Friday, April 19, 2024

Philip Roth, một khuôn mặt văn chương vĩ đại của Hoa Kỳ

Trần Doãn Nho/Người Việt

Philip Milton Roth, nhà văn từng được gọi là “người khổng lồ” (a giant/a titan), là “tiểu thuyết gia đỉnh cao” (towering novelist) của văn chương Hoa Kỳ, vừa qua đời vào ngày 22 Tháng Năm, 2018, tại Manhattan, New York, vì trụy tim, thọ 85 tuổi.

Roth sinh năm 1933 tại Newark, tiểu bang New Jersey, con của một người môi giới bảo hiểm. Sau khi tốt nghiệp cao học Văn Chương Anh vào năm 1955 ở Đại Học Chicago, ông ghi tên học tiến sĩ, nhưng bỏ dở nửa chừng. Sau đó, ông dạy sáng tác tại đại học Iowa và Princeton và sau cùng là đại học Pennsylvania, nơi ông dạy về văn chương đối chiếu trước khi về hưu vào năm 1991.

Thuộc thế hệ thứ hai của một gia đình Do Thái định cư ở Hoa Kỳ, nhưng Roth không thích cái nhãn hiệu “Người Mỹ gốc Do Thái.” Vì theo ông, “Nếu tôi không phải là người Mỹ, thì tôi chẳng là cái gì cả.”

Tác phẩm đầu tiên của Roth được sáng tác vào năm 1959, “Goodbye, Columbus” (Chào Từ Biệt, Columbus), một tập truyện gồm có một truyện vừa và năm truyện ngắn, đã gây ra tiếng vang trong giới phê bình cũng như trong độc giả. Với giọng văn châm biếm, tự sỉ nhục mình, tác phẩm diễn tả đời sống của những người Mỹ gốc Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu.

Tác phẩm ngay lập tức gây ra tranh cãi giữa những nhà phê bình, kẻ bênh hay người chống đều đứng ở hai phía cực đoan. Tuy thế, tác phẩm lại đoạt giải National Book và về sau, được dựng thành phim. Tuy thế, phải đến 10 năm sau, với “Portnoy’s Complaint” (Lời Than Vãn của Portnoy), ông mới thật sự nổi tiếng, trở thành một nhà văn thành danh của văn chương Hoa Kỳ.

Roth là nhà văn viết khỏe, viết nhiều, và đa dạng. Trong vòng 50 năm sự nghiệp viết lách, ông để lại tất cả 31 tác phẩm, cả truyện dài và truyện ngắn. Vào lúc tuổi đã cao, trong khi nhiều nhà văn khác sút giảm sức viết thì ông lại vẫn sáng tác mạnh.

“Trung bình mỗi năm vẫn đều đặn cho ra đời một cuốn sách (…) Sức sáng tác của ông bền bỉ và giá trị tác phẩm cao đến độ ngay cả những kẻ nghi hoặc nhất cũng phải kinh ngạc. Hai lần tạp chí TIME bình chọn ông là nhà văn lớn nhất của nuớc Mỹ,” theo Trịnh Y Thư.

Với một sự nghiệp sáng tác ngoại hạng như thế, Roth được nằm trong danh sách chung kết của giải Nobel văn chương nhiều năm nhưng không hiểu sao, vẫn không được lọt vào mắt xanh của những ông hàn trong Hàn Lâm Viện Thụy Điển.

Tuy thế, ở Hoa Kỳ, ông là nhà văn đoạt nhiều giải văn chương nhất so với những cây bút cùng thời: hai lần đoạt giải National Book và giải National Book Critics Circle, ba lần đoạt giải văn bút PEN/Faulkner Award. Và một lần đoạt giải Pulitzer Prize cho truyện dài “American Pastoral.”

Ngoài ra, Philip Roth cũng rất nổi tiếng ở nước ngoài, nhất là ở Pháp. Theo nhà báo Từ Thức, Tháng Mười, 2017, “nhà xuất bản hàng đầu Pháp, Gallimard, đưa Roth vào tuyển tập Pléiade, một collection dành cho những nhà văn uy tín nhất thế giới.” (…) “Trong số 250 tác giả có mặt, từ khi Pléiade ra đời (1931), chỉ có 18 tác giả được lựa chọn thời sinh tiền,” trong đó có Philip Roth.

Theo những nhà phê bình văn học, các tác phẩm của Roth có hai đặc điểm nổi bật.

Lửng lơ giữa tính tự truyện và hư cấu 

Cách thăm dò thích thú nhất của Roth là thăm dò chính cá nhân ông, một sự thăm dò lấp lửng giữa tự truyện và sáng tạo, giữa đời sống thực và thế giới hư cấu. Do đó, các tác phẩm của ông đầy tính tự truyện y như thể Roth sử dụng văn chương để kể chuyện mình.

Thực ra, ông sử dụng lý lịch riêng tư của mình (tên tuổi, gia đình, công việc, sở thích, các biến cố trong cuộc sống…) như là những chất liệu cho nghệ thuật hư cấu. Nói một cách khác, ông sử dụng chính ông không phải như mục đích mà như phương tiện.

Chín trong những tác phẩm của ông được diễn tả qua một nhân vật Nathan Zuckerman, một nhà văn mà nghề nghiệp giống ông. Ba truyện khác được diễn tả qua nhân vật David Kepesh, một viện sĩ có cùng những mối ưu tư như ông. Một nhân vật chính khác trong “Operation Shylock” mang tên chính ông, Philip Roth, được/bị một nhân vật khác giả trang ăn cắp căn cước, lý lịch của Roth. Thỉnh thoảng, ông lại sử dụng những nhân vật, tuy khác ông về nhiều mặt, nhưng thật ra vẫn dính dáng đến chính ông.

Trong “The Plot Against America” (Âm Mưu Chống Lại Nước Mỹ), nhân vật chính là một cậu bé 7 tuổi tên là Philip Roth và các sự kiện diễn ra chung quanh nhân vật, từ tên tuổi, gia đình đến hoàn cảnh sống… đều giống như cuộc đời thật của chính Philip Roth. Tuy nhiên, những chi tiết đó chỉ được dùng để dựng nên một chuyện hoàn toàn hư cấu. Đó là một nước Mỹ khác, trong đó, Charles Lindberh, người phi công anh hùng của Mỹ đã thực hiện chuyến bay vượt đại dương năm 1927, trở thành tổng thống Mỹ năm 1940, thi hành một chính sách dân túy với chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” (America First), liên kết với Hitler và lập ra một kế hoạch bí mật chống Do Thái… Rất nhiều nét trong truyện phản ảnh chủ trương hiện nay của chính phủ Trump.

“Tạo ra một tiểu sử giả, một câu chuyện giả, pha chế một hiện hữu nửa thật nửa hư nằm ngoài cuộc đời thật của tôi là chính cuộc đời tôi,” theo Roth trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review năm 1984 do Hermione Lee thực hiện. Cách viết đặc thù này khiến cho độc giả thường bị đẩy vào sự mơ hồ, và chính sự mơ hồ này lại phù hợp với chủ ý của nhà văn. Chả thế mà ông phát biểu: “Tôi thì viết chuyện hư cấu, người ta lại bảo tôi viết tự truyện. Rồi khi tôi viết tự truyện thì lại bị cho là hư cấu, thôi thì sao đó cũng được, để độc giả tự quyết định.”

Tình dục 

Ngoài ra, Roth là nhà văn thăm dò một cách không mệt mỏi hành vi tính dục của con người, nhất là tính dục phái nam (male sexuality). Viết về tình dục không phải là điều gì mới mẻ trong giới viết lách của thế giới, kể cả phái nữ, nhất là từ sau cuộc cách mạng tính dục của thế kỷ 20. Nhưng Roth đẩy cách viết về tình dục đến đỉnh điểm của nó, vừa về ngôn ngữ vừa về nội dung. Đó là một thứ tình dục vô độ, không kiểm soát đưa đến chỗ nó biến nhân vật thành nạn nhân của chính sự ham muốn của mình. Theo Roth, tình dục là một sức mạnh đời sống mà đồng thời cũng là một nguyên nhân đưa đến hỗn loạn và bất thường.

Cao điểm của loại tình dục này được Roth khai thác một cách triệt để và toàn diện trong trong tác phẩm Portnoy’s Complaint, về nội dung cũng như về cách diễn đạt. Với một loại hành văn tục tĩu, sống sượng, và đầy châm biếm, nó phá kỷ lục không chỉ đối với văn chương Hoa Kỳ mà còn đối với văn chương thế giới.

Truyện được diễn tả qua sự độc thoại liên tục, không kiểm soát, tự do, bằng một ngôn ngữ tục tĩu, dơ dáy và bỡn cợt của một thanh niên Do Thái dâm đãng cố gắng thoát ra khỏi sự kềm chế của cha mẹ và bị ước muốn làm tình với phụ nữ hành hạ, nhất là những phụ nữ không phải là Do Thái. Anh chàng này suốt ngày sống trong những ám ảnh về tình dục. Anh ta thủ dâm khi ăn, khi ngủ và khi cần, làm tình cả với đồ vật như cái găng tay hay với miếng thịt.

Roth gọi tiểu thuyết này là “một thử nghiệm về tính dồi dào của ngôn ngữ” (an experiment in verbal exuberance). Mặt khác, qua đó, ông xây dựng một nhân vật hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc bằng bất cứ hình thức cấm kỵ nào.

“Tôi muốn nâng sự tục tĩu lên tầm mức của một đề tài” (I wanted to raise obscenity to the level of a subject). Hay nói khác đi, biến ngôn ngữ tục tĩu thành một nghệ thuật. Cuốn truyện bán rất chạy và nhận được các phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau. Kẻ bênh thì bênh hết mình, xem đó là một kiệt tác văn chương. Người chống cũng chống đến cùng.

Hầu hết những chỉ trích đều đến từ cộng đồng Do Thái, nhất là các giáo sĩ, vì họ xem tác phẩm như là một hình thức bôi nhọ và sỉ nhục người Do Thái, một hình thức “chống-Do Thái” (anti-Semitic) và “tự-thù ghét” (self-hating). Họ phản đối bất cứ thư viện nào trưng bày sách trên giá và cho muợn. Ở Úc, sách bị tịch thu. Tiệm sách nào bán sẽ bị kiện ra tòa.

***

Philip Roth được phong tặng là một trong bộ ba nhà văn nam vĩ đại (male triumvirate of writers) của văn chương Mỹ hậu bán thế kỷ 20. Hai người kia là Saul Bellow (1915-2005) và John Updike (1932-2009).

Năm 2005, Roth trở thành nhà văn còn sống có tác phẩm được Thư Viện Hoa Kỳ (Library of America) tôn vinh, sau Bellow và Eudora Welty. (Trần Doãn Nho)


Tham khảo:

-Wikipedia.
-Paris Review, fall 1984.
-Từ Thức, Philip Roth, người Mỹ không trầm lặng, http://www.danchimviet.info/philip-roth-nguoi-my-khong-tram-lang/05/2018/10085/
-Trịnh Y Thư, “Cha con,” https://vandoanviet.wordpress.com/2018/05/25/cha-con/
-New York Times May 22, 2018, Philip Roth, Towering Novelist Who Explored Lust, Jewish Life and America (Charles McGrath)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT