Friday, April 19, 2024

Thành Tôn, chàng ‘thư si’

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Thư si,” tựa đề của một câu chuyện trong “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh, có nghĩa là mê sách, kể chuyện một anh chàng tên là Lang Ngọc Trụ, mê sách đến độ gia cảnh nghèo khó phải bán hết đồ đạc nhưng số sách cha để lại vẫn không mất một quyển.

Mê sách đến nỗi không mơ tưởng công danh, không màng chuyện vợ con, bạn bè đến chơi không tiếp. Cái thú mê sách đã đưa cuộc đời của anh chàng này trải qua một cuộc tình lạ lùng, kỳ thú và không kém phần ngộ nghĩnh. Nhưng cũng vì thế mà bị bắt, bị đày đọa, sách bị đốt. Cuối cùng cũng nhờ mối duyên với sách mà lại được thành đạt về sau.

Cũng như Lang Ngọc Trụ, chàng rất mê sách. Mê đọc, đã đành, chàng còn mê sưu tập; mê sưu tập, cũng đã đành, chàng lại còn mê “phục” và “chế” sách. Một số cây bút đã đề cập đến sự kiện này như Hà Khánh Quân, T. Vấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Yên Hòa, Trần Hoài Thư, Du Tử Lê, Luân Hoán…

Trần Yên Hòa vẽ chân dung chàng qua một bài viết có tựa đề: “Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách.” Trần Văn Nam đề cập đến “sự tận tụy với văn học” của chàng.

Theo Du Tử Lê, chàng “không ngần ngại tốn kém nhiều công sức, kể cả sự nguy hiểm, bất trắc khi về tận Việt Nam sưu tầm những sáng tác của những tác giả (nhiều người có thể ông không quen), để cung ứng cho nhu cầu tái hiện những mảng thi ca lớn của 20 năm văn học miền Nam!”

Chàng đã thực hiện việc in ấn kiểu này từ hồi xưa, khi chàng tự tay xuất bản tác phẩm đầu tay của chàng. Luân Hoán cho biết, “Tập ‘Thắp Tình’ của Thành Tôn với giấy phép xuất bản mang số 75 UBKD/VICT (Ủy Ban Kiểm Duyệt Vùng 1 Chiến Thuật) được ký ngày 31 Tháng Bảy, 1969. Do chính tác giả thực hiện từ A đến Z: trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in và tự đóng xong ngày 6 Tháng Tám, 1969. Ngưỡng Cửa đứng tên xuất bản…”

Chàng đã tiếp tục áp dụng công việc “in ấn” này cho không biết bao nhiêu cuốn sách khác về sau này.

Quen chàng khá lâu nhưng mãi đến mùa Hè năm 2016, tôi mới biết đến biệt tài “mê sách” của chàng. Sau chầu cà phê sáng ở tiệm cà phê Factory – nơi mọi người có thể đến để gặp nhau, tôi đòi ghé thăm nhà chàng. Chàng trù trừ không chịu, muốn hoãn lại để dọn dẹp, nhưng tôi nhất quyết đi, vì muốn thấy tạn mắt cái “rin” của nhà chàng.

Đó là một căn nhà nhỏ, đồng thời cũng là kho chứa sách mà cũng là chỗ làm việc, chỗ đọc sách, chỗ phục chế, tóm lại là chỗ làm ra sách. Thật là ngổn ngang sách, ngổn ngang việc, và ngổn ngang tấm lòng. Sách, báo cũ, bìa, kéo cắt, băng dán, các hộp đựng tài liệu… tất cả nằm chen chúc, chồng chất, chen lấn nhau, chiếm hầu hết diện tích căn nhà.

Sách cũ, sách mới, sách phục chế, sách “chế tạo” đã ra lò hay còn dang dở. Hỏi chàng còn giữ được những gì trong rừng sách, báo cũ miền Nam Việt Nam, chàng lần lượt lôi ra từ đâu đó nào là Thế Kỷ Hai Mươi, Sáng Tạo, Giữ Thơm Quê Mẹ, Vấn Đề, Bách Khoa, Văn, Văn Học, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Gió Mới, Ý Thức, có một vài tập san tôi chưa hề biết như Tập San Văn Chương, Tiếng Nói, Gió Mới…

Sách, báo phục chế của Thành Tôn. (Hình: Trần Doãn Nho cung cấp)

Rồi nào là tập thơ “Mật Đắng” của Nguyễn Đình Toàn, tập “Hóa Thân” của Viên Linh, cuốn “Đường Thi”… Bản “rin” có, bản “chế” có. Bất cứ ở đâu, ai có sách báo cũ mà chàng chưa có (và tất nhiên là có giá trị vừa về lịch sử vừa về văn học) hoặc chàng có nhưng chưa đủ bộ là chàng mượn về, rồi chụp, làm bìa, làm đẹp, tóm lại là phục chế tất cả từ trong đến ngoài, và cho ra lò những cuốn sách giống y chang như nguyên bản. Và sau đó, trả lại… chủ cũ. Thậm chí, nếu cần, biếu luôn cho chủ cũ một bộ mới làm quà.

Chàng khoe tôi một tập thơ mới tìm được của Vũ Hoàng Chương, “Rừng Phong,” in năm 1955. Bên trong, trang đầu, có mấy dòng đề tặng của tác giả cho Nguyễn Sỹ Tế, có đóng dấu triện riêng của nhà thơ. Đã bao nhiêu năm lăn lóc mà tập thơ còn rất “phong độ.” Hỏi chàng, chàng cho hay, đó là bản chế, chứ không phải là bản chính. Tôi sửng sốt, không tin. Chàng bèn đưa cho tôi một cuốn “Rừng Phong” khác, và bảo đó mới chính là bản gốc.

Cầm hai tập thơ, thú thật, tôi không phân biệt cuốn nào là cuốn thật, cuốn nào là cuốn phục chế. Chàng cho biết tập thơ này do người yêu sách mua được trên vỉa hè Paris, gửi biếu ông Trần Huy Bích, chàng mượn và “chế” thành nhiều y chang như bản gốc, dành tặng bạn bè. Một trong “bạn bè” đó là Phạm Phú Minh. Có lần khi ghé thăm, Phạm Phú Minh mang tập thơ ra khoe. Biết đó là bản “chế,” nhưng cầm lên, tôi vẫn phân vân, không rõ là “chế” hay thật. Đáng phục tài chàng!

Không những phục chế sách, báo cũ, chàng còn “chế tạo” sách của nhiều tác giả bằng cách sưu tập bài vở của các tác giả đăng trên các báo, cắt ra, để dành. Lâu dần, nếu thấy đủ là chàng chế biến thành một tập sách hẳn hoi. Để làm gì? Để làm thành một bản hoàn chỉnh, nghĩa là một tác phẩm, biếu cho chính tác giả.

Chẳng hạn như tập thơ của Đạm Thạch. Chàng tự sưu tầm từng bài thơ của bạn đang tải trên các báo, cắt ra (từ báo giấy) hay in ra (từ báo mạng) từng bài, copy nhiều lần để điều chỉnh cho đúng cỡ chữ; rồi sắp xếp bài vở, làm bìa. Cuối cùng là chụp toàn bộ. Xong, gửi tặng Đạm Thạch làm nhà thơ này hết sức ngạc nhiên vì bỗng nhiên mình có một tác phẩm in ấn đàng hoàng. Cũng bằng cách đó, chàng đã thực hiện cho nhiều tác giả khác, chẳng hạn Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Bắc Sơn…

Thú mê sách của chàng, rốt cuộc, không chỉ là cái thú cá nhân. Với vô số tài liệu cũ, mới mà chàng sưu tập và phục chế, nhà chàng trở thành một kho chứa văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học miền Nam Việt Nam.

Chẳng lạ gì, ngoài việc bảo tồn di sản văn chương cho mình và cho bạn bè, chàng đã cung cấp nhiều tài liệu cho Trần Hoài Thư – người khâu di sản – thực hiện bộ sách gồm hai cuốn dầy trên 1550 trang “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến;” và bộ sách gồm bốn cuốn “Văn Miền Nam Thời Chiến” tổng cộng 2,300 trang, và còn nhiều bộ sưu tập văn thơ miền Nam khác nữa…

Chàng cũng cung cấp tài liệu, hình ảnh cho Phạm Phú Minh thực hiện rất thành công cuộc hội thảo và triển lãm Tự Lực Văn Đoàn tại hội trường nhật báo Người Việt năm 2013…

Hỏi chàng, trong tất cả, công trình nào là có ý nghĩa nhất? Chàng cho biết, đó là việc góp sức phục chế tờ tuần báo Phong Hóa. Trang mạng Sách Việt – nơi hiện lưu trữ tuần báo này – cho biết, công trình này được “một nhóm nhân vật đầy thiện chí với công cuộc gìn giữ và bảo tồn văn hóa, bao gồm các vị như Phạm Thảo Nguyên, Martina Nguyễn Thục Nhi, Nguyễn Tường Thiết, Vu Gia… hợp tác với Nhóm Kỹ Thuật gồm các vị Nguyễn Trọng Hiền, Lê Thành Tôn với sự giúp sức của Đỗ Thị Kim Dung, Lê Huyền Thanh.”

Lê Thành Tôn là tên thật của chàng. Chàng cho biết, vì hầu hết các tờ Phong Hóa quá cũ, nhiều tờ bị rách nát, nhem, nhòe, nên phải mất ba tháng làm việc liên tục chàng mới hoàn tất.

Lang Ngọc Trụ mê sách chỉ để thỏa mãn chính mình nhưng nhờ đó mà thành đạt trong quan trường. Chàng thì nhờ mê sách mà cũng thành đạt. Thành đạt trong việc bảo tồn văn học.

Trần Hoài Thư, qua một cuộc phỏng vấn trên trang mạng Da Màu, đã không quá đáng khi khen ngợi chàng là một “bồ” thư viện sống, và “là một người có một tầm hiểu biết rất rộng về văn học miền Nam Việt Nam.”

Thú mê sách của Thành Tôn quả đáng xem là một “sự kiện văn học!” (Trần Doãn Nho)


Tham khảo:
-Liêu Trai Chí Dị.
-Du Tử Lê: “Sống đẹp” trong thơ Thành Tôn.
-Trần Văn Nam (hai bài): “Nhà thơ Thành Tôn và những hình ảnh tận tụy với văn học,” và “Vài quen biết với nhà thơ Thành Tôn ở Hoa Kỳ.”
-Luân Hoán: Thành Tôn thắp tình đi thuyết giáo.
-Trần Yên Hòa: Thành Tôn, một thời làm thơ, một đời mê sách.
-Trang mạng Da Màu.
-Trang mạng Sách Việt.

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chuyện trò với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT