Friday, March 29, 2024

Một ấn phẩm của Nguyễn Thị Hoàng

Viên Linh/Người Việt

Đã lâu không có dịp nhìn lại sinh hoạt một thời của các nhà văn nữ Việt Nam, tôi như gặp được bạn hiền khi bỗng nhìn thấy cuốn sách “tuyển truyện” do Nguyễn Thị Hoàng thực hiện, khi đang lục lọi đống sách cũ.

Cuốn này tôi được thấy nó thành hình ngay từ đầu, trong ngôi nhà của nhà văn nữ trên đường Cầu Bông, Gia Định. Lúc ấy tác giả cuốn sách “Vòng Tay Học Trò” – nhan đề tác phẩm và cũng là “vụ việc” nhắc tới một chuyện tình sôi nổi giữa thầy trò, trong đó có sự việc nhà văn nữ là nhân vật chính.

Cuốn sách có nhan đề “tuyển truyện” không phải của Nguyễn Thị Hoàng, song do Nguyễn Thị Hoàng đứng ra chọn bài, sắp xếp, xuất bản, gồm truyện ngắn “đêm tàn oanh trảo” của bà, và 11 truyện của 11 tác giả khác.

Xếp đặt trong cuốn sách theo thứ tự như sau: “Màu Trời” của Thanh Tâm Tuyền, “Cửa Sau” của Mai Thảo, “Như Giọt Nắng Vàng” của Nhã Ca, “Nơi Em Sẽ Đến” của Viên Linh, “Trên Ngọn Lửa” của Cung Tích Biền, “Những Luống Hoa Cải Vàng” của Nguyễn Quang Hiện, “Những Cái Bóng” của Huỳnh Phan Anh, “Vực Hồng” của Nghiêu Đề, “Những Ngày Ở Sài Gòn” của Sơ Dạ Hương, “Đêm Tàn Oanh Trảo” của Nguyễn Thị Hoàng, “Truyện Con Tinh” của Doãn Quốc Sỹ, “Cơn Mưa” của Nguyễn Đình Toàn.

Sách gồm sáng tác, 11 truyện ngắn và một vở đối thoại, của 12 tác giả, ngoài ra không có thêm một lời nào của nhà xuất bản (thông thường người ta gọi vở kịch, ở đây văn bản đó khác với văn bản một vở kịch, chỉ thấy những câu đối thoại).

Sách dày 286 trang, in trên giấy trắng, cho thấy đó là loại sách in trên máy nhỏ, trên giấy đã cắt xén và bao lại từng “ram,” khổ giấy viết thư 8.50×11” (inch, đơn vị đo lường quen gọi là phân Anh, khác với đơn vị cm ta quen dùng từ thời nhỏ còn đi học) là khổ giấy thông thường cho các máy in A.B.Dick hay Mololith. Loại sách này ít khi in nhiều quá 1,000 cuốn, thông thường là 500 cuốn, có khi 100 cuốn các nhà in nhỏ cũng vẫn nhận in.

Sách in trên loại giấy như giấy in báo nhật trình, vàng thô và mỏng, là giấy chưa cắt xén, chưa bọc lại từng ram, có nghĩa là phải in nhiều mới in trên giấy cuộn. Bạn đọc nào có dịp bước vào nhà kho của một nhà in sẽ thấy những cuộn giấy đó, chúng được để trong kho ở phía sau một nhà in (không phải ở phía trước), vì những cuộn giấy báo cao xấp xỉ đầu người, bề ngang cỡ 18”.

Dài dòng về khuôn khổ tờ giấy như thế chỉ để nói rằng những cuốn sách in trên giấy trắng, mịn hay không, thuộc loại xuất bản nhỏ, một hay 500 cuốn; những sách in trên giấy báo thô và mỏng hơn, mới có thể là sách in ra hàng ngàn cuốn.

Nói tóm lại, sách in trên giấy trắng đẹp là loại giấy đã cắt xén hoặc khổ giấy viết thư (8.50×11”) hoặc khổ gấp đôi (17×24”), bán ra từng ram 500 tờ trong các tiệm như Office Dépot hay nguyên thùng 10 ram 5,000 tờ, là loại sách xuất bản ít. Thường thường là phát hành ra 100 cuốn hay hơn một chút.

Sách in bằng giấy báo (news prints), giấy thô mỏng, loại tiểu thuyết thời Việt Nam Cộng Hòa, thường là in khoảng 1,000 cuốn trở lên, loại giấy này hãng giấy trao thẳng cho nhà in từng cuộn trên xe vận tải, cả cuộn giấy được lắp vào máy in, thường phải in cả ngàn cuốn hay nhiều hơn vì một khi ấn công bấm cho máy chạy, rồi dù có tắt máy ngay, nó đã in xong cả ngàn tờ giấy.

Bài này nói về một ấn phẩm, một tập truyện do nhà văn Nguyễn Thị Hoàng in ra khi bà khởi sự làm Nhà xuất bản Hoàng Đông Phương, tập truyện có nhan đề giản dị là “tuyển truyện” (không viết hoa dù là tựa sách in ngoài bìa) = 12 tác giả 12 truyện, trong đó truyện của Nguyễn Thị Hoàng nhan đề là “đêm tàn oanh trảo.”

Truyện mở đầu như thế này: “Mình đã bỏ quên đôi giày không biết quãng nào dưới bãi sau khi tắm. Bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu lần tắm. Sao chỉ lần này bỏ quên. Sao không một thứ nào khác, mà đôi giày…”

Đó là những dòng mở đầu cho 20 trang sách in trọn truyện ngắn nói trên.

Nguyễn Thị Hoàng là tên thật, sinh ngày 11 Tháng Mười Hai, 1939, tại Huế, viết văn từ 1960. Tác phẩm của bà đã xuất bản rất nhiều, chúng tôi ghi nhận được một số như sau: “Vào Nơi Gió Cát,” “Trên Thiên Đường Ký Ức,” “Ngày Qua Bóng Tối,” “Mảnh Trời Cuối Cùng.” (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT