Friday, April 26, 2024

Nhà thơ Mahmoud Darwish, ‘hơi thở tinh ròng’ của nhân dân Palestine

Trần Doãn Nho/Người Việt

WORCESTER, Massachusetts (NV) – Ðối với người Do Thái, Palestine là một mảnh đất. Ðối với người Á Rập nói chung, Palestine là cái gì vượt ngoài ý nghĩa của một mảnh đất. Riêng đối với nhà thơ Mahmoud Darwish, Palestine lại là một ẩn dụ, một ẩn dụ đa nghĩa.

Nó vừa là một vườn địa đàng mất dấu, vừa là nỗi đớn đau của sự lưu đày và mất quyền sở hữu, lại vừa là sự bất lực của cả thế giới Á Rập trong cuộc đối đầu với phương Tây. Ẩn dụ này phát triển ra thành những giòng thơ bất hủ của ông qua nhiều tác phẩm khác nhau.

Darwish, sinh năm 1941, hiện được xem như là nhà thơ quốc gia của dân tộc Palestine. Ông là con một gia đình nông dân thuộc tầng lớp trung lưu, ra đời ở al-Birwa, một ngôi làng bị quân đội Do Thái phá hủy trong cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Do Thái và Palestine năm 1948.

Sau khi sinh ông, gia đình phải di cư sang Lebanon. Lớn lên, có lần ông lén lút trở về thăm nhà thì thấy toàn bộ làng quê của ông bị san thành bình địa. Là một công dân Do Thái gốc Palestine, ông bị cấm đi từ làng này qua làng khác nếu không có phép của quân đội. Trong những năm từ 1968 đến 1971, ông bị bỏ tù và giam lỏng tại gia nhiều lần.

“Chúng tôi vừa được định nghĩa lại vừa bị bác bỏ như những người tỵ nạn. Ðiều này cho tôi một cảm giác vô cùng cay đắng,” ông nói. Ðó là nỗi đau của người hoàn toàn mất quê hương. Nỗi đau bàng bạc xuất hiện trong hơn 30 tác phẩm vừa thơ vừa văn xuôi đã bán được hàng triệu ấn bản, khiến ông trở thành nhà thơ được kính trọng và ngưỡng mộ nhất trong thế giới Á Rập hiện nay.

Subhi Hadidi, nhà phê bình thơ Syria, nhận xét: “Nhiều người trong thế giới Á Rập cảm thấy ngôn ngữ của họ đang trong cơn khủng hoảng. Và do đó chẳng có gì quá đáng khi nói rằng chính Mahmoud là người cứu tinh cho ngôn ngữ Á Rập.”

Những buổi đọc thơ của Darwish được tổ chức ở nhiều nơi trong các nước Á Rập, như Cairo (Ai Cập) hay ở Damascus (Syria) lôi cuốn hàng ngàn người tham dự, từ các giáo sư đại học cho đến những anh tài xế tắc xi và sinh viên, học sinh. Tại các nơi đó, khuôn mặt của ông quen thuộc đến nỗi ông tránh xuất hiện ở những nơi công cộng nếu không có chuyện gì cần, vì hễ ông ra đường là người ta nhận ngay ra ông và xúm quanh lại. “Tôi thích được ở trong bóng mờ, không phải ở ngoài ánh sáng,” ông cho biết.

Ông thường cư ngụ ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới trở về thăm nhà ở Ramallah, thuộc vùng Tây Ngạn (West Bank), nơi mà tiến trình hòa bình đã tan vỡ. Ông cho hay là ở đó ông không thể viết lách gì được. “Làm thơ đòi hỏi phải có một khoảng cách, một lúc yên nghỉ. Tình hình ở Ramallah không cho tôi thứ xa xỉ này. Sống trong tình trạng bị chiếm đóng, trong tình trạng giới nghiêm chẳng gây nên một cảm hứng nào để làm thơ. Hơn nữa, tôi không thể chọn lựa được hiện thực của mình. Và đó là toàn bộ vấn nạn của văn chương Palestine: chúng tôi không thể tự mình thoát khỏi các biến cố lịch sử.”

Darwish đã trở thành khuôn mặt trung tâm của nền chính trị Palestine từ những năm thập niên 1970 khi ông điều hành trung tâm nghiên cứu của Mặt Trận Giải Phóng Palestine (PLO) tại Beyrut, Li Băng. Tuy thế, ông không cực đoan. Ông là người đã viết tuyên ngôn Algiers 1988, trong đó lần đầu tiên PLO chính thức tuyên bố có hai quốc gia cùng tồn tại, tức là công nhận sự hiện hữu của một quốc gia Do Thái bên cạnh quốc gia Palestine, điều mà trong quá khứ, PLO hoàn toàn phủ nhận.

Cũng trong thời gian này, ông điều hành một tập san văn chương có tên là “Al Karmel,” qua đó, ông giới thiệu với độc giả Á Rập các tác phẩm của những nhà văn Do Thái, một việc làm không được mấy người Á Rập tán thành. Những người Do Thái đã nhiều lần bỏ tù ông, nhưng đồng thời cũng có nhiều người Do Thái là bạn thân của ông.

Tháng Ba, 2000, một trong những người bạn đó, khi nắm giữ chức bộ trưởng giáo dục Do Thái, đã gợi ý đưa một số bài thơ của Darwish vào chương trình giảng dạy văn chương trung học, nhưng bị những người Do Thái cực đoan trong nội các của Thủ Tướng Barak chống đối, nên đành thôi.

Một trong những bài thơ rất nổi tiếng của ông có tựa đề “A Soldier Dreaming of White Lilies” được làm ngay sau cuộc chiến tranh 1967, kể chuyện một người lính Do Thái, bạn ông, quyết định bỏ nước ra đi sau khi trở về nhà từ mặt trận. Bài thơ đã khiến ông bị công kích từ cả hai phía. Người Do Thái bảo ông khuyến khích lính đào ngũ, còn người Á Rập lên án ông là đã “dám nhân đạo hóa một người lính Do Thái.”

Là một người có tính độc lập và thẳng thắng, ông đã nhiều lần đụng độ gay gắt với chủ tịch Arafat cũng như phê bình các nhà lãnh đạo các nước Á Rập. Ông chỉ trích sự dính líu của PLO vào cuộc nội chiến ở Li Băng.

Năm 1993, ông từ chức khỏi ủy ban điều hành PLO để phản đối hiệp ước hòa bình Oslo. Ðiều đó không có nghĩa là ông chống lại hòa bình, nhưng là vì hiệp ước “không có một liên hệ rõ ràng nào giữa giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn hoàn tất, không có một cam kết rõ ràng nào về việc rút quân khỏi những vùng bị chiếm đóng. Tôi cảm thấy hiệp ước Oslo chỉ lót đường cho những leo thang về sau mà thôi. Tôi hy vọng là tôi sai. Tôi sẽ rất buồn nếu tôi đúng.”

Và quả là ông đã đúng thật!

Darwish nhận được nhiều giải thưởng và tác phẩm của ông được xuất bản trong 20 thứ tiếng. Đề tài trung tâm của nhà thơ là ý niệm về quê hương. Ông là “hơi thở tinh ròng” của nhân dân Palestine, chứng nhân hùng hồn của lưu vong.

Dawish không được biết đến nhiều ở Hoa Kỳ mãi cho đến Tháng Mười Một, 2001, khi ông được trao tặng giải thưởng “Lannon Foundation Prize for Freedom,” trị giá lên đến $350,000. Giám đốc điều hành cơ sở Lannon, ông Janet Vorhees nhận xét rằng thơ của Darwish “đanh thép, tinh vi và đẹp,” qua đó, ông đã “lên tiếng thay cho những người chưa từng được lắng nghe.”

Cơ sở Lannon, trú sở đặt tại Santa Fe, thủ phủ tiểu bang New Mexico, tài trợ cho việc dịch tác phẩm của Darwish ra Anh ngữ, được nhà xuất bản “University of California Press” xuất bản. Phát biểu về việc được giải, Darwish nói: “Giải thưởng có một giá trị đặc biệt vì nó đến từ Hoa Kỳ. Tôi nhận thấy nó có tính cách chính trị, tượng trưng cho một sự hiểu biết tốt hơn vai trò mà tôi đã đóng trong xứ sở của tôi.”

Về sau, nghệ thuật Darwish chuyển hướng. Thơ ông càng ngày càng trở nên mơ mộng và có tính cách tự vấn, với nhiều hình ảnh vay mượn từ những huyền thoại trong thánh kinh và các xứ Hy Lạp, Ba Tư và La Mã. “Sự quan trọng của thơ không được đo lường bởi cái mà nhà thơ viết, nhưng bởi cách mà ông ta viết. Tôi cho rằng những nhà thơ hiện đại phải viết về những gì không chuẩn bị trước” (write the unseen)… “Khi tôi dịch gần đến với thi ca thuần túy, những người Palestine khuyên tôi nên trở về lối làm thơ cũ. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết một khi độc giả đã tin cậy mình thì họ sẽ đi theo mình.”

Quan niệm của ông về quê hương và sự lưu vong cũng thay đổi. Thơ ông xa dần những ám ảnh về quê hương và đời sống. Quê hương thực sự của ông bây giờ không còn là Palestine nữa mà ở chỗ khác. “Tôi đã xây dựng quê hương của tôi, tôi đã dựng nên một nhà nước của tôi, đó chính là ngôn ngữ.” Tình trạng lưu vong cũng được nhìn theo cái nhìn triết lý. “Lưu vong phải được hiểu xa hơn khái niệm địa lý. Bạn vẫn có thể là một kẻ lưu vong ngay chính trên quê hương bạn, ngay chính trong nhà bạn, chính trong phòng bạn. Ðó không đơn giản chỉ là vấn đề Palestine. Tôi nghiện lưu vong chăng? Có thể lắm!”

Tình trạng lưu vong, theo ông, vừa ác vừa hiền, vừa kéo ông ra khỏi nhà lại vừa nuôi dưỡng nghệ thuật của ông. “Lưu vong chẳng phải là một trong những nguồn suối của sáng tạo văn chương trong lịch sử đó sao? Kẻ nào sống hài hòa với xã hội của mình quá, với văn hóa của mình quá, với chính mình quá, không thể là một người sáng tạo. Và điều đó sẽ vẫn đúng ngay cho dù quê hương của chúng ta là vườn Ðịa Ðàng chăng nữa!”

Mahmoud Darwish mất vào ngày 9 Tháng Tám, 2008, 66 tuổi, ba ngày sau một cuộc giải phẫu tim tại bệnh viện Memorial Hermann Hospital ở Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. (Trần Doãn Nho)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT