Monday, March 18, 2024

Những hình thái chiêm bao trong thơ Bùi Giáng?

Du Tử Lê/Người Việt

Bởi ở Huy Cận, như Uyên Thao từng ghi nhận thì, Huy Cận “… là thiên nhiên từ trước khi thành thi sĩ…” (1) còn Bùi Giáng chỉ mượn thiên nhiên làm bối cảnh trải bày như Xuân Diệu hay lẩn vào thế giới nội cỏ mây ngàn, của trăng của gió… làm cõi ẩn trú cho những chán chường, mất mát niềm tin.

Thiên nhiên trong thế giới thi ca Bùi Giáng là một thứ thiên nhiên được vẽ ra bởi lý trí và tiềm thức ấu thơ, làm bật nổi những khát vọng về thời sơ khai, gần với cảm quan của Đinh Hùng trong “Mê Hồn Ca”:

“lạc về đầu rú truông khe
trút linh hồn giữa máu me xương rờn
chuyện đời đau khổ từng cơn
màu hoa cỏ mọc mang hờn phượng xanh
em về mùa hạ mông mênh
dựng hồn sông lục vây thành chiêm bao”

hoặc:

“Cánh tay trắng vói chùm bông kết trái vói chùm bông em vói hai tay vói nguồn phai nhạt đầu ngày mùa Xuân mùa Xuân và mùa Xuân măng mọc mùa Xuân ở lại vòng tay cánh trắng đi về với suối đi về với hoa không về được nữa…”

Trước những biến thái thảm bại, trước những suy sụp của hiện tại, một thứ hiện tại đi xuống, đi xuống mãi của những giá trị tinh thần, trước trào lưu văn minh cơ khí đang vùn vụt tiến tới, trước chiến tranh tàn phá mọi công trình, cố gắng đi đến một đời sống thuần hậu, thì để đánh lừa chính mình, thi nhân tìm vào thiên nhiên, ẩn vào cõi trú của những mộng mị xa vời. Với Bùi Giáng, còn hơn thế vì thiên nhiên trong thơ ông còn mang ý nghĩa một thực thể tinh ròng:

“trong đời cây cỏ á đông
chết về một nửa trong đồng tây phương
một tà áo mỏng bay ngang
quần hoen ố đẹp hai hàng chân đi
(trong đời cây cỏ)

Và:

“giữa đêm khép mở bùi ngùi
nhìn mơ hồ thấy một người xa xa…”

Về với thiên nhiên, thi nhân nhìn nhận mình gần gũi hơn với quê nhà, với những gì Việt Nam thuần chất. Càng tha thiết say đắm với tình yêu đất nước bao nhiêu, họ Bùi càng cảm thấy đau xót, quay cuồng trong  tuyệt vọng bấy nhiêu. Nhà thơ dường cũng thấy mình xa lạ, lạc lõng vì bất lực trước đổ nát.

“bây giờ sông rộng trời xa
bàn chân đo bóng mù sa chân trời”

Cũng như một số nhà thơ khác, ông cảm thấy không còn gì để bám víu, để ngợi ca trong hiện tại hỗn loạn này, họ Bùi tìm vào cõi trú những cõi trú hư ảo, vàng son xưa cũ:

“ngành cong vẽ lá trong lời
sớm miên mang vọng điệu người cổ sơ
chiều thơ dại nước khe mù
con chim về núi mộng chu-hán-đường”
(vào nguyên thủy giục)

hoặc:

“Bước qua rào lá nghe chim
chào cây có trái xuân tìm gió đưa
ngàn hoa rớt hột về mưa”
(dệt áo)

hoặc nữa:

“vành cong chim nhớ buổi chuyền
rời sông bến đẩy qua miền đông du”
(phusis sơ nguyên)

Trong thế giới riêng của mình, tác giả “Mưa Nguồn” cũng không quên tự huyễn hoặc mình với những mối tình yêu hư ảo. Người tình của Bùi Giáng không là một thể thực hiện hữu trong không gian này mà là Thúy, là Kiều, là tố nữ, là tiên nga… Những biểu tượng của tinh thần tương ứng nhất với tâm hồn thi sĩ, đó chính là tiền thân thi nhân?

“Tam kỳ rường quán ra sao
Tòa thiên nhiên nọ mòn hao bây giờ
Cầu xin tinh thể xuân chờ
Em là em của mộng chờ của em”
(Em là Em của)

Hoặc:

“Xa trời anh bỗng nhớ em
Giữa miền đất cũ xương mềm trong da
Rằng hồng nhan ấy đàn bà
Mà em cũng vẫn như là trăng xanh”

Hoặc nữa:

“Mở hai hàng cỏ lim dim
Màu phơi vô định mênh mông phượng quỳ
Nước xanh nương tử tên gì
Mỏng thân mở khép tuyết trì ngự da”

Nhưng không vì thế mà họ Bùi không bị những đớn đau dằn vặt của tình yêu! Bởi tâm hồn ông vốn đa mang, tình yêu của ông vốn nồng nàn giữa mê – tỉnh, nên trước sau gì, ông cũng không thể thoát khỏi kiếp nô lệ của tình trường:

“người bước xuống ngựa ngăn đường bốn vó
nghe âm thanh người khóc ở sau lưng
người tay vói bắt hờ bông phượng đỏ
người phố xanh cây lá rụng vô chừng

sương chìm đắm đời anh trong huyền mộng
hờn nguyên tiêu bờ hy lạp sang đò”

hay:

“đi về trong thế kỷ sau
nhìn trong mắt thấy trời đau trong mình”
(đi về)

Bàn về nguyên nhân dấy loạn tâm hồn của Bùi Giáng, có người cho rằng đó là phản ứng của một tâm thức bị dồn nén quá nhiều bi kịch. Đồng thời cái điên loạn của họ Bùi cũng điên loạn chung của đất nước này, của thân phận nhược tiểu, của những vùng vẫy, tuyệt vọng trong tuyệt lộ. Chỉ khác nhau ở mức độ ảnh hưởng mà thôi.

Có thể nói, có dễ chưa một dân tộc lại đau khổ triền miên vì chiến tranh trên chính đất nước của mình, như dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nhận xét của Jules Roy, tác giả tập hồi ký “Trận đánh Điện Biên Phủ.” Thế hệ Bùi Giáng là thế hệ vừa sinh ra đã sớm bị dập vùi trong chiến tranh… Kẻ chiến thắng chưa chắc đã cần nắm được vinh quang, hãnh diện!

Trái lại, có thể họ sẽ phải gánh chịu điêu tàn với, nếu họ còn chút lương tri. Sự phi lý cực độ mù lòa.

“Chín mùa đông đổ sau hè
Bây giờ máu đỏ trôi về tràng giang
Xuân rừng tía mộng lang thang
Bước chân về bỗng chìm ngang lưng đèo”
(Rừng tía)

Nỗi u uất xót xa của Bùi Giáng không chỉ thu hẹp trong một phạm vi không gian hữu hạn. Ông mang nặng trong tâm tưởng những suy nghiệm về cái bất hạnh chung của nhân loại. Con người sinh ra để đi tìm hạnh phúc, nhưng chúng ta tìm thấy được những gì trong thực tế, ngoài phũ phàng:

“Con người là để chửa hoang
Khóc rưng rức để hai hàng xa nhau
Khép hang hở, để nghiêng đầu
Hốt hoa rụng để chia mầu chửa hoang”
(chia mầu)

Hoặc những:

“Máu se từng sợi chỉ vàng
Chết ngang ngửa sống giấc bàng hoàng mê
Tỉnh say đứng phố ngồi hè”

Khi viết về Gabriel Marcel, họ Bùi đã nhận định: “Tâm thức người thời đại chúng ta càng ngày càng duy lý một cách bướng bỉnh. Niềm tin tôn giáo bát ngát khó mà thấm nhập vào tâm hồn những người có đầu óc khoa học. Hình như những danh từ văn minh tiến bộ, đã phờ phỉnh chúng ta, gạt chúng ta ra ngoài những truyền thống thần bí cương liệt.” (2) (Du Tử Lê)


Chú thích:

(1) Uyên Thao “Lược khảo về thơ 1900-1959” quyển 2.

(2) Trích “tư tưởng hiện đại” của Bùi Giáng, trang 9.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT