Monday, March 18, 2024

Nguyễn Sỹ Tế, thơ, phao cứu sinh của người tù cải tạo?

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết) 

Đa số thành viên nòng cốt nhóm Sáng Tạo, căn bản vốn là nhà văn, họa sĩ hay lý luận văn học như Mai Thảo, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp,… không phải là nhà thơ, nhưng họ vẫn làm thơ, để cổ súy, yểm trợ cho phong trào thơ tự do mà, Thanh Tâm Tuyền, được nhìn như mũi nhọn chính.

Là “niên trưởng” của nhóm, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế không ngoại lệ. Với bút hiệu Người Sông Thương, thỉnh thoảng họ Nguyễn cũng có thơ cho tạp chí Sáng Tạo. Tuy nhiên, ngay lãnh vực này, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế cũng cho thấy tính cách riêng của ông. Với họ Nguyễn, thi ca không nhất thiết phải mặc, khoác vai trò mở đường hay, nhiệm vụ khai phá một thử nghiệm nào!

Bài thơ được trích dẫn dưới đây của Nguyễn Sỹ Tế, tuy có nhiều so sánh hay liên tưởng mới mẻ, nhưng tới khi ra khỏi bài thơ, nó cũng không hề mang vác một “thông điệp” lớn lao, quan trọng nào ở phần nội dung. Đó là bài “Trời Xanh Con Chim Nhỏ,” đăng trong Sáng Tạo, số 6 Tháng Ba năm 1957,  đề tặng các con ông:

“Một con chim nhỏ lạc vào hồn tôi
để lại trời xanh sau lũy mắt
lẻ loi nhà thi sĩ hôm nay
bước đi im lặng
hiện diện bằng nhiệm mầu
tiếng hót thoáng chìm đáy tim
nghe hương vương ngấn lệ
tôi khẽ động hàng mi
nó biến rồi 

“Hai con chim nhỏ đi về hồn tôi
khuân nửa trời xanh qua ngõ mắt
siêng năng người thợ ngày mai
chúng đẽo cái chi
chí cha chí chát
gió múa hoa bay xuân giục giã
chúng kéo cái gì
hì hà hì hục
lôi trái tim lên xây giếng óc
lấy tóc dệt võng
lấy mây vàng nệm gối
dựng liễu xanh làm rèm
nghe nắng mưa khuất nẻo
tôi khép cửa hàng mi
chúng dựng đời 

“Triệu con chim nhỏ bay vào hồn tôi
mang trọn trời xanh qua cửa mắt
yên hàn xã hội ngày kia
ân tình thơm gió
thương nhau bằng thuần cảm
sum vầy thành giếng trái tim
nghe thời gian ngưng đọng
tôi khép kín hàng mi
chúng ngủ rồi.” (Nđd)

Bài thơ được họ Nguyễn viết từ đầu năm 1957, nhưng tới hôm nay, những câu như “trời xanh sau lũy mắt”; hoặc: “Lôi trái tim lên xây giếng óc/lấy tóc dệt võng/lấy mây vàng nệm gối / nghe nắng mưa khuất nẻo / tôi khép cửa hàng mi…” theo tôi, chúng vẫn mới, dù người đọc có thể không chia sẻ, đồng cảm.

Và, rốt ráo của toàn thể bài thơ, như đã nói, vẫn không nhằm mục đích chứng minh hay, thuyết phục một điều gì, ngoài việc nó là thơ, là chính nó. Vậy thôi.

Sau nhiều năm tháng tù đày, năm 1992, họ Nguyễn chọn định cư tại miền Nam California. Hai năm sau, 1994, ông cho xuất bản thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung.” (4)

Trước khi chuyển dịch thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung” của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sang Anh ngữ, nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thủy trong bài viết tựa đề “Hương thái cổ, cánh chim trời: Đọc và dịch thơ Nguyễn Sỹ Tế,” đã ghi nhận rằng:

“Tập thơ Khúc Hát Gia Trung: Thơ Hồi Niệm của Một Tội Đồ (NXB lmn: 1994), ghi lại những cảm nghĩ của nhà thơ trong 10 năm đi tù. Sau một năm bị giam giữ tại sở An Ninh Nội Chính Sài Gòn, vào năm 1977, chính quyền Cộng Sản tải ông đến trại tù Gia Trung, Pleiku (Gia Trung được phiên âm từ chữ Ya-Zung, trong ngôn ngữ Thượng có nghĩa là ‘nơi có suối’). Vào Tháng Giêng năm 1985, Nguyễn Sỹ Tế bị chuyển đến trại tù Hàm Tân (Long Khánh), nơi ông nhận xét ‘còn nổi tiếng hơn Gia Trung về mặt khai thác sức lao động của người tù để kinh doanh kiếm lời rất mau và rất lớn..’ Ông bị giam ở đây đến tháng 10 năm 1987 thì được trả tự do…”

Cũng trong bài viết vừa kể, họ Đinh đã ghi lại quan điểm về thi ca của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, không giống các nhà thơ khác trong nhóm Sáng Tạo, ông nói:

“Cả hai Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên đều chủ quan và hiền lành. Các anh đã gán cho thi ca những cứu cánh quá cao xa và hướng vào một thứ thẩm mỹ còn ‘cổ điển.’ Tôi thấy thi ca chỉ là một hiện tượng cá nhân, trong đó những yếu tố trí tuệ, tâm lý, sinh lý của nhà thơ và người đọc thơ bị khuấy động. Tôi nghiêng về một thứ thẩm mỹ của sự chênh vênh, của sự mất cân đối, một thứ thẩm mỹ của sự va chạm.” (Nđd)

Cụ thể, nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thủy nêu đích danh 4 bài trích dịch từ “Khúc Hát Gia Trung” là: , “Áo Xanh,” “Không Xuân,” “Cái Chết của Một Con Sáo,” “Nhớ Biển” và kết luận rằng, chúng đã biểu lộ điều mà Nguyễn Sỹ Tế định nghĩa là “thứ thẩm mỹ của sự va chạm.”

“Đây là những bài thơ giản dị, u uẩn, đượm ‘hương thái cổ’ dập dình giữa hiện thực và trừu tượng, và đồng thời, như những ‘cánh chim trời,’ cũng hàm súc những tư tưởng, tình cảm phổ quát, mà khi được dịch sang Anh ngữ vẫn tạo được sự gần gũi với độc giả ngoại quốc (…).

“Áo Xanh

(Tặng Thanh Tâm Tuyền)

 

Anh ngồi trong nắng thủy tinh
Ôm sầu dã thú nép mình cô đơn
Thời gian lả tả vàng son
Dậu thưa hiện thực lối mòn suy tư.
Âm ba chuyển độ bao giờ
Suối nghe tưởng tiếng trẻ thơ nô đùa.
Xuân, Thu, Nhã Điển mấy mùa
Mùi hương thái cổ gió lùa rừng phong.
Ven đồi mấy nấm vùi nông
Nỗi hờn siêu thực một dòng vây quanh.” (Nđd)

Tôi nhớ khoảng giữa năm 1996, trong một họp mặt buổi tối, tại tư gia của nhà thơ, nhà báo Y Dịch/Lê Đình Điểu (5) ở quận hạt Orange County; gồm có nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo (6) và tôi, thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung” của họ Nguyễn đã được nhắc tới, với nhiều câu hỏi…

Trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Đình Điểu về cách lưu giữ những bài thơ viết trong tù của mình, tác giả “Khúc Hát Gia Trung” cho biết, đại ý: Cũng như tất cả những người làm thơ khác, bị giam nhốt trong trại cải tạo, dù chuyên hay không thì, cũng chỉ có một cách ghi nhớ là “chép” chúng trong… óc mà thôi. Ông nhấn mạnh rằng, ngay trong lời “Nói Đầu” mở vào tập thơ, để lưu giữ được những bài thơ làm trong thinh lặng, ông bó buộc phải trở lại với các hình thức thơ cũ hiền lành và, dung dị hơn, chỉ vì một lẽ đơn giản là sự đòi hỏi của ký ức! Nó cần phải dễ bề thuộc lòng, dễ bề bảo tồn và, hồi tưởng… Mặc dù kể từ năm 1954, khi di cư vào miền Nam, ông đã chủ trương từ bỏ việc sáng tác những bài thơ theo quy luật cũ, kể cả thơ mới ông có tự buổi thiếu thời; Để chuyển qua thơ tự do khi tham gia phong trào này ở miền Nam sau 1954, qua tạp chí Sáng Tạo. (7)

Theo ông, công việc làm thơ trong tù là một phương tiện giải thoát tự nhiên như bản năng sinh tồn… Ông  đã tạo cho mình hình thức làm thơ thầm trong đầu, lẩm nhẩm đọc trên đầu ngón tay trong đêm tối, học thuộc lòng chúng…

Ông nói:

“Ngay lúc đó đã cả là một cuộc chiến đấu khó khăn vì, trí nhớ đã bị suy thoái theo tháng năm và trong cảnh rù đầy, bị dập vùi…”

Ông kể thêm:

“Một lần ở Hàm Tân, tôi đã liều lĩnh viết thơ ra giấy, xếp thành tập. Nhưng rồi vì một biến động trong trại, tôi phải hủy bỏ tác phẩm của mình. Về Saigon, tôi tái lập những thi phẩm của tôi một lần nữa, đưa cho Thanh Tâm Tuyền đọc. Năm 1989, trong chiến dịch ‘tái đánh văn nghệ sĩ,’ tôi lại buộc lòng phải hủy bỏ chúng thứ hai!”

Qua phần tự thuật của ông, tôi hỏi tác giả “Khúc Hát Gia Trung” rằng: Ngoài bản năng sinh tồn, chúng ta có thể nói, những người làm thơ trong tù, còn có chiếc “phao cứu sinh” thứ hai là hy vọng sống sót, trở về, để chờ cơ hội phổ biến những bài thơ được ghi nhớ bằng ký ức?

Họ Nguyễn đáp:

“Nhiều phần là như vậy. Hy vọng luôn là chỗ vịn lớn nhất cho mỗi con người khi phải đương đầu với đường cùng, tuyệt vọng! Bởi thế, ta đừng ngạc nhiên khi có nhiều cựu tù cải tạo, tuy làm thơ không chuyên, nhưng cũng đã cho ra đời những tập thơ rất hiện thực…” (Du Tử Lê)

(Tháng Hai, 2018)

Chú thích:

(4) Trại tù Gia Trung thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai (Pleiku). Trong quá khứ là nơi từng giam giữ hàng ngàn sĩ quan, công chức cao cấp của chính quyền VNCH, sau biến cố Tháng Tư, 1975. Đây cũng là nơi nhốt tù nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam… Sống lại giai đoạn đó, nhà văn Doãn Quốc Sỹ Doãn viết: “…Nhớ lại kỷ niệm với anh Nguyễn Sỹ Tế, khi Cộng Sản chiếm nốt miền Nam, chúng tôi cùng bị đi tù chung và cùng bị đày lên tận miền Gia Trung thuộc núi rừng cao nguyên Pleiku, Kontum. Vùng này sở dĩ mang tên Gia Trung vì có dòng suối YA YUNG chảy qua. Tiếng địa phương là Ya Yung được chuyển sang tiếng Việt là Gia Trung!…” (Nđd)

(5) Nhà thơ, nhà báo Y Dịch/Lê Đình Điểu sinh năm 1939, ở ngoại thành Hà Nội. Ông mất năm 1999 tại miền Nam California.

(6) Nhà văn Mai Thảo sinh năm 1927 tại Nam Định, mất năm 1998 tại thành phố Westminster, Nam California.

(7) Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, sinh năm 1922 tại Nam Định, mất ngày 16 Tháng Mười Một năm 2005, tại Hoa Kỳ.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Đối thoại trong gia đình để hiểu những uẩn khúc của con em”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT