Thursday, March 28, 2024

Thư Quán Bản Thảo số 83: 10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận

Trần Doãn Nho/Người Việt

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, có nhiều nhà văn, nhà thơ chết trong chiến trận, chết trong lúc tuổi còn thanh xuân và nhất là khi sự nghiệp văn chương đang còn dang dở.

Dẫu vậy, qua văn, thơ và nhạc, mặc dù thân xác đã về với cát bụi trong gần hay hơn nửa  thế kỷ rồi, đến nay, họ vẫn còn hiện diện với chúng ta.

Thư Quán Bản Thảo, tạp chí văn học bất định kỳ do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương, vào đầu năm nay, Tháng Giêng, 2019, đã làm một công việc đầy ý nghĩa: giới thiệu 10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận.

Trong thư tòa soạn, Trần Hoài Thư viết: “Đây là một số báo rất đặc biệt. Nó không phải là số báo tưởng niệm thường tình, mà còn hơn thế nữa. Nó nói lên cái sĩ tiết của các nhà văn nhà thơ nhà soạn nhạc mang áo trận miền Nam.”

Trong số 10 khuôn mặt này, các nhà văn, nhà thơ Doãn Dân, Song Linh, Y Uyên, Trần Như Liên Phượng (tức Hoàng Yên Trang) là những cây bút nổi tiếng, đã từng được đề cập đến trong các tạp chí văn học, kể cả ở những số Thư Quán Bản Thảo trước. Riêng các cây bút Nghiêm Sỹ Tuấn, Hoài Lữ, Nguyễn Phương Loan, Trầm Kha và Phan Huy Mộng vẫn còn chưa được hoặc không được độc giả biết đến nhiều.

-Hoài Lữ: Tên thật là Lữ Đắc Quảng, sinh năm 1944 tại Quảng Trị, sĩ quan quân đội VNCH. Ông hy sinh tại Bình Chánh, tỉnh Gia Định, vào năm 1965, lúc mới 21 tuổi. Ông làm thơ rất sớm và thơ ông đã từng được trang trọng giới thiệu trên tờ Mai của Hoàng Minh Tuynh, một trong những tap chí văn học nổi tiềng ở miền Nam thời đó, nơi đã từng giới thiệu những cây bút trẻ, mà về sau trở nên lẫy lừng của văn học miền Nam như Bùi Giáng, Ngô Kha, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Phạm Công Thiện, vân vân. Ông đã xuất bản một tập thơ, “Mắt Cỏ,” vào năm 1963, lúc mới 19 tuổi. Sau đây là một trích đoạn trong một bài thơ xuôi của ông, “thân phận”:

“Em không điêu ngoa em không lang chạ nhưng tuổi của đời yêu nhau đừng nhắc đến tiết trinh. Ở cõi thiên đường em đã một lần mất ngôi, em từ giã thần linh về hạ giới làm kiếp đàn bà mang theo những lần kinh nguyệt – em đớn đau em vùng vẫy rên la. Anh chạy khắp thành phố tìm thuốc cứu em khỏi chết phương thuốc thần dược kia nay đã thành độc dược tàn phá linh hồn anh và em ngàn năm rã mục.”

-Nghiêm Sỹ Tuấn: Sinh năm 1937, tốt nghiệp y khoa năm 1965, ra trường tình nguyện về phục vụ ở binh chủng Nhảy Dù. Chưa đầy một năm sau, ông nằm xuống tại Khe Sanh lúc mới 31 tuổi, vần còn độc thân. Ông là thư ký tòa soạn của một tạp chí sinh viên nổi tiếng một thời, nguyệt san Tình Thương, cơ quan ngôn luận của sinh viên Y Khoa.

Ông là một cây bút tài hoa, viết nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn, tạp bút đến nhận định, dịch thuật tài liệu, nhất là tài liệu về y khoa. Xin đọc một trích đoạn bài tản mạn rất thú vị của ông, “Niềm đau nỗi khổ công cuộc khắc phục đau đớn,” bàn về con người và nỗi đau vì bệnh tật:

“Đau là khổ. Và trên cái hạnh phúc trần gian ngắn ngủi nhưng chính đáng của con người, đau đớn thể xác vẫn là một vết xám bẩn cần phải tẩy sạch. Nếu ‘vui quá hóa buồn’ là một trạng thái tâm lý hợp lý, thì trái lại, không ai  muốn được đau đớn, dù trong chốc lát, vì đã lâu không bị đau khổ e đời tẻ nhạt. Tạm gác một bên những ý niệm tôn giáo, thần bí, khắc kỷ, hoặc lấy đau đớn để hy sinh đền tội, hoặc cho rằng đau đớn để giao tiếp với thần linh, hoặc khinh bỉ coi thường đau đớn cho tâm hồn thêm cao cả, và gạt bỏ ý muốn tìm lạc thú trong đau đớn của những kẻ suy biến thác loạn, y học lúc nào và ở đâu cũng quan niệm rằng ‘đau đớn là một tai ương của con người, làm giảm giá trị con người và làm con người bệnh hoạn thêm lên.’ Do đó, y học luôn luôn tìm mọi cách để hoàn tất công cuộc khắc phục đau đớn thể xác, khởi từ những giây phút đầu tiiên của đời sống nhân loại trên mặt trái đất. Và nếu thuở xưa, làm hết đau đớn được coi như một việc ‘thiêng liêng’ thì ngày nay, làm hết đau đớn lại chính là bổn phận thiêng liêng tối thiểu của người y sĩ.”

Được biết, một cuốn sách viết về Nghiêm Sỹ Tuấn có tựa đề “Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn Người Đi Tìm Mùa Xuân,” do nhà văn Ngô Thế Vinh và bạn hữu biên soạn, được nhà xuất bản “Tập San Y Sĩ Canada & Việt Ecology Press” phát hành vào Tháng Năm, 2019.

-Trầm Kha: Tên thật Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1948, đại úy Hải Quân, tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Thơ ông xuất hiện trên các tạp chí văn học Sài Gòn như Văn, Khởi Hành, và nội san Đa Hiệu của trường Võ Bị Đà Lạt. Ông có một tập thơ, “Đông Phương,” chuẩn bị xong, nhưng chưa kịp in để xuất bản thì ông mất, sau đó, bản thảo đưa về gia đình, nhưng tiếc thay bị thất lạc vì chiến sự năm 1975. Sau đây là một trích đoạn bài thơ “Mùa Thu Trên Đồi Bắc”:

“Lòng tiếc thời gian trên nếp lụa
Lòng mơ hương phấn thuở thanh bình
Yêu Em ta ngắt chùm hoa dại
Thả bốn phương trời với chiến chinh.”

-Nguyễn Phương Loan: Phục vụ trong đơn vị pháo binh. Dù đã từng là bạn thân trong thời gian làm lính ở vùng 2, “từng ngưỡng mộ Nguyễn Phương Loan qua những bài thơ mà tôi đọc trước đây,” Trần Hoài Thư cho biết, anh không tìm ra được thông tin về nhà thơ này để làm tiểu sử. Chỉ biết, ông bị thương trên căn cứ Hỏa Lực 6, Pleime, được đưa vào bệnh viện, giải phẫu, nhưng không thành công.

Cái chết của Nguyễn Phương Loan đã được nhà văn Kinh Dương Vương ghi lại qua một bút ký đầy nước mắt, đăng tải trên trang mạng Gió-O: “Bạn tôi, người bạn thi sĩ mà tâm hồn cao thượng và hiền hòa như lá cây đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời.” Xin đọc một trích đoạn bài thơ tự do của anh đã đăng trên nguyệt san Tình Thương số 23:

“Nước mắt để ru những buổi Sáng – Trưa – Chiều – Tối khi nghe bản tin tức chiến sự từ khắp các nẻo đường đất nước – để ru nỗi u ám đang thao thức Trường Sơn – Bến Hải – Nhị Hà. Và tất cả cho nỗi dày vò tủi nhục trong đêm – đêm kinh hoàng – đêm thầm lặng – đêm nằm ngoài trời nhìn hỏa châu nghe liên thanh đại bác rền.”

-Dzũng Chinh: Một tên tuổi không xa lạ gì với hầu hết những người yêu nhạc. Tên ông gắn liền với “Những Đồi Hoa Sim,” bản nhạc dựa vào ý thơ của Hữu Loan, được phổ biến đầu thập niên 1980, đã trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc biệt thời đó, được đón nhận nồng nhiệt và hiện vẫn là bản nhạc ăn khách.

Ông tên thật là Nguyễn Bá Chính, sinh năm 1941 tại Nha Trang, sĩ quan, Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Bản nhạc đã đặc biệt mà cái chết của ông cũng khá lạ lùng. Trong khi được điều động đi phục kích vào cuối Tháng Hai, 1969, ở Văn Lâm, Phan Rang, Dzũng Chinh ra lệnh cho cấp dưới của ông là Trung Sĩ Luận dẫn tiểu đội ra nằm ở tiền đồn, cách trung đội chừng 500 mét, để theo dõi và báo cáo tình hình địch. Đến khoảng 11 giờ khuya, một toán người xuất hiện, lên tiếng “Luận về đây.” Ông tưởng là Trung Sĩ Luận dẫn tiểu đội về, nên hỏi lại, “Sao về sớm vậy” thì bị hứng trọn một tràng AK của địch. Bị thương nặng, ông được trực thăng mang về bệnh viện Ninh Thuận, nhưng vì vết thương quá nặng nên qua đời. Đúng là tài hoa mệnh bạc!

-Phan Huy Mộng: Cũng như Nguyễn Phương Loan, Thư Quán Bản Thảo không có nhiều tin tức về nhà thơ này. Chỉ biết tên thật của ông là Hứa Đình Anh, cây bút hăng say của nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức khóa 26. Ông tử trận vào năm 1968, qua một dòng tin vắn trên Văn số 121. Xin trích một đoạn thơ từ bài “Người Chết ở Pleime” đăng ở Văn số 51, 1966:

“thằng vũ nó chết trong trận pleime cho quê hương
đó – nó nằm đó – nó ngồi đó
những tràng súng nổ chính nó bóp cò, địch bóp cò
cho tất cả chúng ta trong trận giặc chúng ta
đó – nó nằm đó che giấu chỗ nát bấy trên ngực
dòng máu đỏ đọng lại trên thảm cỏ khô.”

Muốn có Thư Quán Bản Thảo, có thể liên lạc với Trần Hoài Thư qua email: [email protected].

Hay vào đường nối: https://tranhoaithu42.com/2018/12/19/thu-quan-ban-thao-so-83-thang-1-2019-chu-de-10-khuon-mat-van-nghe-hy-sinh-trong-chien-tran (Trần Doãn Nho)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT