Friday, April 19, 2024

Lê Công Tâm, nỗ lực trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam, hiện đại

Du Tử Lê/Người Việt

Lịch sử một đất nước là tấm gương phản ảnh trung thực nhất định mệnh thăng, trầm của một dân tộc, dù cho đó là một đất nước rộng lớn hay nhỏ bé.

Nhưng thật bất hạnh cho một dân tộc khi mà, sự trung thực hay khách quan về phương diện lịch sử của dân tộc ấy bị bóp méo, sửa đổi theo nhu cầu, chủ quan của các thế lực ngoại quốc, hay bởi xu hướng chính trị của những chế độ đất nước đó. Bất hạnh này đã diễn ra liên tiếp từ quá khứ bi thảm tầng tầng, của lịch sử Việt Nam, từ nhiều năm tháng qua.

Phải chăng vì thế, Luật Sư Lê Công Tâm đã bỏ thời gian, tâm huyết, âm thầm thực hiện bộ sách “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam.”

Tôi dùng hai chữ “bộ sách” bởi vì mới đây, họ Lê đã cho ấn hành cuốn thứ nhất trong trọn bộ ba cuốn – mà ngay cuốn thứ nhất này đã dày 800 trang, khổ lớn với rất nhiều tư liệu. Đến nay, gần như chưa được một sử gia nào ngoài cũng như trong nước, sưu tầm, tập hợp và hệ thống hóa, hầu trả lại phần nào sự thật khách quan tối thiểu cho một giai đoạn lịch sử vô cùng nhiễu nhương, đầy kịch tính, và cũng đầy mưu toan bóp méo sự thật của quá nhiều thế lực, xu hướng chính trị tả/ hữu trên bàn cờ chính trị rối rắm. Ngay từ chương “Dẫn Nhập” tựa đề “Lầm Lỗi Định Mệnh Lớn Nhất” được họ Lê đề cập đầu tiên là cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963, đưa tới cái chết bất đắc kỳ tử của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông, cố vấn Ngô Đình Nhu, như một khởi dẫn cho sự nhìn lại cần thiết của lịch sử đất nước.

Ở phần “Dẫn Nhập” này, tác giả Lê Công Tâm đã sử dụng một đoạn trích từ hồi ký “Swords and Plowshares” của Tướng Maxwell  D. Taylor, ghi lại phản ứng của cố Tổng Thống Kennedy, khi hay tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị bức tử, như sau:

“… Tin thông báo ông Diệm và Nhu cả hai đã chết và lãnh tụ nhóm đảo chánh nói là họ tự sát. Kennedy đứng vụt lên, chạy vội ra khỏi phòng với vẻ mặt đầy xúc động bàng hoàng mà tôi chưa bao giờ chứng kiến từ trước tới nay. Ông lúc nào cũng khăng khăng một điều là ông Diệm không thể bị bất cứ điều gì ngoại trừ phải biệt xứ, và ông vẫn tin, và thường tự vấn về một số thay đổi chính quyền không cần thiết phải đổ máu.

Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting, người được Henry Cabot Lodge thay thế trước khi cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963 xảy ra, đã viết trong hồi ký “Từ Lòng Tin Đến Thảm Kịch/From Trust to Tragedy”:

“Gia đình tôi và tôi nghe được những phúc trình vừa tiết lộ từ Sài Gòn với sự hoài nghi, kế tiếp với sự kinh hoàng, và rồi với nỗi giận dữ. Ngoài những phản ứng cá nhân, tôi nghĩ vào lúc đó, hay ngay cả bây giờ, là đất nước chúng ta đã phản bội một đồng minh lương thiện nhất, việc ấy, chúng ta sẽ hứng chịu những hậu quả cách này hay cách khác…

(…)

…Vài ngày sau đó, một trong nhóm đại diện Cộng Sản tại bàn hội nghị Ba Lê đã bình luận với một người Mỹ rằng, họ rất ngạc nhiên và sửng sốt về hành động của chúng ta chống lại một đối thủ mạnh nhất và có hiệu quả nhất mà Cộng Sản phải đương đầu. Lãnh tụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sau đó gọi đây là ‘Món quà tặng Thượng Đế cho chúng tôi.’ Nguyễn Hữu Thọ đã nói điều này với ký giả người Úc Wilfred Burchett. Tướng Việt Cộng Trần Nam Trung, phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kiêm Quân Ủy, bình luận: ‘Người Mỹ quyết định thay ngựa giữa dòng. Họ sẽ không bao giờ tìm được bất cứ một người nào có hiệu quả hơn ông Diệm.’” (Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam, trang 29, 30, 31)

Trước đấy, nơi phần “Tựa” của “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam,” cuốn thứ nhất, Luật Sư Lê Công Tâm, xác định:

“…Những nghiên cứu đầu tiên trong buổi ban đầu của cuộc chiến cho thấy có quá nhiều thiếu sót và đầy thiên kiến của nhiều sử gia. Sự chính xác của lịch sử phải dựa vào các nguồn gốc đích thực nếu có thể được, hơn là một sự giải thích, gạn lọc các sự kiện này theo tầm nhìn cá nhân. Đây là một ‘tái cấu trúc’ trở lại các sử liệu, căn cứ vào những tài liệu, văn bản, liên quan đến ngoại giao, chính trị và quân sự của cuộc chiến, và cần có một sự nghiên cứu nghiêm túc lâu dài để có thể thực hiện được sự chính xác của lịch sử.

Do đó, không thể nào ghi nhận toàn thể các sự kiện đưa đến cuộc Chiến Tranh Việt Nam vỏn vẹn trong một tài liệu vắn tắt hay sơ lược, việc làm như thế sẽ đưa đến nhiều nhận định sai lầm và thiếu chính xác. Toàn bộ ‘Những Lầm Lỗi Trong Cuộc Chiến Việt Nam’ được chia ra làm ba giai đoạn: Từ năm 1767 khi Thomas Jefferson bắt đầu lưu ý đến vùng đất xa xôi mang tên Cochinchina trải đến giai đoạn giao thời của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và đây là quyển Một; quyển Hai từ khởi điểm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đến năm 1968, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson tuyên bố không ra tranh cử cho nhiệm kỳ sau cùng của ông; và quyển Ba tiếp tục cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975…”

Tác giả cũng chỉ ra rằng: Các sử gia Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, những người thuộc tầng lớp thế hệ đầu tiên khi viết về cuộc chiến Việt Nam, trong đó không ít có liên hệ đến chính sách và đường lối ấn định của Washington và tại Sài Gòn, được coi là trường phái chính thống (Orthodox school); những người này theo sử gia Mark Moyar, đã xem việc Hoa Kỳ dính líu vào cuộc chiến Việt Nam là sai lầm, và không chính đáng. Ngược lại, trường phái xét lại trong đó có Mark Moyar, là những thế hệ sử gia đàn em, đã coi cuộc chiến Việt Nam là chính đáng nhưng thực thi một cách sai lầm. Và họ Lê kết luận:

“Vấn đề tranh cãi giữa hai trường phái này vẫn sẽ còn tiếp diễn, mặc dù có một số sử gia của phái xét lại đã thách đố nhắm vào một số giải trình của nhóm chính thống; và gần đây nhất, các sử gia như King C. Chen, Qiang Zhai, Judith A. Klinghoffer đã thu thập được những chứng cớ mới được cho là giá trị, từ các văn khố của Nga Xô, Trung Cộng và Đài Loan; thêm vào còn có sự gia tăng tiếp cận với các nguồn tài liệu từ Pháp và CSVN như của Sử Gia Nguyễn Thị Liên Hằng, khiến nhóm ‘tân sử gia’ đã đưa ra các luận cứ mới mẻ và sự kiện lịch sử chính xác hơn. Cộng thêm nữa là những tài liệu ‘giải mật’ từ các cơ quan Quốc Phòng, Ngoại Giao và Tình Báo Mỹ, các hồi ký của những nhân vật chính trị, ngoại giao, quân sự, liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, ngày nay đã được bạch hóa và cung cấp ra ngoài công chúng, giúp tạo thêm vô số các bằng chứng, khiến những lập luận của nhóm Truyền Thống ngày càng trở nên lỗi thời, nếu không muốn nói là không còn giá trị.”

Họ Lê nhìn nhận rằng ông đã phần nào “bị ảnh hưởng bởi quan điểm của trường phái xét lại, vì những chứng cớ hiển nhiên từ lâu được giấu kín nay đã được các sử gia thuộc thế hệ mới đưa ra để xác định tính cách khách quan về những khả năng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu một cách hiệu quả và đạo lý bên cạnh người Mỹ, và dân chúng miền Nam ủng hộ chính phủ của họ nhiều hơn là Cộng Sản trong thời gian chiến tranh. Ngoài ra, các tác giả như Arthur Dommen, H.R. McMaster, Michael Lind và C Dale Walton, đã chứng minh những sai lầm về chiến thuật lẫn chiến lược của Hoa Kỳ trên nhiều lãnh vực, đưa đến thảm họa ngày nay Hoa Kỳ đã mất đi uy thế chính trị, quân sự và ngoại giao tại Biển Đông. Đặc biệt lầm lẫn lớn nhất là cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, đã làm mất đi những ưu thế đã tạo được của miền Nam trước đó chín năm, nên đã xô đẩy miền Nam rơi vào một thời kỳ bất ổn và suy yếu.”

Trả lời câu hỏi: Không kể thời gian sưu tầm, lọc lựa, cân nhắc độ khả tin của các tư liệu, thì tác giả đã mất bao nhiêu tháng, để hoàn tất bộ sử “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam,” cuốn thứ nhất này, họ Lê nói, ông đã mất tám tháng ròng rã, để hoàn tất nó… (Du Tử Lê)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT