Thursday, March 28, 2024

Vài tác giả của tạp chí Tư Tưởng

Viên Linh

Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản số 1 bộ I (volume I) vào 1 tháng 8.1967, với Viện trưởng Thích Minh Châu đứng tên chủ nhiệm chủ bút, dày 540 trang khổ 13x19cm, chưa từng có tờ báo nghiên cứu khảo luận phê bình văn triết sử nào dày hơn, vậy mà nòng cốt của nó thực sự ở trong tay một nhóm giáo sư sinh viên không quá 10 người, tuổi từ 23 tới trên dưới 50, và một ngân quỹ vô cùng hạn hẹp. Báo không đề tên bộ biên tập, mãi tới năm thứ sáu, 1972 (volume VI) mới đề tên Tuệ Sỹ là tổng thư ký tòa soạn, song trên thực tế, chàng đại đức 25 tuổi này đã phụ trách cả trăm trang ngay trong số ra mắt với chuyên đề Thiền Trung Quán cùng nhóm bằng hữu đồng song đồng môn sàn sàn một lớp tuổi: Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Thích nữ Trí Hải, Phùng Thăng, Chơn Hạnh Trần Xuân Kiêm, Nguyên Tánh Phạm Công Thiện, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, … bên cạnh các vị lớn tuổi hơn từ ngoài gửi bài đóng góp “kiến thức tàng hung trung” về văn hóa cổ Trung Hoa Ấn Độ và Quốc học Dân tộc: có Thạch Trung Giả, Nguyễn Đăng Thục, Kim Định, Ngô Trọng Anh, Lê Tôn Nghiêm, Tôn Thất Thiện, …

Trong tình trạng thiếu nhiều tài liệu, chúng tôi chỉ xin nói sơ lược về một số tác giả chính và một số chủ đề của bộ báo quí giá này, chỉ đóng cửa vào lúc tình thế đổi thay, số 49, tháng 3.1975. Một tháng sau, tờ tạp chí Tư Tưởng không còn, mà Viện Đại Học Vạn Hạnh cho tới nay hơn 40 năm đất nước gọi là độc lập, cũng chưa hồi sinh. Một số tên tuổi của tạp chí Tư Tưởng:

–Thích Minh Châu: chủ nhiệm chủ bút: ông có tên khai sinh Đinh Văn Nam, sinh năm 1920, du học Tích Lan Ấn Độ, luận án tiến sĩ Triết viết bằng Anh ngữ tại xứ Phật (The Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima), tốt nghiệp năm 1961, nổi tiếng dịch hay, và nhiều, các tác phẩm điển hình có các tập “Trường Bộ Kinh,” “Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả,” “Trước sự nô lệ của con người.” Ông từng là hội viên ban chấp hành Hiệp hội các viện trưởng viện đại học Á châu và đại diện Hội Liên hữu Phật giáo Quốc tế tại UNESCO. Hòa thượng viên tịch ngày 1 tháng 9.2012 tại Sài gòn, trụ thế 92 tuổi (có báo viết 95 tuổi?). Những bài viết chính của ông trên hai số đầu tiên có: Thái độ tâm linh của Đạo Phật, Heidegger et la crise de la métaphysique, Chân lý tự do và nhân tính, Phụng sự cho sự hòa điệu giữa những nền văn hóa đông tây (đề thu gọn), và một tác phẩm dịch đồ xộ là “Chuyền tiền thân đức Phật,” (trên 500 chuyện), phong phú và được đông đảo quần chúng tìm đọc. bài này trích đăng dưới đây một trong những truyện ngắn nhất, chuyện số 249:

“Bậc thiện không làm hại: Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba la nại, một ngày hội được tổ chức ở Ba la nại. Bắt đầu từ khi nghe tiếng trống ngày hội, toàn thể dân chúng trong thành ào ra tham dự. Lúc bấy giờ, trong vườn nhà vua có nuôi rất nhiều khỉ. Người giữ vườn suy nghĩ: Thành phố vui chơi lễ hội. Ta sẽ bảo những con khỉ này tưới nước, còn ta sẽ đi chơi.
“Nó đến con khỉ đầu đàn và hỏi: Này bạn khỉ chúa, vườn này giúp đỡ cho các ngươi nhiều. Các ngươi ở đây ăn hoa, trái và đọt non! Thành phố hôm nay đang vui chơi. Ta sẽ đi dự hội. Cho đến khi ta về các ngươi có thể tưới nước giúp các cây non trong vườn này không?

–Lành thay, chúng tôi sẽ tưới!

–Vậy các ngươi chớ có phóng dật!

Để chúng có thể tưới nước, người giữ vườn đưa cho chúng những bao da chứa nước và các thùng gỗ, rồi ra đi. Các con khỉ được bao da chứa nước và các thùng gỗ, bắt đầu tưới nước cho các cây non. Con khỉ chúa nói vói chúng:

–Này các bạn khỉ, hãy gìn giữ nước. Khi các bạn tưới nưóc trên các cây non, trươc hết hãy kéo những cây ấy lên, xem rễ của chúng như thế nào. Những rễ nào đâm sâu thời tưới nhiều nước vào rễ. Rễ nào không đâm sâu, hãy tưới ít nước. Nếu tưới nhiều nước, chúng ta thật là khó tìm!

Chúng vâng theo và làm đúng như vậy.

Lúc bấy giờ, có một người hiền trí thấy các con khỉ ấy làm như vậy trong vườn của vua liền hỏi: Này các bạn khỉ, sao các bạn lại kéo các cây non lên và tưới nước tùy theo lượng của rễ? Chúng trả lời:

–Con khỉ đầu đàn của chúng tôi khuyên như vậy!

Nghe chúng nói, người hiền trí ấy suy nghĩ:

–Ôi, những kẻ ngu si và vô trí, dầu cho muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại.

Rồi vị ấy nói lên bài kệ này:

Bậc thiện không làm hại
Người ngu hại điều lành
Làm lành đem đến hại
Như con khỉ trong vườn.”

–Tuệ Sỹ: tổng thư ký. (Đã có tiểu sử trên mục này, bài này chỉ thêm các nhan đề những bài quan trọng của ông trên vài số báo Tư Tưởng: – Trung quán và vấn đề thực thể; Duyên khởi luận, có tức không có; Luận lý học trên chiều tuyệt đối; Tư tưởng là gì?; Cơ cấu ngôn ngữ của Michel Foucault; Điểm sách Hiện tượng học là gì của Trần Thái Đỉnh.

Và một bài thơ lạ:

Hạt Cát

Nữ vương ngự huy hoàng trong ráng đỏ
Cài sao hôm lấp lánh tóc mai
Bà cúi xuống cho đẹp lòng thần tử
Kìa, khách lạ, ngươi là ai?
Tôi sứ giả Hư vô
Xin gởi trong đôi mắt bà
Một hạt cát.
(Giấc mơ Trường Sơn)

  • Phạm Công Thiện: Sinh tại Mỹ Tho năm 1941 mất tại Cali năm 2011, pháp danh Thích Nguyên Tánh, có mặt trên tạp chí Tư Tưởng từ đầu cho tới khi khoảng 1970 được giáo sư Viện trưởng gửi đi du học ở Đức, bỏ ngang qua Pháp, lập gia đình rồi nhiều năm sau qua Hoa Kỳ. Một số bài trong Tư Tưởng: Nhà thơ Pierre Emmanuel; Krishnamurti; Hiện tượng học về hiện tượng học Husserl; Sự thất bại của Tây phương và con đường tư tưởng Việt Nam. Trả lời ông Lê Hải Vân (Nguyên Sa), số 2 năm 1970. Phạm Công Thiện tham dự vài cuộc bút chiến, với nhà thơ Nguyên Sa và giáo sư Nguyễn Văn Trung, một thời là Khoa trưởng Văn khoa Đại học Sài gòn. Sự im lặng của giáo sư Trung đã khiến tên tuổi của người đối nghịch nổi tiếng, mặt khác, độc giả sinh viên phật tử trở nên yêu mến Thích Nguyên Tánh nhiều hơn.

Nói đến Phạm Công Thiện là nói đến tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học,” cuốn sách các sinh viên thường có trong tay, xuất bản năm 1965 và những cuốn khác như: “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền tông” 1964, “Im lặng hố thẳm, Phương pháp suy tư về Việt và Tính, con đường của Triết lý Việt Nam” 1967, “Hố thẳm của tư tưởng, Ðặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay” 1967; không kể truyện ngắn, hay những cuốn sách viết về Rilke, 1969, Miller, 1969,… Với những cuốn sách ấy, Thích Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã đóng góp công lao lớn trong sự phát triển Phật Giáo Việt Nam giai đoạn đó.

Phạm Công Thiện hay nhắc đến một câu thơ của Goethe: “Trên tất cả các đỉnh cao, là bình yên.” Mới năm kia, Thiện đã sửa lại hai chữ sau cùng, dùng để đặt nhan đề cho tập thơ cuối cùng của ông, do Hương Tích xuất bản: Trên Tất Cả Các Ðỉnh Cao Là Lặng Im.

Ðã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Ðã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Ðại huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.
(Phạm Công Thiện, Ði, tr. 22, Trên tất cả…)

Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu:  Sinh tại Hà Nam năm 1944, trưởng ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, dịch giả các cuốn Dr Jivago của Boris Pasternak, Con Người Chịu Chơi của Nikos Kazanzakis, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật của Edward Conze. Các bài của Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu trên Tư Tưởng: Edward Conze, Sariputra và truyền thống Tiểu thừa; Khantipalo, Đức Phật hiện thân hòa bình; Dostoievski, hồi ký về chốn địa ngục trần gian. Viện trưởng Thích Minh Châu đã viết về bản Việt dịch của Chơn Pháp như sau: “Bản dịch Việt văn này do Chơn Pháp thực hiện, nằm trong khuôn khổ Tu thư Viện Đại học Vạn hạnh, với mục đích là xây dựng từ nền tảng một nền văn học Phật giáo Việt Nam sau này, với tất cả sự phong phú về phẩm cũng như về lượng của công việc trước thuật mà mọi người đang mong đợi.” (Tỳ kheo Thích Minh Châu).

Hồi Phạm Công Thiện ra đi tôi đã viết ít dòng đăng trên mặt báo này, nay xin nhắc lại và bổ sung ý kiến đó về những tác giả trẻ của tạp chí Tư Tưởng: “Hồi ấy, mạnh mẽ lên đường từ những năm sau 1964, nhóm trẻ tuổi năm bảy người ấy xông xáo trong các tờ tạp chí văn hóa, nơi những nhà xuất bản tôn giáo, dưới mái các giảng đường cao đẳng, vui sống là làm việc, học và hành, tung ra bốn phương những hoa thơm cỏ lạ, những tác phẩm chan chứa tình yêu thương, yêu thương con người nhân loại, tràn đầy hy vọng và tin tưởng. Họ không phải một người. Họ là một toán, một đoàn, một đội. Không kể các bậc thầy đã xa như Ðức Nhuận, Thanh Kiểm, Thanh Từ,… hay kế tiếp như Minh Châu, Nguyễn Ðăng Thục, Thạch Trung Giả, thêm Lê Tôn Nghiệm, Ngô Trọng Anh, Tam Ích, Vũ Hoàng Chương, … Nhóm Trẻ là “Tây Ðộc” Phạm Công Thiện, “Ðông Tà” Tuệ Sỹ, Chơn Hạnh “Trung Thần Thông,” Chơn Pháp “Bắc Cái,” Nghi Lâm sư muội Trí Hải, và “Chu Bá Thông” Bùi Giáng, võ công tuyệt đỉnh nhưng không chịu hẳn một môn phái nào. Họ đã tạo dựng được môn phái ít nhất là cho thế hệ của họ.

MỚI CẬP NHẬT