Friday, March 29, 2024

Tưởng nhớ Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh (1924-2020)

Vương Trùng Dương

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhân vật cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn vừa qua đời ngày 8 tháng 1 năm 2020 tại Na-Uy. Hưởng thọ 97 tuổi.

Trong bài phỏng vấn của Mặc Lâm, phóng viên đài RFA ghi nhận:

“Từ năm 1932 đến năm 1945, Tự Lực Văn Đoàn chiếm một vị trí ưu thế tuyệt đối trên văn đàn Việt Nam và đã ảnh hưởng sâu sắc đến giới thanh niên và trí thức Việt lúc bấy giờ.

Bà Nguyễn Thị Vinh, 1 trong 3 thành viên cuối cùng của Tự Lực Văn Đòan. Năm 1933 Tự Lực Văn Đòan chính thức thành lập gồm có: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ) về sau thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu, và còn một số nhà văn cộng tác chặt chẽ với văn đoàn này là: Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ…

Bà Nguyễn Thị Vinh sinh năm 1924 tại Hà Nội. Quê nội: làng Thịnh Đức thượng Hà Đông. Quê ngoại: làng Vân Hoàng, Hà Đông. Đã xuất bản nhiều tác phẩm tiêu biểu, gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ và tùy bút…

Trước năm 1975 bà giữ chức Chủ Bút và Chủ Nhiệm 2 tạp chí văn nghệ: Tân Phong và Đông Phương. Bà cũng là thành viên của Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc VNCH. Hiện đang tỵ nạn chính trị tại Na-Uy, bà tiếp tục hoạt động văn học trong vai trò Chủ Mhiệm tạp chí văn nghệ Hương Xa. Và là thành viên trong nhóm chủ biên nhà xuất bản Anh Em”.

(Hình: VietBao)

Trong cuộc phỏng vấn nầy, nhà văn Nguyễn Thị Vinh cho biết:

“Ba thành viên lớp sau (hay đúng hơn, phải gọi là ba thành viên dự bị) của Tự Lực Văn Đoàn, gồm nhà văn Duy Lam, nhà văn Tường Hùng và tôi đều do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lựa chọn, tại Sài Gòn vào khoảng đầu thập niên 1950.

Văn bản với bút tích của nhà văn Nhất Linh hiện do tác giả Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh lưu giữ. Trước đó, trong một bài thơ mang tên Tự Lực, Nhất Linh viết vào lúc 2 giờ sáng Mùng Một Tết năm Quý Tỵ, nhằm ngày 14 tháng 2 năm 1953, ông đã ghi:

“Tự Lực vườn văn mới trội tên. Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên. Thương dăm lá cũ vừa rơi xuống. Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên. Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy. Vườn xưa, hoa mới điểm tô thêm. Người qua, sách mọt, đời thay đổi. Tự Lực, danh chung, tiếng vẫn truyền”.

Tác phẩm đầu tay là Hai Chị Em, Truyện ngắn, NXB Phượng Giang, Việt Nam Sài Gòn 1953. Tác phẩm cuối cùng là Cỏ Bồng Lìa Gốc, Tuỳ bút/Tâm cảm, NXB Anh Em, Hoa Kỳ San José 2005.

Tự Lực Văn Đoàn gây ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đối với đa số thanh niên nam, nữ thị dân theo Tây học và chữ Quốc Ngữ, từ Bắc tới Nam, về các mặt tư tưởng, văn hóa, xã hội..

a/ Trước hết phải kể tới tinh thần tự lực từ cá nhân, gia đình cho tới xã hội. Không có tinh thần tự lực thì quốc gia không thể giành được nền độc lập toàn vẹn, đúng nghĩa.

b/ Giữ gìn truyền thống mỹ tục. Đả phá mọi hủ tục.

c/ Nêu cao tinh thần khoa học thực nghiệm. Bài trừ thói mê tín dị đoan.

d/ Chống nạn mù chữ. Phổ biến và nghệ thuật hóa việc dùng chữ Quốc Ngữ.

e/ Hướng đến một cuộc cách mạng, tạm gọi là “Cách mạng Tư sản”, trên nền tảng Chủ nghĩa Tam Dân: “Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc.”

Cho nên từ “ngôi nhà ánh sáng”, tới chiếc “áo dài LeMur”, “thơ Mới”, “tiểu thuyết luận đề”, “đảng Hưng Việt”, đến báo chí “Phong Hóa”, “Ngày Nay” và “Văn Hóa Ngày Nay”… Tranh khôi hài “Lý Toét, Xã Xệ”… đã làm nên tính cách Tự Lực Văn Đoàn, một văn đoàn vì Quốc Gia Dân Tộc.

Hai nhà văn Duy Lam và Tường Hùng vẫn sáng tác, sinh hoạt văn nghệ. Phần tôi, hoạt động văn nghệ không nhân danh Tự Lực Văn Đoàn. Vì tự nghĩ: Tự Lực Văn Đoàn đã làm xong nhiệm vụ lịch sử kể từ sau sự tuẫn tiết của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Tôi biết ơn Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng mọi vấn đề của nhà văn ngày hôm nay, đầu thế kỷ 21, đã khác với đầu thế kỷ 20. Chỉ còn tinh thần tự lực là mãi mãi nguyên vẹn cho cả nhà văn lẫn người đọc Việt Nam.

Văn học Nghệ thuật chuyên chở tình yêu nước, thương dân, với phương châm: “Muốn cánh sinh phải tự lực từ cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là nâng cao trình độ dân trí.”

Văn học Nghệ thuật chuyên chở tình Yêu Nước, Thương Dân, với phương châm: “Muốn Cánh sinh phải Tự lực từ cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là nâng cao trình độ dân trí.”

Quốc thể muốn tự lực, dân trí phải nâng cao. Muốn dân trí nâng cao phải có Tự Do Tư Tưởng, Tự Do Ngôn Luận. Làm giàu và làm đẹp thêm cho Tiếng Việt.

Tôi xin phép được thêm vào hai chữ “cộng sản” trong cụm từ “nhà nước Việt Nam”, để cho rõ là “nhà nước cộng sản Việt Nam”. Để thấy rõ ràng, rằng “đổi mới của họ chính là trở về với cái cũ”. Tôi chỉ thấy dấu hiệu tích cực khi nào họ trở về với tinh thần tự lực.

Nâng cao dân trí bằng cách tự do Tư tưởng. Thời thực dân Pháp kiểm duyệt báo chí, văn hóa phẩm rất khắc nghiệt mà nhà xuất bản Đời Nay, báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn vẫn thuộc quyền tư nhân. Vẫn được nói xa, nói gần tới Tự do, Dân chủ.

Ở Hoa Kỳ, người dân không có cái lối mừng vì đảng Cộng Hòa đổi mới, thí dụ thế, mà hễ đảng Cộng Hòa không làm lợi cho dân, cho nước, hoặc không phù hợp với đa số ý dân, người ta sẽ bàu cho đảng Dân Chủ, như tin thời sự hiện nay. Trình độ dân trí phải thật sự cao mới làm được điều hết sức giản dị như thế. Đó là văn minh. Đó là dân quyền. Đó là nhân bản.

Ít nhất chúng ta cũng phải nhìn nhận một số nét căn bản của nền văn học ở nhiều quốc gia tiến bộ mà chúng ta gọi là “Văn học Thế giới”. Thí dụ: Không kiểm duyệt. Nhà văn được tự do sáng tác, ấn hành, xuất bản và phát hành… Văn học có thể tương quan với chính trị, nhưng tuyệt đối không bị bó buộc phải phục vụ chính trị, giáo điều.

Văn học Việt Nam, trong nước, còn bị kiểm duyệt, kiểm soát tư tưởng một cách thô bạo. Tự điều này đã là một câu trả lời rồi!…”

(ngưng trích)

*

Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15 tháng 7 năm 1924 tại 41 Phố Bờ Hồ Hà Nội; gốc quê nội của bà tại làng Thịnh Đức Thượng, tức làng Giẽ, phủ Thường Tín, huyện Phú Xuyên, thôn Thịnh Đức Hạ, tỉnh Hà Đông; gốc quê ngoại tại làng Vân Hoàng, tức làng Chản, cùng tỉnh với quê nội. Hai ông bà thân sinh mất sớm, năm Nguyễn Thị Vinh lên tám. Bốn anh chị em bà, mà người anh cả mới mười lăm tuổi, đang từ con cái một gia đình khá giả, bỗng chốc trở nên mồ côi cha mẹ, nghèo khổ. Tuy gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn theo đuổi học hành. Khởi là thơ, viết văn từ những năm 1939-1940 tại Hà Nội.

Bà lập gia đình với ông Trương Bào Sơn (thành viên nồng cốt VN Quốc Dân Đảng, là một dịch giả có tiếng). Năm 1948, bà cùng con gái 3 tuổi, (Trương Thị Kim Anh) từ Hà Nội sang Hồng Kông tị nạn chính trị với chồng Trương Bảo Sơn.

(Hình: Internet)

Truyện dài Thương Yêu được viết tại Cửu Long, đảo Trường Châu, Hương Cảng năm 1948. Năm 1952, trở về Sài Gòn, chép lại 2 bản thảo Thương Yêu, Hai Chị Em và sửa chữa lần chót, chuẩn bị để ấn hành. Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, khi cùng tị nạn chính trị tại Hương Cảng năm 1948-1951, với một số người bạn chiến đấu của ông, có dịp đọc bản thảo Thương Yêu, Hai Chị Em khuyến khích là nên xuất bản. Vì thế, năm 1953, ấn hành tác phẩm Hai Chị Em, tác phẩm Thương Yêu viết trước nhưng ấn hành năm 1954. Tác phẩm Xóm Nghèo (1958), Men Chiều (1960)…Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972), tập thơ Cõi Tạm ấn hành năm năm 2001 (Nhà thơ Ngọc Hoài Phương ấn hành tập thơ Cõi Tạm năm 1992).

Năm 1960 ông Trương Bảo Sơn cùng với Nguyễn Tường Tam tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết. Tham gia ngày 11-11-1960, bị bắt tù 3 năm và bị Tòa Án Quân Sự kết án 5 năm lưu đày ra Côn Đảo năm 1963. Được trả tự do sau 1-11-63.

Năm 1964 ông đứng ra thành lập và làm Tổng Thư Ký Quốc Dân Đảng biệt bộ Nguyễn Tường Tam, làm Tổng Thư Ký hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền Việt Nam, tổ chức phong trào chống Hiến chương Vũng Tàu. Ông là người dấn thân và hăng say trong cuộc đời làm cách mạng. Năm 1978 ông Trương Bào Sơn vượt biển tới Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư tại Canada năm 1979.

Năm 1970 nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật mở nhà xuất bản Anh Em và ấn bản đầu tiên là tập truyện Cô Mai của Nguyễn Thị được tái bản, tiếp theo sau là Quán Đời của chính anh. Và sự gặp gỡ nầy tuy tuổi tác chênh nhau gần hai thập niên nhưng trở thành bạn đời.

Năm 1984, Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Hữu Nhật tị nạn chính trị tại Na Uy do cô con gái Kim Anh bảo lãnh. Chồng cô Kim Anh là nhà thơ Dương Kiền, cũng là bạn văn với Nguyễn Hữu Nhật. Theo anh Nguyễn Hữu Nhật, đây là định mệnh, nhưng khi đến nơi, anh đã nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của xứ Bắc Âu, anh cho là số mệnh anh phải là chứng nhân của phong cảnh và tình người và có bổn phận ở lại ghi chép, truyền đạt cho người đi sau. Chị Nguyễn Thị Vinh cảm nhận được sự bao dung của tuyết, của sự cưu mang từ một dân tộc rất xa lạ với mình. Dĩ nhiên mỗi người có một phần việc được giao phó trong đời sống.

(Hình: Tư liệu của Nhà văn Nhật Tiến gửi NV)

Anh chị sống trong một căn nhà nhỏ giữa trời tuyết bao la chỉ có 52 mét vuông với 2 phòng ngủ, anh Nhật đã dùng 1 phòng làm nơi “Sản Xuất”, còn chị thì chiếm lấy 1 góc nhỏ ở căn bếp, có thể viết, có thể ăn, có thể làm tất cả những gì cảm thấy thích thú và cần thiết. Và, nơi nầy cũng là nơi trở thành “cơ sở văn nghệ” cho hai cây bút cùng bạn văn như tạp chí văn nghệ Hương Xưa. Trong tác phẩm Na Uy & Tôi (1994), Nguyễn Thị Vinh ghi lại cảm nhận của bản thân nơi xứ người.

Theo lời bà “Tôi là người tỵ nạn chính trị. Vấn đề chính trị ở nơi tôi ra đi vẫn chưa thay đổi. Nên tôi chưa thể về lại được, dù là về thăm nhà”. Về tác phẩm, bà cho biết: “Các tác phẩm viết trước năm 1975 của tôi, không nằm trong danh sách cấm in, nhưng tôi tự thấy tôi không thể hợp tác được với các nhà xuất bản quốc doanh của đảng CS. Hợp tác một phần cũng là thoả hiệp chính trị. Các tác phẩm sau năm 1975, của tôi, hầu hết có nội dung chống độc tôn, độc trị, độc tài, độc đảng”.

*

Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn nhận định về về Nguyễn Thị Vinh:

“Nguyễn Thị Vinh có một văn phong nhẹ nhàng nhưng đằm thắm. Hai chữ “thương yêu” bà lấy làm tựa cho một cuốn sách của bà, cũng là cái tình người đọc có thể nhận thấy dàn trải trong từng mỗi câu văn, trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Vinh.

Dù, càng về sau này, nghĩa là sau 1954 là một giai đoạn, sau 1975 lại là một giai đoạn khác nữa, cách viết của bà có ít nhiều thay đổi, bà có dùng đến luận lý, phê bình, triết lý, chính trị, đôi khi cả chỉ trích, khôi hài nữa, nhưng cái dịu dàng, tinh vi, ngọt ngào đầy nữ tính vẫn là nét chính, cái hồn của văn chương Nguyễn Thị Vinh…

(Hình: VietBao)

Trong cuốn Cỏ Bồng Lìa Gốc, Nguyễn Thị Vinh viết về nhiều thứ: Thân phận người “đàn bà nước Nam”, thư gửi cho hai nhân vật tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh [Mai/Nửa Chừng Xuân & Loan/Ðôi Bạn], thư gửi cho một người có thật ở ngoài đời Shirin Ebadi, Giải Hòa Bình Nobel 2003, bàn về nỗi “Vì Sao Dân Mình Khổ Mãi”, rồi lòng tư hương của một người Việt rời xa xứ sở (1975) muốn về nhìn lại đất nước nhưng lại tự thấy chưa thể làm cái việc ấy được vì: “khi phải ‘xin phép’ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ tục hành chính của nó. Chỉ khó… (vì) tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà”.

Ðoản văn thú vị nhất có lẽ là đoạn Nguyễn Thị Vinh kể lại những kỷ niệm của bà với một số các nhân vật trong Tự Lực Văn Ðoàn, nhất là với nhà văn Nhất Linh, ở Hương Cảng, khi ấy ông đang viết bộ trường thiên Xóm Cầu Mới”.

Nguyễn Thị Vinh cho biết: “Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của ‘Xóm Cầu Mới’. Còn riêng tôi, lại nhớ những tháng được nhìn thấy nét “chữ con kiến bò” của anh Tam. Nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của Xóm Cầu Mới, anh Tam đã thai nghén từ năm 1940 ở Hà Nội đã mất hết trong chiến tranh, và tới năm 1948 mới được anh viết lại ở Hương Cảng”.

(ngưng trích)

Kể từ khi thai nghén truyện dài Thương Yêu ở Hương Cảng năm 1948 đến khi vĩnh biệt “Cõi Tạm” năm 2020 ở Na-Uy đánh dấu bảy thập niên cầm bút của nhà văn nữ. Bà là nhà văn nữ thọ nhất trong Tự Lực Văn Đoàn nói riêng và văn đàn Việt Nam nói chung đã đóng góp ngòi bút của mình từ trong nước đến hải ngoại.

Little Saigon, Jan 10, 2020

Vương Trùng Dương

MỚI CẬP NHẬT