Saturday, April 20, 2024

Số phận những bài thơ

Viên Linh/Người Việt

Trong thi ca Việt Nam nhiều bài thơ thuộc lại tráng ca, hay thơ hùng, được lưu truyền hết thời này qua thời nọ, và cũng có những bài thơ tương tự bị phê bình dữ dội. Có một thời đó là “Bạch Đằng Giang,” hay “Chiến Sĩ Vô Danh” của Nguyễn Ngọc Huy.

Có lúc ông giữ chức vụ rất cao trong chính trường miền Nam Việt Nam, người ta trọng ông qua vóc dáng một nhân sĩ, người ta tin một người đã làm một bài thơ tâm huyết như bài “Chiến Sĩ Vô Danh” phải là người nếu không thể hiện được hết tài trí mình thì cũng sẽ không thể làm ngược lại những gì thể hiện trong bài thơ đó.

Anh Hùng Vô Danh

Thơ Nguyễn Ngọc Huy

(Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc)

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải san hà gấm vóc.

Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng,
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ tự do cho tổ quốc,

Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Những kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợc lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối.

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Ðã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Những chàng trai lên đường với kiếm cung trong thuở trước hay những thanh niên thời hiện đại lên đường tới với súng đạn bên mình từ năm 1945 đến hồi gần đây, dù thế nào vẫn được dân chúng đồng bào gọi là chiến sĩ tùy chính kiến mỗi người, chuyện ấy ở ngoài chủ đề này.

Kiểm điểm sơ qua những bài thơ nổi bật sẽ cho chúng ta thấy Trung Hoa, trong các thế kỷ đã có trường phái các nhà thơ “biên tái,” và Việt Nam sau này đông đảo nhiều thi sĩ được gọi là những nhà thơ chiến đấu, hay gọi một cách chung chung là các nhà thơ quân đội.

Ta tìm hiểu sẽ thấy cách gọi không hẳn là sự xác định: có những nhà thơ quân đội thật sự làm tình ca được nhắc nhở, và có những thanh niên không vác súng ra trận đã viết nên những bài thơ cho đến nay còn tồn tại.

Ít ai quên những bài thơ như “Trường Sa Hành” của Tô Thùy Yên, một nhà thơ tùng sự tại Cục Tâm Lý Chiến. Bài của Tô Thùy Yên vượt lên trên ý thức hệ đương thời, do đó sẽ còn tồn tại lâu dài:

Trường Sa Hành

Thơ Tô Thùy Yên

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

…Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

…Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo…
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừ ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ôi! Lữ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
(Viên Linh)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 8 tháng 11 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT