Saturday, April 20, 2024

Trịnh Cung, người sẵn sàng ‘gây hấn’ trong lãnh vực văn học nghệ thuật

Du Tử Lê/Người Việt

Nhìn vào lãnh vực phê bình văn học Việt Nam, nếu không kể thời tiền chiến, với hai tác phẩm phê bình gíá trị là cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân và cuốn “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan, thì 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam là một vùng “lặng gió.”

Dù trong sinh hoạt với những va chạm vì quan điểm văn chương, nghệ thuật đối chọi nhau, đã đưa tới một số cuộc bút chiến khá nặng nề. Nhưng cách gì, cuối cùng, chúng cũng chỉ như những trận bão trong… tách trà. Tôi muốn nói, chúng vẫn giới hạn trên mặt báo, và không được sự quan tâm rộng rãi của đa số quần chúng.

Cũng không nhận được sự quan tâm rộng rãi của độc giả, là những tác phẩm nhận định về thi ca của các tác giả như Cao Thế Dung, Bùi Giáng, hay Đặng Tiến… xuất bản trước Tháng Tư, 1975.

Nói như vậy, không có nghĩa tôi quên 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, với nhóm Sáng Tạo, qua tạp chí cùng tên, đã tổ chức những cuộc hội thảo bàn tròn về thi ca, văn xuôi, cũng như hội họa – một hình thức sinh hoạt văn học nghệ thuật tương đối mới mẻ ở miền Nam, thời đó. Nhưng tiếng vang của chúng, vẫn không vượt quá sự quan tâm của những người liên quan, hoặc hiện diện trong những lãnh vực đó.

Về hội họa, giới chuyên môn cũng ghi nhận được những quan điểm, phát biểu mới mẻ của các tác giả như Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng… hầu hết xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo, với số lượng phát hành khiêm tốn… Cuối cùng, chúng cũng chỉ như những viên sỏi, ném xuống mặt nước ao tù phẳng. Lạnh.

Cùng với sự an cư, phát triển mạnh mẽ về phương diện kinh tế, thương mại và công ăn việc làm, bắt đầu từ thập niên 1990, số lượng sách, báo của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, cũng được mùa, nở rộ…

Với rất nhiều những cây bút mới, ồn ào lấp đầy những khoảng trống do những cây bút thành danh từ trước Tháng Tư, 1975, ở miền Nam tạo ra. Vì nhiều lý do khác nhau, những tác giả này, chọn rời xa bàn viết! Hoặc có viết thì, họ cũng ít muốn phổ biến tác phẩm để tránh bị rơi vào tình trạng không có người đọc, hay vàng thau lẫn lộn!

Sự phồn thịnh, phong phú về số lượng sách xuất bản của những người cầm bút sau Tháng Tư, 1975, tại Hoa Kỳ, cho thấy đó là một sân chơi văn học nghệ thuật, rộn ràng. Cảnh tượng của một “siêu-thị-chữ-nghĩa” tấp nập, ồn ào người ra, vô.

Một trong những lý do có thể giải thích được hiện tượng này là khi muốn in một cuốn sách, chính quyền không hề đòi hỏi tác giả phải nộp bản thảo, để kiểm duyệt trước khi được cấp giấy phép, giống như ở Việt Nam trước cũng như sau Tháng Tư, 1975. Chưa kể ấn phí cho một cuốn sách dày khoảng trên dưới 100 trang (không cầu kỳ, đòi hỏi nhiều chi tiết đặc biệt), tác giả chỉ phải chuẩn bị một khoản tiền tương đối nhẹ nhàng 1,000 đồng.

Vì thế, một ông hay bà dù đang hưởng trợ cấp xã hội, hằng năm họ vẫn có thể cho ra đời dăm ba tập sách là chuyện bình thường.

Nhưng tiếc thay, không vì sự phồn thịnh của sinh hoạt sách vở, báo chí mà chúng ta có những nhà phê bình, tương ứng với số lượng tác giả và tác phẩm. Thực tế hoàn toàn trái ngược.

Ngoài nhà văn Nguyễn Hưng Quốc ở Úc, với những tác phẩm phê bình thi ca và văn xuôi, có sức nặng của nỗ lực làm việc nghiêm túc, cộng tài năng bẩm sinh. Ở Hoa Kỳ, người ta ghi nhận được tác phẩm “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” công phu, gíá trị của Huỳnh Hữu Ủy. Ngoài ra, chúng ta không có một tác phẩm phê bình nào đáng kể, nhất là ở lãnh vực tạo hình.

Mới đây, khi nhà xuất bản “C” phối hợp với công ty ấn hành sách Amazon xuất bản tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của họa sĩ Trịnh Cung, thì tác phẩm này đã như một luồng gió mới thổi vào sa mạc phê bình, nhận định ở lãnh vực vốn được coi là “vắng, lạnh” từ nhiều chục năm qua. (1)

*

Trước khi bước sâu vào nội dung tác phẩm tôi trộm nghĩ có lẽ cũng nên giới thiệu sơ qua, đặc tính hay cá tính của cha đẻ tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật.”

Là một họa sĩ có tài, nổi tiếng sớm khi chỉ mới 19, 20 tuổi, qua những huy chương cao quý có tính quốc gia, nhận được từ thời khởi đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam – Trịnh Cung cũng nổi tiếng là người luôn có nhiều sáng khiến mới mẻ trong lãnh vực văn học nghệ thuật.

Ngay hiện tại, dù đã tương đối lớn tuổi, nhưng Trịnh Cung/ Nguyễn Văn Liễu, vẫn cho thấy tính năng động, tham vọng vực dậy, hay mở ra những cung đường văn học nghệ thuật mà theo ông, từ trên 40 năm qua, ở quê người không có ai đề xướng hoặc, chú ý tới. Họ Nguyễn cũng không ngừng đem đến cho giới trẻ những ý kiến nhằm tạo sinh khí cho sinh hoạt văn học nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng.

Tuy Trịnh Cung không quan tâm lắm tới sự kiện những người trẻ đón nhận rồi khai thác những đề nghị tâm huyết của ông, nhưng lại bẵng quên, hay cố tình không nhắc tới ông, người khai thông những bế tắc, ao tù, nước đọng của sinh hoạt văn học nghệ thuật chung của người Việt hải ngoại…

Tuy nhiên, ông lại rất dễ phẫn nộ, dễ “gây hấn” với những sai trái, giả mạo của những kẻ “xài bạc giả” ở phạm trù văn học nghệ thuật. Một khi họ Nguyễn lên tiếng thì dường như những kẻ “xài bạc giả” khó có thể phản bác, khi ông nêu ra từng điểm thiển cận hay viết theo cảm tính hoặc được “gà bài” bởi ông thầy Google. (2)

Bởi, Trịnh Cung, với vốn kiến thức sâu rộng, không chỉ được thụ đắc từ trường lớp, từ kinh điển, sách vở, từ kinh nghiệm bản thân trải qua những giao tiếp trực tiếp với những tài năng lớn của hội họa Việt Nam, và trải nhiều giai đoạn thăng, trầm có tính lịch sử của bộ môn nghệ thuật này, cộng với một trí nhớ siêu việt, tôi cho hơn ai hết, Trịnh Cung là người đủ thẩm quyền để bàn đến hay để… “nhận định và những câu hỏi về mỹ thuật.” Ông lại không phải là ngoại cuộc… cưỡi ngựa xem hoa… mà, ông còn chính là một trong những nhân tố hình thành bông hoa với trọn vẹn quy trình phức tạp của nó.

Tôi muốn nói, dù là người lúc nào cũng sẵn sàng bày tỏ sự phẫn nộ, sẵn sàng “gây hấn” với những con người, những sự kiện mang tính “bạc giả” trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Nhưng rõ ràng, tới hôm nay, Trịnh Cung vẫn là người duy nhất cho người đọc những gì sâu sắc, giá trị hơn những gì “ông thầy” Google, đã cho chúng ta ở lãnh vực cực kỳ chuyên môn và, vi tế này.

(Còn tiếp)

—–

Chú thích:

(1) “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” dày gần 250 khổ lớn. Rất nhiều tranh màu giá trị của những họa sĩ làm thành lịch sử nền hội họa, điêu khắc Việt Nam, cũng như tranh của các danh họa thế giới… “C” xuất bản tại Hoa Kỳ, Tháng Bảy, 2017.

(2) Google qua trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia Mở, trả lời gần như tất cả mọi câu hỏi, một cách vắn tắt, sơ lược những thắc mắc nhỏ nhặt, vụn vặt nhất, tới những vấn đề to lớn, có tính hiện đại, toàn cầu của độc giả. Tuy nhiên, cũng không thiếu những chi tiết hoàn toàn sai lầm, nhất là về các văn nghệ sĩ đương thời.

Lý do Google không có người kiểm tra tài liệu. Ai cung cấp tin tức, dù bịa đặt, họ cũng cho phổ biến như thể đó là tin chính xác, đáng tin cậy! Nhiều cá nhân bị bôi bẩn, nhưng họ đã không yêu cầu đính chính vì cho rằng, sự đính chính, nếu có, chỉ tạo thêm cơ hội cho thành phần thiển cận dựa vào đó, để tung thêm những xuyên tạc, bịa đặt khác nữa, hầu thỏa mãn bản chất ganh ghét, đố kỵ mà thôi. Họ quan niệm: Sự thật, cuối cùng cũng vẫn là sự thật…

Mời độc giả xem phóng sự “Đất của người chết trở thành nhà của người sống”

MỚI CẬP NHẬT