Thursday, April 25, 2024

Nguyễn Nhã Tiên: ‘Mỗi tro than tôi tạc một hình hài’

Du Tử Lê/Người Việt

Tôi mới có cuộc gặp gỡ với anh, chị tôi. Trong tinh thần nhìn lại, anh và chị tôi cùng nhắc tới một tùy bút cũ, tôi viết đã lâu về khoảng thời gian ngắn, chúng tôi ở Hội An.

Tuy chỉ ở được với Hội An ít tháng, nhưng sông Thu Bồn, Chùa Cầu đã như những dải lụa thương yêu, không ngừng mở rộng vòng tay thương yêu ôm ấp tôi, niên thiếu.

Anh, chị tôi nhắc, thời gian tôi theo học trường Nam tiểu học Hội An. Thời gian đó, cũng vào cuối năm, nước sông Thu Bồn dâng cao. Lênh láng một biển-sông, không đường chân trời. Nước cuồn cuộn nuốt trọng cả hai chiếc sân lớn, nối liền ngôi nhà dài như một con trăn khổng lồ, bị kéo căng, hết cỡ – khó phân biệt đầu, đuôi, cả hai đều nín thở.

Ngôi nhà hai mặt đường, ăn thông từ Phan Bội Châu, tới đường Bờ Sông. Anh tôi nhắc chị Dung, mà trong tùy bút, tôi gọi là chị Dùng (theo cách phát âm của người Tàu.) Ba chị, chủ nhà, cũng là một ông thầy thuốc Bắc. Anh tôi thuê một phần, ở dưới. Chị tôi nhắc chuyện tôi được chọn đóng vai Nguyễn Trãi, chia tay thân phụ Phi Khanh, bên này ải Nam Quan, theo vở kịch thơ của thi sĩ Hoàng Cầm.

Tôi nói với anh, chị tôi, đã mấy chục năm qua rồi, nhưng thảng hoặc, tôi vẫn nhớ tới chị Dùng. Tựa chị là một phần niên thiếu tôi, và cũng là một phần sông Thu Bồn những ngày lênh láng nước, vậy.

Tôi chỉ không nói với anh, chị tôi, khi hình ảnh chị Dùng, con sông Thu Bồn, mùa lũ… lênh láng ký ức tôi thì, bài thơ “Ngẫu Hứng với Thu Bồn” của Nguyễn Nhã Tiên, một nhà thơ trẻ ở Đà Năng, cũng ùa về, tâm trí tôi, thao thiết:

“Đâu phải chân mây nào cũng là nơi trời gặp biển
như Thu Bồn đêm nay tôi nghe tiếng vỡ
trăng rằm
nơi con sóng chạm vào phiến nguyệt.”

Đúng vậy Nguyễn! Đâu nhất thiết “chân mây nào cũng là nơi trời gặp biển.” Có khi, đó là điểm chia, lìa, in dấu những tai ương. Nhưng “nơi con sóng chạm vào phiến nguyệt” thì, với tôi, lại chính là nơi thi ca của Nguyễn, bất ngờ “xúc, chạm” được một vầng trăng khác – dù con sông Thu Bồn từ hàng trăm năm trước, đã lênh láng chảy trong thi ca nhiều thế hệ. Mỗi tài năng, mỗi rung động đều cho Thu Bồn một dung nhan nồng nàn, tươi thắm hay buồn bã, mới.

Không hỏi, nhưng tôi chắc, Nguyễn Nhã Tiên đến với thi ca đã lâu. Có thể từ ngày Nguyễn còn rất trẻ. Hôm nay, tóc Nguyễn đã nhiều sợi bạc. Nhưng tiếng thơ của Nguyễn, lại chọn cho nó, con đường nghịch chiều. Chúng dấn thân, phiêu lưu tới những chân trời khác.

Tôi vẫn có xu hướng trân trọng những tác giả, càng lớn tuổi thì độ chín chữ, nghĩa, khả năng sáng tạo càng mạnh mẽ, khởi sắc. Họ là những người có được cả hai thành tố đáng quý: Độ bền và đường trường. Với tôi, Nguyễn Nhã Tiên nằm trong số những người này:

“ngọn gió hư vô tìm người bến vắng
bài ca hoang vu một đời cỏ lau thầm lặng
ơ hay! sinh hồn cỏ cây cũng cửa đợi sông hoài”

Trong “Ngẫu Hứng với Thu Bồn,” Nguyễn không viết hoa chữ sông Hoài. Nhưng tôi nhớ, có lần chị Dùng bảo, khúc sông Thu Bồn, chảy ngang qua Hội An, còn có tên là sông Hoài – khi chị thấy nhiều buổi chiều, tôi hay ra lẻn ra cửa sau, nhìn dòng nước chảy…

Có lần chị Dùng còn hỏi tôi, có hiểu nghĩa chữ “hoài.” Tôi nói, hiểu. Dường không tin, chị bảo cho thí dụ.

Tôi nói, thí dụ, tôi sẽ không quên chị…

Chị gật đầu: “Chị cũng vậy. Chị sẽ không quên Phá…”

Và, chị vuốt má tôi.

Tôi hiểu “ngọn gió hư vô tìm người bến vắng” và, “sinh hồn cỏ cây cũng cửa đợi sông Hoài” của Nguyễn – dù tôi đã bỏ bến mà đi. Chị Dùng cũng không còn ở căn nhà cũ. Chị đã theo chồng trôi dạt đâu đâu?! Có khi chị đã không còn nữa, trong cuộc đời này! Nhưng, những câu thơ của Nguyễn Nhã Tiên, vẫn cho tôi lại Thu Bồn, cũ – dù không còn nữa, chị Dùng:

“Con mắt xa mờ phiến lụa lướt qua
Chân mây in hình bao mùa xuân xa
từng con sóng hai bàn tay tôi vớt
một chút ánh vàng rơi vỡ tung bèo bọt
vụn mảnh hồi quang găm tận đáy linh hồn.”

Tôi nghĩ, rồi đây, những câu thơ đó, của Nguyễn Nhã Tiên, có thể sẽ làm thành một thứ “trầm tích,” thêm cho Thu Bồn. Khi “vụn mảnh hồi quang găm tận đáy linh hồn,” khi Nguyễn không còn nữa (như chị Dùng có thể đã không còn nữa). Và, tôi, rồi cũng vậy. Nhưng tình yêu, kỷ niệm… theo tôi, vẫn sống tiếp đời chúng. Dù những người yêu nhau, những kẻ trong cuộc đã không còn.

Tôi biết, tôi cũng sẽ không quên, khi thấy đêm, đêm biển hoa đăng từ đáy thủy cung, trồi lên mặt sông Hàn. Con đường bờ sông. Bán đảo Sơn Trà. Ngũ Hành Sơn. Làng Tượng Non Nước. Bãi biển Mỹ Khê. Núi Bà Nà… và, dĩ nhiên Thu Bồn, Chùa Cầu… sâu nơi đáy mắt những người bạn trẻ của tôi. Rồi đây, tất cả cũng sẽ là một thứ “trầm tích” của dòng sông ký ức tôi, riêng.

Như thơ của Nguyễn Nhã Tiên: “mỗi tro than tôi tạc một hình hài.”

Mời độc giả xem bình luận “Tình trạng chia rẽ trong cộng động người Việt trên đất Mỹ”(Phần 1)

Chùm thơ Nguyễn Nhã Tiên

Gió gọi

Cải đã hoa vàng em ạ
bao mùa gió bấc qua sông
thổi mãi không thành áo lụa
người đi bỏ tóc lại dòng
Đâu đây quen quen lời cỏ
mơ hồ trí nhớ tôi… sương
nhen nhúm làm sao nên lửa
thì thôi, cọng khói dẫn đường
Vốc đầy bàn tay hoa khói
núi xa cuồn cuộn mây về
chiều nghiêng thả quầng ráng đỏ
tôi còn mấy nỗi sơn khê
Núi xa gởi niềm sâu lắng
đường mây mắt dõi phương tìm
có gì xa bay hoang vắng
ngân một tiếng buồn lặng im!
Tiếng khuya

Chuyến tàu ấy đã khuất vào thăm thẳm
đã non cùng
đã bể tận
đã đâu đâu
sao ngọn đèn vàng trong mắt tôi chưa tắt
mỗi một ánh lên là văng vẳng tiếng còi tàu
Dường như cái ngày mùa đông em lên tàu
bỏ quên lại rêu xanh
những mật ngữ thời gian biếc từng âm sắc
để mỗi bận chuyển mùa xôn xao gió bấc
cứa vào ngực tôi ngọt xớt tựa dao mềm
Thôi nhé, đường quên không ngoái lại
tôi còn mưa nắng để tình nhân
còn một vườn hoang hồn cỏ dại
một tiếng dế kêu đủ bận lòng
Không nên nổi đường dài giờ trú ngụ sân ga
nương náu chia xa, ăn nhờ tiễn biệt
tàu đến tàu đi dốc vào tôi kỷ vật
mỗi tro than tôi tạc một hình hài
Những nhớ quên xây đắp đền đài
hư vô cả thôi sao ngàn tiếng vỡ
ai như tiếng khuya mơ hồ ngọn bấc lang thang
đầu ngõ
không một bóng người mà ngực nhói âm vang!
Thanh minh

Cầm cành hoa hồng ngơ ngác tháng ba
chạy xuống chạy lên tìm người để gửi
hay là tôi gửi cho gió thổi
hay gửi cho sông thưa lại với… nghìn trùng
Cầm cành hoa hồng chạy giữa mông lung
nghe lá bên đường gọi nhau xa vắng
chân vấp bàn chân mộng giăng giăng khói
gai cắm bàn tay chạm một nỗi niềm
Đóa hồng ơi, đâu đó thì thầm
môi mắt xôn xao niềm vui lễ hội
hương chất ngất mà đói lòng vị mặn
giọt mồ hôi em gieo cấy nỗi buồn
Đường thênh thênh tiếng gọi quá chừng
đóa hồng trên tay mơ hồ ngọn lửa
dắt tôi chạy lên đồi hoang với cỏ
đặt cánh hồng giữa gió vây quanh
Có tiếng gì như tiếng bàn chân
quanh quất sương bay nhạt nhòa con mắt
dường như em vọng từ xa khuất
cánh hồng rưng rưng chơm chớp sương chiều.
Đà Nẵng mình tôi

Tưởng nhớ Sách thân yêu

Và tôi ở chỗ ngày qua em ở
phía Sơn Trà đỉnh núi vẫn mây bay
sông Hàn vẫn trôi
tôi thì ngồi lại
nước xa xăm câu chuyện kể ngàn ngày
Đà Nẵng bây giờ em không có mặt
biển sóng mồ côi
thơ dại lũ còng
cát vẫn trắng những chiều đầy môi mắt
thiếu một vai gầy phố xá mênh mông
Mùa xuân rồi mơ
mùa hạ rồi trông…
lối Cổ viện đường quen hoa sứ nở
tôi đang ở nơi ngày xưa em ở
chuyện ngày qua thành cổ tích ven sông
Một ít công viên một ít hoàng hôn
ít ráng đỏ chiều mang về từ núi
gom góp đốt cho bài thơ lên khói
có em về Đà Nẵng bớt mình tôi.

MỚI CẬP NHẬT