, cho muỗng, hát đồng song thanh hay là nhạc cho phim.

Năm đời ca nhạc

Giáo Sư Hải là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đã trình diễn trên 3,500 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 70 nước từ năm 1966, 1,500 buổi cho học sinh các trường học ở Âu Châu, giảng dạy trên 100 trường đại học trên thế giới, tham dự trên 130 đại hội liên hoan âm nhạc quốc tế và có trên 8,000 người theo học hát đồng song thanh. Điều này ghi rõ trên sách của ông.

Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông nhắc đến dòng dõi họ Trần Quang bốn đời tài danh trong ngành nhạc dân tộc. Tới Trần Quang Hải là đời thứ năm, con người tài hoa đã làm rạng danh nhạc dân tộc Việt khắp năm châu.

Sách nhan đề là “50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt” do Nhân Văn Nghệ Thuật xuất bản năm 2018, dày 450 trang, có thể mua trên mạng do nhà xuất bản LULU phát hành, giá 16.76 euro.

https://www.lulu.com/shop/search.ep?keyWords=tran+quang+hai

Sách được phổ biến cùng với cuốn bằng Anh Ngữ “Tran Quang Hai 50 Years of Research in Vietnamese Traditional Music and Overtone Singing, Tu Sach Khai Tri, 2018, 402 page.”

Sách tiếng Anh có thể mua trên mạng Amazon.fr với giá 13.86 euro. (Từ Nguyên)

MỚI CẬP NHẬT