Friday, March 29, 2024

Tuồng ‘Lan và Điệp’ phóng tác theo tiểu thuyết ‘Tắt Lửa Lòng’

Ngành Mai/Người Việt

Cuốn tiểu thuyết “Tắt Lửa Lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan xuất bản ở Hà Nội thời tiền chiến, và theo như bố cục câu chuyện thì cô Lan là người miền Bắc, cô buồn vì tình duyên trắc trở nên đi tu ở một ngôi ngôi chùa gần đường xe lửa đi Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái; và cậu Điệp, một nam sinh từ tỉnh ra Hà Nội học. Câu chuyện diễn tiến với những tình tiết gay cấn, cảm động.

Ngày nọ, khoảng đầu thập niên 1940, tác phẩm vô tình đến tay soạn giả Trần Hữu Trang (Tư Trang). Nhận thấy tác phẩm mang nhiều kịch tính, nếu được phóng tác thành vở ca kịch thì sẽ thu hút mạnh mẽ người đi coi hát cải lương. Và Tư Trang quyết định viết thơ ra Bắc xin phép nhà văn Nguyễn Công Hoan cho ông được phóng tác theo tiểu thuyết “Tắt Lửa Lòng.”

Họ Nguyễn bằng lòng với điều kiện là khi nào vở hát ấy được mang ra Bắc trình diễn thì ông phải được xem trước khi ra mắt quần chúng đông đảo. Dĩ nhiên là họ Trần tuân ý. Cho nên khi đoàn Năm Phỉ ra Bắc, Trần Hữu Trang căn dặn kỹ cô Năm Phỉ rằng, đến Hà Nội hát vở gì trước thì hát, còn vở “Lan và Điệp” thì phải đợi sự có mặt của ông cái đã.

Vì một lời hứa với tác giả “Tắt Lửa Lòng,” ông phải giữ đúng! Và khi đoàn Năm Phỉ dọn ra hát ở Hà Nội thì Trần Hữu Trang khăn gói đi xe lửa ra Bắc, ăn vận áo dài khăn đóng chỉnh chạc đi mời cho được Nguyễn Công Hoan tới nhà hát lớn coi diễn phúc khảo một buổi. Dĩ nhiên là họ Nguyễn có mời nhiều văn nhân, ký giả Hà Nội tới xem với ông. Xem xong, tất cả đều lấy làm hài lòng và hết tình ca ngợi cô Lan Năm Phỉ và cậu Điệp Tư Út.

Tối hôm đó Tư Trang đã phải vay nợ cô Năm Phỉ 10 đồng bạc tiền Đông Dương để đưa Nguyễn Công Hoan cùng với anh em văn nhân ký giả Hà Nội đi chè chén và hát cô đầu. Vui vẻ cả làng với nhau và chẳng có việc đòi hỏi chia chác tiền bản quyền gì ráo.

Có lẽ cũng do người sáng tác câu chuyện “Tắt Lửa Lòng” đã không nói đến vấn đề bản quyền, thành ra sau này các gánh hát trong Nam diễn tuồng Lan và Điệp, soạn giả Trần Hữu Trang cũng không đòi hỏi gì tiền bản quyền, ai muốn trả bao nhiêu thì trả, mà không trả cũng chẳng sao.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 6, cuối):

5-Điệp ca: Hòa thượng ôi, người đương hoằn hoại là một nạn nhơn, còn chính tôi đây là một tội nhơn, ấy cũng vì nghịch cảnh xui nên xin hòa thượng hãy rộng lượng xót thương cho kẻ đã bao lâu nay cùng chung đau khổ một tâm hồn.

6-Mới đem thân nương chốn thiền môn đặng tìm phương giải thoát, những tưởng nước cành dương rưới tan niềm oan khổ, nào ngờ đâu không hàn gắn vết thương lòng, hạnh phúc con người ta là quên, nhưng bởi không thể quên nên thành ra khổ thân.

7-Hòa thượng ca: Hiện thời bịnh thế rất ngặt nghèo, thần sắc xem đã biến thiên, hình thể đã tiêu hao, e không qua khỏi đêm nay, trước cảnh nguy vong bần tăng cũng muốn chứng cho xong, để cho yên lòng người trong cơn hấp hối.

8-Bởi vậy bao nhiêu phép tắc ở chùa, bao nhiêu luật trai giới nghiêm minh, chấp kinh có khi cũng phải tùng quyền, giờ phút này mở rộng lòng bác ái, bao nhiêu trách nhiệm dầu ai có khép tội lỗi gì đều để hết cho bần tăng.

9-Vậy đây mảnh áo ca sa, ngài choàng vào đi, Huệ Thông (mô Phật) Huệ Trí (mô Phật), đệ tử hãy đốt đèn lên rồi đưa ngài giả dạng bần tăng để cho tiểu Huệ Minh trao gởi nỗi niềm tâm sự.

10-Điệp ca: Ân sư ôi, ơn của ân sư dám sánh tợ biển trời, đức của ân sư đã gội nhuần vạn vật, đạo của ân sư đã độ khắp chúng sanh, ân sư ôi một lạy này đệ tử gọi là chút lòng thành để đền đáp dạ từ bi.

11-Hòa thượng ca: Ngài ôi, ngài chớ quá nhọc tâm, mà bần tăng thêm tổn đức, ngài hãy bình tâm đi, để lạy này, ngài lạy Phật thì phải hơn, tâm sự đôi bên bần tăng chưa hiểu hết, nhưng chẳng may đạo Huệ Minh tánh mạng khó bảo toàn.

12-Thì bấy lâu nay tiếng kệ câu kinh, tiểu Huệ Minh đã dày công sám hối, dòng hệ lụy dầu chưa có rũ sạch, nhưng căn đã khiến cho gần chốn Phật đài, mà duyên đã tạo nhiều công quả, có lẽ rồi đây cõi Tây phương người sẽ được hưởng phước thanh nhàn.

Nói: Ngài cứ yên lòng, Huệ Thông (mô Phật) Huệ Trí (mô Phật) hãy y lời thầy dặn.

Huệ Thông nói: Huynh Huệ Minh, hòa thượng đã y lời cầu xin của huynh, nên vào đây, huynh muốn tỏ điều gì thì cứ bạch với tôn sư đi.

Huệ Minh nói: Huynh Huệ Thông.

Huệ Thông nói: Mô Phật.

Huệ Minh nói: Bây giờ là chừng nào rồi.

Huệ Thông nói: Hết canh tư bước sang canh năm.

Huệ Minh nói: Ôi tai lắng mõ chuông chớ tấm thân đã nhẹ nhàng tục lụy, nhưng mắt nhìn cảnh vật, cõi lòng chưa có giải thoát hồng trần, trong khói hương mà chạnh chốn tử phần, nỗi đau khổ lạy cha già xin lượng thứ, tủi duyên phận tôi mới tìm nơi Phật tự, thân bọt bèo nhờ sư phụ rộng dung tình, ân sư ôi, đáp ơn dày đành đợi kiếp lai sinh, số mạng bạc tới đây cam liểu kết, nghiệp oan dầu hết, mà phúc quả chưa tròn, như tôi đây dám vì tình lỗi đạo làm con, thì tội bất hiếu kiếp nào chuộc được.

Ca Nam Ai (lớp mái)

Ân sư ôi, cúi xin thương tha thứ tội tình,
Thật tôi là họ Nguyễn tên Lan,
Trắc trở cuộc tình duyên,
Bởi quá thống khổ,
Mượn tên Điệp này,
Đặng có nhập thiền môn,
Tôi dẫu chết đã yên phận rồi,
Tội nghiệp cho người kiếp sống không nguôi,
Thương nhau đã lỡ rồi, ôi hỡi đất trời,
Tại vì đâu xui ly biệt đôi nơi,
Từ ngày đành cắt đứt dây chuông,
Ôi anh Điệp anh có rõ cho chăng,
Em chỉ sợ vì em, mà anh phải khổ,
Thôi để một mình thân em chịu là xong,
Nay cái chết không dung em rồi,
Anh hãy yên lòng, vui cảnh vợ con,
Kiếp này không hiệp, hẹn cùng anh theo kịp em chờ.

Điệp nói: Em Lan.

Lan nói: Anh Điệp ôi em đã mệt lắm rồi.

Điệp nói: Trời ôi! Lan, em Lan đã tắt nghỉ rồi. (Ngành Mai)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT