Monday, March 18, 2024

Tháng Hai-Ba và Thiếu Tá Phạm Văn Hồng

Phạm Kim

Tôi đang xem và nghe Thiếu Tá Phạm Văn Hồng kể trong cái Youtube của “Ngàn Người Kể” (1)… và nhớ lại rằng Ngày 15 Tháng Giêng, 1974, anh cầm đầu phái đoàn VNCH đi ra đảo Quang Hòa (Hoàng Sa) thám sát việc xây cất một phi trường thật nhỏ, trên cái đảo mỗi bề dài khoảng 1km, bề ngang khoảng 600 mét (chu vi của đảo là 3,200 mét).

Thời gian thấm thoát, đã 45 năm qua vụt nhanh… từ khi tôi theo ông Tướng HQ Lâm Nguơn Tánh đi đón 45 chiến sĩ VNCH về từ trại giam Quảng Đông, vào trưa ngày 27 Tháng Hai, 1974. Đấy là lần đầu tôi gặp Thiếu Tá Phạm Văn Hồng trong nhóm đó.Hôm ấy tại Phi Trường Khải Tắc Hồng Kông, trời trong vắt như nắng đẹp Miền Nam… Phạm Văn Hồng vốn là thanh niên một thời xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt… và lúc ấy anh là trưởng toán tù binh vừa được trao trả tự do sau đúng 40 ngày bị giam giữ. Anh dẫn đầu đoàn người trở về, đi bộ từ hướng xa tắp, từ từ tiến đến…

Hôm ấy sau thủ tục chào đón, tay bắt mặt mừng, khi mọi người ngồi trong lòng chuyến máy bay đặc biệt Hàng Không Việt Nam – “Air Con Rồng,” về Sài Gòn… Anh em mới trở được đón tiếp thật nồng hậu, bằng champaigne, bia 33 và các thức ăn ngày Tết, thật vui… Anh em quân nhân VNCH trong đồng phục công nhân Tầu lục địa màu xanh lục vải kaki còn sắc nếp gấp – khó gây thiện cảm, rộng thùng thình… Món quà mà anh em cho tôi là tấm hình 43 chiến sĩ do quản giáo các trại tập trung chụp. Đó là toàn bộ gồm các chiến sĩ Địa Phương Quân trên đảo khoảng 20 người, 4 người từ đài kiểm báo, một toán anh em Hải Quân từ chiến hạm cũng mới chân ướt chân ráo đổ bộ vào đảo, những anh em người nhái cũng mới từ chiến hạm đổ xuống, cùng 4 người còn lại của phái đoàn đi khảo sát để chuẩn bị việc xây Phi Trường. Riêng người cố vấn Mỹ không có mặt… Họ cũng kể ra một vài ghi nhận về trận giao tranh “kinh thiên động địa, có lẽ là trung thực, đáng tin cẩn… nhất về cuộc tấn công của quân Trung Cộng vào 11 giờ trưa 19 Tháng Giêng, 1974. Theo đấy, tôi còn nhớ lại lính tiền trạm trên đảo dưới quyền chỉ huy của Trung Úy Địa Phương Quân Phạm Hy toàn bộ chỉ có thế, chứ không phải là con số hàng ngàn lính chiến, như sự tưởng tượng của những người chưa hề biết đến các đảo nhỏ này!…

Tháng Ba, 1974, sau khi mới ghé đảo vài ngày, nghiên cứu địa thế để xây phi trường, thì anh Phạm Văn Hưởng đã bị bắt và được thả về từ trại giam, rồi lại về tiếp tục phục vụ tại thành phố Đà Nẵng. Ở những ngày cuối Tháng Ba, Đà Nẵng ngộp thở vì số lượng cả hằng triệu đồng bào khắp nơi di tản về khắp đường phố, nghẹt người chan hòa cùng cái nắng của những ngọn núi vây quanh vẫn tỏa hơi nóng đến mức… loay hoay không biết phải làm sao!

Ngày cuối cùng của Đà Nẵng 29 Tháng Ba, 1974, Thiếu Tá Võ Bị Phạm Văn Hồng đã cố cưu mang gia đình mình cùng các con của người anh ruột là một trung đoàn trưởng, giờ phút ấy họ cũng ở cách phi trường không xa. Còn tôi là kẻ từ Sài Gòn ghé qua đấy chỉ một-hai ngày. Thế mà tôi đã may mắn hơn anh Hồng, còn tìm được đường về lại Bộ Tư Lệnh HQ ở Sài Gòn, vì công tác vừa xong và được phép rời thoát khỏi ngay nơi này: Định mệnh đã cho tôi may mắn gặp được một người lính gác phi trường tay vẫn thủ M-16, anh ta độ lượng kéo tay tôi từ đám đông chen lấn, lên chiếc C-130  Rồi C-130 đóng cửa sau và động cơ chuyển động dữ dội. Lúc ấy tôi không còn biết gì hết, sau này mới nghe nói là anh Hồng đã bị bỏ sót lại tại phi trường Đà Nẵng… 45 năm sau, vào Tháng Hai năm nay, 2019, như bao lần rồi, tôi cố tìm trong các phương tiện có thể truy tìm lại tên của anh qua trang Google, v.v…

Là kẻ rất muộn màng, tôi thấy hiện lên hình ảnh của anh Phạm Văn Hồng qua nhiều phóng sự đã được rất nhiều người xem… Và hôm nay thì bao nhiêu hình ảnh cũ liên quan tới anh lại hiện về… Trong vòng hơn 20 phút, bao nhiêu câu chuyện kể lại với chị Triều Giang – chuyện thật ghi lại từ “Ngàn Người Kể” – Những nhân chứng mà tôi từng biết, từng gặp. Họ là những người một thời có duyên nợ với Trường Sa chính là “người chỉ huy đảo” Đào Tiềm-Trường Sa, sau này có một thời sống cùng anh em chúng tôi ở Trảng Lớn, với Phạm Hy – trấn thủ Hoàng Sa, v.v… Hôm nay như xem chiếu lại cuốn phim đã nhòa nhạt của một thời biển đảo, một thời làm nhân chứng cho những thăng trầm mênh mang..

Ngồi trước màn ảnh, tôi nhớ lại phi trường Khải Tắc trưa ngày 27 Tháng Hai, 1974, rồi đến phi trường Đà Nẵng 45 năm xưa (ngày 29 Tháng Ba, 1975)… Và hôm nay người cựu thiếu tá xuất thân Trường Võ Bị đang xuất hiện trên màn ảnh kia: Giọng nói đầy thiết phục, chân tình, tha thiết, anh vẫn mang nét quắc thước đĩnh đạc… Anh vẫn  như ngày nào bước chân đầy tự tin, đi đầu trong số trên 40 người đi trong nắng gió, trong tiếng chim hải âu oang oác gọi nhau trong nắng và gió…

(Nguồn: [email protected])

(1) Xin xem và nghe chi tiết từ: https://www.youtube.com/watch?v=dJMYhtYwwJM&app=desktop;

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT