Friday, April 19, 2024

Hoàng Anh Tuấn nay đây mai đó

Viên Linh

Tháng Tư năm 1960 bút hiệu Hoàng Anh Tuấn xuất hiện trên tạp chí Hiện Ðại do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương biên tập, với bài viết đầu tiên đăng trên số ra mắt của báo này nhan đề là “Thư Paris.”

Câu đầu tiên của bài đầu tiên là mấy chữ ở đầu bài “Lá thư từ Paris” gửi tới. Lúc đọc những chữ này tôi đang ở một nơi rất sơ khai, trong một thị trấn đang được xây dựng, đường đất đỏ đúng nghĩa là đất đỏ: những con đường vừa khai thông, còn nguyên bụi đất, chưa từng được trải đá chứ chưa nói đến trải nhựa; thị trấn lui tới nhiều xe Jeep nhà binh, cả xe các cỡ vận tải lớn nhỏ lui tới, lúc nào bụi cũng bay mù, hoặc quánh bùn sau một cơn mưa… Sau mấy giờ dạy học, học trò lẫn lộn tuổi tác và dung mạo, giới tính, có những trẻ em gái người Rhadée quấn váy sọc ngang ngồi trong lớp với vài quân nhân còn mặc quân phục nhưng không đội mũ, như vừa ở trong đơn vị ra hay sẵn sàng trở lại nhiệm sở sau khi chỉ cần đội thêm một cái mũ binh chủng.

Một lần sau giờ dạy tôi tới sạp báo gần chợ đường Anna Trang Long, gần rạp xi-nê Lê Ðô và mua được tờ Hiện Ðại số 1. Bài “Thư Paris” với cái tên xa lạ Hoàng Anh Tuấn in trong tờ báo này. Vậy việc đầu tiên tôi biết là tác giả đang ở tại thủ đô nước Pháp.

Câu đâu tiên làm tôi khựng lại: “Mắt ôm lấy mắt.” Chưa bao giờ đọc văn chương Việt Nam – mà tôi đọc từ tuổi 12, 13, cho tới lúc ấy vừa hai mươi, mới thấy trong văn chương có câu văn lạ thế; thường chỉ thấy các nhà văn viết đến mấy chữ ôm riết, ôm chầm, ôm choàng, hay ôm eo là nhiều hơn cả, bây giờ mới thấy có tạp chí văn chương in ra câu văn “mắt ôm lấy mắt.” “Mắt ôm lấy mắt.” Tôi ngó lại cái tên ông nhà văn: Hoàng Anh Tuấn.

Ðọc xuống nửa trang xem sao. Chỉ vài câu thấy người này rất xa lạ với mình: “Màu xanh của bao thư nhẹ như một thoáng nghi ngờ… một cánh hoa vàng, hai cánh hoa vàng rụng xuống nếp váy khi ‘người ta’ thử bói một quẻ bằng cách bứt từng cánh hoa mà đếm: yêu, yêu sơ, yêu nhiều, yêu say mê, yêu như điên, không yêu gì cả… màu xanh của bao thư ve vuốt hương vị nghi hoặc đến nũng nịu của ‘anh chết với em’ tại sao không yêu gì cả, tuy thừa biết mình yêu ‘nó’ một cách khổ sở, day dứt.” (Hiện Ðại số 1, trang 59).

Một đoạn văn ngắn, quả là có khác những trang văn xuôi khác từng đọc. Lật lại mục lục xem tờ báo có những gì khác, lại thấy tên Hoàng Anh Tuấn còn đăng cũng cùng số báo một bài nữa, nhan đề Còn Lại ở trang 73. Ðó là một bài thơ dài in hết trọn hai trang báo. Nguyên Sa là dân Paris hồi hương Sài Gòn, người này hẳn phải là bạn ông chủ nhiệm mới có đến hai bài đăng trong cùng một số báo, một bài văn, một bài thơ. Hãy đọc bài thơ xem sao.

Còn Lại
Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót
E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu
Em tìm anh nước uốn nhịp ven cầu
Năm tháng cũ rợn tình xưa tỉnh thức
Em vẫn bé, anh vẫn còn ngây ngất
Màu áo hường còn gợn song âm thanh
Mắt thuyền qua, nên nón vẫn nghiêng vành
Chưa cuống quít nên guốc ròn gõ cửa
Anh mở vội cả nghìn lần hớn hở
Cho hồn nhiên mắc cỡ với hoài nghi
Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ.

Thơ Hoàng Anh Tuấn như thế, giàu tình tứ và nhẹ nhàng bày tỏ, âm điệu và chữ nghĩa, danh từ không có gì là tự do trong khi xung quanh giới cầm bút và giới đọc sách báo, đa số là sinh viên học sinh Sài Gòn và các tỉnh lỵ, bao trùm một không khí sang tạo, làm mới, và tự do thật sự thời đại. Nguyên Sa lúc ấy được chờ đợi như một nhà thơ “về từ Paris,” điều này không xảy ra ở Hoàng Anh Tuấn, dù anh cũng là một cây bút về từ Paris.

Hoàng Anh Tuấn là tên thật, sinh tại Hà Nội năm 1932, du học Pháp quốc nhiều năm cũng mới trở về Việt Nam dường như cùng đợt với Nguyên Sa, Trịnh Viết Thành (một nhà báo). Thơ văn anh phóng khoáng, con người sau này tôi gặp cho thấy rất cởi mở, hòa nhịp. Trong những năm sau đó anh tham gia sinh hoạt văn chương báo chí tại thủ đô miền Nam, không thấy khác lạ gì ngoài các ngành anh theo đuổi tương đối có nhiều hơn một số lớn ở chỗ anh từng học điện ảnh và muốn theo đuổi ngành phim ảnh. Hoàng Anh Tuấn từng tham dự hoặc là đạo diễn, hoặc là phân cảnh trong các phim Mưa Lạnh Hoàng Hôn, Ngàn Năm Mây Bay, hay chương trình kịch trên đài phát thanh Sài Gòn. Tâm hồn anh cởi mở ngay cả trong cách đặt tên cho các con của anh: Hoàng Ánh Thép (con trai), Hoàng Thu Thuyền, Hoàng Hôn Thắm, con gái.

Chính cái tên Hoàng Hôn Thắm ghi trên một căn nhà trại tại trại tỵ nạn Indiantowmn Gap ở Pennsylvania năm 1975 đã khiến chúng tôi những người ở trại V, gồm có Nghiêm Xuân Hồn, Thanh Nam và tôi, một sáng tinh sương khoảng Tháng Bảy 1975, đã rủ nhau từ 6 giờ sáng đi bộ từ Trại V qua khu Trại VI đi tìm Hoàng Anh Tuấn, chỉ vì nghe biết ở trại đó có một phụ nữ có cái tên lạ ghi trong danh sách dán trên bảng thông tin của khu trại. Quả là con gái người bạn, nhưng chúng tôi không được gặp.

Ngày 1 Tháng Chín năm 2005 Hoàng Anh Tuấn từ trần tại Mission de la Casa tại thành phố San Jose, California, sau hơn nửa năm phát giác muộn thi sĩ bị ung thư.

Mời độc giả xem chương trình “Santorini – Đảo thiên đàng của du lịch”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT