Thursday, March 28, 2024

Tiền đâu để ông Võ Thắng Tiết làm nhà xuất bản Văn Nghệ?

Du Tử Lê/Người Việt

Tháng Mười Hai, 1979, khi vượt biên lần thứ tám, thành công, tới Mỹ nhờ sự giới thiệu của chị Liên, cũng ở trong giới làm sách, ông Võ Thắng Tiết hiểu rằng, ông sẽ phải đoạn tuyệt vĩnh viễn pháp danh Từ Mẫn mà ông thầy của ông đã ban cho, tự ngày còn rất nhỏ.

Ông nói, ông những tưởng sẽ được sống với cái tên Từ Mẫn cho đến ngày chết! Ai ngờ…! Đó là lúc, là lần ông thấm thía vô cùng lẽ… “vô thường” của đạo Phật!

Tới Hoa Kỳ, Tháng Bảy, 1980, ông Tiết được người bảo trợ đón về, ở thành phố Los Angeles, California. Thời gian ấy, ông kể, những thuyền nhân, tị nạn tới Mỹ đều được hưởng 18 tháng học Anh Ngữ. Tuy nhiên, ông không học được bao nhiêu vì tính mau quên.

Sau thời gian này, ông Tiết di chuyển về thành phố Seattle, tiểu bang Washington, khi nhận được thư của vợ chồng người bạn, từng có thời gian dài ở chung với ông tại trại tị nạn. Thư mời ông qua Seattle ở cùng với họ, và họ sẽ lo tất cả mọi nhu cầu căn bản cho ông, như phòng ốc, ăn uống, học hành… Nhất là ông sẽ có cơ hội cập nhật tin tức xin đi làm việc cho các tàu đánh cá ở Alaska. Cực thì có cực, nhưng lương rất cao…

Di chuyển qua thành phố Seattle, ông Tiết lại có 18 tháng học Anh văn. Vài tháng sau khi hết thời gian “cắp sách tới trường,” vào khoảng Tháng Ba, 1984, công ty chuyên làm về tôm, cá cử người về Seattle, phỏng vấn những người muốn đi Alaska. Ông Tiết được một người Mỹ, có vợ Việt Nam, phỏng vấn, nên biết rõ bản chất người Việt Nam siêng năng, cần mẫn và họ đã tuyển ông.

Đi Alaska, sống hoàn toàn trên tàu được gần một năm, thì ông Tiết xin nghỉ, trở vào đất liền. Ông kể, tiểu bang Alaska, có nguyên tắc, bất cứ ai tới Alaska làm việc, thì cuối năm sẽ được Sở Xã Hội Alaska, thưởng tiền. Từ $1,000 tới $3,000. Năm ông Tiết ở Alaska, mỗi người chỉ được tặng $1,000.

Về lại đất liền với số tiền dành dụm được là $8,500, khi chưa biết làm gì, thì trong một dịp về lại California, đến thăm ông Võ Phiến, ông được ông Võ Phiến khuyến khích nên trở lại “nghiệp” xuất bản.

Ông Tiết kể, ông Võ Phiến nói rằng, nếu chờ cho đến khi có đủ tiền rồi mới làm xuất bản thì biết đến bao giờ? Và biết thế nào là đủ? Làm ăn nghiêm chỉnh như Lá Bối trước đây, nếu thiếu tiền, mình vẫn có thể mượn tạm đâu đó cơ mà.

“Việc có một nhà xuất bản ở hải ngoại, rất cần cho người viết, cũ cũng như mới. Tôi có thể bỏ tiền in một cuốn truyện hay tùy bút… Nhưng rồi làm sao phát hành? Đại lý đâu? Chưa kể, làm sao thâu lại vốn một khi các đại lý không muốn thanh toán cho mình?” Nhà văn Võ Phiến đặt vấn đề với người đứng đầu nhà Lá Bối, Sài Gòn cũ.

Với sự khuyến khích của tác giả “Mưa Đêm Cuối Năm,” cộng thêm sự tán đồng của các ông Lê Tất Điều và Nguyễn Mộng Giác, ông Võ Thắng Tiết quyết định trở lại với nghiệp làm sách của mình. Ông chọn share phòng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tiếp tay với ông Giác trong việc đóng gói, vào bao thư và đi gửi bưu điện tờ Văn Học của ông Giác.

Giải thích về việc tại sao không giữ lại tên Lá Bối mà lại chọn “Văn Nghệ?” Ông Võ Thắng Tiết giải thích, trước hết cùng với sự đổi đời của miền Nam Việt Nam, ông không thấy việc dùng lại “Lá Bối” thích hợp với tình cảnh tị nạn, lưu vong ở hải ngoại nữa! Thứ đến, ông nghĩ ông đã chôn dưới biển sâu, hai chữ “Từ Mẫn”…!

“Tôi nghĩ ở hoàn cảnh mới, giai đoạn mới, nên chọn một cái tên mới thì thích hợp hơn,” ông Tiết bộc bạch.

Vẫn theo ông Tiết thì lý do chọn hai chữ “Văn Nghệ,” xuất xứ từ tờ “Văn Học Nghệ Thuật” của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều, xuất bản 1978 tại miền Nam California. Sau đấy, khi tờ báo được chuyển giao cho ông Nguyễn Mộng Giác quản trị, thì ông Giác đã đổi tên thành tờ “Văn Học.” Phần cá nhân mình, ông Tiết chọn hai chữ “Văn Nghệ,” cho nhà xuất bản của ông.

Ông Võ Thắng Tiết kể, theo trí nhớ ngày càng suy giảm của ông, thì cuốn sách đầu tiên nhà Văn Nghệ in ra, là cuốn hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1). Cuốn hồi ký được nhiều độc giả đón nhận, nên ông đã phải cho tái bản, mặc dù có một vài nhà xuất bản khác, hoặc các trang mạng đã tự tiện copy, in lại “Đời Viết Văn Của Tôi” mà không hỏi qua hay thông báo cho nhà Văn Nghệ biết! Những người này đã vi phạm bản quyền trí tuệ của tác giả và nhà xuất bản.

“Nhưng cuốn hồi ký bán chạy ở mức độ kỷ lục, phải kể tới cuốn ‘Đêm Giữa Ban Ngày’ của tác giả Vũ Thư Hiên,” ông nói. (2)

Ông cho biết thêm, đầu năm 1997, trước khi nhận xuất bản hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày,” ông không hề biết nhà văn Vũ Thư Hiên. Ông cũng không có chút ý niệm gì về nhà văn miền Bắc kia, vốn là một trong những nạn nhân của vụ án “xét lại chống đảng” của chính quyền Cộng Sản vào năm 1966, do các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ trương (3). Tuy nhiên sau khi thăm dò ý kiến một số thân hữu, nhà văn, cũng như mấy người làm chính trị, ông Tiết đã nhận lời xuất bản cuốn hồi ký dày bảy, tám trăm trang này.

Ông nói, không nhớ ông đã nhận được bản thảo cuốn hồi ký từ nơi ông Vũ Thư Hiên hay, một người bạn nào đó, thay mặt ông Hiên gửi tới.

Dù không nhớ rõ khởi tự duyên nghiệp nào mà ông đã in “Đêm Giữa Ban Ngày?” Nhưng ông nhớ, ông bị bất ngờ, tới ngỡ ngàng vì chỉ 15 ngày sau khi phát hành, ông Tiết đã phải cho tái bản cuốn hồi ký ấy. Ông nói, có điều đáng kể nữa là bản in đầu tiên, nhà in vẫn còn giữ chưa xóa, nên tác phẩm đã được tái bản chóng vánh, giảm nhiều tốn kém vật chất.

“Nó như một phép lạ, chưa từng xảy ra ở hải ngoại cũng như trước đây, ở trong nước,” chủ nhân nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại nhấn mạnh. (Du Tử Lê)



Chú thích:

(1) Nhà thơ Thành Tôn cho biết, sinh thời sau khi hoàn tất tác phẩm “Đời Viết Văn Của Tôi,” từ bản chính viết tay, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã copy thêm hai bản nữa. Một bản giao cho người con trai của tác giả ở Pháp, và bản còn lại, giao cho ông Võ Thắng Tiết, kèm giấy ủy thác bản quyền cho ông Tiết.

(2) Năm 1993, ông Vũ Thư Hiên qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo Vieco (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.

Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ Việt Nam, lấy mất của ông bản thảo hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày,” ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, ông khởi viết trở lại “Đêm Giữa Ban Ngày.” Nhưng sau một chuyến đi Paris, trở lại Ba Lan, ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký… Ông quyết định qua tị nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký mà ông gọi là “Hồi Ký Chính Trị Của Một Người Không Làm Chính Trị.” (Nguồn Wikipedia – Mở)

(3) Từ năm 1967 đến 1976, trong vụ án xét lại chống đảng, ông bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam bí mật bắt và giam giữ sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) hai tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên xe hơi, đưa thẳng vào nhà tù Hỏa Lò, trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin.

Ông bị giam chín năm, biệt giam trong xà lim cá nhân bốb năm rưỡi, và trải qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Năm 1976, chính quyền thả ông ra, không kêu án cũng như không xét xử. Nhưng vẫn bị quản thúc bằng lệnh miệng của chính quyền, mãi cho tới mùa Thu năm 1980 ông mới được phép vào Nam (…)

Vũ Thư Hiên từng sống ở Strassbourg (Pháp) một năm, Bern (Thụy Sĩ) một năm, Đức hai năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Ủy Ban Nhân Quyền thành phố Nuremberg. Hiện ông cư ngụ tại Paris, Pháp. (Nguồn Wikipedia – Mở)

Video quay lại cảnh cơ quan di trú bắt người mẹ trước mặt các con gây phẫn nộ

MỚI CẬP NHẬT