Saturday, April 20, 2024

Sách Mới: Tro Tàn

Sách Mới: Tro Tàn
Truyện dài của Đinh Phụng Tiến
Nhà Xuất Bản: H, 2019
220 trang, $12 * Liên lạc: [email protected]

Đỉnh điểm tàn khốc của cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam là những năm1970 đến 1972. Tro Tàn của Đinh Phụng Tiến được kể lại trong bối cảnh của những ngày tháng đau buồn trên quê hương,trong thời điểm này. Người đàn bà, nhân vật chính trong truyện, đại diện cho những đau thương mà người Việt Nam phải gánh chịu trên một phần tư thế kỷ…

“…Tôi trở về nghĩa trang quân đội Dĩ An ở Biên Hòa. Con tôi nằm trong chiếc quan tài có phủ cờ vàng. Trong nhà tang lễ hoang vắng có những người lính bồng súng gác, đứng yên như tượng đá. Tôi hỏi, con tôi đâu?Người ta nói, đang nằm trong đó. Tôi đòi mở nắp quan tài cho tôi nhìn mặt con tôi lần chót. Người ta bảo, sẽ không nhìn thấy mặt vì trong chiếc quan tài ấy chỉ còn là đống thịt vụn. Tôi gào lên, con tôi còn sống, người ta đã chôn nhầm xác. Hãy mở ra, mở nắp quan tài ra cho tôi. Người ta bảo, không có sự nhầm lẫn nào ở đây, vì chỉ một trái 122 ly làm chết một người. Chiếc thẻ bài của người tử sĩ này là duy nhất. Tôi thét lên, hãy mở ra cho tôi coi. Người ta bảo, không thể mở được vì bên trong quan tài gỗ còn một lớp quan tài kẽm. Tôi đòi phá quan tài kẽm,nhưng có hai người mặc quân phục “Kaki” vàng, không biết mang cấp hiệu gì xốc nách tôi, dìu tôi đi ra. Quanh đó, những người đàn bà và những đứa trẻ con chít khăn tang trắng đi quanh những nấm mồ khác. Họ cũng đòi đào đất lên, mở nắp quan tài cho họ nhìn thấy mặt chồng, cha và con họ lần nữa. Nhưng không có ai làm việc này. Người ta bảo, hãy để những người tử sĩ ấy nghỉ yên. Tổ quốc tri ân những người lính này. Rồi những người đàn bà và những đứa trẻ ấy cùng khóc với tôi.” (Tro Tàn, tr. 218)

Tro Tàn, câu truyện viết về chiến tranh, về những góc khuất của sinh mệnh con người. Những con người ở phía sau mặt trận. Mà ở đó, vào thời gian đó, có những con người đau khổ và cả những kẻ lợi dụng. Những người lính. Những vị thầy tu. Những nhà trí thức. Những kẻ nằm vùng, và trong cùng một lúc có cả những kẻ phản bội xuất hiện trên sân khấu, hậu phương của những bãi chiến trường xa.

“Câu chuyện được kể hoàn toàn do hư cấu nhưng có ‘bám’ vào không gian và thời gian có thật. Do vậy, độc giả tùy theo mỗi người, có thể coi như câu chuyện hư cấu hay chuyện thật. Tác giả viết xong, độc giả là người viết lại lần thứ hai, tùy theo kinh nghiệm sống của mỗi người.

Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, từ năm 1970 đến 1972, có nhiều người như ông P. (một nhân vật trong truyện này) tin rằng Nam Việt Nam không thể bị bỏ rơi. Một số rất ít, như Tướng X. (một nhân vật khác trong truyện) nghĩ có thể bị đồng minh bỏ ra đi vì họ đã đạt được mục đích.  Trong khi ấy,  ông chồng bà  Diễm (nhân vật khác nữa trong truyện) tin rằng người Việt Nam đã hy sinh mạng sống của mình, cho các nước khác trên thế giới yên bình. Vì cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ nếu không nổ ra ở Việt Nam thì sẽ ở nơi khác. Và ông còn đi xa hơn, là sau này có hòa bình ở Việt Nam, ông sẽ đi đòi nợ khắp thế giới…” (tr. 12-13).

Năm 2018, Đinh Phụng Tiến ra mắt tập truyện ngắn “Kẻ Thắng Cuộc.” Năm nay, 2019, với truyện dài “Tro Tàn.” Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

MỚI CẬP NHẬT