Friday, April 19, 2024

Tuồng ‘Lan và Điệp’ và dĩa hát ‘Hoa Rơi Cửa Phật’

Ngành Mai/Người Việt

Đầu thập niên 1940, kể từ ngày vở hát “Lan và Điệp” của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ thì phần lớn khán giả cải lương sành điệu, đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu tới cuối.

Buổi trình diễn khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp, đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan-Điệp trở thành bất tử với thời gian (nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ từng được huy chương của chính phủ Pháp, của Vua Miên, Quốc Vương Lào, và Hoàng Đế Bảo Đại).

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích, đến đỗi càng về sau câu chuyện càng mở rộng xâm lấn sang các lãnh vực văn nghệ khác.

Trước tiên, “Lan và Điệp” được hãng dĩa hát Asia thâu thanh với tên tựa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành cùng khắp từ Nam chí Bắc.

Dĩa hát cũng được bán qua Miên, và theo theo như nhà phát hành lúc ấy cho biết, thì kiều bào xứ Chùa Tháp tiêu thụ dĩa hát này nhiều gấp 3, 4 lần đại lý dĩa hát ở Cần Thơ. Do ở đất Miên dễ làm ăn, người ta dám mua sắm, vả lại số người sang đây lập nghiệp đại đa số là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ.

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được đưa sang Lào và cả ở bên trời Tây, do vậy mà kiều ở Pháp vẫn còn những người lưu giữ các dĩa hát xưa ấy. Song song đó cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời bán ở các chợ miền quê, chợ nhỏ, lớn nào cũng có người bán.

Rồi cũng từ đó các gánh hát bầu tèo (gánh hát nhỏ) ở thôn quê đã sao chép lời ca, lời đối thoại, rồi thêm thắt vào dựng lên tuồng cải lương “Lan và Điệp” phục vụ bà con ở thôn quê và cũng được hoan nghinh.

Sau đó khi Tư Út rời gánh Năm Phỉ thì kép Thanh Tao nhảy vào đóng vai Điệp, cho đến khi cô Năm Phỉ qua đời thì kỳ nữ Kim Cương mới thay dì mình mà đóng vai Lan cùng với kép Sơn Minh thủ vai Điệp.

Vợ chồng nghệ sĩ Văn Chung, Thanh Hương cũng đã có lần hát. Thành Được và Thanh Nga hát hai vai chánh này được mấy lần trong các buổi tổng hợp tài danh.

Riêng bộ dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành năm 1947, và cuốn bài ca cũng đến tay người mộ điệu cùng thời điểm này.

Dưới đây là đoạn đầu bộ dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật,” lúc Lan giả trai lấy tên Điệp vào chùa tu, được hòa thượng trụ trì đặt tên là Huệ Minh.

Huệ Minh nói: Than ôi, cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập, xác bướm khô ôm ấp bởi tình yêu. Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột quặn thắt trăm chiều, trông hồ điệp lệ sầu tuông mấy lượt. Kìa những kẻ không cầu sao lại được, tủi phận mình mong mỏi vậy mà sai, kể từ đây chốn am mây chôn lấp mạch cảm hoài, nghe kinh kệ phôi pha cơn khổ não.

Ca Nam Ai:

Hoa lan xác bướm mảnh tơ lòng,
Đành vùi chôn,
Kiếp bướm hoa lỡ làng rồi,
Nhưng còn một vật đổi trao nhau,
Càng thấy càng thêm nỗi khổ đau,
Phải chăng con dao này,
Nó đã dứt tình cùng ta,
Bấy lâu đeo giữ mãi bên mình,
Nay đành chôn giữa mả bướm hoa,
Ngăn đôi gian hà,
Cho nhẹ nhàng lòng ta.
Có lẽ khi trời xui phải chịu vậy,
Trần ai còn chi đâu mơ màng,
Trót đã ăn mặc nâu sòng,
Vui kinh kệ là xong.

Huệ Thông nói: Đó thấy không, huynh Huệ Minh phạm giới sát sanh, để tôi vào bạch tôn sư, cho huynh coi nghé.

Huệ Minh nói: Không, không phải đâu huynh Huệ Thông, vừa rồi tôi thấy con bướm nó chết khô cho nên tôi tội nghiệp bỏ vào hộp đem chôn vậy mà huynh.

Huệ Thông nói: Huynh nói dối, hôm trước tôi thấy con bướm ấy nó đậu trên chậu hoa lan đẹp lắm, huynh rình bắt rồi ép khô ở trong cuốn kinh, bây giờ huynh đem chôn, tại huynh bắt nó mới chết, tôi phải vào bạch lại với thầy.

Huệ Minh nói: Huynh, huynh Huệ Thông.

Huệ Thông nói: Thế nào tôi cũng vô tôi bạch.

Huệ Thường nói: Ôi, tu là cội phúc, tình là dây oan, nhưng tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành. Đã đem thân nương chốn thiền môn, trót ba mươi năm có lẻ, một khoảng thời gian đăng đẳng, tấm lòng ta tưởng đâu đã nguội lạnh như mớ tro tàn, sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy. Bất ngờ vừa rồi nghe mấy lời của tiểu Huệ Minh than thở, mà xúc động mối từ tâm, trông cử chỉ hành vi khiến cho ta phải bàng hoàng ngơ ngẩn. Đây, đây là nơi chôn chặt nỗi niềm tâm sự, nhưng vết thương lòng e khó nổi phôi pha. như ta ba mươi năm mà hận cũ vẫn chưa nguôi, thì tiểu Điệp ngày nay dẫu không tròn luật pháp nhà tu, ta cũng rộng lượng thứ tha mà tìm phương an ủi. (Ngành Mai)

MỚI CẬP NHẬT