Friday, April 19, 2024

Nguyễn Phan Quế Mai: ‘Tôi nghe tổ quốc gọi tên mình’

Du Tử Lê

Tôi không biết tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” từng gây xúc động cho nhiều người: Nguyễn Phan Quế Mai, đến Mỹ, từ Bỉ hay Ðức quốc? Nhưng qua Thanh Giang, tôi biết Quế Mai đã có nhiều buổi đọc thơ ở một số thành phố lớn tại Hoa Kỳ.

Và, qua Jenny PT Nguyễn, người từng tham dự một trong những buổi đọc thơ của Quế Mai (ở thành phố Los Angeles) thì, dù số khách tham dự không bao nhiêu, nhưng Nguyễn vẫn tự tin, đắm đuối ném những trang thơ tiếng Việt của mình vào không gian. Tựa đó là niềm hạnh phúc của một người làm thơ Việt nơi xứ người. Tôi hình dung khuôn mặt hãnh diện của Nguyễn, những lúc Nguyễn ngước lên khoảng không, hay cúi xuống những dòng thơ của mình. Và, thi ca Việt đã vang vọng, trước khi hòa vào thinh không. (1)

228074-NguyenPhanQueMai-01-60
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. (Hình: Vu Thi Van Anh)

Càng lúc, tôi càng thấy với một số người làm thơ trẻ, những người sinh trưởng trước, sau biến cố tháng 4, 1975 thì, thơ dường không còn là một trò chơi phù phiếm hay, một cuộc lên đồng, mê sảng với những con chữ, hình ảnh dị dạng, kệch cỡm, vô cảm,…

Với tôi, họ là những người trẻ (không nhiều), nhưng bằng vào tài năng, trí tuệ, họ tập chú vào hai lãnh lực chính:

-Nỗ lực đổi mới hình thức thi ca (luôn cả thể thơ lục bát truyền thống). Ðơn giản, họ đi tìm cách-nói-khác cho thơ của mình. (Hoặc)

-Nỗ lực đổi mới tư duy, mà, những vấn đề lớn của dân tộc, đất nước, xã hội cũng trở thành tâm điểm của thơ – – Chứ không phải chỉ là những cảm xúc thuần túy ở lãnh vực thơ tình.

-Vẫn trong ghi nhận của tôi thì, cũng có những người làm thơ phối hợp được cả hai phạm trù hình thức và, nội dung.

Trong số đó có những người rất trẻ như Ðỗ Nguyên Mai – – Chỉ mới 16 tuổi, với thi phẩm “Ghosts Still Walking” do một nhà xuất bản ở Anh Quốc ấn hành, Ðỗ Nguyên Mai đã sớm được dư luận ghi nhận như một thi sĩ Việt Nam mai sau, giữa quảng trường thi ca thế giới.

Hiện tại, ngay hôm nay, với “Tổ quốc gọi tên mình” (TQGTM) và, “The secret of Hoa Sen,” thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đã bay được vào khoảng trời cao, rộng bằng tài năng riêng, rất Việt Nam của Nguyễn.

Phải đọc cả hai thi phẩm vừa kể của Nguyễn, mới hiểu được tại sao Nguyễn Phan Quế Mai đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng thơ ở trong cũng như ngoài đất nước. (3)

……

Về phương diện cấu trúc, Nguyễn Phan Quế Mai đã mang đến cho người đọc những câu thơ khẳng định cách-nói-khác. Cách nói gần như chưa hay, ít thấy trong thơ Việt hôm nay. Thí dụ:

“Về dưới hàng me nghe mùa khô vắt vai lúng liếng
Mùa mưa chúm chím gọi chân mình


“Tôi bốn mùa trong Sài Gòn mưa nắng”
(TQGTM, trang 64 & 65)

Hoặc:

“Tiếng ve rám nắng sắp đánh thức khoảng trời xanh mắt bão
Ai gói mùa trong áo
Xõa mây trong tóc chiều?”
(TQGTM, trang 66 & 67)

Hoặc:

“Mặt trời lặn xuống biển
Sóng vớt hoàng hôn lên”
(TQGTM, trang 152)

Hoặc:

“Tóc thả hoàng hôn xuống
Ðể khói chiều bay lên”
(TQGTM, trang 174)

Hoặc nữa:

“Trong mù khơi cuộc đời
Ngọn hải đăng tên người
Soi ta về bến”
(TQGTM, trang 183)

Và:

“Nắm dây cương hoàng hôn
Bờm thời gian tung xoáy lốc”
(TQGTM, trang 196)

Vân vân….

Thơ Nguyễn Phan Quế Mai được những người yêu thơ, nhìn như cõi-giới thủy chung ở với đất nước, xã hội, đồng bào…

Trước đại nạn của đất nước mình, Nguyễn viết:
“Ðêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

(…)

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rình rập
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng giẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau…”
(TQGTM, trang 12 & 13)

Trước thảm kịch thuyền nhân, một hiện tượng chưa từng xẩy ra trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dân tộc, Nguyễn viết:

“Dưới bầu trời được đan bằng những vì sao đang nhòe
Tôi đứng nhìn Hương đi
Ðôi vai bạn tôi chiếc lá mỏng manh
Giữa rừng lá đang bám víu vào nhau giữa trận cuồng phong
Với mùi thơm của những quả ổi vỡ òa
Trong lòng bàn tay, tôi chạy theo Hương
Nhưng một người hàng xóm nhoài ra kéo tôi vào bóng tối
“Ðừng khóc, con ơi,” bà nói “đừng làm lộ bí mật của chuyến đi


“Ngày đó tôi còn quá nhỏ để hiểu về sự chia ly
và lý do tại sao đất nước tôi bị cắt làm hai khúc
Bắc và Nam
vì sao qua bao năm
máu chia ly vẫn còn đắng miệng


“Tôi không biết rằng Hương
sự ngọt ngào của những quả ổi chín mọng mùa hè năm ấy
bị nuốt chửng giữa biển khơi bởi những con sóng tím bầm
Hương chỉ là một trong những cái tên
trong hàng trăm nghìn thuyền nhân
lênh đênh giữa đại dương…”
(TQGTM, trang 22 & 23)

Hoặc trước những hiện thực xã hội thê thảm, Nguyễn viết:

“Vỏ rau quả đẫm phoóc môn quặt quệ vì chúng không thể thối rữa
Những bào thai chưa đủ hình hài bị loại ra khỏi cơ thể mẹ,
Ri rỉ cất lên tiếng côn trùng
Những chai rượu rỗng không bị quẳng từ bàn tiệc xa xỉ
vẫn cố nhoi mình lên cao, dìm tất cả xuống thấp
Những chồng bản thảo lớn tiếng kèn cựa
Những lời hứa bị xé toang vẫn ra rả giảng bài


Bãi rác thành phố, có những người phụ nữ ngồi
Nhặt nhạnh chấp vá đời mình từ rác vụn.”
(TQGTM, trang 41)

Với tôi, Nguyễn Phan Quế Mai không chỉ có khả năng hợp nhất hai phạm trù hình thức và, nội dung; mà, Nguyễn còn cho thấy khả năng nhập một giữa Chủ thể (Sub.) và Khách thể (Obj.) Tựa Nguyễn đã hóa thân để có cùng hơi thở, nhịp đập với từng con chữ…

Nói cách khác, khoảng cách giữa người quan sát và sự vật bị/được quan sát đã được bôi xóa, để hai trở thành một. Chỉ một. Duy nhất.

Nhưng, tôi cho, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng phiếm diện, khi khuôn/bó tiếng thơ Nguyễn Phan Quế Mai trong lãnh vực nổi/chìm những lênh đênh đất nước!?!

(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:

(1) Thi phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Phan Quế Mai, do nhà XB Phụ Nữ ấn hành lần thứ hai, VN, năm 2015. Những buổi đọc thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, do nhà xuất bản BOA, ở Rochester, NY tổ chức. Ðó là nơi xuất bản thi phẩm “The Secret of Hoa Sen,” song ngữ Anh-Việt, Hoa Kỳ, 2014, của Nguyễn. Bản dịch Anh ngữ do Bruce Weigl và tác giả đảm trách. Jenny PT Nguyễn cho biết thêm, phần Anh ngữ của những bài thơ Nguyễn Phan Quế Mai chọn đọc, được một người bạn của Nguyễn chuyển tải.

(2) “Ghosts Still Walking” của Ðỗ Nguyên Mai, do nhà Platypus Press, England, Anh Quốc ấn hành 2016. Và Ðỗ Nguyên Mai đã chọn đúng ngày 30 tháng 4, 2016, để đọc thơ mình cho những người yêu thơ ở Hoa Kỳ thưởng thức.

(3) Sinh ngày 12 tháng 8, 1973 tại Ninh Bình, lớn lên ở Bạc Liêu, Nguyễn Phan Quế Mai tốt nghiệp cao học chương trình viết văn tại Ðại Học Lancaster, Anh Quốc. Nguyễn cũng đã nhận được học bổng theo học chương trình tiến sĩ. Cô đang học và làm việc tại Ðại Học Lancaster, nơi cô đã được cấp văn bằng thạc sĩ văn chương. Ngoài những thi phẩm đã xuất bản, Nguyễn Phan Quế Mai còn có một số tác phẩm văn xuôi cũng như đã dịch qua Anh ngữ nhiều thi phẩm hiện đại giá trị…

MỚI CẬP NHẬT