Thursday, March 28, 2024

Nhóm Tam Anh và thơ ‘trăm câu một vần’

Viên Linh

Cuối thời tiền chiến bước sang kháng chiến, nhóm Tam Anh Nguyễn Bính, Thâm Tâm và Trần Huyền Trân gây nhộn nhịp văn đàn, để lại những giai thoại thơ văn, những cuộc bút chiến không có kết thúc rõ ràng vì cuộc chiến không chấm dứt bằng hòa bình mà tạm thời ngưng lại bằng cuộc chia cắt, bằng sự phân ly, có biết bao vấn đề bỏ lửng, có biết bao lời văn, câu thơ, tiếng hát dở dang dạt trôi hai bên bờ Bến Hải. Một bên ngược bắc, một phía xuôi Nam, rồi từ đó theo thời gian, theo không gian, tan vào tranh tối tranh sáng, và nhất là tan trong máu và nước mắt…

Cái tạm thời ấy kéo dài hai mươi năm…

Rồi khoảng hai mươi năm ấy trở thành lịch sử, từ lịch sử Việt Nam Cộng Hòa đến lịch sử Việt Nam Hải Ngoại…

Bài này không bàn sâu xa, chỉ muốn nói về một khía cạnh thơ văn của nhóm ba thi sĩ trai trẻ một thời, trong ba người thì có hai nổi tiếng với thể hành, một thể thơ cần phong phú về ngôn ngữ, về nhạc điệu, và thường rất dài, tôi chưa thấy bài hành nào ngắn dưới 16 câu. Nguyễn Bính không những làm hành 100 câu (25 đoạn), mà còn làm hành trăm câu chỉ có một vần.

Một ngày nào đó giữa thập niên 1950 trên lề đường khu Verdun (Lê Văn Duyệt-Trần Quí Cáp), tôi tha thẩn trước sạp bán sách cũ, cái sạp nhỏ xíu, người bán dạo bày sách la liệt trên lề đường, tôi không có ý niệm sẽ mua sách gì, coi cho biết đã.

Trước mắt là hàng trăm nếu không nói là cả ngàn cái bìa xanh đỏ tím vàng, đủ khuôn khổ, tôi làm việc trái ngược là cầm lên một cuốn sách không màu sắc, nhưng nhan đề in khổ chữ lớn: Thơ Mùa Giải Phóng. Lật ra chỉ toàn thơ, dài ngắn đủ cỡ, mỗi bài đọc một vài câu, và bất ngờ thấy một cái tên quen thuộc: Nguyễn Bính.

Chưa đọc ông này bao giờ nhưng còn nhớ mấy năm trước đó từ Hưng Yên lên Hà Nội bằng tàu thủy, trên boong tàu chen chúc chật chội cả  trăm người – có người mắc cái võng từ cái cột sắt chính tới cái cột ở một vách thành tàu nằm đọc sách – nhan đề cuốn sách là Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính. Người đọc to mấy câu thơ lại không phải ông ta, mà là người bán sách dạo trên tàu, anh rao bán cuốn Đồi Thông Hai Mộ. “Một khối tình đau thương hai trái tim rỉ máu, thơ hay nức nở tình nghĩa cao thâm rất được Đức Quốc Trưởng Bảo Đại khen ngợi, bán giá phổ thông mua làm kỷ niệm chỉ có mấy hào Đông Dương.”

Thế mà đã mấy năm rồi từ đâu khoảng 1949 trên con tàu chạy trên Sông Hồng đó, bây giờ giữa Sài Gòn trong khu Verdun mấy năm sau tôi thấy lại tên Nguyễn Bính. Thế thì tôi phải mua tập sách này.

Tôi quả xúc động khi cảm thấy như có tâm sự mình trong một bài thơ nhan đề Xuân Tha Hương. 

Xuân Tha Hương 

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi! Chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông! 

Em đi dang dở đời mưa gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương? Trời! Đắng lắm.
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa Đông! 

Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng!
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công
(Một trăm con gái đời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung!)

(Nguyễn Bính, Xuân Tha Hương, Huế, 1942)

Một bài thơ khác của Nguyễn Bính, tác giả thơ ghen, thơ ca dao trữ tình, đã thực sự thuộc thể loại anh hùng ca, hay thể hành, thể thơ của giang hồ kỳ hiệp phương Đông:

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay.

Lòng đắng xá gì dăm hớp rượu
Mà không uống nữa mà không say
Mong gì Thiết Ấp thiêu văn tự
Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây.

-Thì đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời?
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi.

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười!

(Nguyễn Bính, Bài Hành Phương Nam trong Thơ Mùa Giải Phóng, khoảng 1946)

Nhà thơ Nguyễn Bính người Vụ Bản, Nam Định, sinh năm 1919, tên khai sinh là Nguyễn Bính Thuyết, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, năm 18 tuổi được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Thi phẩm đầu tay của ông là Lỡ Bước Sang Ngang, trước sau theo chúng tôi biết, là tập thơ được in đi in lại cả chục lần, từ Nam ra Bắc. Ông qua đời tại quê nhà sau một bữa tiệc đón Tết năm Bính Ngọ nhằm ngày 20 tháng 1 năm 1966, hưởng dương 47 tuổi. Ông là thi sĩ có thơ được cả chục nhạc sĩ phổ nhạc, có lẽ là một tài ba phổ cập nhất trong dân gian trong khoảng giữa thế kỷ 20 tại Việt Nam.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT