Wednesday, April 24, 2024

Hội họa Trịnh Cung từ 1962 đến 2018, một hồi ức nghệ thuật

Du Tử Lê

Tôi vẫn quan niệm, tài năng của một người làm công tác sáng tạo, phải được nhận biết qua những khác biệt mà ông/ bà ấy thể hiện được qua tác phẩm. Khác biệt này, như một thứ ID, để người này không là người kia; thậm chí, không là phó bản, dù mờ nhạt (phảng phất) của một tài năng nào khác.

Lại nữa, vẫn theo tôi, một tài năng dù thi ca hay hội họa, chỉ có thể được gọi là lớn, khi tài năng đó phản ảnh được từng giai đoạn lịch sử dài, của đất nước, qua tác phẩm.

Từ hiện-chứng này, tác phẩm của nghệ sĩ, ngoài yếu tố nghệ thuật có tính văn học vì, đi dọc lịch sử; còn được hiểu theo nghĩa không phải chỉ là những phát kiến phù phiếm, nằm ngoài lẽ tử, sinh, của một tổ quốc. Bởi thế, tới hôm nay, sau 81 năm, bức họa “Guernica” của Picasso (vẽ năm 1937) vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất trong kho tàng tranh vẽ của ông. Dù Picasso là cha đẻ của những bức tranh mang nhiều tính cách mạng về bố cục, đường nét, từng gây chấn động thế giới. (*)

Với hai tiêu chí trên, nhìn lại hơn nửa thế kỷ hội họa Việt Nam, tôi thấy, ở giai đoạn đầu của thập niên 1960, rồi 1970… chúng ta có khá nhiều những tài năng tách thoát khỏi đám đông, để xuất hiện rực rỡ trước quảng trường đường nét, và màu sắc.

Nhưng, những tài năng hội họa đó, dù đã sống, đã hít thở bầu khí chập trùng tai họa chiến tranh, tuyệt vọng, chết chóc… thì họ vẫn không để lại tác phẩm nào, khả dĩ phản ảnh trung thực hiện trường xã hội đầy bi kịch ấy.

Hơn thế, ít, nhiều những người còn hiện diện hôm nay, nếu vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật, thì cũng chẳng có một chỉ dấu nào, khác hơn sự lập lại chính họ (tưởng là mới), hay những nỗ lực rị mọ tội nghiệp, đánh lừa cảm quan mình!

Mùa thu tuổi nhỏ. (Tranh: Trịnh Cung)

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ vừa qua, theo tôi, chúng ta may mắn có được một họa sĩ mang tên Trịnh Cung/ Nguyễn Văn Liễu.

Ông không chỉ là một tài năng hội họa, ngay từ những nét cọ đầu tiên, mà còn là họa sĩ gần như duy nhất có những tác phẩm đi dọc chiều dài dòng sông lịch sử máu, xương đất nước.

Vì thế, tranh của họ Nguyễn ở giai đoạn nào, cũng vằng vặc tính văn học (như những bài biên khảo, nhận định của ông về hội họa). Tựa đó là định mệnh khu biệt của một tài hoa lớn mà đời sống, thời thế đã chọn ông, làm phát ngôn viên chính thức cho lộ trình nhân gian phủ đầy khăn tang này.

Chỉ là một bài viết ngắn, nên tôi không thể nhắc tới những thành tựu ngoài khung vải của họ Nguyễn. Tôi cũng không thể nhắc tới những giải thưởng cao quý ông đã được trao tặng kể từ đầu thập niên 1960, ngay sau khi mới tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Tôi cũng không thể nói tới những đường cong, làm thành ID nhận diện trong Trịnh Cung, hay sắc, xám-xanh… như những ám thị quyến rũ, huyễn hoặc trong tranh của ông.

Treo mình trên giá vẽ. (Tranh: Trịnh Cung)

Tôi cũng không thể nhắc tới những cuộc triển lãm cá nhân của ông, ở những nơi ông đi qua, thường không đủ tranh để thỏa mãn nhu cầu giới thưởng ngoạn…

Tôi chỉ muốn nói tới một số tác phẩm tiêu biểu, gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của miền Nam (cũng có thể nói mà không sợ sai lắm là của cả Việt Nam), như bức “Mùa Thu Tuổi Nhỏ,” Trịnh Cung vẽ đầu thập niên 1960; và 1962 được chọn để đại diện Việt Nam tham dự cuộc triển lãm chung với 21 quốc gia khác. Đó là thời điểm định mệnh tổ quốc còn cho đất nước chúng ta, những bông hoa thanh bình, tương đối êm ả, hương, sắc.

Tôi chỉ muốn nhắc bức tranh “Treo Mình Trên Giá Vẽ” của họ Nguyễn, sau 10 năm bẻ cọ, kể từ Tháng Tư, 1975, khi toàn thể miền Nam trở thành nhà tù lớn, với không ít những người có tên tuổi cùng giới với ông, vì sợ hãi, yếu đuối, hay bởi chút lợi nhỏ, đã hăm hở tình nguyện tiếp tay chế độ độc tài, do phe thắng cuộc áp đặt.

“Treo Mình Trên Giá Vẽ” được Trịnh Cung vẽ năm 1987, tại Sài Gòn, theo tôi là tiếng kêu thất thanh, tuyệt vọng của một nghệ sĩ không thể có cho mình một chút tự do nhỏ nhoi, để thở. Tôi nhớ đọc được đâu đó, một ghi nhận đau đớn, chua xót bất ngờ; đại ý: Đó là bức tranh ở mặt bên kia của nhân bản tính, mà thế giới có được, duy nhất, tính tới hôm nay, ở lãnh vực hội họa.

Và, 37 năm sau, tại Hoa Kỳ, Trịnh Cung lại hoàn tất một bức tranh khác, nằm trong dòng chảy lưu vong của một bộ phận dân tộc Việt, nơi xứ người, bức “Cái Mền Mua ở Goodwill.”

Với tôi, bức tranh như một thể hiện tình nhân loại thâm sâu, xúc động, được Trịnh Cung sáng tác khi ông đã ở tuổi 79. Tôi muốn nói, chỉ vài tháng, trước khi họ Nguyễn bước vào tuổi 80.

Nhắc tới điều này, tôi chủ tâm nhấn mạnh tới sức sáng tạo ngoại khổ của tài năng hội họa ngoại khổ này.

Như đã nói, một tài năng, chỉ có thể được ghi nhận là lớn lao, khi có đủ hai yếu tố: Thẻ nhận dạng riêng, và những tác phẩm gắn liền với định mệnh dân tộc, theo chiều dài lịch sử chìm, ngập máu, xương giống nòi.

Cái mền mua ở Goodwill. (Tranh: Trịnh Cung)

Như đã nói, lịch sử hội họa Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, cho chúng ta khá nhiều những tài năng mà đóng góp trí tuệ của họ, rất đáng cho chúng ta trân trọng ghi nhận.

Nhưng, đa số, hầu như đã chọn sống bập bềnh, bay, trôi ngoài định mệnh dân tộc.

Nhưng, không phải “hầu như,” mà tuyệt đối tác phẩm của những tài năng đó không hoặc, chưa phản ảnh được phần bóng tối lịch sử mấy chục năm điêu linh. Và, tuổi tác cũng đã rất sớm, kéo họ lui dần vào cõi thinh lặng…

Trịnh Cung/ Nguyễn Văn Liễu thì ngược lại. Hoàn toàn ngược lại.

Hiện-tượng-Trịnh-Cung, tôi chọn dùng cụm từ này, để nhấn mạnh tới sự hiếm hoi những tài năng như Trịnh Cung, thuộc lãnh vực hội họa của chúng ta, dù ở Việt Nam hay, quê người.

* * *

Tôi sẽ không chút ngạc nhiên, nếu ngày nào, những bức tranh như “Mùa Thu Tuổi Nhỏ,” “Treo Mình Trên Gía Vẽ” hoặc “Cái Mền Mua ở Goodwill” của Trịnh Cung được trả về cho Sài Gòn, như bức “Guernica” của Picasso, sẽ không bao giờ nữa, rời khỏi Madrid. Và những suy nghiệm của ông về nghệ thuật hội họa hôm qua, ngày mai, sẽ là những bảng chỉ đường hữu ích cho một hội họa Việt Nam khác, trong tương lai. (Du Tử Lê)


Chú thích: (*)Theo Dân News hiện có trên Bách Khoa Toàn Thư Wikpedia thì: “… Ngược dòng lịch sử, ngày 26 Tháng Tư, 1977, xã Guernica, thuộc cộng đồng tự trị xứ Basque, đã bị không quân Đức Quốc Xã, dưới sự hộ tống của không quân Ý dội bom. Vào thời điểm đó, đất nước Tây Ban Nha rơi vào nội chiến giữa một bên ủng hộ nền Đệ Nhị Cộng Hòa còn non trẻ và bên kia là phe ủng hộ tướng độc tài Francisco Franco. Sau cú đảo chính hụt ngày 13 Tháng Bảy, 1936, chống lại chính phủ cộng hòa, Franco đã nhận được sự hỗ trợ về mặt quân sự từ các đồng minh là Hitler (Đức) và Mussolini (Ý). Chiếm Madrid bất thành, Franco và các đạo quân của Franco đã tiến về phía bắc Tây Ban Nha (…) Giờ thì, “Guernica” sẽ không bao giờ rời khỏi Madrid, cho dù đó là về lại chính nơi sinh ra mình, xã Guernica…”

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT