Friday, April 19, 2024

Tô Thùy Yên và ‘Chiều Trên Phá Tam Giang’

Viên Linh/Người Việt

Những dòng chữ dưới đây về nhà thơ Tô Thùy Yên, từ trần hôm 21 Tháng Năm vừa qua tại Houston, Texas, dường như là bài thứ ba tôi viết về thi sĩ, nhưng nay không thể tìm thấy hai bài cũ, nên phải viết lại như mới hết, xin thứ lỗi nếu có nhớ sai sót.

Tô Thùy Yên xuất thân là một thi sĩ, những bài thơ đầu tiên của anh mà tôi đọc được đăng trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ những năm 1956-59 và bộ mới 1960; văn anh rất hiếm hoi, khác với Thanh Tâm Tuyền cùng xuất hiện trên một tờ báo, văn và thơ nhiều ngang nhau. Bài đầu tiên của anh là thơ bảy chữ, 20 câu không phân đoạn, đọc như thơ xuôi, nhan đề “Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu,” hàm ý mô tả so sánh khoa học với thiên nhiên.

Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu

“Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! Cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.”
(Tô Thùy Yên)

Thơ không cách đoạn, đọc một mạch, đọc xong thấy rõ ràng có nhịp điệu ngắt bằng những dấu phẩy.  Nhịp điệu và hình ảnh, ý nghĩa thật rõ ràng nhưng không hề giải thích, chỉ có mô tả. Một bài thất ngôn mà lại mới. Qua đến thơ ngũ ngôn “Đêm Qua Bắc Vàm Cống,” tương tự như thế: thể thơ cũ, mà sức thơ mạnh, nổi bật hình ảnh và nội dung “Nam Kỳ Lục Tỉnh” một cách thơ thới nhẹ nhàng.

Đêm Qua Bắc Vàm Cống

“Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn,
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng.

Tôi đi xuống Lục Tỉnh
Để rắc bỏ ven đường
Tài, tâm hồn, kỷ niệm…
Giữ làm gì đau thương

Đã đôi lần nhầm lẫn
Còn gõ cửa ái tình
Van nài chút lưu luyến
Của không về người xin

Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh

Nước tách nguồn về biển
Sầu lại chảy về hồn
Khi tôi vuốt lấy mặt
Nghe bàn tay trống trơn”
(Tô Thùy Yên)

Tô Thùy Yên tên khai sinh là Đinh Thành Tiên, sinh Tháng Mười, 1938, tại Gò Vấp, Gia Định, trung học tại Petrus Ký, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, chương trình Pháp, nhập ngũ phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, đại úy rồi thiếu tá trưởng Phòng Văn Nghệ.

Khi giặc Tàu mưu chiếm Hoàng Sa Trường Sa của ta, Tô Thùy Yên đi công tác ra đảo và đã sáng tác bài “Trường Sa Hành” ngoạn mục có những đoạn như sau:

“Trường Sa Trường Sa đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ song nước
Đêm nằm còn trưởng đảo trôi đi.
Mùa đông bắc gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.”

Khi còn ở Sài Gòn, nhà thơ Tô Thùy Yên đã cộng tác với tạp chí Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội (chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng, thư ký tòa soạn Viên Linh) trong nhiều năm, từ 1970 tới những năm sau. Anh mở một nhà xuất bản lấy tên Kẻ Sĩ, và Hồng Đức, in sách của anh và của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Ra hải ngoại, gia đình nhà thơ được quý vị các gia đình bạn hữu cũ bảo trợ về Saint Paul, Minnesota, nơi đó có cựu Đại Tá Vũ Quang cục trưởng Tâm Lý Chiến, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng…

Nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc và tôi đã từ California đi thăm vợ chồng anh khoảng trước năm 2000 khi anh chị dọn về Houston, Texas; chị có khuê danh là Huỳnh Diệu Bích, người được đề tặng nơi trang đầu của tập “Tô Thùy Yên, Thơ Tuyển,” xuất bản năm 1995 tại Minnesota.

Khác với Thanh Tâm Tuyền làm nhiều thơ tự do, Tô Thùy Yên gắn liền với bảy chữ, năm chữ, và làm mới hai thể thơ này.

Tôi có một kỷ niệm với anh, nếu anh không kể lại thì không biết, chuyện quanh bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang.” Tô Thùy Yên nói cả xấp thơ của anh bị tiêu hủy, mất hết, may nhờ đưa tôi bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” đăng lên Thời Tập trước năm 1975 nên nó còn đó.

Khoảng một, hai năm cuối trước 1975, một hôm nhà văn Mai Thảo gọi tôi từ tạp chí Văn, là tờ báo của nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng mà anh đang trông coi bài vở, biên tập, là nếu muốn đăng thơ Tô Thùy Yên thì ghé qua báo Văn mà lấy.

Lúc ấy tôi có nhà in Phúc Hưng và đang xuất bản tờ báo riêng của mình là tạp chí Thời Tập. Đó là giai đoạn giám đốc thông tin báo chí (có tên gọi khác nhưng tôi không còn nhớ rõ) là Hoàng Đức Nhã, người đưa ra biện pháp báo chí phải ký quỹ nhà nước 20 triệu đồng, nếu vi phạm kiểm duyệt số tiền đó sẽ bị trừ đi.

Tô Thùy Yên đưa báo Văn bài “Chiều Trên Phá Tam Giang,” Mai Thảo gọi tôi nói: “Thời Tập của cậu có muốn đăng thì qua lấy về mà đăng, nhớ gọi cho Tô Thùy Yên một tiếng. Vượng (chủ nhiệm báo Văn) hắn không dám đăng. Đăng lên bị kiểm duyệt là nó trừ mất 20 triệu ký quỹ!”

Tôi cho sắp chữ in trên Thời Tập. Không có gì xảy ra cả.

Tô Thùy Yên đã ra đi. Vĩnh biệt bạn. Xin phân ưu cùng chị Diệu Bích. (Viên Linh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT