Thursday, March 28, 2024

Ông Vũ Tài Lục, một mất đi, khó người thay thế

Du Tử Lê
D.T. Tôn

Tới hôm nay, khi ông không còn nữa, tôi vẫn không biết nên chọn chỉ-danh nào để biểu thị về ông một cách đầy đủ mà, ngắn gọn nhất?!?

Lý do, mỗi người, tùy cơ duyên, vị trí, tương quan hay sự hiểu biết về ông mà, sẽ dành cho ông một chỉ-danh nào đó…

Tôi biết, nhiều người đã nhìn ông như một nhà Tử Vi Đẩu Số, do say mê cuốn “Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư” (dịch từ cuốn sách cùng tên của Trần Đoàn” hay, “Tử Vi Tinh Điển”)… Hoặc từng tìm đến ông, để nghe ông nói về vận mệnh của mình hay người thân; với tất cả lòng khâm phục, kính ngưỡng.

Tôi biết, nhiều người đã coi ông như một nhà tướng mệnh học, do từng đọc cuốn “Tướng Mệnh Khảo Luận” hoặc “Nghệ Thuật Coi Tướng”…

Tôi biết, nhiều người khác, lại nhìn ông như một nhà Chính-trị-học, y cứ trên những tác phẩm sâu sắc mà ông đã cho xuất bản, như cuốn “”Quốc Tế Chính Trị,” “Thủ Đoạn Chính Trị,” hoặc “Những Quy Luật Chính Trị Trong Sử Việt”…

Tôi cũng biết, nhiều người khác lại nhìn ông như một nhà xã hội học, khi họ đọc những tác phẩm như “Thân Phận Trí Thức,” “Những Khuôn Mặt Tài Phiệt”… (1)

Họ Vũ cũng được một số bằng hữu (giới hạn) biết rằng ông còn có tài bắt mạch, viết toa thuốc cho vài bằng hữu đặc biệt, ông chọn giúp…

Với kiến thức bao trùm nhiều lãnh vực khác biệt như vậy, tôi trộm nghĩ, có thể nhiều người dễ dàng đồng ý chấp nhận một cách trân trọng hai chữ học giả, dành cho ông.

Chọn lựa chỉ danh trên, tương đối thích ứng với tài năng ngoại khổ của ông. Nhưng, điều đó không có nghĩa sẽ được toàn thể đám đông, bằng hữu của ông ưng thuận.

Do đó, trong bài viết ngắn này, tôi xin được dùng bốn chữ ngắn, gọn “Ông Vũ Tài Lục.” Với tôi, chỉ nội tên gọi của ông không thôi, cũng đã đủ nói lên giá trị tài năng, nhân cách của một người Việt Nam đặc biệt này.

Chọn lựa này của tôi, cũng tương hợp với quan điểm chung của các thành viên trong gia đình tôi là “sự mất đi của ông Vũ Tài Lục, là một mất đi khó có người thay thế.” (2)

Lý do chúng tôi dễ dàng đồng ý với nhau về kết luận trên (nhất là T.), vì chúng tôi thấy, từ Đông qua Tây, những “cao thủ” Tử Vi, Tướng Mệnh nổi tiếng, rất hiếm người viết sách về những đề tài nằm ngoài phạm vi họ thủ đắc. Ở miền Nam trước đây, dư luận cũng thường nhắc tới Thầy Chiêm, ông Ba La… Nhưng trong số những tên tuổi ấy, rất hiếm người viết sách về lãnh vực mà họ sở đắc. Càng ít hơn nữa, nếu đó là những lãnh vực nằm ngoài, xa cách hẳn thế giới tử vi, tướng mệnh… Thí dụ các lãnh vực như:

Chính trị, xã hội…; đến mức độ dư luận không ngần ngại gọi họ là học giả, như trường hợp Vũ Tài Lục.

.

Lần đầu tiên tôi gặp ông Vũ Tài Lục là khoảng giữa năm 1971, ở Sài Gòn; một kios sách – – Như một thứ “Tiền trạm” của một thanh niên mà, dân trong nghề làm xuất bản sách quen gọi là Thành-Hiện-Đại.

“Địa chỉ hoa” này, không chỉ là nơi Thành-Hiện-Đại dùng để tiếp xúc với các nhà xuất bản, những cá nhân có sách mới in mà, còn là chỗ để Thành-Hiện-Đại đề nghị, phân công cho các dịch giả thời đó, dịch những tác phẩm ngoại quốc mà nhà phát hành Hiện Đại của anh Thành muốn có. Quán sách có vị trí khá thuận tiện cho mọi tìm kiếm. Nó không có tên, nhưng nằm ngay ngã tư Công Lý và đường Lê Lợi (gần rạp Cinéma Lê Lợi, nhà hàng Thanh Bạch).

Tôi không rõ hôm đó, họ Vũ đến tìm, chờ gặp Thành-Hiện-Đại để giao sách hay thu tiền bán sách? Dù chưa từng giao thiệp, nhưng vừa gặp gỡ, chúng tôi đã nhận ra nhau, như thể biết nhau từ trước. Sau một hai câu thăm hỏi xã giao, tác giả “Tướng Mệnh Khảo Luận” hỏi tôi có thể theo ông về nhà ông ở đường Bắc Hải, khu khám Chí Hòa? Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, ông nói rõ:

“Tôi đang muốn tìm một người có tướng mạo, dáng đi có ghi trong sách cổ, mà chưa thấy ở ngoài sách. Giờ tình cờ gặp anh, tôi muốn mời anh về nhà, nói chuyện dễ hơn…”

Bị khích động vì lời nói của ông, cộng thêm tò mò… tôi nhận lời; bỏ ngang công chờ đợi Thành Hiện Đại.

Tôi nhớ thời gian đó, dường như học giả Vũ Tài Lục chưa lập gia đình. Căn nhà trong một ngõ khá rộng, cuối đường Bắc Hải, nhỏ thôi, nhưng tươm tất, ngăn nấp và nhất là sách… Tôi không biết ông có tất cả bao nhiêu cuốn? Nhưng phải nói là sách chất quanh mấy vách tường. Đa số là sách ngoại quốc và chữ Tàu. (Hình ảnh này, tôi cũng gặp lại trong căn nhà của ông, thành phố Huntington Beach).

Họ Vũ chỉ tôi chiếc ghế đối diện với ông ở một khoảng cách vừa đủ cho tôi cảm thấy thoải mái và, ông cũng dễ dàng “quan sát” tôi. Vì không nói thêm điều với nhau; nên để giữ cho mình sự bình thản, tôi nhìn từng gáy sách nơi các bức tường. Tôi không biết tình trạng “im lặng vô tuyến” giữa chúng tôi, kéo dài bao lâu? Chỉ nhớ sau đấy, họ Vũ bảo tôi, làm ơn đứng lên; đi lại, một cách tự nhiên trong phòng khách nhỏ đó…

Sau nhiều lượt đi tới, đi lui, tôi chờ nghe câu nói đại ý…đủ rồi”… của nhà tướng số lừng danh… Nhưng không thấy! Tôi phải tự ý cho phép mình “kết thúc cuộc khảo sát bất đắc dĩ” với tác giả “Nghệ Thuật Coi Tướng” – – Và, thấy ông ghi chép gì đó, nơi cuốn sổ tay. Ông cũng nói cho tôi biết, tướng mạo và dáng đi của tôi, theo danh từ chuyên môn, thuộc loại gì đấy! Tôi không hiểu và, cũng không chờ đợi. Điều tôi chờ đợi được nghe nơi ông về việc tôi có hy vọng gì về “tiền tài hay sự nghiệp” trong tương lai không? Như thể đó là phần ông trả công cho tôi đã theo ông về tận nhà riêng, để “chiêm nghiệm!” Nhưng ông thản nhiên, lạnh lùng như không hề có chút bận tâm nào về sự có mặt của tôi.

Sau lần gặp gỡ “chính thức” vừa kể, đôi lần tôi thoáng thấy ông tới tòa soạn Việt Chiến ở đường Võ Tánh. Tôi biết tờ Việt Chiến do kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống chủ trương. Chỉ không biết là họ Vũ cộng tác hoặc giữ vai trò gì? Tất cả những lần gặp tình cờ kia, tôi đều không cảm thấy thuận tiện dừng xe, thăm hỏi.

Dù chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với Thành-Hiện- Đại về sách xuất bản, cũng như vấn đề tiền bạc… Nhưng không một lần thêm, tôi gặp lại ông ở “tiền trạm” Công Lý … Lê Lợi hoặc tại kho sách của Thành-Hiện-Đại. Mãi tới đầu thập niên 80, khi nhà văn Mai Thảo dọn về Orange County từ thành phố Seattle và, sau đó là sự có mặt của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đến từ trại đảo đầu năm 1981.

(Kỳ sau tiếp)

_________

(1) Tên tất cả những tác phẩm của học giả Vũ Tài Lục, được nhắc tới trong bài viết này, là tài liệu hiện có trên trang mạng Wikipedia-Mở.
(2) Học giả Vũ Tài Lục mất ngày 18 tháng 10 năm 2016, tại nhà riêng ở thành phố Huntington Beach, miền nam California, hưởng thọ 87 tuổi.

MỚI CẬP NHẬT