Thursday, April 18, 2024

Thanh minh

Võ Hiệp

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: “Thanh minh trong tiết Tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.” Nay ngày lễ ấy tới. Nghĩ đến tình cảnh mình, tôi chợt nhớ nhận vật Nguyễn Trãi. Sử viết đại khái rằng: Khi nhà Minh (Trung Hoa) thôn tính nước ta, năm 1407, họ đã bắt đi nhiều nhân tài Ðại Việt.

Trong ấy có cụ Nguyễn An, người sau đó đã vẽ họa đồ và coi việc xây Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mà ngày nay dân khắp thế giới đều chiêm ngưỡng, và cụ Nguyễn Phi Khanh. Cụ Nguyễn Trãi tính theo hầu hạ cha. Ðến ải Nam Quan thì cụ Phi Khanh khuyên con nên quay về. Sau Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê Lợi khởi nghĩa 10 năm đánh bại quân Minh giành lại độc lập về cho nước nhà. Ở giai đoạn cuối kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi có viết một bài thơ theo thể đường thi nhân dịp lễ Thanh Minh

Thanh minh
Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,
Quá bán xuân quang tê cú hoa. [1]
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng,
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.
Nguyễn Trãi

[1] Theo Thi Viện: Hoa bớt tươi thắm. Có sách chú theo bản chữ Hán là hoa đồ mi, liên quan đến rượu đồ mi của Trung Hoa mà xưa vua chúa thường mang thết đãi quần thần vào dịp Thanh Minh.

Dịch nghĩa: Theo Thi Viện
Từ khi lưu lạc quê người đến nay,
Bấm đốt ngón tay tính ra tiết thanh minh đã mấy lần rồi.
Xa nhà nghìn dặm không săn sóc phần mộ tổ tiên được,
Mười năm qua bà con thân thích đã tiêu tán hết.
Tạnh cơn mưa mây, trời chợt sáng,
Hoa đồ mi đã quá nửa chừng xuân.
Hãy cầm lấy chén rượu mà gượng uống,
Ðừng để ngày ngày phải khổ vì nỗi nhớ nhà

Dịch thơ: Thanh minh
Một lần lưu lạc xa quê.
Thanh Minh, đếm thử đã về mấy phen.
Vạn dặm, tảo mộ cũng quên.
Mười năm, thân hữu, nhiều tên mất rồi.
Sau mưa, trời sẽ sáng ngời.
Ðồ mi, nay đã nửa vời đơm hoa.
Rượu này có uống qua loa.
Ðể quên ngày tháng nhớ nhà triền miên.
VHKT

Phỏng dịch:
Từ khi lưu lạc quê người
Thanh Minh mấy độ ngậm ngùi xót xa
Lãng quên phần mộ ông cha
Mười năm thân hữu tiêu ma cũng nhiều…
Tạnh mưa trời sáng phiêu diêu
Ánh xuân quá nửa hoa trêu cợt người
Rượu cay gượng uống đâu mời
Sao cho đỡ hận mà nguôi nỗi nhà.
Hà Châu

***

Ai đã học trung học ở miền Nam đều biết cụ Nguyễn Du qua Ðoạn Trường Tân Thanh-Truyện Kiều. Nhưng ít người biết tới thơ chữ Hán của cụ. Nguyễn Du làm quan thời Lê Mạt và Sơ Nguyễn. Lúc Tây Sơn nổi lên, cụ không hợp tác.

Ðây là bài thơ chữ Hán về Lễ Thanh Minh của cụ.

Thanh minh ngẫu hứng
Ðông phong trú dạ động giang thành,
Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh
Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,
Mạc giao mao thảo (1) cận giai sinh.
Nguyễn Du
(1) mao thảo: cỏ săng là cỏ tranh dân Trung, Bắc hay lợp nhà.

Dịch nghĩa: Theo Thi Viện
Gió đông thổi qua tòa thành bên sông suốt ngày đêm.
Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.
Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa,
Ở góc trời, không có rượu uống trong tiết thanh minh.
Câu hát thôn dã giúp ta hiểu được tiếng nói của kẻ trồng gai, trồng dâu.
Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.
Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,
Chớ để cỏ săng mọc gần thêm!

Dịch thơ: Vô tình làm thơ ngày Thanh Minh
Ðêm qua, gió lạnh đến bên thành.
Người thấy buồn tênh, cỏ cứ xanh.
Xuân đến người còn, nhưng hết trẻ.
Góc trời rượu hết, tiết Minh Thanh.
Trồng dâu, bài hát cho ta hiểu.
Tiếng khóc trên đồng tợ chiến tranh.
Trong quán cô đơn, sầu lại đến.
Ðất đai, đừng để cỏ săng giành.*
VHKT

Phóng dịch: Thanh Minh Ngẫu Hứng
Gió đêm thổi suốt bên thành
Tự ta bi tráng, cỏ xanh cứ ngời
Ngày xuân mà chẳng xuân tươi
Góc trời không rượu uống mời Thanh Minh
Ca dao thấm giọng dân tình
Ai người vẫn khóc thời chinh chiến tàn
Mình ta lữ quán sầu than
Sao quê cỏ lấn tràn lan lấp người?
Hà Châu

(Nguồn: [email protected])

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch đền Karnark ở Ai Cập” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT