Thursday, March 28, 2024

‘Ý Thức Sáng Tác Thơ’ tác phẩm mới của Ngu Yên

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Ý Thức Sáng Tác Thơ” (1) của nhà thơ Ngu Yên, 600 trang, là một tập sách đa dạng: vừa biên khảo, nhận định, lý luận, vừa phân tích, sáng tác, dịch thuật, và lại vừa thử nghiệm về thơ; và đa dụng: giúp độc giả tìm hiểu thêm về thơ, về cách làm thơ, cách thưởng thức thơ và có thể cả… bối rối với (quá nhiều) cách làm thơ và những bài thơ mà tác giả giới thiệu.

Theo tôi, tập sách vừa công phu lại vừa là một nỗ lực rất lớn của tác giả: cố gắng đơn giản hóa và cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng bằng một lối viết khá trong sáng, rõ ràng, kèm theo dẫn chứng và ví dụ, để độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau có thể nắm bắt nội dung.

Mặt khác, nó lý thuyết mà không hoàn toàn là lý thuyết; nó thực hành dù chẳng phải dễ thực hành. Nhưng chắc chắn nó cung cấp cho người đọc rất nhiều điều. Trước hết là kiến thức nhiều mặt: thi ca, triết lý, ngôn ngữ… Và sau là kích thích sáng tác.

Trong lời đề từ, tác giả nhấn mạnh là cuốn sách không tìm cách trả lời cho cả người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn về cách làm thơ cho có giá trị và cách nhận biết một bài thơ hay.

Theo tác giả, “Cuốn sách này thành hình với mục đích minh bạch với bản thân về sáng tác thơ và những hệ lụy của nó.” Vì sao? Vì “Tôi làm thơ với cảm giác của người mặc cảm,” do đó, cách duy nhất thoát khỏi mơ hồ và mặc cảm, theo ông, là cứ “viết xuống.” (33) (2)

Để tránh mọi sự hiểu lầm, tác giả còn cẩn thận nói rõ, “Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang hướng dẫn các người khác làm thơ, đây là một suy nghĩ lầm lẫn. Tôi chỉ có ý định kể lại những tư duy và thử nghiệm trong hành trình tìm hiểu nghệ thuật sáng tác thơ.” (233)

Trong phần đầu, Ngu Yên đề cập đến bản tính và bản sắc của thơ. Nó cung cấp cho tôi, một kẻ làm thơ tơ-lơ-mơ, khá nhiều khái niệm thú vị. Chẳng hạn, Ngu Yên phân biệt giữa “làm mới thơ” và “làm thơ mới.”

“Làm mới thơ” là sáng tác hoàn toàn mới từ hình thức đến nội dung, từ cấu trúc đến cách diễn đạt, trong lúc “làm thơ mới” là sáng tác theo thi pháp mới. Từ đó, ông cho rằng “làm thơ cũ” khác với “làm cũ thơ.” Nếu “làm thơ cũ” là sáng tác theo kiểu cũ thì “làm cũ thơ” là cố sáng tác theo kiểu mới nhưng không thành công vì thiếu cẩn thận và thiếu học thuật.

Chẳng hạn, ông cho rằng “Nghệ thuật thơ là một sinh vật.” (38) Sinh vật đó “tự sinh, tự phát, tự lập;” nó “không thể nhốt trong chuồng” và “sản xuất ra nhiều con cái.” Và con cái lớn khôn theo “thực phẩm thơ” mà nhà thơ đã cung cấp và nuôi dưỡng.” (39)

Bàn về bản tính của bài thơ, ông cho rằng, thơ phải có ba thứ “tính:” tính truyện, tính trữ tình và tính thẩm mỹ. Cả ba đều phải hiện diện trong bài thơ, hòa hợp nhau. (41)

Ông đưa ra một ví von cụ thể: bài thơ đã hoàn tất là một căn phòng, trong đó ý tứ và ngôn ngữ đã được bày biện. Độc giả là khách, phải mở cửa và mở đèn lên. Mở cửa vào bài thơ không phải là bật đèn thường mà phải là đèn tụ (spot light). Vì ánh sáng là “cảm xúc soi sáng khung cảnh.” Trong ba bản tính của bài thơ, tính truyện và tính trữ tình dễ nhận thấy trong khi tính thẩm mỹ thì phức tạp hơn. “Truyện” và “trữ tình” phải cưu mang tính nghệ thuật. “Đẹp” trong nghệ thuật không chỉ có nghĩa là ngược lại với “xấu”, mà còn làm cho cảm xúc thăng hoa. “Đẹp” không chối bỏ “xấu” mà tuyển chọn “xấu” để làm đẹp.” (79)

Một đặc tính kỳ lạ của thơ là “chỉ sử dụng một số ít chữ” mà có thể diễn đạt được “những gì lớn lao và sâu sắc.” Bởi thế, theo Ngu Yên, “Sự kỳ diệu của ngôn ngữ chỉ có thể hiển lộng trong thi ca.” (82) Bài thơ có giá trị phải hội đủ hai yếu tố: cảm xúc mạnh và ý nghĩa thâm thúy. Trong thực tế, khi “thơ đến, chữ nghĩa tự động lũ lượt tuôn ra”, khó “kiểm soát chữ nào khô tình, chữ nào đa cảm.” (95) Do đó mà khi thơ làm xong cần phải được “tái xét và sửa chữa.”

Mặt khác, thơ phải có người người đọc thì mới hoàn tất. Bất cứ một tác phẩm, dù hay bao nhiêu, mà không có khả năng chia sẻ hoặc không được chia sẻ thì nó sẽ bị lãng quên. Điều đó đòi hỏi “trình độ hiểu biết và nhận thức tương đương một cách khả thể giữa người viết và người đọc.” (89)

Bàn về bản sắc thơ, Ngu Yên đề cập đến tính nghịch lý trong thơ, dẫn theo Cleanth Brooks, nhà phê bình văn chương thuộc trào lưu Tân Phê Bình (New Criticism), theo đó, ngôn ngữ thơ là “ngôn ngữ nghịch lý.” (150) Nghịch lý không phải là vô lý, nó vừa trái ngược với vô lý vừa trái ngược với hữu lý.

Nghịch lý là sự bộc phát tự nhiên, chủ yếu trong thơ. “Ngôn ngữ nghịch lý chuyên chở những ý tưởng bất hòa, đối lập được cố tình cài vào trong dàn trải để phục vụ tính nhất quán và giá trị toàn diện của bài thơ. Một bài thơ giá trị thường hé lộ ý nghĩa thông qua ngôn ngữ nghịch lý, đánh thức tâm trí người đọc ra khỏi nhịp sống bình thường.” (152)

Không những nghịch lý, thơ cũng còn là phi lý. Phi lý, theo ông, cao hơn nghịch lý, vì nó “hàm chứa nội dung đối đầu, phản kháng với hữu lý.” (154) “Những gì lý trí không thể chấp nhận, những gì nghịch lý với nhận thức.” (155) “Nhà thơ sử dụng nghệ thuật nghịch lý và phi lý như phương pháp đánh thức độc giả,” theo ông. (157)

Một trong những đặc điểm khác của bản sắc thơ là “khoảng trống.” Ông khẳng định, “Thơ cần khoảng trống.” Nếu ngôn ngữ là yếu tố chính thì khoảng trống cũng là những “thi liệu” bổ túc và tương ứng để xây dựng bài thơ (163). Tác giả phân biệt ba loại khoảng trống:

a) Khoảng trống văn phạm là các dấu phẩy, dấn chấm.

b) Khoảng trống trực quang (visual space) như trong thơ thị kiến (visual poem), trong đó ngôn ngữ không đóng vai trò chủ động, trái lại là các ký hiệu.

c) Quan trọng nhất là những “khoảng trống trừu tượng:” Đó là “những khoảng trống vô hình chen giữa những ý tưởng trong nội dung bài thơ.” (171) “Khoảng rống trừu tượng là một đặc tố làm cho thơ bí ẩn, cao kỳ, cùng một lúc, tạo nên mơ hồ, khó hiểu, nhưng là yếu tố giúp bài thơ phát triển.” (173)

Theo tôi, bàn về khoảng trống, Ngu Yên đã nêu lên được một đặc tính hết sức quan trọng trong việc làm thơ. Biết sử dụng khoảng trống, nhất là khoảng trống trừu tượng, đòi hỏi một trình độ làm thơ cao, theo tôi.

Khoảng trống trừu tượng chính là những khoảng trống về ý và tứ thơ, vừa để dung chứa những hàm ý vừa  để dành không gian cho người đọc tự mình “điền vào” cho đủ nghĩa nếu muốn hiểu trọn vẹn bài thơ. Nhưng lạm dụng khoảng trống sẽ đưa đến hiệu ứng ngược: tùy tiện tạo khoảng trống như xuống hàng, vắt dòng bừa bãi sẽ “chúng tỏ sở học và trình độ” kém, theo tác giả. (176)

Xin chia sẻ với độc giả một bài thơ hay của Trần Dạ Từ do Ngu Yên trích dẫn, “Khi Thấy Lại Sài Gòn.” (50)

“Nó ở đâu ra. Cái nhe rang
Nó ở đâu ra. Cái trợn mắt
Nó ở đâu ra. Cái gầm gừ
Nó ở đâu ra. Móng và vuốt 

Chúng ta đã gặp gỡ. Đã hẹn hò
Đã ôm ấp. Đã vuốt ve
Đâu thấy có nó
Chúng ta đã yêu thương. Đã giận dữ
Đâu thấy có nó
Chúng ta đã sụp đổ. Đã chia lìa
Đã nhắm mắt. Đã tưởng tượng
Đâu thấy có nó 

Nó ở đâu ra. Sao nó ra vậy
Cụp nó xuống. Dìm nó xuống
Bẻ nó. Chặt nó. Vứt bỏ nó
Khó à. Làm thế nào bây giờ
Từ từ. Cẩn thận
Anh hôn em”

Bài thơ lạ cả về ngôn ngữ, ý thơ, tứ thơ và nhịp thơ. Có rất nhiều khoảng trống và khoảng trống nào cũng đáng đồng tiền bát gạo. Ngu Yên lý giải một cách thú vị về bài thơ. Bài thơ có “tính truyện.”

“Những chi tiết trình bày sự khác biệt giữa nó trong quá khứ và bây giờ, chẳng những thú vị mà còn kích động tâm tình của những ai đã từng có kinh nghiệm với Sài Gòn thuở trước và ngày sau. ‘Nó là Sài Gòn sau. Em là Sài Gòn trước.’ ‘Sự ngạc nhiên kéo dài suốt bài thơ, để nhất quán khi ‘nó’ biến thành ‘em.’” (51)

Tính truyện biến thành tính “thẩm mỹ” và tính “trữ tình” như ông đã nói khi bàn về bản tính của bài thơ đề cập ở trên. (Trần Doãn Nho)

—–

Ghi chú:

(1) “Ý Thức Sáng Tác Thơ,” Ngu Yên biên soạn, “Insperative Esquisse Press” xuất bản, phát hành Tháng Chín, 2019. Liên lạc: [email protected] hay Phung Dang, 5202 Contour Pl., Houston, Texas 77096.

(2) Những con số để trong ngoặc đơn là để chỉ số trang.

MỚI CẬP NHẬT